Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 51. Đừng tham lam

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 51. Đừng tham lam

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ


Bài 51. ĐỪNG THAM LAM


Hai điều răn cuối trong Thập Điều “Chớ muốn vợ chồng người”và “Chớ tham của người” không liên quan đến những hành động xấu hoặc những gì còn thiếu sót trong điều răn thứ sáu và thứ bảy. Đúng hơn, hai điều răn này muốn quan tâm đến thái độ nội tâm của con người, từ đó phát xuất những hành động xấu xa: “Vì từ lòng người phát sinh những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, dâm ô, trộm cắp, làm chứng gian, ngạo mạn” (Mt 15,19). Do đó, hai điều răn cuối cùng này có liên quan đặc biệt với điều răn thứ nhất, kêu gọi chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Bởi lẽ một con tim đã tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa sẽ trổ sinh hoa trái, mọi ước muốn nơi người đó đều quy hướng về thánh ý Thiên Chúa.

Điều răn thứ chín và thứ mười cũng đặc biệt gần gũi với Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu, là bài giảng nhắm đến trạng thái sâu xa nhất của tâm hồn, từ đó dẫn lối cho tội lỗi trước khi trở thành hành động cụ thể: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28).

“Ham muốn” (concupiscentia, thường được dịch là dục vọng), tự nó, là điều tốt. Cùng với những năng lực tinh thần (hiểu biết và ý chí), ham muốn là thành phần trong cấu trúc cơ bản nơi con người. Theo triết học kinh điển, nơi con người có hai năng lực cơ bản là tình cảm và đam mê. Cả hai đều cần thiết để có một đời sống tốt lành, có trật tự về mặt luân lý. Thế nhưng do ảnh hưởng của tội nguyên tố, những năng lực này đã bị lệch hướng; chúng chống lại những năng lực thiêng liêng, tinh thần, và phải có nhiều nỗ lực lâu dài mới có thể điều hướng chúng vào mục đích chân chính của đời sống làm người, thay vì để chúng trở thành sức mạnh hủy diệt và tàn phá.

Thánh Phaolô thường nói đến cuộc chiến đấu này và ngài mô tả như cuộc nổi loạn của “xác thịt” chống lại “thần khí” (GLHTCG số 2515). “Hãy bước theo Thần Khí và đừng thoả mãn những ham muốn của xác thịt. Vì ham muốn của xác thịt thì chống lại Thần Khí, và ham muốn của Thần Khí chống lại xác thịt; hai bên chống đối nhau, ngăn cản anh em làm những điều nên làm” (Gal 5,16-17). Khi đó, ham muốn trở thành những ước muốn vô trật tự; “con người cũ”, do ảnh hưởng vì tội lỗi và những hậu quả của nó, chống lại sự sống mới mà Thần Khí muốn phát huy nơi chúng ta.

Cuộc chiến đấu thiêng liêng là thành phần trong đời sống hằng ngày của chúng ta (số 2516). Dĩ nhiên, chúng ta mong muốn “những hoa trái của Thần Khí”: “yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, tử tế, tốt lành, trung tín, nhã nhặn, tự chủ” (Gal 5,22-23). Những hoa trái này phát xuất từ trái tim thanh khiết (số 2517). Ở sâu thẳm tâm hồn, có thể nói rằng không ai lại không mong muốn những hoa trái đó, kể cả khi bị “những việc làm của xác thịt” đè nặng (Gal 5,19). Điều răn thứ chín là lời mời gọi tìm kiếm và cố gắng vươn tới niềm vui của “tâm hồn thanh khiết” (Mt 5,8). “Ngay từ bây giờ, trái tim thanh khiết giúp chúng ta biết nhìn mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa; biết đón nhận tha nhân như người lân cận; biết nhận ra thân thể con người, của mình và của người, như đền thờ của Chúa Thánh Thần, như sự biểu lộ vẻ đẹp thần linh” (số 2519).


 
ĐHY Christoph Schönborn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top