Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Phục Sinh năm A
WGPSG / Vatican News -- Lm Antony Kadavil suy tư và chú giải các bài đọc của Chủ Nhật IV Phục sinh, còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Vào ngày này, Giáo hội ghi dấu việc thiết định và cử hành Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Các Ơn Gọi.
Dẫn nhập: Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành và, thật phù hợp, ngày này cũng là Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Các Ơn Gọi. Hôm nay, Giáo hội kêu gọi chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa những lời mời gọi của Thiên Chúa đối với mỗi chúng ta và cầu nguyện cho các ơn gọi linh mục, phó tế và đời sống thánh hiến, bởi vì toàn thể cộng đoàn Kitô hữu cùng chia sẻ trách nhiệm cổ võ và nâng đỡ các ơn gọi. Cả Cựu Ước và Tân Ước đều sử dụng hình ảnh Mục Tử và đàn chiên của Người để mô tả mối quan hệ độc nhất vô nhị giữa Thiên Chúa với Israel và giữa Chúa Kitô với các Kitô hữu.
Giai thoại khởi đầu bài giảng: Môsê, người mục tử - lãnh đạo: Người Do Thái có một truyền thuyết thật dễ thương để giải thích tại sao Thiên Chúa chọn Môsê làm người lãnh đạo dân Người. “Khi Môsê đang chăn cừu cho bố vợ trong hoang địa, một con cừu non đã bỏ đi khỏi đàn. Chàng đi theo nó cho đến khi nó tới một khe núi, nơi đó nó tìm thấy một mạch nước để uống nước. Môsê đã nói với nó: “Ta không biết mi đã chạy đi vì khát nước. Bây giờ chắc hẳn mi yếu mệt lắm rồi”. Chàng liền vác con cừu trên vai và đưa nó trở lại đàn. Khi đó, Đức Chúa phán: “Bởi vì ngươi đã tỏ lòng thương và đưa về con chiên trong đàn chiên của người khác, ngươi sẽ chăn dắt đàn chiên của ta là Israel”.
Lời nhận xét đẹp nhất và có ý nghĩa nhất về cuộc đời và di sản của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, được đưa ra bởi nhà truyền giáo nổi tiếng, Billy Graham. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông nói: “Người đã sống và chết như Thầy mình, Mục Tử Nhân Lành”. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố Người là Mục Tử Nhân Lành và giải thích những gì Người làm cho chiên của mình.
Tóm lược các bài đọc: Bài đọc thứ nhất được lấy từ bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô trong ngày Lễ Hiện Xuống. Nơi đây, thánh tông đồ khích lệ thính giả là những người Do Thái tập họp mừng Lễ Ngũ Tuần - “ngày Sa-bát” của tuần lễ thứ bảy kể từ Lễ Vượt qua - nhận biết rằng Đấng họ đã đóng đinh là Mục Tử đích thật và Thiên Chúa đã tôn Người làm Chúa và làm Đấng Kitô. Sau đó, Thánh Phêrô rao giảng rằng sự đáp lại đúng đắn đối với Tin Mừng Chúa Giêsu là hoán cải và chịu phép rửa “nhân danh Đức Giêsu Kitô,” trở thành thành viên trong đàn chiên của Mục Tử Nhân Lành. Nhờ Phép Rửa, họ sẽ nhận được ơn tha thứ cho mọi tội lỗi của mình.
Bài Đáp Ca (Tv 23) giới thiệu Đức Chúa là Mục tử Nhân Lành của Israel và thuật lại tất cả những việc Người làm cho chúng ta, chiên của Người
Bài đọc thứ hai, trích thư thứ nhất của Phêrô Tông đồ gửi cho Hội thánh, tiếp tục hình ảnh “người mục tử”. Thánh Phêrô khuyến khích các Kitô hữu đang gặp đau khổ đi theo bước chân của người mục tử (người tôi tớ đau khổ) của họ, và nhớ rằng họ đã được chuộc về bởi chính Người. Thánh Phêrô cũng giải thích cách Chúa Giêsu, người đau khổ vô tội, trở nên mẫu gương cho sự nhẫn nại và phó thác vào Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng chính sự đau khổ của Chúa Giêsu đã cho phép chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng hôm nay, hai dụ ngôn về con chiên mạc khải Chúa Giêsu là phương tiện cứu rỗi duy nhất của chúng ta. Người là “mục tử” hy sinh thân mình, săn sóc, bảo vệ và mang lại sự sống, và Người cũng là “cửa chiên”, cửa ngõ đi vào sự sống muôn đời.
