WHĐ (24.10.2010) – Trang tin điện tử Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa nhận được Bài viết “Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua” do Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi đến. Đây là công trình nghiên cứu của Ủy ban Thánh nhạc trong dịp mừng Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam.
Bài viết được tiến hành theo ba bước: nhìn lại, nhận định và đề xuất định hướng cho tương lai; và qua nhiều lần góp ý, đã được quý cha Trưởng Ban Thánh Nhạc các giáo phận, cũng như quý cha phụ trách Thánh Nhạc các Đại chủng viện và nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, nhạc sĩ, ca trưởng… góp ý xây dựng và hoàn chỉnh. Bài viết này đã được Đại Hội Thánh Nhạc toàn quốc (Hội thảo lần thứ 27) thông qua ngày 12-10-2010. [Lời ngỏ của Tập tài liệu].
Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả.
Vì bài viết khá dài, WHĐ sẽ giới thiệu trong 3 kỳ.
***
N Ộ I D U N G
LỜI MỞ ĐẦU
A. NHÌN VỀ QUÁ KHỨ
I. THEO DÒNG CHẢY CỦA HỘI THÁNH TOÀN CẦU
1. Đức Grê-go-ri-ô Cả (Gregorio Cả, 03.9.590 – 12.3.604) và cuộc canh tân của người:
2. Cuộc tranh luận tại Công đồng Tren-tô ( Trento, 1545-1563):
3. Đức Pi-ô X (Pio X, 09.8.1903 – 20.8.1914) và tự sắc Tra le Sollecitudini – Tự sắc quy luật thánh nhạc
4. Công đồng Va-ti-ca-nô II (Vatican II, 1962-1965)
II. SỰ TIẾP NHẬN CỦA HỘI THÁNH VIỆT NAM
1. Giai đoạn khởi đầu
2. Giai đoạn hình thành các bài thánh ca tiếng Việt
a/ Các Nhạc đoàn đầu tiên.
b/ Các nhóm nhạc sĩ
c/ Các nhạc sĩ độc lập
3. Sau năm 1954
a/ Tại miền Bắc
b/ Tại miền Nam
4. Sau năm 1975
a/ Vấn đề bị bỏ ngỏ
b/ Những đóng góp đáng ghi nhận
c/ Chung lời ngợi ca
d/ Nhạc Taizé
5. Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc HĐGMVN
a/ Nội san Hương Trầm
b/ Những cuộc vận động sáng tác
c/ Câu lạc bộ những người sáng tác thánh ca
d/ Tuyển tập thánh ca
6. Ca đoàn
7. Ấn phẩm
8. Huấn luyện
B. NHẬN ĐỊNH
C. NHÌN ĐẾN TƯƠNG LAI
D. HƯỚNG VỀ NĂM THÁNH 2010
E. KẾT LUẬN
***
LỜI MỞ ĐẦU
Trước hết và trên hết, đức tin là một ân ban của Thiên Chúa. Bởi đó, để có đức tin, thêm đức tin và giữ vững đức tin, ta phải luôn dâng lời cầu nguyện lên Người.
Đáp lời Chúa dạy phải “cầu nguyện luôn” (Lc 18,1-8) và để xin Chúa “nâng đỡ lòng tin kém cỏi của ta” (Mt 9,2),Hội Thánh luôn nêu gương và khuyến giục con cái của mình quy tụ cầu nguyện (Cv 2,42), lên đền thờ cầu nguyện (Cv 3,1), đồng thanh nhất trí cầu nguyện (Cv 4,24-26). Vì thế, châm ngôn “Lex orandi, lex credendi” (luật cầu nguyện là luật của đức tin) đã trở thành định ước.
Trong những buổi cầu nguyện chung (mà sau này trở thành việc cử hành phụng vụ), âm nhạc luôn có một vị thế quan trọng: Chính Chúa Giê-su đã từng hát thánh vịnh (Mt 26,30), cộng đoàn Ki-tô giáo đầu tiên vẫn duy trì việc hát thánh vịnh của Do Thái giáo trước khi cử hành lễ Bẻ Bánh (Cv 2,42-47).
