Thứ Hai tuần 21 Thường niên (+video)

Thứ Hai tuần 21 Thường niên (+video)

Thứ Hai tuần 21 Thường niên (+video)

Mt 23,13-22
“Các người nuốt hết tài sản của các bà goá,
lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ,
cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”
(Mt 23, 14)

Đoạn văn này đưa ra một cáo trạng kinh khủng nhất trong Tân Ước. Ở đây chúng ta có thể nghe điều mà Robertson gọi là “cơn thịnh nộ sấm sét của Chúa Cứu Thế”. Và Plummer viết rằng, những lời trách mắng này “giống như những sấm sét vì tính cách nghiêm nghị của chúng giống như tia chớp phơi bày, bóc trần sự thật ra. Chúng vừa đánh xuống vừa chiếu sáng”.

1. Khóa cửa Nước Trời:

a. Luật của Chúa Giêsu thì êm ái và nhẹ nhàng vì cốt lõi là tình thương. Thế nhưng, nếu kẻ có quyền mà không có tình thương khi áp dụng luật thì, thay vì luật dẫn người ta đi đến gần Chúa, lại đẩy người ta xa Chúa hơn.

Ta hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo trong Giao Hội và trong cộng đoàn chúng ta.

b. Truyền giáo là một việc làm khó khăn, nhưng giữ những người tòng giáo nhiệt thành theo Chúa là một việc làm khó hơn nhiều. Nhiều người lương hăng hái theo đạo vì thấy đạo dạy bác ái yêu thương. Nhiều người gia nhập cộng đoàn vì nghĩ cộng đoàn có tình yêu thương huynh đệ. Nhưng khi đã vào Giáo Hội hay cộng đoàn rồi, nhiều người lại ê chề thất vọng vì thấy thực tế ngược hẳn lại những điều họ đã nghe “quảng cáo”.

Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà, đứa con gái hỏi mẹ:

- Sao mẹ đuổi bố?

- Tại bố hư!

Để nó khỏi vặn vẹo lôi thôi, người mẹ mua cho nó cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ ngay một miếng bỏ vào mồm. Con bé khóc thét lên bắt đền. Người mẹ dỗ:

- Anh con hư quá. Nhưng thôi nín đi con, bỏ qua cho anh một lần đi.

Đứa bé phụng phịu:

- Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu?

Người mẹ nhìn xa xăm:

- Ừ, mẹ cũng hư. (Góp nhặt)

c. Dẫn đường mù quáng: con đường chính của đạo là mến Chúa yêu người, thế nhưng nhiều người không lưu ý đến điều đó mà chỉ chăm chú vào những chỗ tỉ mỉ của luật. Chẳng hạn khi ăn chay kiêng thịt thì phân biệt những món nào được ăn, món nào không, trước giờ dự lễ mà lỡ uống nước trà có được rước lễ không? Nhiều người khác còn giải thích đạo là một mớ các mê tín dị đoan.

2. “Khốn cho các người hỡi các luật sĩ và Pharisêu giả hình” (Mt 23, 13).

Chúa trách những người Pharisêu và luật sĩ giả hình. Hãy coi chừng kẻo chính chúng ta cũng giả hình mà chúng ta không hay!

Trong kho tàng truyện cổ của Ấn Độ, có câu chuyện này. Một nhà phú hộ kia có một hồ nuôi cá rất lớn. Ông cho thả rất nhiều cá ở đó. Một đêm kia có một tên ngư phủ nghèo lẻn vào trong hồ cá của ông để thả lưới tính bắt trộm cá. Thế nhưng, chưa kịp kéo lưới lên thì người giàu đã phát hiện ra có người đang tính bắt trộm cá của ông. Ông cho gia nhân bủa đi khắp nơi, quanh cái hồ mênh mông của mình để tìm cho bằng được tên trộm.

Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả.

Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó, y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm đâu cả mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình suy tư và cầu nguyện.

Chỉ một ngày hôm sau, tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng, có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ.

Thế là thiện nam tín nữ từ các ngã đường đổ xô đến gốc cây để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc mà quà cáp đã tuôn đổ tràn lan quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.

Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.

Người đánh cá bất đắc dĩ phải trở thành vị tu hành trên đây cũng có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối với chúng ta.

Một cách nào đó, có khi chúng ta cũng tự sơn vẽ cho mình một chiếc áo đạo đức để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình.

Có thể mỗi Chúa nhật tôi đều đến nhà thờ để cho bà con hàng xóm thấy rằng, tôi có giữ ngày Chúa nhật, rằng tôi là người ngoan đạo, và để lương tâm tôi cũng chuẩn nhận rằng, tôi đã giữ trọn luật Chúa và luật Giáo Hội. Nhưng tuân giữ như thế có đủ để gọi là sống đạo Chúa chưa? Nếu tôi không quan tâm đến những đòi hỏi của công bình và bác ái trong công ăn việc làm của tôi, cũng như trong quan hệ của tôi với người khác.

Lạy Chúa,

Xin Chúa cho chúng con biết khiêm nhường điều chỉnh lại lối sống của mỗi chúng con sao cho thật phù hợp với lòng mong ước của Chúa. Amen.

Top