Bài đọc thứ nhất (Cv2: 14a, 36-41): Bản văn này cho chúng ta sự tóm lược toàn bộ thông điệp của Tin Mừng, cho chúng ta biết Chúa Giêsu là ai, Người cứu độ chúng ta như thế nào và, chúng ta nên đáp trả Người ra sao. Thánh Phêrô nói với mọi người: Anh em đã đóng đinh Chúa và Đấng Kitô của anh em, nhưng Người đã sống lại từ cõi chết và ban cho anh em sự tha thứ cho tội lỗi của anh em, và anh em sẽ được lãnh nhận Chúa Thánh Thần”. Kết luận của bài giảng đã tổng hợp toàn bộ kerygma (bài giảng tiên khởi) trong một công thức Kitô học: “Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, Thiên Chúa đã tôn Người lên làm Chúa và làm Đấng Kitô”.
Danh hiệu “Chúa” và “Đấng Kitô” có ý nghĩa lớn lao. “Chúa” là danh hiệu dành riêng cho Thiên Chúa. Khi các Kitô hữu tiên khởi nhận ra rằng Thiên Chúa đã hóa thành xác phàm trong con người Đức Giêsu, họ đã trao cho Người danh hiệu Thánh này. “Đấng Kitô” là từ gốc Hy Lạp của từ Do Thái “Mesia”, có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, hay “Vua”. Người là đấng kế vị được chờ đợi từ lâu của vua Đavít, và là sự trọn đầy của tất cả niềm hy vọng dựa trên triều đại vinh quang của vua Đavít.
Bài đọc thứ hai: 1Pr 2: 20b-25: Sự quy chiếu về “người mục tử” trong câu cuối cùng của bài đọc này, trích từ thư của thánh Phêrô tông đồ, liên kết nó với bài Tin Mừng hôm nay. Chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Đấng canh giữ linh hồn anh em. (câu 24-25). Thánh Phêrô, sau đó, đưa ra ba sự tương phản: a) giữa những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu và những phản ứng đáng kinh ngạc của Người: “... Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; (câu 23); b) giữa Chúa Giêsu và chúng ta: Người mang tội lỗi CỦA CHÚNG TA; bởi vết thương CỦA NGƯỜI, CHÚNG TA được chữa lành (câu 24c) giữa tình trạng bị lạc mất trước đây và tình trạng hiện tại đầy ân sủng của chúng ta.
CHÚ GIẢI BÀI TIN MỪNG
Bối cảnh: Chúa Giêsu không phải đang nói với những kẻ đi theo Người. Người nói với những người Pha-ri-sêu. Họ đã cáo buộc Đức Giêsu là phường tội lỗi vì Người đã chữa lành một người mù trong ngày Sa-bát. Người đáp lại rằng Người là Mục Tử Nhân Lành. Người không giống như những kẻ chăn thuê, nhận tiền của chủ để chăn chiên nhưng lại bỏ rơi đàn chiên khi chúng gặp nguy hiểm, bởi những kẻ chăn thuê thì không thực sự chăm lo cho đàn chiên. Vì vậy, những người Pha-ri-sêu biết một cách chính xác rằng Đức Giêsu đang tự nhận mình là Chúa! Họ cũng biết Người đang so sánh chính mình với họ - những kẻ làm thuê được giao phó việc chăm sóc dân Thiên Chúa nhưng lại chỉ chăm lo cho bản thân mình.
Đức Chúa - Mục tử nhân lành. Trong một thời gian dài, người Do Thái đã sử dụng hình ảnh Mục Tử Nhân Lành để gán cho Thiên Chúa. Việc sử dụng này bắt nguồn từ sách Sáng Thế (St 49:24), Giuse đã được cứu “Nhờ tay Đấng Toàn Năng của Giacóp, bởi Người Mục Tử, Đá Tảng của Israel, Thần của cha ông ..”. Hình ảnh như vậy cũng đã được sử dụng bởi Môsê, Isaia, Giêrêmia, Êzêkien, Amốt, Dacaria, và tất nhiên bởi vua Đavít trong bài Thánh vịnh của mình. Vịnh gia thưa với Đức Chúa như Mục Tử của mình. Thánh vịnh 23:1 “Chúa là Mục Tử của tôi, tôi còn thiếu thốn gì”. “Người là Chúa của tôi, và tôi là dân Người, là đàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 95, 7) Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt. (Is 40:11). Êdêkien báo trước những gì Đấng Mêsia sẽ làm với tư cách là Mục tử Nhân Lành. “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của Ðức Chúa là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh”(Ed 34: 15-16). Tựu trung lại, Thiên Chúa là Mục Tử tối cao của dân, mang lại sự chỉ dẫn, sự dưỡng nuôi và bảo vệ cho dân Người (Tv 23), và Người muốn các vị vua, các nhà lãnh đạo khác cũng là những mục tử của họ.