Hội Thánh xác nhận rằng: Nhờ âm nhạc, “lời kinh được diễn tả cách thâm sâu hơn” (Huấn thị thánh nhạc trong phụng vụ, số 5), âm nhạc giúp “phát triển lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn” (Hiến chế Sacrosanctum Concilium – Hiến chế Phụng vụ – do Công đồng Vatican II ban hành ngày 04.12.1963, số 112) để “tất cả mọi người có thể ca tụng, cầu nguyện một Chúa duy nhất nhưng Ba Ngôi cách mạnh mẽ và hiệu nghiệm hơn” (Thông điệp kỷ luật thánh nhạc, số 28). Đức Pi-ô XII đã viết: “Nhờ thánh nhạc, vinh dự mà Hội Thánh kết hợp với Đức Ki-tô là vị thủ lãnh của mình, dâng lên Thiên Chúa, sẽ lớn lao hơn; tín hữu nhờ thánh ca lôi cuốn sẽ đạt được nhiều kết quả hơn” (Thông điệp kỷ luật thánh nhạc, số 29). Người cũng nhắc lại tư tưởng của thánh Âu Tinh (Augustino): “Tôi cảm thấy rằng, lời kinh được hát lên với một giọng hát trong trẻo theo một giai điệu du dương, chính những lời thánh nung nấu lòng đạo đức của tâm hồn chúng ta, sẽ làm tăng thêm niềm thành kính và lòng sốt sắng của chúng ta hơn”. Vì thế, ngay từ ngày xưa, câu “Qui bene cantat, bis orat” (Ai hát hay là cầu nguyện hai lần) đã trở thành ngạn ngữ.
A. NHÌN VỀ QUÁ KHỨ
I. THEO DÒNG CHẢY CỦA HỘI THÁNH TOÀN CẦU
Như đã nói ở trên, ngay từ thời các thánh tông đồ, âm nhạc luôn được sử dụng trong những buổi cầu nguyện. Chính thánh Phao-lô đã cùng với Xi-la hát thánh ca cầu nguyện ngay trong ngục (Cv 16,25). Thánh Phao-lô đã từng khuyến dụ các tín hữu Ê-phê-xô: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19). Người cũng viết cho các tín hữu Cô-lô-xê: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng” (Cl 3,16c).
Những bài ca được thánh Gio-an ghi lại trong sách Khải Huyền chắc chắn đã được hình thành và sử dụng trong các buổi cử hành phụng vụ (Kh 4,11; 5,9-10.12-14; 11,17-18…), nhất là bài ca Hôn lễ Chiên Con (Kh 19,1-3.5-8) với tiếng “Al-lê-lu-ia” được lặp lại ở đầu và ở cuối mỗi đoạn, đó là một sáng kiến để mọi người có thể tham dự việc ca hát. Khi Hội Thánh càng lan rộng, việc đưa âm nhạc vào trong các lễ nghi càng mang nhiều sắc thái khác nhau. Vì chưa có những quy định chung nên mang tính cách tự phát và đôi khi có những sai trái. Vì thế, thánh Giút-ti-nô (Justino) đã phải lên tiếng nhắc nhở: “Nhạc có mục đích hoàn thiện và làm đẹp thêm những phẩm hạnh của con người, nhưng phải loại bỏ những thứ nhạc quá phù phiếm, làm hại tâm hồn và khơi dậy những tình cảm bi ai, dâm đãng… đem tới những khát vọng bất chính…” (“Stronata”, quyển VI, chương XI). Xác định giá trị của âm nhạc nên giáo phụ Ô-ri-gien (Origène)không ngần ngại khuyến dụ các tín hữu dùng những bài ngợi ca, các ca khúc, các thánh vịnh để chống lại những kẻ thù đức tin, để có thể chiến thắng trong Đức Ki-tô (Patrology Greque, quyển XII). Thánh Âu Tinh cho biết thánh Am-brô-xi-ô (Ambrosio) đã sáng tác những bài ngợi ca và chỉ dạy cách hát thánh vịnh trong các lễ nghi phụng vụ, khiến dân chúng luôn thích thú tham dự cách tích cực (“Tự thuật”, quyển IX, chương VII).
