Thứ Sáu tuần 1 Thường niên năm II - Phó thác (Mc 2,1-12)
Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt:
“Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5)
BÀI ÐỌC I: (Năm II) 1 Sm 8,4-7.10-22a
“Các ngươi sẽ ca thán vì nhà vua, nhưng Chúa sẽ không nhậm lời các ngươi, vì các ngươi đã xin ban cho các ngươi một nhà vua”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, tất cả các kỳ lão Israel tập họp lại và đến cùng Samuel ở Ramtha, và nói với người rằng: “Nay ông đã già rồi và con cái ông không đi trong đường lối của ông; vậy ông hãy đặt lên cho chúng tôi một nhà vua, để xét xử chúng tôi, như tất cả các dân tộc khác”.
Lời ấy làm cho Samuel phật lòng, vì họ đã nói: “Ông hãy cho chúng tôi một nhà vua, để xét xử chúng tôi”. Samuel cầu nguyện cùng Chúa. Và Chúa phán cùng ông rằng: “Ngươi cứ nghe theo dân trong những gì họ sẽ nói với ngươi, vì không phải họ khinh bỉ ngươi, mà là khinh bỉ Ta, để Ta không còn cai trị họ nữa”.
Vậy Samuel đã nói tất cả những lời Chúa cho dân nghe khi họ xin một nhà vua. Người nói: “Ðây là quyền bính của vua sẽ cai trị các ngươi: Ông sẽ bắt con trai các ngươi xung vào đoàn chiến xa và đoàn kỵ binh, và họ sẽ chạy trước xa giá của ông. Ông cắt đặt người thì chỉ huy một ngàn, người thì chỉ huy năm mươi binh lính, kẻ thì cày ruộng gặt lúa, người thì chế tạo quân cụ và chiến xa. Còn con gái các ngươi, ông sẽ bắt làm thợ sản xuất dầu thơm, nấu ăn và làm bánh. Còn đồng ruộng các ngươi, vườn nho, vườn ô liu tốt nhất của các ngươi, ông sẽ tịch thu và ban cho các đầy tớ của ông. Ông sẽ đánh thuế một phần mười vào mùa màng và vườn nho các ngươi, để nuôi các vị thái giám và đầy tớ của ông. Ông sẽ bắt tôi tớ trai gái, các thanh niên cường tráng và cả lừa của các ngươi mà xung vào công việc của ông. Ông sẽ đánh thuế một phần mười vào đoàn vật của các ngươi, và chính các ngươi sẽ trở thành nô lệ của ông. Trong ngày đó, các ngươi sẽ ca thán vì nhà vua mà các ngươi tuyển chọn, nhưng Chúa sẽ không nhậm lời các ngươi, vì các ngươi đã xin ban cho các ngươi một nhà vua!”
Nhưng dân không muốn nghe lời Samuel, và nói với người rằng: “Không, chúng tôi phải có vua, chúng tôi phải giống như mọi dân tộc khác; nhà vua sẽ xét xử chúng tôi, sẽ đi trước chúng tôi, và sẽ đánh giặc cho chúng tôi”. Samuel nghe tất cả những lời dân nói, và thưa lại cùng Chúa. Nhưng Chúa nói cùng Samuel rằng: “Ngươi cứ nghe họ và thiết lập cho họ một nhà vua”.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 88, 16-17. 18-19
Ðáp: Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời
Xướng: Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài.
Xướng: Vì Chúa là vinh quang, quyền năng của họ, nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Ðấng Thánh của Israel.
Tin mừng: Mc 2, 1-12
1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, 2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.
3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.”
6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: 7 “Sao ông này lại dám nói như vậy ? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa ?” 8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy ?
9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ' Con đã được tha tội rồi ', hai là bảo: ' Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi ', điều nào dễ hơn ? 10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,- 11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”
12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Niềm tin là thái độ căn bản của cuộc sống người Kitô hữu, và hồng ân cứu độ tùy thuộc vào mỗi người có đặt hết niềm tin nơi Chúa hay từ chối đón nhận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nền văn minh kỹ thuật ngày càng tiến bộ, nhất là về lĩnh vực âm thanh và hình ảnh, con người hầu như thích cảm nhận những gì mắt thấy tai nghe. Vì thế, người ta lao vào lối sống hưởng thụ thực dụng, còn niềm tin là chuyện khó hiểu xa vời.
