Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần VII mùa Phục sinh - năm C
THĂNG THIÊN 2016
Lc 24,46-53
"Chính anh em là chứng nhân
của những điều này."
(Lc 24,48)
Hôm nay cộng đoàn chúng ta họp nhau trong ngôi thánh đường này để mừng trọng thể lễ Chúa Thăng Thiên. Đây cũng là ngày Giáo Hội dành làm “Ngày truyền thông thế giới”. Khi chọn ngày lễ này làm ngày truyền thông, Giáo Hội muốn nhắc nhở từng người chúng ta ý thức hơn đến việc loan truyền cho mọi người Tin Mừng Phục Sinh, một Tin Mừng vĩ đại nhất qua mọi thời đại và có khả năng biến đổi cuộc sống của những ai tin nhận.
Không chỉ hôm nay, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trong suốt những tuần lễ vừa qua, dưới nhiều hình thức khác nhau, phụng vụ lời Chúa cũng đã luôn mời gọi chúng ta phải lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô.
Ngay trong Chúa Nhật Phục Sinh, Maria Mađalêna đã là người đầu tiên loan báo cho hai môn đệ Phêrô và Gioan về sự kiện ngôi mộ trống, dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Rồi tám ngày sau, vào Chúa Nhật II Phục Sinh, trong lần hiện ra với các tông đồ có cả Tôma, chính Đấng Phục Sinh đã truyền cho các tông đồ “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20, 21). Kế đến, trong Chúa Nhật III, Tin Mừng Luca còn thuật lại cho chúng ta việc Đấng Phục Sinh hiện đến với các tông đồ khi đó đang tụ họp cùng với hai môn đệ vừa từ làng Emmaus trở về. Và cả lần này, Đấng Phục Sinh cũng giao cho các ông sứ mạng “nhân danh Người rao giảng sự thống hối… bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24, 47). Ngài còn nhấn mạnh: “Còn các con, các con sẽ là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24,48). Còn trong Chúa Nhật IV, chúng ta đọc được tâm sự của Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành: “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn” (Ga 10,16a). Được gia nhập vào đoàn chiên duy nhất của Đấng Phục Sinh như cành nho liên kết với thân nho, từng người chúng ta cũng được mời gọi sinh hoa trái bằng đời sống bác ái yêu thương. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người tin nhận Đấng Phục Sinh. Đó chính là giáo huấn của lời Chúa trong Chúa Nhật V Phục Sinh. Còn trong Chúa Nhật vừa qua, Đức Kitô xác định rõ với từng người chúng ta: “Chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái” (Ga 15,16). Và hôm nay, trước khi chấm dứt giai đoạn hiện diện hữu hình của mình với các môn đệ, một lần nữa, Đấng Phục Sinh đã giao cho các tông đồ sứ mạng: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.
Như thế, loan báo Tin Mừng Phục Sinh không còn là một điều mà chúng ta muốn làm hay không tuỳ thích, nhưng là một sứ mạng, một bổn phận bắt buộc cho tất cả những ai muốn xưng mình là kitô hữu. Ý thức điều đó, Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về truyền giáo, số 2 đã nói: “Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”. Giáo Hội phải loan truyền cho mọi người về Tin Mừng Phục Sinh, vì từ đây, Đấng Phục Sinh không còn hiện diện hữu hình với chúng ta nữa. Chúa lên trời, không phải là Ngài không còn hiện diện với con người nữa, nhưng là hiện diện với một cách thức mới, hiệu quả hơn, như lời Ngài đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Lịch sử Giáo Hội đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn mở ra cho muôn dân. Đó cũng là một trong những lý do khiến Giáo Hội chọn ngày lễ hôm nay làm ngày “Truyền thông thế giới”. Từ đây, Giáo Hội có nhiệm vụ truyền thông cho thế giới về Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng của Tình yêu và Sự sống, Tin Mừng của niềm Hy vọng.
Chúng ta không được phép chỉ nhìn trời, nhưng phải nhìn đến những người đang sống quanh ta, đó là người chồng, người vợ, là cha mẹ, con cái, là anh chị em và cả những người hàng xóm, láng giềng, những người hợp ý với chúng ta lẫn những người làm chúng ta khó chịu. Nếu trong một gia đình Công Giáo luôn trên thuận dưới hoà, anh chị em luôn biết tha thứ, đùm bọc yêu thương nhau. Nhất là nếu chúng ta luôn biết quan tâm chia sẻ, nâng đỡ những người hàng xóm, không phân biệt lương giáo những lúc “tối lửa, tắt đèn”, thì tôi thiết nghĩ, đó là cách tốt nhất để chúng ta thông truyền cho mọi người về một Tình yêu phổ quát của Đấng Phục Sinh, Đấng đã chết và sống lại cho tất cả chúng ta.
