Thánh lễ tạ ơn và chia tay Đức cha Phêrô của Gia đình giáo phận Đà Lạt

Thánh lễ tạ ơn và chia tay Đức cha Phêrô của Gia đình giáo phận Đà Lạt

GP ĐÀ LẠT – Như đã được thông báo, 9g30 thứ ba ngày 04.05.2010, Gia đình giáo phận Đà Lạt đã quy tụ tại Nhà thờ Chánh tòa để tham dự Thánh lễ Tạ ơn và chia tay Đức cha Phêrô, người cha kính yêu của gia đình giáo phận. Trong Thánh lễ này, có sự hiện diện của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục giáo phận Mỹ Tho, Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục giáo phận Nha trang, 170 linh mục triều và dòng, hầu như đầy đủ tu sĩ các hội dòng trong giáo phận và khoảng 4000 giáo dân.

Thật lạ lùng, một buổi chia tay nhưng không buồn bã mà lại tràn ngập niềm vui và tình thương yêu. Ban khánh tiết đã trang trí tràn ngập hoa hồng, biểu tượng của tình yêu. Trước và sau Thánh lễ, các Đức cha hiện diện đã bắt tay thăm hỏi mọi người, một hình ảnh thật thân thương, diễn tả tình cảm chân thật của những người con trong cùng một gia đình. Anh chị em đồng bào dân tộc choàng vào cổ quý Đức cha những sợi “nhoòng”, bày tỏ lòng yêu mến và quý trọng của mình…