Nhiều lúc con cũng vậy, cứ mỗi lần đến dịp lễ trọng, nhà thờ trang hoàng rực rỡ, tâm hồn con lại cảm thấy sốt sắng, phấn khởi, tưởng như niềm tin và lòng trông cậy đã đặt trọn vẹn trong tay Chúa. Nhưng Chúa ơi, rồi dịp lễ qua đi, còn lại là chuỗi ngày sống bình thường, hằng ngày phải bon chen, phải vật lộn vất vả. Giữa những khổ đau, bên cạnh những bệnh tật và hoàn cảnh sống, con như mất niềm tin, tâm hồn chao đảo, chán nản và thất vọng. Đôi lúc con cũng tỏ thái độ như những kinh sư: không tin vào quyền năng Chúa. Tuy không dám công khai phủ nhận, nhưng con âm thầm buông xuôi cho trần gian lôi cuốn, đến nỗi không còn nhận ra lòng thương xót và quyền năng của Chúa.
Lạy Chúa, chính niềm tin mãnh liệt đã soi sáng trí khôn, giúp người ta có sáng kiến mang người bất toại đến với Chúa bằng cách bất thường từ trên mái nhà xuống. Ước gì với niềm tin, không có gì ngăn cản được con đến với Chúa, dù trong hoàn cảnh đen tối nhất.
Lạy Chúa, trước lòng tin của những người đưa kẻ bại liệt đến với Chúa, con nhận ra niềm tin mình thật nông cạn. Xin ban cho con một niềm tin đích thực, để cho dù con có bị bại liệt về vật chất, thể xác, thì niềm xác tín và lòng cậy trông vào Chúa vẫn không thay đổi. Amen.
Ghi nhớ: “Con Người có quyền tha tội dưới đất”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Văn thể của đoạn này là "câu nói trong khung", nghĩa là tác giả tuy kể một câu chuyện nhưng chuyện đó chỉ là một cái khung để làm nổi bật một câu nói của Chúa Giêsu. Câu nói quan trọng đó là c.5 "Tội của con đã được tha". Chính câu nói này và cuộc tranh luận về nó mới là trọng tâm. Chuyện chữa người bất toại chỉ là một cơ hội, một cái khung.
Hai chi tiết văn phạm đáng chú ý:
1. Động từ ở thể thụ động (được tha), hiểu ngầm kẻ tha tội là Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa.
2. Động từ còn ở thì quá khứ (đã) nghĩa là Thiên Chúa đã tha tội rồi, trước khi anh này phải dâng lễ theo luật buộc (Lv 6,17-23).
Quyền tha tội là độc quyền của Thiên Chúa. Bởi vậy các thông giáo phản ứng ngay "Ông này phạm thượng". Chú ý họ dùng động từ "phạm thượng" y như lời cáo trạng trước Thượng Hội Đồng Do thái (14,63-64).
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Người ta khiêng anh bất toại đến để mong Chúa Giêsu chữa bệnh cho anh. Nhưng Chúa Giêsu tha tội trước rồi sau đó mới chữa bệnh. Tội là thứ bệnh của linh hồn, nguy hiểm hơn bệnh thể xác. Nhưng chúng ta thường làm ngược với Chúa Giêsu: khi mang bệnh thể xác thì chúng ta lo lắng chạy chữa mau lẹ, còn khi mang tội chúng ta lại không lo.
2. Thân nhân của người bất toại rất tích cực lo cho anh khỏi bệnh: khiêng đến nơi Chúa Giêsu đang giảng, chen lấn, leo lên mái nhà, gở mái, thòng dây xuống... Ước gì ai cũng biết tích cực lo chữa bệnh linh hồn cho thân nhân mình như vậy.
3. Ngày kia thánh Phanxicô Salêsiô cho một người xưng tội. Người này xưng rất thành thật, khiêm nhượng và hết lòng ăn năn. Thánh nhân cảm động lắm. Sau khi xưng tội xong, người ấy hỏi:
- Bây giờ cha biết tất cả những sự xấu xa của con rồi. Cha nghĩ thế nào về con ?
- Bây giờ cha nhìn con như một đấng thánh.
- Chắc cha phải nói ngược lại mới được.
- Không. Cha nói theo lương tâm của cha. Con bây giờ hoàn toàn khác trước rồi.
- Nhưng tội lỗi con đã phạm thì luôn luôn ở với con mà.
- Không phải thế đâu con ạ. Khi bà Mađalêna đã ăn năn trở lại, Chúa xem bà như một đấng thánh. Chỉ có bọn Pharisêu giả hình cứ coi bà là kẻ tội lỗi.
- Nhưng đối với cha, con muốn biết cha nghĩ thế nào về quá khứ của con ?