Vợ chồng họ bán phở trên hè phố đã được một thời gian khá dài. Giá cả phải chăng cùng với nụ cười chân thành làm cho quán ăn của họ luôn tấp nập khách. Đến quán phở của họ nhiều lần, tôi phát hiện sáng nào cũng có một cụ già ăn mặc rách rưới lặng lẽ đứng chờ ở một góc.
Nhìn thấy bà cụ đến, hai vợ chồng họ vừa bận rộn làm nốt công việc dở, vừa mỉm cười nói với bà cụ:
- Bà chờ cháu một chút nhé, cháu sẽ làm ngay cho bà.
Lát sau, vợ hoặc chồng họ nhanh nhẹn bỏ phở vào trong chiếc hộp giấy, múc nước phở bỏ vào trong túi bóng, buộc lại rồi đưa cho bà cụ. Họ còn không quên nhắc bà cụ cẩn thận kẻo bỏng tay. Bà cụ run rẩy đưa đôi tay gầy guộc ra nhận, sau đó lặng lẽ quay người đi. Nhưng điều kỳ lạ là, dường như bà cụ chưa lần nào trả tiền.
Một hôm, tôi không kìm nén nổi sự tò mò, đã hỏi vợ chồng họ. Người vợ thở dài nói:
- Bà cụ ấy thật tội nghiệp, khó khăn lăm mới nuôi con cái khôn lớn. Vậy mà đến lúc già lại không có chỗ nương tựa. Gia đình chúng tôi cũng không được dư giả cho lắm, giúp đỡ bà cụ nhiều hơn thì chúng tôi không có khả năng, nhưng chỉ cần bà cụ đến chúng tôi luôn đãi cụ một bát phở.
Trên nét mặt người phụ nữ trung niên ấy dường như lộ vẻ áy náy, dường như chị cảm thấy có lỗi khi chỉ giúp đỡ được bà cụ một bát phở.
Tôi để ý và luôn nhận thấy vợ chồng họ đối xử lễ phép và tôn trọng bà cụ giống như những người khách hàng khác, không hề tỏ ra một chút coi thường hay ban ơn.
Sau này, trên phố xuất hiện khá nhiều quán phở, nhưng tôi chỉ thích đến quán phở của họ. Không vì cái gì cả, tôi chỉ muốn ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ, trong âm thanh náo nhiệt của đường phố, lặng lẽ nhìn hai vợ chồng họ - những người thuộc tầng lớp nghèo túng của xã hội - chìa đôi bàn tay thô ráp, tặng cho một bà cụ còn nghèo túng hơn mình cả một tấm lòng yêu thương và nhân ái.
Bố thí cho người khác, có lẽ rất nhiều người dễ dàng làm được. Nhưng bố thí cho người khác với một thái độ chân thành và nhân ái, thì không phải ai cũng có thể làm được.
Tóm lại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng thông truyền Tin Mừng bằng chính đời sống công chính, yêu thương, nhường nhịn, tha thứ cho dù chỉ là một câu nói và một tấm lòng mở rộng sẵn sàng cảm thông của chúng ta. Chính đời sống đó sẽ là một dấu lạ cho mọi người nhận ra rằng có một Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Chớ gì nhờ sức mạnh của Thánh Thể nâng đỡ, từng người, từng gia đình và cả cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ trở thành một lời chứng hùng hồn cho Tin Mừng yêu thương và hy vọng của Đấng Phục Sinh. Amen.
THỨ HAI TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 16,29-33
"Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33)
Về cuộc sống của người môn đệ giữa thế gian.
1. Chúa Giêsu báo trước và báo xa hơn về cuộc sống của người môn đệ sau khi Ngài ra đi: “Giữa thế gian, các con sẽ đau khổ. Nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
Lịch sử Giáo Hội đã được khởi đầu với những cuộc bách hại. Và trải qua hơn 2000 năm số phận của người Kitô hữu cũng vẫn luôn là số phận bị nghi ngờ, bị thù ghét và có thể bị bách hại nữa. Tại sao? Lời Chúa Giêsu hôm nay là câu trả lời quý giá cho chúng ta.
