Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 52. Khát vọng của tâm hồn
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 52. KHÁT VỌNG CỦA TÂM HỒN
Những bài suy niệm suốt những tuần qua đều tập trung vào những nẻo đường của luân lý Kitô giáo, và hôm nay là bài cuối cùng, bàn đến điều răn thứ mười.
Những nẻo đường đó từ đâu đến và dẫn đi đâu, chúng ta đã biết ngay từ câu đầu tiên trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Thiên Chúa, tự bản thể là Đấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc” (số 1). Mọi công trình của Thiên Chúa không có mục đích nào khác hơn là để tạo thành được chia sẻ sự sống hạnh phúc của Ngài (số 1; 257). Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa (số 355), con người được kêu gọi hãy dùng tự do của mình mà quyết định bước đi trên con đường dẫn đến sự sống và khước từ con đường dẫn đến diệt vong (số 1696; 1730).
Mười Điều Răn là những bảng chỉ đường tới sự sống hạnh phúc. Cho dù hầu hết những điều răn được ban bố dưới hình thức những luật cấm, nhưng mục đích chính là để chỉ đường về sự sống, và vì thế nên mới cảnh giác chúng ta về những con đường đưa đến tàn lụi. Sự chọn lựa đường nào để đi là chọn lựa diễn ra trong tâm hồn con người: “Kho tàng các ngươi ở đâu, lòng các ngươi ở đó” (Mt 6,21). Vậy, kho tàng của chúng ta ở đâu? Điều gì là quý giá nhất đối với chúng ta? Con tim chúng ta khao khát điều gì?
“Điều răn thứ mười nhắm đến ý hướng của trái tim. Cùng với điều răn thứ chín, điều răn thứ mười tóm kết tất cả các điều răn của Lề luật” (số 2534). Những điều răn này kêu gọi chúng ta chiến đấu chống lại tính vô trật tự trong những ham muốn tự nhiên, và mở lòng ra với những khao khát sâu thẳm của tâm hồn.
Tham lam và ganh tị là những hình thái chính của sự ham muốn không đúng đắn. Tham lam là “ước muốn sở hữu của cải trần thế cách vô chừng mực” (số 2536). Ganh tị chỉ “sự buồn bực khi thấy kẻ khác có của cải, và sự ước ao vô độ muốn lấy của cải đó làm của mình, thậm chí bằng cách bất chính” (số 2539).
Làm thế nào để chống lại những ham muốn đang gây tổn hại cho linh hồn? Trong Tám Mối Phúc, Chúa Giêsu chỉ ra con đường đầu tiên: “Phúc thay những ai có tinh thần nghèo khó” (Mt 5,3). Khi chúng ta không xây dựng đời mình dựa trên sức mạnh, của cải, tài năng riêng mình nữa; khi chúng ta khám phá ra sự khó nghèo của thụ tạo trước nhan Thiên Chúa, thì của cải và quyền lực không còn sức thu hút của nó nữa. Chúng ta không còn trông mong được an ủi và hạnh phúc nhờ nó nữa. Chúng ta trở nên những người sống “tinh thần nghèo khó” khi biết cậy dựa vào sự quan phòng của Cha trên trời. Sự phó thác đó cũng giải thoát chúng ta khỏi những âu lo về ngày mai (số 2547).
Sẽ không thể có sự siêu thoát đó nếu không chấp nhận chia sẻ thập giá của Đức Kitô, cũng như chấp nhận những lao nhọc khi sống theo Thần Khí, nhờ đó “con người mới” được sinh ra: “Để sở hữu và chiêm ngắm Thiên Chúa, các Kitô hữu phải chế ngự các ham muốn của mình, và nhờ ân sủng Thiên Chúa, vượt thắng được các quyến rũ của thú vui và quyền lực” (số 2549).
Phúc thay những tâm hồn biết nhường bước cho những “thúc đẩy của Thần Khí”. Chính Ngài sẽ dẫn chúng ta đến miền đất trường sinh, trong sự hiệp thông hồng phúc với Thiên Chúa Ba Ngôi.
ĐHY Christoph Schönborn
bài liên quan mới nhất
- Thiên Chúa không thể không Ba Ngôi
-
Chín biểu tượng Giáo hội dùng để chỉ Chúa Thánh Thần -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác, phần cuối - Tình yêu và sự phong nhiêu -
ĐTC Phanxicô bày tỏ lo ngại về Con đường Công nghị của Công giáo Đức -
Viết cho bạn – người giáo lý viên! -
Làm thế nào để tìm thấy Chúa trong thế giới hiện tại -
Các điều kiện để lãnh nhận ân xá -
ĐHY Koch chính thức trả lời các khiếu nại của lãnh đạo Do Thái về bài giáo lý của ĐTC -
Hội nghị về Thần học phủ định: Thiên Chúa, Đấng tâm trí không thể nhận thức được, Đấng nói với con tim -
Làm chứng gian: Vạch trần lịch sử chống Công giáo trong nhiều thế kỷ
bài liên quan đọc nhiều
- Khái quát giáo huấn của Hội Thánh về Ba Ngôi Thiên Chúa
-
Các điều kiện để lãnh nhận ân xá -
Những ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân? -
Chín biểu tượng Giáo hội dùng để chỉ Chúa Thánh Thần -
Chân dung Satan -
Làm chứng gian: Vạch trần lịch sử chống Công giáo trong nhiều thế kỷ -
Suy tư về Mầu nhiệm Nhập thể theo lược đồ thần học của Chalcédoine -
Làm thế nào để tìm thấy Chúa trong thế giới hiện tại -
Việc đổi mới số 2267 trong sách Giáo lý Giáo hội Công giáo về án tử hình -
Thánh Thể trong Thần Học và Linh Đạo của Thánh Phaolô