- Cha không nghĩ thế nào cả. Điều gì không có trước mặt Chúa thì cha không nghĩ đến. Cha chỉ biết ngợi khen Chúa và vui mừng vì con đã trở lại với Chúa. Cha muốn cùng các thánh trên trời vui mừng với con.
Nói xong, thánh nhân khóc. Người kia bỡ ngỡ hỏi:
- Cha khóc à ? Chắc cha khóc vì thấy con phạm nhiều tội quá ?
- Cha khóc vì thấy con đã sống lại với Chúa.
Thánh nhân biết rõ phép Giải tội không phải là che dấu tội ta đã phạm, nhưng là rửa sạch hết mọi tội ta đã khiêm nhường xưng ra. (Trích "Phúc")
4. "Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: Này con, con đã được tha tội rồi" (Mc 2,5)
Căn nhà bỗng nhiên bị bốc cháy. Ông bố nghe tin liền chạy về. Về đến nơi, ông thấy đám cháy đã bốc cao và nghe có tiếng kêu thất thanh ‘Ba ơi cứu con’. Khi thấy bóng đứa con út trên tầng cao, ông đã nhờ đội cứu hoả giăng lưới bảo hộ để cho cậu nhảy xuống. Nhưng cậu vẫn do dự và sợ hãi. Lúc ấy ông la lên: "Ba đây, đừng sợ. Nhảy xuống đi". Nhận ra tiếng của cha và thấy bóng ông qua khói lửa, cậu đã thu hết can đảm nhảy xuống. Mở mắt ra, cậu đã nằm trong vòng tay của cha. Niềm tin đã cứu sống cậu.
Tương tự như thế, niềm tin vào Chúa khiến người bại liệt được chữa lành. Niềm tin cũng đem lại ơn tha thứ cho biết bao tội nhân. Vâng niềm tin đã làm cho cuộc sống tươi sáng và hạnh phúc hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tin tưởng phó thác vào tình yêu của Chúa. Xin cho con biết gieo mình vào bàn tay Ngài giữa cuộc sống bao nỗi băn khoăn khắc khoải, để cuộc sống được an vui và hạnh phúc hơn. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Tội con đã được tha
(Mc 2,1-12)
1. Nghe tin Chúa Giêsu về Capharnaum, dân chúng khắp nơi tuốn đến chật trong nhà ngoài sân, và Chúa giảng dạy họ. Bỗng có bốn người khiêng một người bất toại đến, nhưng vì dân chúng đông quá, họ phải dỡ mái nhà thòng giường và bệnh nhân xuống trước mặt Chúa. Chúa thấy họ có lòng tin thì nói với người bệnh: “Tội con đã được tha”. Các luật sĩ nghe vậy thì cho là Chúa đã phạm thượng, vì họ không tin Người là Thiên Chúa, nên không có quyền tha tội, chỉ Thiên Chúa mới có quyền đó. Chúa biết họ nghĩ thế, Người muốn tỏ cho họ biết Người là Thiên Chúa có quyền tha tội, nên nói với người bại liệt: “Hãy trỗi dậy, vác giường mà về”. Người đó liền trỗi dậy vác giường đi về trước sự kinh ngạc của mọi người.
2. Phép lạ chữa người bất toại hôm nay không phải là mục đích chính, đó chỉ là cái khung hay cái cớ để Chúa Giêsu nói về cái khác, đó là quyền tha tội. Chúa muốn cho họ biết Người là Thiên Chúa nên có quyền tha tội.
Vì thế, người ta khiêng anh bất toại đến để mong Chúa chữa cho anh. Nhưng Chúa Giêsu tha tội trước rồi sau đó mới chữa bệnh. Tội là thứ bệnh của linh hồn, nguy hiểm hơn bệnh thể xác. Nhưng chúng ta thường làm ngược với Chúa Giêsu: khi mang bệnh thể xác thì chúng ta lo chạy chữa mau lẹ, còn khi mang tội chúng ta lại không lo.
3. Người bất toại có lòng tin Chúa nên đã nhờ người khác khiêng mình tới Chúa. Và chính những người này cũng tin Chúa nên đã chịu khó leo lên mái nhà, dỡ ngói ra, thòng người bệnh xuống trước mặt Chúa. Vì thế, muốn gặp Chúa phải có lòng tin, phải cố gắng vượt qua mọi trở ngại, và có khi còn cần nhờ người khác giúp đỡ.