Chúng ta hãy nghe một đoạn văn nói về một cuộc hành hình các Kitô hữu đầu tiên dưới thời bạo Chúa Néro năm 64 tại Rôma: "Lúc ấy, mặt trời đã lên cao, ánh mắt của nó chiếu qua tấm che trần màu đỏ tía, khiến cho nhà hát ngập màu máu. Cát nhuộm màu lửa đỏ, và trong thứ ánh sáng ấy, nét kinh hoàng hiện lên khuôn mặt của khán giả cũng như bãi đấu trường mà lát nữa đây sẽ tràn ngập nỗi đau đớn của những con người bị hành hình và nỗi điên cuồng của những dã thú. Cửa hầm mở, đoàn người bị gói trong những tấm da thú được đẩy ra. Toàn nhà hát vang lên những tiếng rì rầm “Bọn Thiên Chúa giáo!…Bọn Thiên Chúa giáo!…”
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội VN chúng ta: cũng không có luật trừ. Suốt ba thế kỷ liền, kể từ năm 1553, cùng với Tin Mừng của Chúa đến Việt Nam thì Thánh Giá cũng đến theo. Biết bao tín hữu đã bị lưu đày, bị chiếm đoạt tài sản, phải lén lút sống trong rừng sâu nước độc, cam chịu mọi đau khổ ….. để trung thành với Đức tin. 300 năm Giáo Hội VN đã phải chịu rất nhiều khổ đau: Tính đến cuối thế kỷ 19, người ta đã có thể thống kê được trên 130.000 đấng thuộc mọi thành phần được diễm phúc tử đạo. Trong số này có 118 vị đã được các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô X và Piô XII phong lên bậc chân phước rồi được Đức Gioan Phaolô II tôn lên bậc hiển thánh gần đây.
Quả thực Giáo Hội Việt Nam của chúng ta nghèo nàn, không so sánh được với các Giáo Hội Âu Mỹ, nhưng chúng ta có quyền hãnh diện về lòng trung thành sắt son với đạo Chúa của tổ tiên ta: ba thế kỷ bắt bớ tù đày và trên 130.000 đấng Tử đạo.
2. Nếu chỉ nghe có phần đầu của Lời Chúa hôm nay thì chúng ta sẽ lo sợ nhưng nếu nghe luôn cả phần sau thì chúng ta sẽ thấy thật phấn khởi: “Thầy đã chiến thắng thế gian” (Ga 16,33).
Chúng ta hãy nhìn lại một chút lịch sử của Giáo Hội Chúa từ khi Chúa thành lập đến nay:
- Mới vừa giảng đạo được ba năm, chính Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Hội Thánh, đã bị kết án và chết một cách nhục nhã trên cây Thánh Giá.
* Hội Thánh mới thành hình chưa được bao lâu thì lại phải trải qua 300 năm bách hại. Sự bách hại lúc này không còn hạn chế trong đất nước Do Thái mà bao trùm cả đế quốc Rôma, mãi cho đến năm 313, sắc chỉ Milan về tự do tín ngưỡng mới được ban hành. Giáo Hội được hưởng một thời gian an bình. Nhìn lại cuộc sống của Giáo Hội cả thời kỳ này, sử gia Tertulianô đã nói: "Hạt máu của các vị Tử Đạo là hạt giống nảy sinh người Kitô hữu khác".
* Thế kỷ VI, VII làn sóng các dân man di lại tràn gập đế quốc Rôma, gây không biết bao nhiêu điều điêu đứng khó khăn cho Hội Thánh. Nhưng rồi với sự kiên trì dạy dỗ, Hội Thánh đã cảm hóa được họ, lôi kéo họ trở về.
* Đền thời Cách mạng Pháp (1789-1799) không biết bao nhiêu linh mục tu sĩ phải lưu đày, xử giảo hoặc bị nhận chìm xuống lòng biển. Napoléon 1 lên ngôi, ông sang Ý bắt luôn cả Đức giáo hoàng Piô VII đem về cầm tù tại Fontainebleau vì Ngài đã phản đối việc ông ly dị với bà Josephine để cưới Marie Louis làm vợ. Một hôm, vì quá tức giận, Napoléon đã nói thẳng với Hồng Y Consalvi, quốc vụ khanh Tòa Thánh lúc đó:
- Ông không biết sao: tôi có thể tiêu diệt cả Hội Thánh.
