Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 14. Đức tin

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 14. Đức tin

Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

Bài 14. ĐỨC TIN

Đức tin là cửa ngõ dẫn vào sự sống thần linh. “Không có đức tin, không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11,6), vì đức tin kết hợp linh hồn với Thiên Chúa, tạo tình thông hiệp với Ngài. Người tin là người “chạm đến” Thiên Chúa. Vì chúng ta không thể sống và đạt đến sự sống đời đời mà không có Chúa, nên đức tin cần thiết để được cứu độ, nghĩa là được sống (x. Mt 16,16).

Thế nhưng đức tin là gì? Phải chăng đức tin ở mức độ kém hơn so với sự hiểu biết? Phải chăng đức tin chỉ là một ý kiến chứ không phải là sự hiểu biết chắc chắn? Con người ngày nay sống trong một thế giới nặng tính kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự hiểu biết rõ ràng, cho nên rất khó chấp nhận đức tin vì nó không rõ ràng. Tuy nhiên nhà thần học Joseph Ratzinger (sau này là Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI) đã chứng minh rằng chính thế giới kỹ thuật cao này lại đòi hỏi niềm tin nhiều hơn. Bạn có nắm chắc những tính toán chính xác của tòa nhà cao ốc bạn đang làm việc không? Bạn có nắm chắc vận hành của thang máy đang dùng không? Bạn có hiểu rõ những thứ thuốc bác sĩ kê ra trong toa thuốc không? Hóa ra chúng ta thường xuyên cậy dựa vào những kỹ năng và hiểu biết của những người khác, những người hiểu rõ vấn đề trong lĩnh vực chuyên môn, và chúng ta tín nhiệm, tin tưởng nơi họ. Một xã hội không có sự tin tưởng nhau thì không thể sống nổi. Niềm tin “tự nhiên” là cách diễn tả sự tin tưởng lẫn nhau mà nếu không có, chúng ta không thể sống chung, không thể hòa với thế giới được.

Đức tin siêu nhiên là sự chắc chắn, có nền tảng vững vàng, thường xuyên được kiên cường bằng những kinh nghiệm của chính chúng ta và của người khác: chúng ta có thể hoàn toàn và tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa. Nếu trong đời sống thường ngày, chúng ta không ngừng tin tưởng vào những kỹ năng và hiểu biết của người khác (các chuyên viên), thì lại càng có lý hơn khi tin tưởng và cậy dựa vào Đấng toàn năng và toàn tri, Đấng tạo dựng trời và đất, Đấng nắm giữ mọi sự trong tay Ngài. “Nhờ đức tin, con người tự hiến toàn thân cho Thiên Chúa” (GLHTCG số 1814); “Bằng đức tin, con người đem trí khôn và ý chí của mình quy phục Thiên Chúa cách trọn vẹn” (số 143). Đây không phải là sự vâng phục mù quáng, nhưng đúng hơn, là sự tín nhiệm đầy yêu thương nơi Đấng đáng tin hơn bất cứ thụ tạo nào.

Tự sức mình, chúng ta không thể có được sự quy phục mặc khải và thánh ý Thiên Chúa. “Đức tin là một hồng ân…”, ân sủng Thiên Chúa ban cách tự do (số 153). Dù vậy, hồng ân này cần được chăm sóc. Đức tin có thể phát triển mà cũng có thể lụi tàn, tùy vào việc chúng ta có “giữ đức tin” hay không (số 1816) hay là đánh mất (số 162). Để đức tin mạnh mẽ, cần có hành động (số 1815), nghĩa là một đời sống bằng đức tin và làm chứng cho đức tin (số 1816).

Đức tin không đồng nghĩa với “kinh nghiệm”. Nhiều vị thánh đã làm chứng rằng các ngài phải trải qua “đêm tăm tối của đức tin” (số 165), trong đó, cảm nghiệm và cảm xúc hầu như hoàn toàn vắng bóng, chỉ còn sự tín thác đầy yêu thương. Nhưng chính trong những giờ phút tăm tối đó mà đức tin chiếu sáng, bởi lẽ sự vững vàng của đức tin phát xuất từ sự trung tín của Thiên Chúa.

ĐHY Christoph Schönborn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top