1. Đức Grê-go-ri-ô Cả (Gregorio Cả, 03.9.590 – 12.3.604) và cuộc canh tân của người
Sau khi lên ngôi Giáo hoàng, người thấy cần phải thống nhất nhạc phụng vụ cho toàn thể Hội Thánh. Với sự trợ giúp của các chuyên viên, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, người đã cho phổ biến một cuốn “Antiphona” (đối ca) gồm những bài hát mà toàn thể Hội Thánh phải sử dụng trong các lễ nghi phụng vụ. Đồng thời, người cũng cho thiết lập tại Rô-ma một “Schola cantorum” (trường dạy hát) để chỉ dạy cách hát những bài hát trên.
Âm nhạc dùng trong tuyển tập nêu trên được mệnh danh là “bình ca” (cantus planus), và sau này còn được gọi là “ca điệu Grê-go-ri-ô”, để tôn vinh vị khai sinh ra nó.
Tuy bị chỉ trích lúc ban đầu từ bên trong tới bên ngoài, nhưng lối hát hợp tâm tình và tạo bầu khí trang nghiêm thích hợp phụng vụ đã dần dần gây ảnh hưởng và được chấp nhận khắp nơi qua nhiều thế kỷ.
Có thể ghi nhận một vài nét đặc trưng của bình ca như sau:
– Xây dựng giai điệu trên một phách cơ bản, nên một vần trong một chữ của bản văn La Tinh đều có một thời gian tối thiểu để phát âm, giúp người nghe lãnh hội được.
– Hình thành các âm theo độ dài ngắn của bản văn. Không lệ thuộc luật cân phương hay cân đối của nhiều loại nhạc thời đó.
– Toàn bài xây dựng theo một tổng thể duy nhất, được hình thành theo ý nghĩa của bản văn, theo đúng vai trò và vị trí của từng chữ trong câu, từng dấu nhấn trong mỗi chữ.
Chính vì thế, bình ca được coi là bản dịch của bản văn, vì nhờ âm nhạc, ý nghĩa của lời ca được chuyển tải tới người nghe cách thâm sâu hơn.
Trong Thông điệp kỷ luật thánh nhạc, Đức Pi-ô XII đã ghi nhận: “Sự thánh thiện là biểu hiện rực rỡ nhất của thánh ca Grê-go-ri-ô, từng được sử dụng trong Hội Thánh từ bao thế kỷ, và người ta có thể gọi đó là sản nghiệp của Hội Thánh. Quả thật, bởi các giai điệu của loại thánh ca này mật thiết hoà hợp với bản văn thánh, nên chẳng những ăn khớp với các ngôn từ cách chặt chẽ, mà còn giống như một bản dịch ý nghĩa và dẫn giải, đồng thời làm cho vẻ hấp dẫn của ngôn từ thâm nhập tâm hồn các thính giả” (số 41).
2. Cuộc tranh luận tại Công đồng Tren-tô ( Trento, 1545-1563)
Với việc hình thành nhạc đa âm ở thế kỷ XVI, nhiều bài thánh ca đa âm được đưa vào phụng vụ, các nghị phụ tại Công đồng – đặc biệt ở khoá XXII và XXIII – đã đặt vấn đề và tranh luận gay gắt. Công đồng quyết định trao lại công việc cho một uỷ ban đặc biệt nghiên cứu và thẩm xét.
Uỷ ban đặc biệt này đã cùng nhiều vị hồng y nghe một số bài thánh ca đa âm đặc biệt của Giô-van-ni đa Pa-lét-tri-na (Giovanni da Palestrina, 1525-1594) tại nguyện đường Xít- tin (Sixtine), đã thấy đáp ứng được những đòi hỏi của phụng vụ, với hai điều kiện được quy định:
– Nhạc phải được khởi hứng từ thánh ca phụng vụ, nếu khởi hứng từ nhạc trần tục thì không được dùng trong các cử hành phụng vụ.