Hồng Y Consalvi hóm hỉnh trả lời:
- Thưa Ngài, chính chúng tôi đây là những kẻ ở bên trong Hội Thánh. Dù với bao nhiêu gương xấu, tội lỗi, chia rẽ, khuyết điểm vẫn không phá nổi Hội Thánh suốt 19 thế kỷ qua, thì làm sao mà Ngài có thể phá tan Hội Thánh được.
Về sau Napoléon đã phải tuyên bố:
- Các dân nước qua đi, các ngai vàng sụp đổ, Hội Thánh vẫn tồn tại.
Tóm lại, con thuyền Phêrô đã bị sóng gió bão táp xô đẩy suốt 20 thế kỷ nay vẫn không bị chìm. Nhà thi hào Henrich Heine người Đức (1797-1856) sau khi nhìn lại những thất bại của mình trong công việc chống phá Giáo Hội đã phải thú nhận: "Đã lâu rồi, tôi không còn công kích Hội Thánh Công giáo nữa. Tôi đã đo sức trí khôn ngoan của loài người và nhận thấy rằng: Các đợt tấn công vào tảng đá khổng lồ và kiên cố đó không thể làm cho tảng đá sứt mẻ hoặc nhúc nhích được".
Lời Chúa hãy còn đó: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33)
THỨ BA TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 17,1-11a
"Lạy Cha chí thánh,
xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha
mà Cha đã ban cho con,
để họ nên một như chúng ta.”
(Ga 17,11)
1. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước lúc ra đi.
Chúa cầu nguyện cho chính mình và cho những kẻ Chúa Cha trao cho Ngài.
Những lời cầu nguyện này vừa trịnh trọng vừa tha thiết, chẳng khác gì như một gạch nối giữa bữa Tiệc Ly và cuộc Tử Nạn sắp đến: Lạy Cha, giờ đã đến!(Ga 17,1)
Ý tưởng của lời cầu nguyện mà chúng ta vừa nghe chẳng khác gì những lời cầu nguyện của Kinh Lạy Cha mà Chúa đã dạy cho các môn đệ.
Lời cầu nguyện của Chúa rất thực tế: “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ vẫn còn ở trong thế gian” (Ga 17,11).
Chúa Giêsu biết rõ ở trong thế gian là thế nào và thoát khỏi thế gian là thế nào nên Ngài mới cầu nguyện như vậy. Còn chúng ta, chúng ta chỉ mới biết thế gian này cho nên chúng ta quyến luyến nó, chúng ta sợ phải mất nó, khi nghĩ đến ngày chúng ta lìa xa thế gian thì chúng ta sợ hãi lo âu.
2. Ở trong thế gian chúng ta phải đối phó với rất nhiều thứ nguy hiểm.
Bởi vậy Chúa cầu nguyện cho chúng ta được hiệp nhất. Khi chúng ta không đoàn kết hiệp nhất thì chẳng những chúng ta không giúp gì được cho nhau để thoát khỏi những nguy hiểm ấy, trái lại chúng ta còn làm khổ nhau thêm, làm yếu sức nhau, làm cho nhau dễ sa ngã hơn nữa. Những sự bất hoà, chia rẽ, thiếu bác ái, đã làm cho biết bao nhiêu người chán nản không còn được hăng say chu toàn nhiệm vụ, không còn nhiệt tình đi theo lý tưởng, không còn đủ sức đón nhận hy sinh.
Nhưng làm sao để tạo được sự hợp nhất?
Tôi xin mượn một câu chuyện cổ Nước Pháp để chúng ta cùng tìm ra câu trả lời. Chuyện kể rằng:
Ngày xưa trong gia tộc nhà mèo, có một chú mèo con như lạc loài. Bố chú trắng, mẹ chú trắng, ông nội, ông ngoại chú trắng, bà nội, bà ngoại chú trắng, các anh, các chị, các cậu, các chú, các dì chú đều trắng cả. Chi có chú là đen tuyền. Vâng! Chỉ duy có một mình chú là đen tuyền.