Truyện: Căn nhà bỗng nhiên bốc cháy. Ông bố nghe tin liền chạy về. Về đến nơi, ông thấy đám cháy đã bốc cao và nghe có tiếng kêu thất thanh “Ba ơi cứu con với”. Khi thấy bóng đứa con út trên tầng cao, ông đã nhờ đội cứu hoả giăng lưới bảo hộ để cho cậu nhảy xuống. Nhưng cậu vẫn do dự và sợ hãi. Lúc ấy ông la lên: “Ba đây, đừng sợ, nhảy xuống đi”. Nhận ra tiếng của cha và thấy bóng ông qua khói lửa, cậu đã thu hết can đảm nhảy xuống. Mở mắt ra, cậu đã nằm trong vòng tay của cha. Niềm tin đã cứu sống cậu (Epphata).
4. Người bất toại thì bất lực không làm được gì. Chúng ta phải ý thức bệnh bất toại của người tội lỗi: không làm được việc gì có giá trị trước mặt Chúa vì không có ân sủng, để nhờ đó chúng ta gớm ghét tội lỗi, xa lánh những dịp tội.
Chúng ta nên biết rằng: ý thức về tội không có nghĩa là đánh mất giá trị làm người mà chỉ là nhìn nhận một chân lý khách quan: con người là tạo vật vừa dòn mỏng vừa vĩ đại trước mặt Thiên Chúa. Con người mỏng dòn nên dễ sa ngã. Con người vĩ đại do tự do mà Thiên Chúa ban cho: con người có quyền nói “có” hoặc nói “không” với Thiên Chúa. Nói “không” với Thiên Chúa là phạm tội, vì từ chối tình thương và sự hướng dẫn của Ngài. Ý thức về tội là nhìn nhận quyền năng và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa, và đồng thời là nhìn nhận sự thật có tính giải phóng về bản thân: giải phóng khỏi tình trạng tội lỗi và đưa con người vào mối hiệp thông với Thiên Chúa.
5. Qua phép lạ chữa người bất toại trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy bằng lòng để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta những gì Ngài đã làm cho người bất toại. Chúng ta hãy trình diện với Chúa Giêsu trong bí tích Hoà giải và lắng nghe Ngài nói với chúng ta những gì Ngài đã nói với người bất toại: “Tội lỗi con đã được tha”. Tiếp đó, bài Tin mừng mời ta cảm nghiệm sự giải thoát mà người bất toại ấy từng cảm nhận sau khi đã bị ràng buộc đớn đau quá lâu trong bệnh tật và trong tội lỗi của anh.
6. Truyện: Nhà biên kịch Henri Ghéon
Henri Ghéon là một nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, cũng là một người tội lỗi trong đệ nhị thế chiến, ông ở trong một tâm trạng bất an, đã quay trở lại với Chúa. Ông đến xin lãnh bí tích Giải tội và ông đã kể lại tâm trạng của mình lúc xưng tội như sau: “Hai tay tôi ôm đầu, miệng bập bẹ run run, tôi đổ dòng tội tuôn ra như thác... Tôi cảm thấy một thứ cặn đắng, từng ngụm, từng ngụm trào ra khỏi các thớ thịt con tim tôi với tất cả khối nặng đó, với tất cả chất độc đó đã đè nén tôi suốt hai mươi năm nay. Tôi cố cựa quậy đổ dốc nó ra cho linh mục giải tội. Và Thiên Chúa đã nghe lời tôi: “Hãy về bình an. Thánh Thần đã ngự trong con!” Tôi trẻ lại hai mươi tuổi; hai mươi năm tội lỗi. Một niềm vui sướng mới lạ tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi chạy, tôi nhảy, tôi bay, tôi không còn cảm thấy xác thịt nặng nề của tôi nữa”...
bài liên quan mới nhất
- Ngày 26 tháng 12: Ngày thứ 2 trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Thánh Stêphanô (Mt 10,17-22)
-
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Ngày 24 tháng 12: Lời kinh Benedictus (Lc 1,67-79) -
Ngày 23 tháng 12: Bàn Tay Thiên Chúa phù hộ (Lc 1,57-66) -
Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C - Đến với mọi người (Lc 1,39-45) -
Ngày 21 tháng 12: Đức Mẹ đi thăm bà Isave (Lc 1,39-45) -
Ngày 20 tháng 12: Vâng theo ý Chúa (Lc 1,26-38) -
Ngày 19 tháng 12 - Đối với thiên Chúa điều gì cũng có thể (Lc 1,5-25) -
Ngày 18 tháng 12: Đấng Emmanuen (Mt 1,18-24) -
Ngày 17 tháng 12: Gia phả Chúa Giêsu (Mt 1,1-17)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)