– Nhạc đa âm muốn dùng trong phụng vụ phải giúp nghe rõ được bản văn phụng vụ.
Những năm tháng kế tiếp, do sự lạm dụng và phát triển nhạc đa âm thái quá, sự náo nức chạy theo những thể loại nhạc trần tục, sự thay đổi của thời thế… đã khiến thánh nhạc lần lần suy thoái. Nhiều vị giáo hoàng như Urbano VIII, Alexandro VII, Benedicto XIV… cũng như nhiều công đồng ở những nơi khác nhau phải lên tiếng cảnh tỉnh. Choron đã nhận xét: “Trong các nhà thờ, nhạc không còn giữ được chút phẩm chất gì phù hợp với mục đích thánh thiện của nó”. Thực vậy, nếu nghe một bài hát nào được trình tấu ở bất cứ nhà thờ nào (nhà nguyện của một vị lãnh chúa, nhà thờ chính toà hay ở các giáo xứ) đem so sánh với bài hát được ca diễn trong các hội quán hay nhà hát, thì ta không thể nhận ra sự khác biệt nào dù rất nhỏ nhoi. Cả hai cùng có chung một cơ cấu kỹ thuật, một tác dụng, một đặc tính, một biểu hiệu của khoái cảm hay đê mê. Có thể nói, các bộ lễ, thánh vịnh, ca khúc của chúng ta không khác các “Operas latannisés” – (André Pons. Droit ecclésiastique et Musique sacrée, quyển I, trang 18). Bởi đó, khắp nơi trông chờ một cuộc canh tân.
3. Đức Pi-ô X (Pio X, 09.8.1903 – 20.8.1914) và tự sắc Tra le Sollecitudini – Tự sắc quy luật thánh nhạc
Ngay khi lên ngôi giáo hoàng, người đã ban hành tự sắc này (22.11.1903) để canh tân nền thánh nhạc. Người xác định mục đích của thánh nhạc chung với mục đích của phụng vụ là “tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá tín hữu”. Đồng thời nêu ra ba đặc tính mà thánh nhạc phải có để đạt mục đích trên: tính thánh thiện, tính nghệ thuật và tính phổ quát.
Với sự trợ giúp của các nhà chuyên môn, Đức Pi-ô X muốn và hướng dẫn toàn thể Hội Thánh trở về cội nguồn đích thực: Một thứ bình ca thuần khiết, hoàn chỉnh và những bài đa âm đáp ứng đúng những đòi hỏi của phụng vụ. Cuộc canh tân của người được khắp nơi đón nhận nhiệt tình và được các đấng kế vị hoàn chỉnh. Đặc biệt, Đức Pi-ô XII (12.3.1939 – 09.10.1958) với Thông điệp Musicae Sacrae Disciplina (Thông điệp kỷ luật thánh nhạc, ban ngày 25.12.1955), và Huấn thị thánh nhạc được Thánh bộ lễ nghi ban hành ngày 03.9.1958, đã soi sáng và hướng dẫn chi tiết để khắp nơi tuân hành và làm cho thánh nhạc thăng tiến.
Chính trong triều đại của người, ta thấy được một hình thức thánh ca mới được đề cập tới là “dân ca tôn giáo” (hay thánh ca bình dân). Đó là bài ca bộc phát do cảm hứng mộ đạo mà chính tạo hoá đã phú bẩm cho con người. Do đó, nó có tính phổ quát khi trổ bông giữa mọi dân tộc. Khi bài ca nào đặc biệt thấm nhuần tinh thần Ki-tô giáo trong đời sống tư nhân và xã hội của các tín hữu, thì từ ngày xưa đã được tuyên dương trong Hội Thánh, và ở thời đại chúng ta, nó cũng có thể được tiến cử để kích động lòng sốt sắng của giáo dân. Để gia tăng các việc đạo đức, đôi khi nó được thừa nhận cả trong việc cử hành phụng vụ (Huấn thị thánh nhạc, số 9).