Khi sinh ra đời, chú nằm giữa bốn em nhỏ của chú cứ như là hòn than nằm trong tuyết. Tất cả gia đình mèo trắng ngồi quanh cái ổ 05 chú mèo mới sinh. Ai cũng gãi tai... Bố mẹ chú cũng gãi tai và nói:
- Thằng bé này đáng lẽ trắng thì lại đen tuyền, thật chẳng giống ai! Trái với lẽ tự nhiên.
Mẹ chú liếm cho chú cả ngày, mà rồi chú vẫn đen như thế. Chú lớn lên cùng với lũ em. Cả nhà rất yêu chú, nhưng không sao quen với màu đen lông của chú được.
Về phần chú, càng lớn chú càng ngạc nhiên khi thấy mình chẳng giống ai cả. Điều này gây ra rất nhiều oái oăm. Nếu chú chơi ú tim trên nệm trắng, lũ nhóc tìm ra chú ngay. Nếu chú đuổi bắt trong hầm tối, lũ nhóc không sao tìm thấy chú được. Khi cả nhà uống sữa, vì chú đen nên cả nhà ai cũng tưởng chú uống nhiều hơn. Kể ra thế cũng khổ thật!
Một hôm, chú bỏ cuộc chơi, nằm cuộn tròn trong góc bếp, như một con mèo già. Mẹ chú lo lắng hỏi:
- Con không ốm đấy chứ?
Chú đáp:
- Không, mẹ ạ con đang nghỉ.
Tối hôm ấy, trong khi chú mèo đen tiếp tục suy nghĩ, thì bố mẹ chú mời tất cả: ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại, các anh, các chị, các cậu, các chú, các dì, các bác... Cả gia đình cùng họp lại. Bố chú meo meo một bài diễn văn dài. Ông tuyên bố rằng, không thể để tình trạng này kéo dài mãi như vậy, vì mèo đen ngày càng thêm rầu rĩ. Ông đề ra một phương án để biến đổi tình thế. Cả họ nhà mèo đồng nhất trí. Bấy giờ, bố chú mèo liền lên tiếng:
- Nào, chúng ta đi.
Im lặng nối đuôi nhau, cả họ nhà mèo trắng bước đến cái bồ than, rồi lặng lẽ, nối đuôi nhau, rồi họ ra khỏi cái bồ. Thế là cả ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại, các anh, các chị, các cậu, các chú, các dì, các bác đều biến thành đen, đen như hòn than. Họ hàng mèo trắng đã biến thành mèo đen rồi tiến về phía bếp để tìm chú mèo nhỏ. Không ai thấy chú đâu cả, mà chỉ thấy một con mèo trắng, trắng toát từ râu đến đuôi. Mọi người kinh ngạc. Con mèo lạ kêu lên "meo meo". Mẹ mèo mừng rỡ:
- Con trai tôi đây mà!
Bố mèo reo lên:
- Cu cậu đã lăn mình vào bột!
Chú mèo âu yếm gọi
- Bố... ố! Mẹ!
Và một ông chú, vốn hay nói chữ, đùa vui:
- Đã thương yêu nhau thì đen hay trắng có sao đâu!
Cả họ nhà mèo cùng bật cười, thi nhau nhảy vồ nhau. Than và bột bay tứ tung mịt mù. Chẳng còn mèo đen, chẳng còn mèo trắng mà chì còn mèo xám thương nhau...
Vâng nếu mỗi người chúng ta biết nghĩ đến nhau, biết làm cho cái tôi của mình nhỏ lại, biết bớt đi cái sĩ diện, biết làm vui lòng nhau, thực lòng yêu thương nhau thì cho dù chẳng đi tìm, sự hiệp nhất đoàn kết sẽ đến với chúng ta. Amen.
THỨ TƯ TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 17,11b-19
"Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con,
để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”
(Ga 17,19)
Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện cho các môn đệ của mình. Chúa không quên nói lên phương pháp giúp các môn đệ chu toàn được sứ mạng rao giảng Tin Mừng Chúa trao phó.
1. Phương pháp đó là gì thì ta hãy nghe lời của Chúa: “Vì họ con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19).
