Thứ Hai tuần 1 Mùa Chay (+video)

Thứ Hai tuần 1 Mùa Chay (+video)

Thứ Hai tuần 1 Mùa Chay (+video)

Mt 25, 31-46

“Ta bảo thật các ngươi:
mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây,
là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.
(Mt 25,45)

Bài đọc sách Lêvi dạy ta cách đối xử với tha nhân, gồm trong hai điều chính:

a/ Công bình

b/ Bác ái

Nhìn chung ta thấy, lời dạy của Cựu Ước có tính cách tiêu cực, “đừng, đừng và đừng” và chưa được rộng (“hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”).

Lời dạy của Chúa Giêsu tích cực hơn và cũng rộng rãi hơn. Chúa còn bảo Ngài sẽ coi những việc bác ái tôi làm cho những kẻ bé mọn như là làm cho chính Chúa.

Bà Chiara Lubich, người sáng lập ra phong trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin Mừng một cách triệt để đã chia sẻ một kinh nghiệm sống như sau: Coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập Giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người an ủi, giúp đỡ, ta cũng hãy giúp đỡ an ủi những kẻ đau khổ ấy.

Vâng! Từ khi chọn con đường nhập thể, Chúa đã muốn chúng ta tìm Ngài trong tha nhân, yêu Ngài qua tha nhân và giúp đỡ Ngài cũng qua tha nhân.

Chúng ta tự hỏi, tình yêu có một sức mạnh gì không mà Chúa lại luôn đòi hỏi con người phải yêu thương nhau như thế ?

Tôi xin mượn một câu chuyện được phổ biến trên mạng Internet để trả lời:

Ngày ấy, tôi dạy mẫu giáo tại một ngôi trường nhỏ nằm gọn trong khuôn viên của một tòa nhà xinh đẹp. Mỗi sáng, cứ đúng 9 giờ, tất cả học sinh tụ tập trong căn phòng lớn, bắt đầu một ngày mới bằng bài thể dục đầu giờ. Hơn 50 đứa trẻ, từ 3-6 tuổi, ngồi san sát trên những chiếc ghế xinh xinh đủ màu đặt trên tấm thảm dầy. Những gương mặt thơ ngây bừng sáng khi chúng háo hức hát vang những bài ca, cùng chia sẻ cho nhau những cảm nhận về mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Một buổi sáng nọ, cô hiệu trưởng gặp toàn thể học sinh trong căn phòng lớn và thông báo:

- Hôm nay, chúng ta sẽ tiến hành một thí nghiệm mới.

Cô giơ cao hai cây trường xuân bé xíu đựng trong hai cái chậu con giống hệt nhau.

- Chúng ta có hai cây con. Trông chúng giống hệt nhau, phải không ?

  Tất cả bọn trẻ tò mò nhìn vào hai chậu cây rồi đồng thanh đáp:

- Dạ phải.

Cô nói tiếp:

- Chúng ta sẽ nuôi dưỡng hai cây con này với cùng chế độ ánh sáng, cùng chế độ nước tưới nhưng… với sự quan tâm chăm sóc khác nhau. Rồi chúng ta sẽ theo dõi xem, điều gì sẽ xảy ra khi đặt một cây trong nhà bếp cách xa chúng ta, và một cây ngay tại đây, trên lò sưởi này.

Sau khi đặt một cái chậu trên lò sưởi trong bếp, cô hiệu trưởng dắt bọn trẻ vào bếp, đặt cái chậu lên quầy. Sau đó, cô dẫn những đứa trẻ với những đôi mắt mở to vì bỡ ngỡ trở lại căn phòng lớn.

Chúng ta sẽ đối xử với cây như một người bạn. Trong vài tháng tới, mỗi ngày chúng ta đều hát cho cây trường xuân nghe. Chúng ta sẽ nói cho bạn ấy biết bạn ấy xinh đẹp thế nào và chúng ta yêu mến bạn ấy biết bao. Chúng ta sẽ luôn chúc bạn ấy mọi điều tốt đẹp…

Một bé gái giơ tay:

- Nhưng thưa cô, thế còn cây trong bếp thì sao ?

Cô hiệu trưởng mỉm cười thích thú:

- Chúng ta sẽ dùng cây ấy làm cây “đối chứng” trong thí nghiệm tuyệt vời của chúng ta. Theo các em, chúng ta sẽ làm gì ?

- Chúng ta sẽ không nói chuyện với nó ?

- Đúng. Dù chỉ là một lời thì thầm.

- Chúng ta sẽ không gởi cho nó một lời chúc tốt đẹp nào.

- Đúng.

Và chúng ta sẽ xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Bốn tuần sau, mắt của tôi cũng mở to ngạc nhiên như bọn trẻ. Cây trường xuân trong nhà bếp yếu ớt, mảnh khảnh và chẳng lớn được tí nào. Còn chậu cây đặt trong phòng lớn, được bao bọc bởi những lời yêu thương êm dịu, được bọn trẻ hát cho nghe mỗi ngày, đã lớn gấp ba lần với những chiếc lá xanh biếc tràn đầy nhựa sống. Để chứng minh kết quả của cuộc thí nghiệm và cũng để lau khô những giọt nước mắt của những đứa trẻ nhạy cảm, lo lắng cho số phận cây thứ hai khỏi cảnh lẻ loi trong bếp, cô hiệu trưởng cho mang nó lên, đặt ở trong phòng lớn, bên cạnh chậu thứ nhất.

Rồi sau đó họ đối xử với cây này y như đã đối xử với cây thứ nhất trước kia.

 Ba tuần sau, chậu cây thứ hai đã bắt kịp cây trong chậu thứ nhất. Bốn tuần sau, chúng cùng lớn mạnh như nhau.

Tôi ghi nhớ mãi bài học này, và tự đúc kết cho mình câu kết luận: Không ai, không vật gì lớn lên được nếu không có tình yêu.

Vâng, tình yêu quan trọng như thế, nên Chúa luôn đòi hỏi chúng ta phải yêu thương nhau. “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở trong tình yêu, người đó ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ” (1Ga 4,16).

Lạy Chúa,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho chúng con trở thành tình yêu,
tình yêu bao dung và quảng đại
cho trái tim khô cằn của thế giới. Amen.

 

Top