Bước vào Thánh lễ, Đức cha Phêrô ngỏ lời cám ơn sự hiện diện quý báu của Đức cha Phaolô và Đức cha Giuse, ngài nói: “Trong Thánh lễ tạ ơn hôm nay, chúng ta vui mừng đón Đức cha Phaolô, Giám mục Mỹ Tho và Đức cha Giuse, Giám mục Nha Trang. Hai Đức cha đã đến với chúng ta với tất cả tấm lòng thương mến, hiệp thông trong lời cầu nguyện và chia sẻ tâm tình với chúng ta. Con xin thay mặt giáo phận cám ơn hai Đức cha, là anh em, là hai người con của giáo xứ Chánh tòa. Cử chỉ thân ái của quý Đức cha mang lại cho chúng con nhiều an ủi”.
Mỗi Thánh lễ là một lời tạ ơn dâng lên Thiên Chúa, Đức cha mời gọi cộng đoàn: “Chúng ta đang sống trong mùa Phục sinh, trong niềm vui cử hành Năm Thánh của Giáo Hội Việt nam, năm Kim khánh của Giáo phận Đà Lạt và 90 thành lập Giáo xứ Chánh tòa. Bao hồng ân Chúa đã trao và Ngài vẫn tiếp tục ban những hồng ân đó. Bài Ca nhập lễ là lời tuyên xưng, xác tín Chúa đã xây dựng Hội Thánh của Ngài trên Đá tảng Phêrô và Ngài luôn ở cùng Hội Thánh. Chúng ta vừa cám ơn Chúa, vừa tin rằng Ngài luôn hiện diện, nâng đỡ, soi sáng và củng cố đức tin của chúng ta. Trong Thánh lễ này, chúng ta được hưởng ơn Toàn Xá, hãy thật lòng dứt khoát với mọi dính bén tội lỗi, kể cả tội nhẹ. Tin rằng Chúa kêu gọi chúng ta trở nên một dân tộc Thánh, một dân tộc Tư tế, Vương đế, Ngài sẽ ban cho chúng ta ơn thánh thiện đó”
Trong bài giảng lễ, Đức cha Phêrô chia sẻ :
“Sáng nay, tôi đón một phái đoàn khoảng 250 anh chị em dân tộc thiểu số tại Tòa Giám mục, họ đến từ giáo xứ Đạ Tông, cách Tòa Giám mục khoảng 135 km. Hôm qua, dưới sự hướng dẫn của cha sở và cha phó, họ băng rừng lội suối từ 5g sáng đến 5g chiều để hành hương tại nhà thờ Langbian. Trước đây, anh chị em vùng Đàm ròn phải vất vả để đến nhà thờ Langbian và họ coi đó là chiếc nôi của mình. Nay đã có Nhà thờ Đạ Tông, có cha xứ, có cộng đoàn với trên 15 ngàn giáo dân, nhưng họ vẫn nhớ nguồn cội của mình, và lúc này, những anh chị em đó đang có mặt tại đây.
Tôi nói điều này, vì Bài đọc I giúp chúng ta tin rằng những việc như vậy trong Hội Thánh không thiếu. Ngay thời Giáo Hội sơ khởi, sách Công vụ Tông Đồ đã thuật lại câu chuyện Phaolô cùng Barnaba bắt đầu rao giảng ở Antiôkia và nhiều người đã nghe lời Chúa và xin trở lại, các ông đi từ giáo đoàn này đến giáo đoàn khác để dạy dỗ, thiết lập… có nơi các ông được hồ hởi đón nhận có nơi các ông bị ném đá, bị lôi ra khỏi cổng thành, nhiều lúc tưởng chết… Nhưng bất cứ trong trường hợp nào, Tin mừng vẫn tiếp tục được rao giảng. 2000 năm sau, chúng ta vẫn có thể lấy câu chuyện của các ông để minh họa và xác tín Tin mừng của Chúa vẫn tiếp tục được loan báo, được đón nhận và biến đổi con người. Chính ở Antiôkia, những người trở lại được gọi là Kitô hữu, là bạn của Đức Kitô, là người có Đức Kitô.
Trong việc rao giảng và thành lập các giáo đoàn, các tông đồ ý thức rõ không phải bởi tài năng hay bởi đạo đức của mình, mà bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần làm việc thật kỳ diệu, như Bài đọc II đã nói. Ngài chọn đủ hạng người, Ngài quy tụ và ban cho họ đủ các ơn, để mỗi người trung thành với ơn gọi của mình và góp phần xây dựng Nhiệm thể của Đức Kitô.
Trong Hội Thánh có nhiều thành phần, nhiều sinh hoạt, và đó là điều chúng ta phải quan tâm, để ý. Khi sống trong một cộng đoàn, sinh hoạt trong một nhóm, một giáo xứ có những hoạt động mang tính chất đặc biệt, chúng ta dễ loại bỏ những ai không ở trong cộng đoàn, không ở trong giáo xứ, không ở trong nhóm của mình; dễ tự đề cao, xem như Chúa chỉ ban ơn cho mình, Chúa chỉ hoạt động nơi mình, còn những người khác không có ơn Thánh Thần. Đó là hiểm họa và là mầm mống của sự chia rẽ trong Hội Thánh.
Từ ban đầu, Hội Thánh Chúa đã luôn trung thành sống ơn gọi của mình. Như bài Phúc Âm nói: để có được sự hợp nhất phải kết hợp mật thiết với Đức Kitô, chỉ trong sự kết hợp với Đức Kitô chúng ta mới kết hợp được với nhau. Ngày nay có nhiều chia rẽ là vì thiếu sự kết hợp với Đức Kitô, thiếu vấn đề xây dựng cộng đoàn hay đời sống trên nền tảng Đức Kitô.
Tôi sắp chia tay anh chị em, nhưng sẽ không có gì thay đổi, vì chúng ta là những viên đá sống động thiêng liêng mà Chúa đã chọn, kết hợp chúng ta trên nền móng các tông đồ, các tông đồ lại được xây dựng trên nền tảng Đức Kitô, chỉ cần có vậy. Việc xảy ra ở Đà Lạt, xảy ra ở Hà Nội hay ở bất cứ nơi nào thì vẫn là một Giáo Hội của Đức Kitô, chúng ta hãy luôn kết hợp mật thiết. Trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu để lại giới răn: “Thầy chỉ có một điều để nói với anh em, là anh em hãy yêu thương nhau”. Chúng ta hay nói rằng mình làm việc này việc khác cũng vì yêu thương, nhưng rất nhiều lúc, nhiều việc chưa yêu thương đủ như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta. Yêu thương không theo cung cách của Đức Kitô thì vẫn là yêu thương theo cách của loài người, mà yêu thương theo cung cách của Đức Kitô là chết cho người mình yêu. Còn chúng ta, nhiều khi yêu là để vụ lợi, vun vén cho mình. Tình yêu của Đức Kitô, yêu như Đức Kitô là chấp nhận chết đi để người khác được sống, để người khác được lớn lên”.
Sau Thánh lễ, cha Phaolô Lê Đức Huân –nguyên Tổng đại diện giáo phận– thay mặt mọi người để bày tỏ những tâm tình với Đức cha Phêrô:
Trọng kính Đức Cha Phêrô mến yêu của chúng con,
Giờ của Đức Cha đã gần đến. Đức Cha sẽ rời giáo phận trong vài ngày nữa. Lúc này, đối với Đức cha, mọi lời nói của loài người ngay cả những lời khen ngợi, cám ơn… đều trở nên thứ yếu. Điều chính yếu và quan trọng nhất đối với Đức cha lúc này và xuyên suốt cuộc sống là CHÚA PHẢI LỚN LÊN”, là XIN VÂNG THÁNH Ý CHÚA”. Đức Cha đã muốn lặp lại lời của Chúa Giêsu: “Lương thực của Ta là làm theo thánh ý của Cha Ta.
Thánh Gioan Thánh Giá, bậc thầy lỗi lạc về đời sống kết hiệp với Chúa, đã nói về đỉnh cao của sự nhiệm hiệp như sau: “Tôi không còn biết gì ngoài Chúa ra. Tôi không còn muốn gì ngoài ý Cha.” Từ đó, mọi sự là bởi Chúa, nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa.
Với tâm hồn kết hiệp mật thiết với Chúa, với lòng yêu mến sâu xa đối với Hội Thánh, Đức cha tin tưởng lên đường, sẵn sàng cùng với Giáo Hội Việt Nam ra khơi. Đức cha đã lắng nghe tiếng Chúa phán như Ngài đã phán với Thánh Phêrô xưa: “Hãy ra chỗ nước sâu và thả lưới.” Đối với Chúa, không có gì mà lại không thể được.
Kính thưa Đức cha,
Thoạt nghe tin Đức cha đi nhận nhiệm vụ mới, chúng con ai nấy đều cảm thấy bàng hoàng và hụt hẫng. Nhưng rồi dần dần dưới ánh sáng của Đức Kitô phục sinh, một lần nữa, chúng con thâm tín rằng Đức cha là người của Thiên Chúa, là người của Hội Thánh và là người của tất cả mọi người. Cho nên dù có luyến tiếc Đức cha đến bao nhiêu, chúng con cũng không được phép làm chùn chân Đức cha; dù có thương nhớ Đức cha đến mấy đi nữa, chúng con cũng không được quyền giữ Đức cha lại cho riêng mình. Đức cha còn phải tiếp tục ra đi loan báo Tin Mừng ở bầt kỳ nơi nào Chúa muốn. Chúng con không mất Đức cha vì Đức cha vẫn sống với chúng con trong chính sự sống và sự phát triển của giáo phận mà Đức cha đã dầy công nuôi dưỡng. Đức cha ra đi để lại nhiều gương sáng cho chúng con noi theo.
Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi. Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai đi trong nước mắt sẽ về giữa tiếng cười.
Chúng con nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho Đức cha và ban cho Đức cha muôn vàn hồng ân để Đức cha luôn là mục tử hiền lành và khiêm nhường như lòng Chúa mong muốn. Nguyện xin Chúa hoạt động trong Đức cha như Ngài đã hoạt động nơi các Tông Đồ xưa và xin Chúa làm cho mọi hoạt động của Đức cha mang lại những kết quả tốt đẹp. Chúng con nguyện chúc Đức cha luôn sống phó thác tin yêu và được bình an trong tình yêu Chúa.
Chúng con sẽ hợp ý với Đức cha hàng ngày cầu nguyện tha thiết hơn nữa lời kinh của Hội Thánh mà Đức cha thường nhắn nhủ chúng con: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông Đồ rằng: Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa. Xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa.”
Chúng con cũng xin Đức cha, hằng ngày, khi Đức cha cầu nguyện cho Tổng Giáo phận Hà Nội thân yêu của Đức cha thì cũng thương tiếp tục cầu nguyện cho giáo phận Đà Lạt mà Đức cha đã nhiều năm yêu mến.
Chúng con xin cám ơn Đức cha Phaolô và Đức cha Giuse đã đến dâng Thánh lễ hôm nay. Sự hiện diện quý báu của hai Đức cha nói lên tinh thần “nhớ nguồn” và sự hiệp thông sâu xa của hai Đức cha đối với Đức cha Phêrô và giáo phận nhà, đồng thời cũng đem lại nhiều an ủi cho chúng con trong những giây phút quan trọng này.
Sau cùng, chúng con kính dâng lên Đức cha Phêrô những bông hoa thơm và món quà mọn tượng trưng cho lòng kính trọng, yêu mến và biết ơn của gia đình giáo phận. Và chúng con cũng dâng lên hai Đức cha những lẵng hoa tươi biểu lộ lòng quý mến của tất cả mọi người.”
 