Chúa Giêsu không dạy chúng ta làm điều gì mà chính Ngài đã không làm trước. Mỗi người chúng ta trong cương vị của một người lãnh đạo, lãnh đạo một giáo xứ, lãnh đạo một gia đình, lãnh đạo một đoàn thể, lãnh đạo một tập thể nào đó cũng phải nói như Chúa: “Tôi phải tự thánh hóa chính mình để những người tôi lãnh đạo được thánh hóa”
Người Rôma có một câu châm ngôn rất hay: "Không ai có thể cho cái mình không có"
Nhà giáo dục vĩ đại Booker T. Washington có viết như sau trong cuốn tự thuật mang tựa đề “Từ ách nô lệ đi lên” của ông: “Càng lớn tôi càng tin chắc rằng, không một sự giáo dục nào có thể gặt hái được từ sách vở hay từ những dụng cụ đắt tiền có thể sánh ví được với những gì ta có thể gặt hái được do tiếp xúc với các bậc vĩ nhân”.
Chúng ta có thể sửa đổi lại lời của ông để áp dụng cho các bậc cha mẹ: “Càng lớn lên, tôi càng tin chắc rằng, không một sự giáo dục nào có thể gặt hái được từ sách vở hay từ những dụng cụ đắt tiền có thể sánh ví được với những gì ta gặt hái được do được sống với các bậc cha mẹ vĩ đại của mình”.
Nếu chúng ta muốn tìm một phương cách để giúp con cái mình quí chuộng sự cầu nguyện, thì không gì hay hơn là chính chúng ta hãy biết sốt sắng cầu nguyện trước.
Nếu chúng ta muốn tìm một phương cách để hướng dẫn con cái mình biết tham dự Thánh Lễ cách tích cực và sốt sắng thì không gì hay hơn là chính chúng ta hãy tham dự Thánh Lễ một cách tích cực và sốt sắng trước.
Và nếu chúng ta đang tìm phương cách để thúc giục con cái chúng ta biết yêu thương tha nhân hơn thì không gì tốt hơn là chúng ta hãy làm gương về lòng yêu thương trước.
Vì theo các nhà giáo dục thì:
Thầy giáo đầu tiên và quan trọng nhất đối với con cái chính là cha mẹ chúng. Không điều gì có thể thay thế ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái.
- Dù là chương trình giáo dục có nổi tiếng nhất trên thế giới
- Dù là giáo xứ có tốt nhất trên thế giới.
- Dù là trường học có tốt nhất trên thế giới
- Dù là bạn bè có tốt nhất trên thế giới, tất cả những cái đó tuy có góp phần vào việc giáo dục con trẻ, nhưng chúng cũng chỉ đóng vai trò ảnh hưởng thứ yếu.
Thầy giáo đầu tiên và quan trọng nhất đối với con cái chính là cha mẹ chúng. Không điều gì có thể thay thế ảnh hưởng của họ.
2. Còn cầu nguyện thì Chúa cầu nguyện điều gì? Dĩ nhiên đó phải là những điều làm Chúa bận tâm hơn cả. Đây là những bận tâm của Chúa đối với các tông đồ lúc đó và chúng ta sau này:
Cầu xin cho họ ơn hiệp nhất trong yêu thương.
Cầu cho họ khỏi bị bách hại.
Cầu cho họ được thánh hiến trong sự thật.
Thứ nhất: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các Tông đồ được luôn hiệp nhất trong yêu thương. Chính sự hiệp nhất trong yêu thương như một dấu chỉ cụ thể làm cho người ta nhận ra các tông đồ là những môn đệ đích thực của Chúa. (Ga 13,35)
Thứ đến: Chúa Giêsu cầu nguyện để các Tông đồ lúc đó và sau này được gìn giữ cho khỏi bị ác hại bởi thần dữ. Lý do vì “thế gian ghét anh em, vì Thầy đã chọn anh em và tách anh em ra khỏi thế gian, vì thế mà thế gian ghét anh em” (Ga 15, 18).
Sau cùng, Người cầu cho họ luôn được ơn thánh hiến trong sự thật:
Thánh hiến nhờ Sự thật và trong Sự thật là gì?
Về phía Thiên Chúa thì sự thật đó là: Thiên Chúa là Cha nhân từ đầy yêu thương, Người muốn cho con hết thảy con cái mình được cứu rỗi.
Về phía loài người chúng ta thì sự thật là: Loài người chúng ta rất yếu đuối vì bị ảnh hưởng của tội lỗi, nhưng nếu chúng ta thật lòng nhìn nhận và tôn thờ Thiên Chúa thì chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn Chúa cứu chuộc.
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe Lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần con được gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 17,20-26
"Con không chỉ cầu nguyện cho những người này,
nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con.”