4. Công đồng Va-ti-ca-nô II (Vatican II, 1962-1965)
Hiến chế phụng vụ cho phép dùng thường ngữ trong phụng vụ và dành riêng chương VI để nói về thánh nhạc, đã hướng thánh nhạc về một chân trời mới: Vẫn đề cao bình ca, nhưng hướng dẫn một Hội Thánh địa phương hình thành một nền thánh nhạc cá biệt. Khắp nơi nô nức tuân hành và được Hội đồng thực thi Hiến chế phụng vụ chỉ đạo qua Huấn thị Musicam Sacram, do Thánh bộ phụng tự ban hành ngày 05.3.1967.
Mỗi Hội Thánh địa phương với ngôn ngữ riêng, biết dần dần xây dựng một nền thánh nhạc riêng, với những tiêu chí chung của Hội Thánh toàn cầu.
II. SỰ TIẾP NHẬN CỦA HỘI THÁNH VIỆT NAM
Khi Tin mừng được truyền giảng ở Việt Nam. Hội Thánh toàn cầu đang trong giai đoạn sử dụng bình ca trong phụng vụ, nên chắc chắn các vị thừa sai đầu tiên cũng phải thể hiện theo quy định chung, nên không một văn kiện nào ghi lại nét đặc trưng của nó.
1. Giai đoạn khởi đầu
Hiển nhiên, trong thời kỳ này, các vị thừa sai khi cử hành các lễ nghi Phụng vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, phải dùng tiếng La tinh, và nếu hát thì phải sử dụng Bình ca theo qui định chung toàn Hội Thánh.
Để giúp giáo dân có thể hiểu đôi chút về phụng vụ thánh lễ, ta thấy xuất hiện hình thức dẫn lễ, ngắm lễ… Dẫn lễ do một người gợi ý một vài tâm tình cần có để thông hiệp với Chủ tế. Còn ngắm lễ do một nhóm người cùng đọc, theo cung điệu đã được dọn sẵn. Như: Khi thầy cả mở khăn che chén…. Thì ta hãy nguyện rằng...
Tuy nhiên, để giáo dân thêm lòng sốt sáng, các vị thừa sai đã hình thành lần lần những hình thức “ngoại Phụng vụ” như các ca vãn, các kịch thánh, các buổi diễn nguyện theo Phụng vụ, nhất là trong Tuần Thánh… Ngắm “Mười lăm sự thương khó Đức Chúa Giêsu”, “Giảng sự Thương khó Đức Chúa Giêsu (không có cử điệu kèm theo) ở ngoài Bắc, “lễ Đèn 1, 2, 3” (tuần Thánh), “Thiên thần bảo” (dịp Giáng Sinh) …. trong Nam là những bằng chứng cụ thể. Những hình thức trên đều được hình thành với cung điệu riêng biệt cho từng loại.
Các loại sách đạo đức như: Sách gương phúc, sách gương tội, sách tháng Đức Bà, sách tháng ông thánh Giuse, sách tháng các linh hồn… cũng đuợc phổ biến dần dần theo những cung điệu nhất định.
Ngoài ra, để tăng thêm lòng sốt sáng cho giáo dân, các CUNG KINH cũng được hình thành theo từng loại, theo từng Mùa Phụng Vụ. Đây là một kho tàng vô cùng phong phú đa dạng (theo từng miền, từng giáo phận)và rất đáng tôn trọng, đáng lưu truyền mà các nhà chuyên môn nên để tâm nghiên cứu và ghi lại.
Riêng ở ngoài Bắc, việc DÂNG HOA kính Đức Mẹ mỗi khi tháng Năm về là một cử hành không thể thiếu! Những bản văn khác nhau được hình thành, những cung điệu vô cùng phong phú được phổ biến khắp nơi với giá trị nghệ thuật rất cao và đượm thắm bản sắc dân tộc.
