TGP. Hà Nội: Bế mạc Năm Thánh 2010

TGP. Hà Nội: Bế mạc Năm Thánh 2010

TGP HÀ NỘI (2.1.2011) – Hòa chung niềm vui với toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình (năm thứ 46 kể từ khi thiết lập); với sự kiện bế mạc Năm Thánh 2010 của Tổng Giáo phận Hà Nội, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn vào hồi 9g30 ngày 1 tháng 1 năm 2011, tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Cùng đồng tế với ngài có Đức cha Đaminh Mai Thanh Lương, Giám mục phụ tá Giáo phận Orange - là giáo phận kết nghĩa với Tổng Giáo phận Hà Nội, Đức cha phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh, quý cha trong linh mục đoàn, quý nam nữ tu sĩ và đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo phận.

Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Phêrô có lời chúc mừng đầu năm tới toàn thể cộng đoàn. Ngài chúc mọi người dồi dào ơn Chúa, chu toàn mọi việc trong ơn gọi, nhiệm vụ của mình theo thánh ý Thiên Chúa. Ngài cũng không quên nhắc mọi người tạ ơn Thiên Chúa vì bao nhiêu hồng ân Ngài đã ban, nhất là trong dịp Năm Thánh vừa qua. Ngài nói: Năm Thánh bế mạc lại mở ra cho chúng ta một thời kỳ mới, thời kỳ đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết sức để thực hiện những gì mà Thiên Chúa đã ban ơn, soi sáng, hướng dẫn chúng ta trong suốt Năm Thánh vừa qua…

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục khởi đi từ niềm vui của ngày thứ tám trong tuần Bát nhật Giáng Sinh, trước kia gọi là Lễ Đặt Tên. GIÊSU là một Danh thần linh, Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ, và từ nay mọi người có thể kêu cầu Danh của Người, bởi vì qua việc Nhập Thể, chính Người đã tự kết hợp với tất cả mọi người.

Ngày đầu năm còn là ngày thế giới hướng về hòa bình, cầu nguyện cho hòa bình nên Giáo hội đặt Đức Maria là Nữ Vương ban sự bình an vì người là thân mẫu của Đức Giêsu, Hoàng Tử hòa bình.

Cuối Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng với Đức cha Đaminh Mai Thánh Lương và Đức cha Phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh đã ban phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong dịp ngày đầu năm 2011. 

 

Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Phụng vụ ngày đầu Năm dương lịch 2011 hôm nay thực phong phú và đầy ý nghĩa: Giáo Hội cử hành ngày thứ tám trong tuần Bát nhật Giáng Sinh (mà trước kia, chúng ta thường gọi là lễ Đặt Tên) cùng với lễ Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, trong khi Tổng giáo phận chúng ta cử hành lễ bế mạc Năm Thánh 2010 và cùng với Giáo Hội toàn cầu cầu nguyện cho Hòa Bình thế giới trong ngày đầu năm dương lịch.

Trước hết chúng ta hãy để các bài đọc Kinh Thánh soi sáng cho chúng ta

1. Ngày thứ tám là ngày mà Hài Nhi được sinh hạ tại Bêlem có một tên gọi như mọi em bé khác. Tên của em là GIÊSU (Lc 2,21tt), có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”, Đấng muôn dân trông đợi. Khi Truyền tin, thiên thần Gabriel dạy đặt tên cho con trẻ là GIÊSU, tên gọi này vừa diễn tả Người là ai, vừa diễn tả sứ vụ của Người (x. Lc 1,31). Người là Con yêu dấu đã được “Thiên Chúa sai đến, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta được ơn làm nghĩa tử” ( Gl 4, 4-5). GIÊSU là một Danh thần linh, Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ, và từ nay mọi người có thể kêu cầu Danh của Người, bởi vì qua việc Nhập Thể, chính Người đã tự kết hợp với tất cả mọi người, đến độ “dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12) [GLHTCG 432].