(Ga 17,20)
Chúa Giêsu cầu cho các tín hữu đã nghe lời giảng của các môn đệ mà tin vào Ngài.
1. Chúa cầu nguyện để Chúa ở đâu chúng ta cũng được ở đó với Ngài: “Con muốn rằng, con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con” (Ga 17,24).
Hoàng đế Francois Joseph là vua nước Hung gia lợi từ 1848-1916, một triều đại dài nhất trong lịch sử và cũng là một triều đại tiến bộ nhất. Hoàng đế là con người rất nghiêm khắc, nhưng lại trị vì đất nước rất khoan dung.
Khởi đầu triều đại của ông, bệnh dịch tả lan tràn khắp Châu Âu. Triều thần đề nghị với vua Francois Joseph bỏ kinh đô Vienne nước Áo để sang Salzburg nước Hung Gia Lợi, cho tới khi tai họa qua đi. Vua Francois Joseph liền hỏi:
- Ở Salzburg có đủ phòng nghỉ cho con cái ta không?
Quan đại thần thưa:
- Tâu đức vua, ở Salzburg chắc chắn có đủ phòng nghỉ cho tất cả hoàng gia.
Vua Francois Joseph hỏi lại hai lần nữa:
- Có thực sự có phòng đủ cho con cái ta chớ?
Rồi giơ tay chỉ vào dân chúng đông đúc đang đứng ngoài sân mà nói với quan đại thần:
- Quan hãy nhìn đám dân chúng đông đúc kia. Họ là con cái của ta cả. Có người cha nào đang tâm bỏ con cái trong nguy hiểm sao? Không! Những người tại thủ đô Vienne này đã chia sẻ vui buồn với ta. Ta sẽ không bỏ họ trong giờ lo âu. Ta phải quan tâm đến họ, như là lo cho chính ta vậy.
Một ông vua trần thế mà còn biết thương và lo cho dân như thế, huống chi là Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta. Làm sao Chúa co thể vui khi con cái của Ngài không được chung hưởng hạnh phúc Thiên đàng với Ngài.
Chính vì thế mà trong khi chờ đợi chúng ta phải biết luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa. Có như thế chúng ta mới cảm nghiệm được cuộc đời có Chúa là cuộc đời hạnh phúc như thế nào.
Hồi còn làm tổng thống Hoa Kỳ, ông Roosevelt đã có lần sang mãi tận Phi châu để nghỉ hè. Ông thích săn những con hươu cao cổ tại đó. Sau những ngày nghỉ hè thú vị, tổng thống lên đường trở về. Trong chuyến tàu đem tổng thống trở về, người ta cũng thấy có một nhà truyền giáo sau hơn bốn mươi năm phục vụ những người dân Phi châu cùng có mặt trên con tàu.
Khi tàu sắp cập bến, nhà truyền giáo thấy cảnh dân chúng đứng trên bờ cùng với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ hân hoan chào đón tổng thống Roosevelt đi săn trở về bình an. Ông cảm thấy tủi thân vì hình như chẳng có ai để ý đến mình. Một thân một phận lủi thủi lên bờ. Tự thâm tâm ông như muốn trách Chúa:
- Đấy, Chúa thấy không, tổng thống đi nghỉ hè về thì được nhiều người ra đón rước như vậy. Còn con, con đã hy sinh chịu cực vì Chúa, phục vụ anh chị em nghèo khổ tại Phi Châu trong suốt bốn mươi năm qua. Thế mà bây giờ trở về đây, không ai thèm nghĩ đến con, thật là bất công và tủi cho thân phận con quá.
Nhưng ngay lúc đó, dường như có tiếng Chúa trả lời cho nhà truyền giáo:
- Này con, đừng vội thất vọng, con chưa trở về quê hương thật của con mà!
2. Chúa còn cầu nguyện chúng ta nên một với Ngài: “Để cả chúng cũng nên một trong Ta” (Ga 17,21).
Trong một buổi thuyết trình về đạo được tổ chức trên boong một du thuyền lớn, tiến sĩ A. Simpson giải thích với cử tọa về vần đề này như sau: Ông lấy một cái chai quẳng vào lòng biển. Cái chai rơi vào đại dương và đang ở trong đại dương.