Không một tài liệu nào ghi lại cho biết các ban hát ở các họ đạo được thành lập từ bao giờ ! Việc hát tiếng La tinh chắc chắn chỉ được khởi đầu ở các Chủng Viện, các dòng tu…. Và vào những dịp đi nghỉ hè, nếu có vài ba thầy cùng đi một nơi thì cố gắng qui tụ để hát đôi ba bài trong lễ Chúa nhật, lễ trọng… lần lần giáo dân có thể học theo đáp những câu như: Amen, et cum spiritu tuo….
2. Giai đoạn hình thành các bài thánh ca tiếng Việt
Khi các Bộ lễ, các bài Thánh ca hợp xướng được phổ biến, ta thấy những BÀI NGỢI CA (Hymnus) trước đây được hát theo Bình ca, cũng lần lần được xuất hiện theo tiết tấu phân nhịp, đặt biệt trong những buổi Chầu Thánh Thể như:O Salutaris…Tantum ergo… Từ hình thức này, ở một vài nước, những bài Thánh ca bằng tiếng bản quốc được tung ra thử nghiệm một cách không chính thức trong một số tác động Phụng Vụ, như: Nhập lễ, Dâng lễ, Hiệp lễ bằng cách cho một số người hát theo những gì Linh Mục vẫn cử hành trọn vẹn bằng tiếng La-tinh trên bàn thờ…. Gợi ý cho cộng đoàn hiểu đôi chút….để hiệp thông…..sau này gọi là Hát chầu lễ, hát đưa lễ. Huấn Dụ về Thánh Nhạc (1958)đã xếp những bài hát này vào loại DÂN CA TÔN GIÁO với định nghĩa: “là bài ca bộc phát do cảm hứng mộ đạo mà chính Tạo Hoá đã phú bẩm cho con người; do đó nó có tính phổ quát nghĩa là nó trổ bông giữa các dân tộc… nó đã được tuyên dương trong Giáo Hội, và ở thời đại chúng ta, nó cũng đã được tiến cử để kích động lòng sốt sắng của giáo dân và để gia tăng các việc mộ đạo; đôi khi nó còn được thừa nhận cả trong những cử hành Phụng Vụ nữa. (số 9 của Huấn Dụ)
Khi những bài hát loại này được các vị Thừa sai đem vào Việt Nam, nhiều nơi đã thích thú tiếp nhận sử dụng… và để mọi người cùng có thể hiểu và cùng hát, một vài vị đã khởi công dệt lời Việt. Công đầu phải kể tới hai vị:
– Cha Phaolồ QUI (Sàigòn), với những tập như: CA NGỢI ĐỨC BÀ MARIA (Imprimerie de la mission Tân Định – 1947) gồm 32 bài, lấy từ sách Breviarium, Benedictionnale và Hymni et Cantiones ( Hong Kong 1912) và đặt lời Việt. Tập CA NGỢI RẤT THÁNH TRÁI TIM ĐỨC CHÚA GIÊSU, chính ngài cho biết: Những bài ca về Trái Tim Đức Chúa Giêsu trong sách này, đã rút ra bởi những kinh Hội Thánh quen đọc, và lời ca ngợi trong tiếng Langsa (tiếng Pháp). Những ca ngợi ấy phần nhiều hơn là của cha Toma ĐOAN đã dịch ra, cũng có một ít của các cha ở Huế và của cha Phaolồ ĐẠT đã dịch ra nữa…(bài giới thiệu được viết ngày 1 tháng Mai (tháng 5) năm 1913 tại họ Cầu Bông – sách chúng tôi hiện có được in lại năm 1961)
– Cha già VƯỢNG ( Nam Định), với những tập như: BA MƯƠI BA BÀI HÁT MỪNG ĐỨC BÀ (1941), HAI MƯƠI BỐN BÀI HÁT các ngày LỄ TRỌNG QUANH NĂM (1940)… (Tất cả có đến 6 tập). Phần lớn những bài trong các tập của ngài được trích từ cuốn CANTIQUES DE LA JEUNESSE (hiện chúng tôi có ấn bản năm 1928)để đặt lời Việt. Cha Vượng đúng là một “hiện tượng” trong việc đặt lời Việt. Vào năm 1944, với số tuổi 70, cha đã viết lời ca vào mấy trăm bài hát ngoại quốc. Ngoài ra còn có thêm một số bài được sáng tác dựa theo một số làn điệu nhạc cổ truyền Việt Nam. Thời đó, các cha Dòng Chúa Cứu Thế hay tới các xứ mở tuần đại phúc, đi tới đâu các ngài cũng thu hút giới trẻ bằng các bài hát của cha Vượng.