2. Giáo Hội liên kết ngày đặt tên cho Hài Nhi GIÊSU với ngày đầu Năm mới dương lịch, để cầu xin phúc lành của Chúa Cứu Thế tuôn tràn trên thế giới như lời sách Dân số trong Bài đọc I ghi nhận. Thiên Chúa truyền cho các thầy tư tế chúc lành cho con cái Israel: “Nguyện xin Chúa chúc lành cho anh em và gìn giữ anh em; xin Chúa tỏ nhan thánh cho anh em và thương xót anh em. Xin Chúa ghé mặt lại cùng anh em và ban bình an cho anh em” (Ds 6,24-26). Sự bình an đích thực, chỉ có, là khi chúng ta nhận lãnh từ nơi Thiên Chúa mà Thiên Chúa thì luôn “để lại bình an cho chúng ta, luôn ban bình an cho chúng ta” như chúng vẫn tuyên xưng trong mỗi khi cử hành thánh lễ. Và từ hơn 40 năm qua, từ năm 1968 Giáo Hội cũng chọn ngày này làm Ngày quốc tế hòa bình và cầu xin cho hòa bình thế giới, hòa bình mà Con Chúa giáng trần đã ban cho những người Chúa thương tức là mọi người. Năm nay, Đức thánh cha Bênêđictô XVI kêu mời: “… Tôi kêu gọi mọi người nam cũng như nữ có thiện chí hãy canh tân tinh thần dấn thân nhằm xây dựng một thế giới trong đó mọi người được tự do tuyên xưng tôn giáo hoặc niềm tin của mình, và sống tình yêu của mình cho Thiên Chúa với tất cả trái tim, tất cả tâm hồn và với tất cả tinh thần (x. Mt 22,37). Đó là tâm tình định hướng cho Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 44 này, với chủ đề: Tự do tôn giáo, đường dẫn tới hòa bình” .
3. Hướng về hòa bình, chúng ta vẫn thường kêu cầu Đức Maria là Nữ Vương ban sự bình an, Người là thân mẫu của Đức Giêsu, Hoàng Tử hòa bình (x. Is 9,5). [Tượng Thánh Mẫu trước nhà thờ chúng ta có dòng chữ Regina pacis, Nữ vương Hòa bình]. Chúng ta vẫn hay lặp đi lặp lại lời kêu cầu Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời để tuyên xưng điều đã được Hội Thánh tuyên xưng từ rất lâu đời. Tại Công đồng Êphêsô năm 431, các Nghị Phụ đã công bố: “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa… không phải vì bản tính của Ngôi Lời và thần tính của Ngài đã bắt đầu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ rất thánh, nhưng vì từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra thân xác thánh thiêng đó, do một linh hồn có lý trí làm cho sống động, và Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với thân xác đó theo Ngôi Vị, nên có thể nói Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác phàm” [DS 251 ; GLHTCG 466]. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo còn nói thêm : “Trong các sách Tin Mừng, Đức Maria được gọi là Mẹ Chúa Giêsu (Ga 2,1 ; 19,15). Cả trước khi Con Mẹ chào đời, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã được gọi là “Mẹ Chúa tôi” (Lc 1,43). Quả thật, Đấng mà Mẹ đã cưu mang làm người bởi phép Chúa Thánh Thần, Đấng thật sự là Con Mẹ theo xác phàm, chính là Con vĩnh cửu của Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos)” (DS 251 ; GLHTCG 495]
4. Hôm nay, chúng ta cũng bế mạc Năm Thánh 2010 ở cấp Giáo phận.
“Năm 2010 ghi dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam: 350 năm thiết lập hai giáo phận tông toà Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659-2009), 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010). Đây là thời điểm cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học của lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa”.
Qua việc hành hương của các giáo xứ trong TGP vào các ngày thứ năm ở bốn nhà thờ Chánh tòa, Từ Châu, Vĩnh Trị và Sở Kiện cũng như qua các buổi học hỏi, hội thảo và cầu nguyện của thiếu nhi và các giới tại Sở Kiện với những đề tài đã được ban giáo lý soạn thảo về ý nghĩa của Năm Thánh 2010, và học hỏi gương các Thánh Tử Đạo của Tổng giáo phận Hà Nội, qua cuộc Hội ngộ linh mục của hơn 500 linh mục của Giáo Tỉnh miền Bắc, qua việc phái đoàn TGP tham dự Đại Hội lần thứ I của UBGM về Truyền Giáo tại Xuân Lộc, qua các Đại diện tham dự Đại Hội Dân Chúa Toàn quốc tại Saigon, cũng như qua việc 4 lần UBBA Caritas TGP đi cưu trợ lũ lụt tại Miền Trung và nhiều sinh hoạt đạo đức khác, nói lên phần nào TGP chúng ta quyết tâm học hỏi và sống tinh thần và sứ điệp của Năm Thánh.

 

Bế mạc Năm Thánh không có nghĩa là chấm dứt Năm Thánh, chấm dứt những ngày tháng nỗ lực sống thánh thiện, hoán cải và canh tân, nhưng hãy coi đây là “thời gian phát động” nhường chỗ cho thời gian sống những mầu nhiệm, những chân lý, những suy tư, những quyết tâm thánh thiện… đã được tìm hiểu, học hỏi, chia xsẻ … Hiểu được rằng Giáo Hội mà Đức Kitô sáng lập là một Giáo Hội mầu nhiệm, thì chúng ta dần dần lột bỏ những tính cách trần tục được phủ lên gương mặt của Giáo Hội. Hiểu được rằng Giáo Hội của Đức Kitô là hiệp thông, chúng ta phải cố gắng sống đoàn kết hơn, biết chấp nhận những giới hạn của nhau và sẵn sàng tha thứ cho nhau như Chúa đã luôn yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Hiểu được rằng Đức Kitô đã xây dựng Giáo Hội là để phục vụ, chúng ta hãy nỗ lực chia sẻ Tin Mừng cứu độ của Ngài cho mọi người anh em như lời nhắn nhủ của ĐTC Bênêđictô XVI: “loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Kitô như nét đặc thù và việc phục vụ cao nhất mà mình có thể hiến tặng cho đồng bào, và qua đó góp phần vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người, đồng thời đóng góp cho sự phát triển đất nước”. Và cùng với tâm nguyện của Giáo Hội Công giáo Việt Nam trong ngày bế mạc Năm Thánh tại La Vang: cùng với Mẹ La Vang, chúng ta hãy ra khơi thả lưới, xin cho mọi người trong TGP của chúng ta quyết tâm sống chứng tá Tin Mừng để xây dựng tại Việt Nam một Giáo Hội Mầu nhiệm – Hiệp thông và Sứ vụ.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top