Sau bài hát “Tình Cha” của cố nhạc sĩ Y Vân, được ca đoàn giáo xứ Chánh tòa hát lên như tâm tình kính yêu của những người con dành cho cha của mình, Đức cha Phêrô đáp từ :
“… Tôi có một vài tâm tình, không phải chỉ lúc này, nhưng từ lâu đã âm ỉ trong lòng và giờ đây phải thốt thành lời.
Thú thật với anh chị em, tôi rất biết ơn giáo phận. Giáo phận này đã sinh ra tôi, đã nuôi dưỡng, đã huấn luyện tôi, và chính trong giáo phận này tôi được trưởng thành. Giáo phận đây không phải là mảnh đất gần 10 ngàn cây số vuông, mà giáo phận là anh chị em, tôi muốn cám ơn anh chị em. Nếu có thì giờ, tôi phải cám ơn từng người và từng giới. Anh chị em cũng là động lực thúc đẩy tôi tiếp tục con đường truyền giáo. Vì truyền giáo là làm cho Đức Kitô lớn lên, là rao giảng Nước Trời, là công bố tình yêu của Chúa Cha… những việc đó không được phép ngưng nghỉ, phải làm và làm mãi. Bây giờ tôi tiếp tục những việc đó ở một nơi khác, anh chị em thi hành việc đó tại nơi này, nhưng chúng ta cùng một tấm lòng, cùng một mục đích, cùng một ý hướng. Và như vậy, chúng ta vẫn tiếp tục gặp gỡ nhau trong Đức Kitô.
Tôi chỉ muốn nói không phải là lời cuối cùng mà là nói mãi mãi: tôi hết lòng cám ơn giáo phận, cám ơn từng người trong anh chị em, cám ơn mọi giới. Xin tiếp tục cầu nguyện cho tôi.”


 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top