a/ Các Nhạc đoàn đầu tiên
Với sự đón nhận nồng nhiệt của giáo dân đối với các bài ca, nhạc ngoại-lời Việt, các nhạc sĩ công giáo đã tự tìm hiểu và thử viết những bài thánh ca đầu tiên, để nâng đỡ và tiếp sức cho nhau, các vị tự qui tụ thành những nhóm, theo từng địa phương, dưới danh nghĩa Nhạc Đoàn. Trong đó phải kể tới:
– Nhạc Đoàn LÊ BẢO TỊNH (Hà Nội): theo NGUYỄN KHẮC XUYÊN (trong cuốn TIẾN TRÌNH THÁNH NHẠC VIỆT NAM), Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập từ tháng 7 năm 1945 với những thành viên đầu tiên: Nguyễn khắc Xuyên, Hùng Lân, Thiên Phụng, Tâm Bảo… và cuốn CUNG THÁNH tập I được xuất bản cùng năm, với 9 bài theo chủ đề Thánh Lễ… mà tới nay nhiều bài vẫn còn được sử dụng, như: Xin ơn xem lễ, Dâng hồn xác… rồi các tập Cung Thánh liên tiếp được xuất bản và mỗi lúc các thành viên một thêm đông…. ta không thể không nhắc tới các vị như: Hoài Chiên, Hoài Đức, Duy Tân …Sự đóng góp cuả Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh cho nền Thánh nhạc Việt Nam thật đáng tôn trọng. Nhận định về Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, Nguyễn Khắc Xuyên viết: “Ba mươi năm qua, 1945-1975, Lê Bảo Tịnh đã là một thành tích vững chãi, một chỗ đứng xứng đáng trong ca nhạc công giáo Việt Nam. Một phần tư thế kỷ đã qua, nhạc đoàn đã làm tròn sứ mệnh của mình… đã cho ta thấy một khuynh hướng tích cực cho phụng vụ ngày nay.”
– Nhạc Đoàn SAO MAI (Bùi Chu): được thành lập từ năm 1945, với các nhạc sĩ: Hải Linh, Minh Trân, Thăng Ca, Ngô quang Tuấn, Thiên Phước, Võ-Thanh-Hương, Hồ Khanh… những tập CA VỊNH lần lượt được xuất bản, một số bài ngày nay vẫn được giáo dân thuộc làm lòng: “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam…”, “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…”
– Nhạc Đoàn TIẾNG CHUÔNG NAM (Thanh Hoá): Chúng tôi không biết ngày thành lập, nhưng tập HƯƠNG NHẠC Tập I, xuất bản năm 1951 đánh dấu sự đóng góp của các vị như Nguyễn Duy Vi, Thanh Cao, Marco Khanh, Thiệu Duy cho nền Thánh Nhạc Việt Nam, với 5 tập nhạc.