Hình ảnh Mục Tử Nhân Lành trong Tân Ước: Ở Palestine, từ “mục tử” là một từ đồng nghĩa với tình yêu vị tha, sự chân thành, sự cam kết và sự phục vụ đầy hy sinh. Do đó, Chúa Giêsu chọn nó là thuật ngữ phù hợp nhất để biểu thị cuộc đời và sứ mệnh của mình (Mt 2: 6, 9:36, 18: 12-14, 26:31; Mc 6:34, 14:27; Lc 12:32, 15: 4; I Pt 2:25, 5: 2-4; Dt 13:20). Các ngôn sứ đã chỉ ra những sứ mạng chính của Mục Tử Nhân Lành: 1) Mục tử nhân lành dẫn dắt chiên đến đồng cỏ, cung cấp cho chúng thức ăn, nước uống, và bảo vệ chúng. Ở Palestine, người mục tử đi phía trước và chiên theo sau. 2) Người bảo vệ chúng, không để chúng bị lạc trong hoang địa hoặc trở thành nạn nhân của những tên cướp và thú hoang - sự phòng giữ. 3) Người đã đi tìm những con bị lạc và chữa lành những con bị thương tích - sự bảo vệ. 4) Người sẵn sàng thí mạng sống mình vì đàn chiên - sự cứu độ.
Dụ ngôn đầu tiên trong Tin mừng hôm nay: Phần đầu tiên của Tin Mừng hôm nay làm tương phản Đức Giêsu - Mục Tử đích thực, với các mục tử giả, với kẻ trộm và kẻ cướp. Đức Giêsu cảnh báo chúng ta về những mục tử giả và thầy dạy giả trong Giáo hội của Người. Tình yêu và sự chăm lo của Đức Giêsu đối với mỗi chúng ta phải được đón nhận với sự phó thác và thanh thản bởi vì chỉ một mình Người là Mục Tử của chúng ta, và không ai khác xứng đáng với sự cam kết không bị chia sẻ của chúng ta. Là Mục Tử đích thực, Người dẫn dắt chiên của Người, cho chúng ăn và bảo vệ chúng; chỉ Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành, mới có thể cung cấp, bảo vệ và dẫn chúng ta đến hạnh phúc đích thực.
Dụ ngôn thứ hai. Vào thời Đức Giêsu, tại vùng đất Palestine, các mục đồng đưa chiên xuống từ những ngọn đồi vào buổi tối để bảo vệ chúng khỏi những con sói và sư tử săn mồi. Ban đêm, họ sẽ tập hợp những con chiên lại với nhau và dẫn chúng vào chuồng hoặc những khu vực được quây kín bởi những bức tường cao bằng đá. Các mục đồng đặt những bó gai nhọn dọc theo đỉnh các bức tường tường để ngăn sư tử và sói nhảy qua. Có một ô cửa rộng khoảng hơn nửa mét, một không gian hẹp trước bức tường, đối diện với một ngọn lửa thắp sáng phía ngoài giữa đêm tối. Chính mục đồng sẽ ngủ ở đó, trong cái khe nhỏ cạnh bức tường đá đối diện với ngọn lửa đang cháy, với cây gậy ngắn hoặc cây trượng dài trong tay. Một khi có con sư tử nào tìm đến, anh ta sẽ đánh lại nó bằng thứ vũ khí là chính cây gậy đó. Như vậy, theo đúng nghĩa đen, mục tử chính là cửa chiên.
Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu so sánh mình với Mục Tử và Cửa Chiên. Danh hiệu đầu tiên (mục tử) thể hiện quyền làm chủ của Người bởi vì mục tử là chủ thực sự của các con chiên. Danh hiệu thứ hai biểu trưng cho vai trò lãnh đạo của Người. Đức Giêsu là Cánh Cửa, Con đường ra vào độc nhất. Người là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Tất cả phải đi qua Người, qua Giáo hội của Người, để vào Nước Trời. Bằng việc nhận mình chính là cửa chiên, Đức Giêsu bảo đảm rằng bất cứ ai qua Ngài mà đi vào chuồng chiên sẽ được chăm sóc và được an toàn. Đức Giê-su là Cửa Hằng Sống để đi vào nhà Cha của Người, là cánh cửa đi vào sự an toàn của Chúa Cha và bước vào đời sống viên mãn. Qua Đức Giêsu, chúng ta đi vào chuồng chiên, nơi chúng ta được bảo vệ khỏi những con sói dữ của cuộc đời. Có sự an toàn và an ninh trong việc trở thành một Kitô hữu. Đó là sự an toàn và an ninh về tinh thần, cảm xúc và tâm lý khi chúng ta sống trong Chúa Giêsu và trong Giáo hội của Người, trong sự bảo vệ, chở che của Chúa Kitô, giữa các anh em Kitô hữu và trong một gia đình Kitô giáo.
