Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 27. Chúa Giêsu và dân Israel

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 27. Chúa Giêsu và dân Israel

TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN


Bài 27. CHÚA GIÊSU VÀ DÂN ISRAEL

Sau đây là một đoạn trong Sách Giáo Lý: “Chúng tôi tin và chúng tôi tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Nadarét, một người Do Thái sinh bởi một phụ nữ Israel tại Bêlem dưới thời vua Hêrôđê Cả và hoàng đế Cêsarê Augustô I, vốn làm nghề thợ mộc, đã chịu chết trên thập giá tại Giêrusalem, thời tổng trấn Phongxiô Philatô dưới triều hoàng đế Tibêriô, Chúa Giêsu ấy là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đã làm người” (số 423).

Chúa Giêsu là người Do Thái – Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa: cả hai mệnh đề gắn bó với nhau, không thể tách lìa. Sách Giáo Lý nhấn mạnh đặc biệt mối liên hệ này. Vì Chúa Giêsu là người Do Thái cho nên cần quan tâm đến “mầu nhiệm tình yêu” mà Thiên Chúa dành cho dân tộc này trong lịch sử.

Hãy bắt đầu từ việc Thiên Chúa tuyển chọn dân Isarel. Sự tuyển chọn này được khởi đi từ việc kêu gọi Abraham, qua ông, mọi dân tộc trên mặt đất được chúc phúc (số 59). Từ những hậu duệ của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa đã hình thành dân Israel. Trên núi Sinai, Thiên Chúa mạc khải thánh ý Ngài cho họ và chỉ cho họ con đường đúng phải đi (số 62-64). Giao ước giữa Thiên Chúa và Israel “sẽ không bao giờ bị thu hồi” (số 121). Chúa Giêsu không đến để phá hủy nhưng để làm cho trọn (số 577).

“Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi thì Ngài không hề đổi ý” (Rom 11,29). Thế nhưng người ta có thể đặt câu hỏi: Phải chăng Đức Kitô đã chẳng nhiều lần phê phán và làm ngược lại lề luật của Do Thái sao? Sách Giáo Lý cố gắng đưa ra câu trả lời rõ ràng cho những vấn nạn này (xem số 571 – 598).

Đức Kitô sinh ra “dưới Lề luật” (Gal 4,4). Người đã sống theo luật Môsê và yêu mến Đền Thờ (như là nhà của Cha Người). Dĩ nhiên những người Do Thái tôn kính Lề Luật đã cảm thấy xúc phạm trước cách giải thích của Chúa Giêsu về ý nghĩa đích thực của Lề luật (số 581). Tuy nhiên, đối với họ, nguyên cớ gây xúc phạm nhất chính là vì Chúa Giêsu cho rằng Người có quyền tha tội (số 587): “Ai có thể tha tội ngoại trừ một mình Thiên Chúa? (Mc 2,7)? Chúa Giêsu cũng bị coi là nói phạm thượng khi Người xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa (số 589).

Chắc chắn không phải mọi người Do Thái thời bấy giờ đều ruồng bỏ Chúa Giêsu (số 595). Một phần trong giới cầm quyền lúc bấy giờ đã tố cáo Chúa Giêsu là phạm thượng, họ kết án Người trong một vụ xử án có nhiều điều không hợp luật, rồi họ trao Người cho quân Rôma hành quyết. Thế nhưng, rõ ràng là không phải mọi người Do Thái đều phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định rất mạnh mẽ: “Không thể quy trách nhiệm một cách không phân biệt về những tội ác người ta đã phạm trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho người Do Thái thời nay” (số 597).

Cái chết của Chúa Giêsu “thuộc về mầu nhiệm của kế hoạch Thiên Chúa” (số 599), và đằng sau cái chết của Chúa, không chỉ là tội lỗi cá nhân của những kẻ thù nghịch, nhưng còn là tội lỗi của tất cả chúng ta: “Mọi tội nhân đều là tác giả của những cực hình mà Đức Kitô đã phải chịu” (số 598). Tất cả chúng ta đã đóng đinh Người vì tội lỗi của chúng ta: “Ma quỷ cũng không đóng đinh Người vào thập giá, nhưng chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Người, và bạn còn tiếp tục đóng đinh Người bằng cách hưởng lạc thú trong những nết xấu và tội lỗi” (Thánh Phanxicô Assisi).

ĐHY Christoph Schönborn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top