Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh (+video)

Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh (+video)

Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh (+video)

Lc 24,35-48

“Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.
(Lc 24,48)

1. Thánh Luca tường thuật tiếp về cuộc hiện ra lần thứ hai của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ của Ngài. Lần này Chúa hiện ra cho các tông đồ ở Jêrusalem:

Trong lúc hai môn đệ vừa trở về từ Emmau đang kể lại cho nhóm mười một việc Chúa hiện ra với các ông ấy như thế nào thì Chúa Giêsu hiện đến.

Ngài chứng minh cho các ông hiểu sau khi sống lại, Ngài vẫn là một như trước: cũng có chân tay xương thịt, và cũng biết ăn uống.

Ngài dùng Thánh Kinh để cắt nghĩa.

Ngài bảo các ông nhân danh Ngài “rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội”. (Lc 24,47)

2. “Chính Thầy đây. Hãy sờ xem: Ma đâu có xương thịt như Thầy có đây” (Lc 24,39). Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống và hiện diện ngay trong cuộc sống của những người tin Chúa. Đây không phải chỉ là một kiểu nói, không phải chỉ là niềm tin, mà là sự thật. Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là một. Chúng ta phải xác tín thật mạnh về sự thật đó để rồi từ đó chúng ta xây dựng nên một xã hội huynh đệ hơn.

Ngày kia, có một đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia tu viện này là một trong những trung tâm Công giáo thu hút không biết bao nhiêu là khách hành hương hằng năm. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở.

Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như không còn. Nhà nguyện vắng tanh không ai lui tới. Một số nhỏ tu sĩ còn lại thì sống trong uể oải, buông thả…Vị viện phụ muốn hỏi vị tu sĩ Ấn giáo xem đâu là nguyên nhân đưa đến tình trạng này ? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn ?

Sau khi nghe viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn giáo mới ôn tồn nói:

- Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình.

Vị tu sĩ Ấn giáo mới giải thích như sau:

- Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài.

Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn giáo, đức viện phụ hối hả quay trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: “Ai là người được Đấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để ở lại với loài người ?”. Cả tu viện bây giờ không có đến 10 người. Đấng Cứu Thế ở với ai đây ? Chắc không thể là mình, vị tu viện trưởng nghĩ như thế vì ông biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện. Cũng chẳng có người nào toàn vẹn, xứng đáng để Đấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng của họ. Thế nhưng, ông vẫn tin lời của vị tu sĩ Ấn giáo là Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn.

Với niềm xác tín ấy, ông qui tụ tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng, Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Nghe tin ấy, đôi mắt mỗi người đã mở to và ai nấy bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Đấng Cứu Thế đã cải trang cho nên không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Đấng Cứu Thế. Và từ đó mọi người sống với nhau như chính mình đang sống với Đấng Cứu Thế. Rồi chẳng mấy chốc bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Cuộc sống thánh thiện như thế không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Và các tín hữu lại từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến gõ cửa nhà dòng.

2. Vâng! Nếu người người ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có lẽ hận thù, chiến tranh sẽ không còn có lý do để tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người làm cho họ không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hoà, chiến tranh xáo trộn trong xã hội.

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy khi con người chối bỏ Thiên Chúa thì cũng có nghĩa là họ sẽ chối bỏ con người.

Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã trở thành con người và tự đồng hóa với con người. Từ nay, con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người anh em của mình. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch, mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có xuyên qua tình yêu đối với con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa.

Top