Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 3. Tìm và gặp Thiên Chúa
SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 3. TÌM VÀ GẶP THIÊN CHÚA
Một khẳng định đem đến sự ngạc nhiên cho nhiều người: “Hội Thánh dạy rằng chúng ta có thể nhận biết cách chắc chắn sự hiện hữu của Thiên Chúa nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí con người” (GLHTCG số 36). Lý trí của chúng ta có thể dẫn chúng ta tới sự nhận biết chắc chắn rằng Thiên Chúa hiện hữu. Nói cách khác, không qua mạc khải, chúng ta có thể biết “có Thiên Chúa” dựa vào khả năng của tri thức tự nhiên. Lời khẳng định này của Hội Thánh diễn tả sự tin tưởng rất lớn vào con người. Hội Thánh vẫn luôn bảo vệ phẩm giá và khả năng của lý trí mà Thiên Chúa ban cho con người.
Trí tuệ của con người là một phép lạ vĩ đại! Làm sao không thể ngỡ ngàng khi một điều gì đó bỗng bất ngờ trở nên rõ ràng đối với chúng ta. Như Isaac Newton (1642-1727) khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn từ việc quan sát và ghi nhận trái táo rơi; như Archimedes (287-212 trước công nguyên) từ trong bồn tắm ngỡ ngàng la lên “Tìm ra rồi!” khởi đầu cho một khám phá quan trọng là ‘lực đẩy của nước’. Nhà bác học Einstein có một nhận xét đáng lưu ý: “Điều ngỡ ngàng không phải là chúng ta nhận biết thế giới bao la, nhưng điều ngỡ ngàng là chúng ta có khả năng để nhận biết nó”. Sự ngỡ ngàng như đứa bé với nhiều câu hỏi “tại sao” về một điều gì đó cho đến khi nó thỏa mãn. Xét về căn bản, một người trưởng thành cũng không có gì khác trong cuộc hành trình tìm kiếm. Nhưng điều còn ngỡ ngàng hơn nữa là chính sự kiện: chúng ta có khả năng nắm bắt thực tại, có thể thấu hiểu cơ cấu của vũ trụ và năng lực của các nguyên tố tạo thành, không phải trên cái nền hỗn mang, nhưng là trên những hình thái trật tự luôn mới mẻ lạ lùng (số 283). Nhà nghiên cứu càng đi sâu vào trong những lãnh vực khác nhau của thực tại lại càng ngỡ ngàng về trật tự tạo dựng (số 299).
Chúng ta có thể nhận biết trật tự này bởi vì nó hiện hữu. Thế giới này không phải là một sự hỗn loạn mù lòa, nhưng là một vũ trụ, đó là một thực tại hài hòa, trật tự và xinh đẹp (số 32). Điều ngỡ ngàng là chúng ta không còn biết ngỡ ngàng nữa! Phải chăng chỉ là chuyện ngẫu nhiên khi vũ trụ bao la này lại chứa hành tinh nhỏ bé của chúng ta, đó là trái đất, và hành tinh này lại có những điều kiện thuận lợi để sự sống có thể hình thành ở đó? Và còn ngỡ ngàng hơn nữa khi chúng ta là những con người hiện hữu trên hành tinh này lại có khả năng nhận biết tất cả những điều đó và lấy làm ngạc nhiên? Bất cứ ai biết ngỡ ngàng trước những điều lạ lùng trong vũ trụ đều phải thốt lên như tác giả thánh vịnh: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu” (Tv 8,10).
Các triết gia đã định nghĩa: Bỡ ngỡ là khởi nguồn cho triết học. Thánh Kinh đi xa hơn khi nói rằng: Kính sợ Thiên Chúa là nguồn gốc của khôn ngoan và “chỉ có kẻ ngu si tự nhủ: không có Thiên Chúa” (Tv 14,1). Thánh Tôma Aquinô diễn giải: Thiên Chúa là thực tại đáng nhận biết nhất bởi vì không có gì rõ ràng, rực rỡ và chân thật hơn chính Thiên Chúa. Do đó, không có sự nhận biết nào thỏa mãn nỗi khao khát của chúng ta cho bằng được nhận biết Thiên Chúa (số 1718). Thấy và nhận biết Thiên Chúa chính là hạnh phúc trọn vẹn: thiên đàng (số 1024).
Nhưng tại sao sự nhận biết Thiên Chúa nơi chúng ta thường xuyên bị che mờ và vẩn đục như thể Thiên Chúa là một ý tưởng không có thật? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Lý trí của chúng ta vốn yếu kém, chúng ta mải bận tâm với những gì trực tiếp trước mắt chúng ta, chúng ta bám víu vào bề mặt để nhận thức về sự vật. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất là chúng ta bị què quặt bởi sự “hôn mê tri thức” đến từ tội nguyên tổ, khiến chúng ta lẩn tránh những nỗ lực và hy sinh liên quan đến việc tìm kiếm chân lý (số 37). Để nhận biết Thiên chúa, chúng ta phải tìm Ngài, điều này đòi hỏi một ý chí với tất cả sức mạnh của chúng ta (như Giacóp trong cuộc vật lộn với Thiên Chúa – St 32) nhưng điều này lại thiếu nơi chúng ta. Chắc chắn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta lý trí và ý chí để nhờ đó chúng ta tìm kiếm và gặp được Thiên Chúa. Nhưng về phần chúng ta, chúng ta vẫn còn “ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1,79). Vì thế, chính Thiên Chúa cung cấp cho ta một phương thế mới hoàn toàn: qua mạc khải của Thiên Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Tại sao người Công giáo cúi đầu mỗi khi nghe Danh thánh Chúa Giêsu
-
Những ngày cuối cùng của Năm Đức Tin -
Những cái lắc tay dễ thương – Cảm nhận sau khi tham dự buổi Cử hành Năm Đức Tin của anh chị em khiếm thị và khiếm thính -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 48. Trân trọng sự sống -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 47. Hôm nay và mãi mãi -
Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 46. Bí tích Hôn phối -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 45. Thừa tác vụ linh mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 44. Thừa tác vụ giám mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 43. Bí tích Truyền chức thánh -
Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 42. Bí tích Xức dầu bệnh nhân
bài liên quan đọc nhiều
- Tại sao người Công giáo cúi đầu mỗi khi nghe Danh thánh Chúa Giêsu
-
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 25. Thiên Chúa thật và người thật -
Giáo lý Thánh Kinh: Bài 7 - Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 31. Thánh lễ là hy tế -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 27. Ân sủng của bí tích Thêm sức -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 40. Ăn năn tội và xưng tội -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 28. Bí tích của các bí tích -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 45. Thừa tác vụ linh mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 17. Xác và Hồn -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 24. Ân sủng của bí tích Rửa tội