Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 37. Gia đình

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 37. Gia đình

“Điều răn thứ tư cũng truyền dạy chúng ta phải tôn trọng tất cả những ai đã đón nhận từ Thiên Chúa một quyền bính trong xã hội để mưu ích cho chúng ta” (GLHTCG số 2234). Đây là điều ngày nay ít nghe nói tới. Đã có một thời việc kính trọng những người có quyền bính xã hội được cho là lẽ đương nhiên, thế nhưng thái độ này đã thay đổi rất nhanh, một phần do cuộc “cách mạng văn hoá” ở thập niên 1960, phần khác là do sự lạm dụng quyền bính quá nhiều trong các chế độ độc tài. Sự kính trọng những người có quyền bính bị phê phán là “thái độ nô lệ”, còn “quyền bính” nói chung bị nghi ngờ và nhiều khi muốn dẹp bỏ.

Những phê phán trên cũng có phần giá trị, tuy nhiên nó cũng phá hủy nhiều điều tốt và đúng. Ngày nay người ta khám phá ra rằng những điều bị cho là “đức tính tiểu tư sản” lại là những gì cần thiết trong đời sống xã hội. Chỉ khi những đức tính này bị mất đi, chỉ khi quá nhiều người có quyền bính trong xã hội rơi vào tình trạng tham nhũng, ham mê quyền lực, chỉ tìm tư lợi, hành xử độc đoán… chúng ta mới thấy cần thiết và đáng quý biết bao cho một đất nước nếu có được những viên chức lương thiện, cần mẫn, nhiệt tình phục vụ, ngay thẳng, trong sạch, trung thành.

Về phía người dân, “Bổn phận của các công dân là cộng tác với chính quyền dân sự để mưu ích cho xã hội trong tinh thần tôn trọng chân lý, công bằng, tình liên đới và sự tự do” (số 2239). Cả hai, người cầm quyền cũng như dân thường, đều phải ý thức rằng họ có bổn phận chung là hướng đến điều gì đó lớn lao hơn, tức là công ích (số 1905). Đây không phải là cái gì trừu tượng nhưng là bổn phận cụ thể. Tình yêu tổ quốc đòi hỏi chúng ta những nỗ lực cụ thể để bảo vệ hoà bình, công lý, và phát triển những tương quan nhân sinh. Chính vì vậy, chúng ta mang món nợ biết ơn những người đã sống và hy sinh cho công ích (số 2239).

Khi chính trị bị coi là chuyện “dơ bẩn” và làm chính trị bị nhìn như việc xấu xa, thì khi đó, công ích bị đe doạ. Chính vì thế người Kitô hữu có bổn phận phải cầu nguyện cho những người cầm quyền, “để chúng ta được an cư lạc nghiệp, sống đạo đức và nghiêm chỉnh” (1Tim 2,2).

Thế nhưng, sự vâng phục cũng có những giới hạn của nó. Khi công quyền ra lệnh cho người dân làm những điều bất công, vô luân, hoặc đi ngược phẩm giá con người, thì chúng ta bị buộc theo lương tâm, phải từ chối vâng phục: “Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp các công dân, thì chính các công dân đừng từ chối những gì công ích đòi hỏi cách khách quan. Họ được phép bảo vệ các quyền lợi của mình và của đồng bào mình, chống lại sự lạm dụng của quyền bính này, với sự trân trọng các giới hạn mà Luật tự nhiên và Luật Tin Mừng đã vạch ra” (số 2242).

Đòi hỏi này được áp dụng trong quan hệ con cái với cha mẹ cũng như người dân với chính quyền: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng phục người ta” (Cv 5,29). Điều này có nghĩa là chống lại khuynh hướng của chính quyền muốn biến Nhà nước thành quyền lực tuyệt đối; là can thiệp để bảo vệ sự sống của những người dân yếu thế trước sự đàn áp của công quyền; là tranh đấu cho quyền cư trú của người nước ngoài bị đàn áp. Như thế, qua sự liên đới và cộng tác, chúng ta nhắc nhở chính quyền về bổn phận đối với những thành phần yếu thế trong cộng đồng xã hội.

(Nguồn: WHĐ)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top