b/ Các Nhóm Nhạc sĩ
Một số các nhạc sĩ tuy không thành lập Nhạc Đoàn nhưng cũng góp bài để in ấn, như:
– Nhóm CA THÁNH (Phát Diệm): Đuợc gọi tên theo những tập Ca Thánh mà nhóm lần lượt cho xuất bản từ năm 1946. Hiện chúng tôi còn lưu giữ được 4 tập với các đề mục như: Kính Thánh Thể và Thánh Tâm, Đức Mẹ. Rất nhiều bài hiện nay vẫn được sử dụng, như: Cầu xin Chúa Thánh Thần (Phương Linh), Tiếng Vang (Tiến Hưng), Lạy Mẹ, Mẹ Chúa vinh quang (Mai lạc Thiện, Nguyễn khắc Tuần)…
– Nhóm THIÊN CUNG (Hải Phòng): với các Nhạc sĩ, như: Cha Chu Công, cha Trung Thu, Long Vân, L.T.H., Lê Hoan… Tập Thiên Cung I chúng tôi còn giữ được không ghi năm xuất bản, tập II với tựa đề: NĂM ĐỨC MẸ (1954)
– Nhóm MINH NHẠC: Do một số nhạc sĩ góp bài để Đa Minh thiện bản in chung trong những tập Minh Nhạc. Tập I in năm 1950 với tựa đề MẸ VIỆT NAM, gồm những bài của Tiến Dũng, Liên Thắng, Tiến Hùng, Cha Vinh; tập II với tựa đề MẸ MARIA (1952), gồm những bài của Hương Phong, Huyền Linh, Hương Bản, Lê Huy… tập IV với tựa đế NGUỒN SỐNG (1957) gồm những bài của Liên Thắng, Tiến Dũng, Mậu Hải, Chương Duy…. tập V với tựa đề SUỐI THIÊNG (1960) gồm những bài của Kim Long, Trọng Linh, Mạc Linh Tuyền…
c/ Các Nhạc sĩ độc lập
Không thể không nhắc tới sự đóng góp âm thầm của các Nhạc sĩ cho nền Thánh nhạc Việt Nam, như:
– Cha Chính NGUYỄN VĂN VINH (Hà Nội): Ngài theo học từ nhỏ tại Nhạc viện Paris, khi về VN, ngài viết Hoà âm cho một số bài Thánh ca của NĐ Lê Bảo Tinh, sau này ngài sáng tác một số bài như: Tv. 8, Tv. 41, Giavi, Vua Tinh yêu… đặc biệt nhất là Trường ca MỞ ĐƯỜNG PHÚC THẬT (Hợp xướng 4 bè).
– Cha SẢNG ĐÌNH NGUYỄN VĂN THÍCH (Huế): Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, đàn cò, đàn nhị,v..v.. Ngoài những di sản về Thơ-Văn-Hoạ, trong lãnh vực Thánh ca, ta không thể quên những đóng góp của ngài trong những sáng tác ca ngợi Đức Mẹ, nổi tiếng là bài: Đức Mẹ La Vang, cùng với các bài: Bao giờ tôi được lên trời, Trời cao đất thấp, Mười hai cái mến….Ngài cũng chính là tác giả bài hát: “CÁI NHÀ CỦA TA” mà năm 1982, khi thực hiện chuyên đề “Lịch sử âm nhạc Việt Nam” đài BBC đã nhắc đến.
– Cha PHAOLÔ ĐẠT (Saigon): Ngoài việc cùng với các cha Phaolô Qui, Gabriel Long phổ biến kiến thức âm nhạc và các bài thánh ca ngoại-lời Việt, ngài còn để lại cho chúng ta những sáng tác bất hủ, như: Kinh nguyện Chúa Thánh Thần, Nửa đêm mừng Chúa ra đời, Kinh cầu Đức Bà, kinh cầu Trái Tim…
– Năm 1951, từ Rôma có in và gửi về Việt Nam phổ biến tập CẦU NGUYỆN do cha Trần Hùng Dũng phụ trách. Trước khi in ấn, cha Dũng đã đưa tập nhạc này nhờ nhạc sư Praglia xem và sửa chữa. Một số bài trong tập này là của nhạc sĩ Trần Hùng Dũng và các bạn ký tên là Ba Anh hay Tam Huynh, tức Trần Hùng Dũng, Phạm Xuân Thu và Nguyễn Cao Khẩn. Phạm Xuân Thu, và Nguyễn Cao Khẩn cùng lớp với Trần Hùng Dũng, nhưng đã rời khỏi đại chủng viện trước khi tốt nghiệp, trong đó có những bài như: Cầu xin Chúa Thánh Thần (Phương Linh), Tận Hiến (Vinh Hạnh)… cho tới nay vẫn còn được sử dụng.
(còn tiếp)