Thông điệp cho đời sống:
1) Chúng ta cần trở nên những mục tử và những người lãnh đạo tốt lành: Những ai được giao phó việc chăm sóc người khác thì đều là mục tử. Do đó, các linh mục, các bậc làm cha mẹ, giáo viên, bác sĩ, y tá, quan chức chính phủ…, đều là những mục tử giữa những người khác. Chúng ta trở thành những mục tử tốt lành bằng cách yêu thương những người được giao phó cho mình, cầu nguyện cho họ, dành thời gian, tài năng và phúc lành cho lợi ích của họ, cũng như bảo vệ họ khỏi những nguy hiểm về thể xác và tinh thần. Cha mẹ phải đặc biệt chú trọng nhiệm vụ của họ đối với con cái, trở nên tấm gương và sự hướng dẫn tốt lành cho chúng. Hơn hết, cha mẹ cần cầu nguyện cho con cái, sống theo các nguyên tắc luân lý Kitô giáo và hướng dẫn con cái mình làm như vậy.
2) Chúng ta cần trở thành những con chiên tốt lành trong đàn chiên của Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành: Giáo xứ của chúng ta là đàn chiên, và các linh mục là những mục tử của chúng ta. Chúa Giêsu là Linh Mục Thượng Phẩm, các giám mục là những người kế vị của các Tông đồ, các linh mục là cánh tay nối dài của các giám mục, và giáo dân những con chiên. Do đó, với tư cách là con chiên tốt lành của giáo xứ, giáo dân được mong đợi: a) Lắng nghe và làm theo tiếng nói của các mục tử qua các bài giảng, các lớp học Kinh Thánh, và thông qua việc tư vấn hay khuyên bảo. b) Nhận của ăn thiêng liêng từ các mục tử bằng việc thường xuyên tham dự Thánh lễ, các Bí tích và buổi cầu nguyện, tham gia các chương trình và sứ mạng canh tân của giáo xứ khi có thể. c) Hợp tác với các mục tử của chúng ta bằng việc đưa ra những gợi ý tích cực về phúc lợi của giáo xứ, bằng cách khuyến khích họ trong sứ vụ, góp ý và phê bình trong tình yêu thương và mang tính xây dựng khi họ sai lỗi hoặc thất bại trong nhiệm vụ và, bằng cách luôn luôn cầu nguyện cho họ. d) Tham gia tích cực vào công việc của các hội đoàn, các hiệp hội trong giáo xứ.
3) Chúng ta cần cầu nguyện cho các mục tử tốt lành và cầu nguyện cho các Ơn Gọi. Giáo hội cử hành Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Các Ơn Gọi để khuyến khích và cổ võ các ơn gọi linh mục và đời sống Thánh hiến. Tất cả các Kitô hữu cần chia sẻ trách nhiệm nâng đỡ những ơn gọi này: a) Cộng đoàn tín hữu phải không ngừng cầu nguyện cho các ơn gọi cả trong Giáo hội và trong gia đình của họ. b) Vì các linh mục, các phó tế tốt lành và những người sống đời thánh hiến đều đến từ các gia đình Kitô hữu tốt lành nên tất cả các bậc cha mẹ cần phải sống đức Tin vững mạnh trong đời sống hằng ngày, làm gương tốt, nuôi dưỡng các mối quan hệ tốt đẹp giữa họ và con cái. c) Cha mẹ cần tôn trọng và khuyến khích con mình thể hiện sự mong muốn trở thành linh mục, phó tế hoặc bước vào đời sống thánh hiến. Họ cần khích lệ con cái mình, bao gồm cả thiếu nhi, thanh thiếu niên tham gia tích cực vào các hoạt động thiếu nhi và giới trẻ trong giáo xứ. Họ cũng cần khuyến khích và tích cực hỗ trợ chúng trong việc trở thành người giúp lễ, đọc sách…
Vào Ngày Thế giới Cầu Nguyện Cho Các Ơn Gọi này, chúng ta hãy bắt đầu hoặc tiếp tục cầu nguyện tha thiết cho ơn hoán cải liên tục và ơn bền đỗ trong đức Tin của các giám mục, linh mục, phó tế, những người đang sống đời thánh hiến, và tất cả mọi người giáo dân, vì chúng ta là Một Thân Thể và, khi một thành viên đau khổ, thì tất cả đều đau khổ.
Lm Antony Kadavil (vaticannews.va)/ Chuyển ngữ: Minh Lộc /Nguồn: WGPSG
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024