Nước biển chui vào chiếm hữu cái chai, nước biển càng vào, cái chai càng từ từ chìm sâu vào lòng đại dương. Ông kết luận:
- Cái chai ở trong đại đương và đại dương ở trong cái chai. Đó là hình ảnh xác thực nhất để chỉ mối tương giao giữa Chúa Giêsu và chúng ta là những môn đệ của Người.
Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, trong bài ca thiêng liêng của ngài, ngài đã diễn tả về vấn đề này thật hay như sau: "Chúa Cha đã thực hiện điều Chúa Con cầu xin khi thông ban cho họ chính tình yêu thương Người hằng thông ban cho Chúa Con. Tuy vậy, Người không thông ban cho họ theo bản tính như khi Người thông ban cho Chúa Con, nhưng đã thông ban cho họ bằng cách lấy tình thương mà kết hợp họ với Người và thần hóa họ. Cũng thế, không nên hiểu rằng Chúa Con xin Chúa Cha cho họ nên một theo yếu tính và bản thể như Chúa Cha với Chúa Con là một, nhưng Người chỉ muốn xin cho họ nên một nhờ kết hợp với nhau trong tình thương, như Chúa Cha và Chúa Con vẫn là một trong Tình Thương duy nhất. Do đó, các linh hồn được thông phần với Thiên Chúa những điều tốt đẹp mà Chúa Cha và Chúa Con vẫn có theo bản tính. Vì vậy, nhờ được thông phần với Thiên Chúa, các linh hồn thực sự là những vị thần. Họ nên giống Thiên Chúa và được chung phần với Người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được nên một với Chúa. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 21,15-19
Thế rồi, Người bảo ông:
"Hãy theo Thầy.”
(Ga 21,19)
Chúng ta vừa nghe một câu chuyện có liên quan đến Phêrô:
1. Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15)
Sau mỗi lần Phêrô tuyên xưng lòng mến, Chúa Giêsu trao cho Phêrô một nhiệm vụ. Chung qui lại là: "Hãy chăn dắt các chiên của Thầy” (Ga 21,16).
Có một câu chuyện tưởng tượng như sau: Khi Chúa Giêsu về trời giữa muôn vàn tiếng tung hô của các thiên thần, tổng lãnh thiên thần Gabriel đã phỏng vấn Ngài:
- Lạy Chúa, có phải bây giờ cả trần gian đã nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ rồi chăng?
- Không! Chỉ có một nhóm nhỏ đếm được trên đầu ngón tay.
Thiên sứ Gabriel giật mình sửng sốt:
- Lạy Chúa, nếu nhóm nhỏ này gặp chống đối khiến họ thất vọng mà bỏ Chúa. Trong trường hợp này, Chúa có dự định quay trở lại trần gian không?
Chúa đáp:
- Không,Ta hy vọng nơi họ và tin chắc họ sẽ không bỏ rơi Ta.
Vâng, đúng là Chúa tín nhiệm những môn đệ của Ngài. Ngài tín nhiệm họ bởi vì Ngài biết họ.
Câu chuyện thật cảm động bên bờ biển Galilê hôm nay đã cho chúng ta thấy thật rõ điều đó.
"Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Phêrô nói lên điều này với tất cả kinh nghiệm đau xót nơi chính bản thân mình. Làm sao ông quên được những điều Thầy đã báo trước với ông, về việc chính ông sẽ chối Thầy mình trước khi gà chưa kịp gáy lần thứ ba, chối tới ba lần, làm sao ông có thể quên được.
Chúa biết...Biết tất cả mọi sự (Ga 21,17).
Phêrô hơi buồn vì Chúa hỏi ông đến lần thứ ba.
Tại sao Chúa phải làm thế?
Chẳng phải là Chúa không biết lòng mến của ông đối với Ngài. Và có lẽ cũng chẳng phải là để đền bù lại ba lần ông đã chối Chúa. Chẳng lẽ Chúa mà lại hẹp hòi đến như vậy sao? Ngài chẳng cần phải như vậy. Nhưng sở dĩ Ngài làm thế là vì Ngài muốn ông xác tín một cách dứt khoát về giá trị con đường yêu thương mà Chúa đã đi, để rồi khi lãnh trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên của Chúa, ông cũng phải dẫn dắt họ đi trên con đường đó. Dứt khoát là không có con đường nào khác ngoài con đường đó. Đừng đi tìm bất cứ một con đường nào khác con đường đó.
2. Chúa nói với Phêrô "Hãy theo Thầy” (Ga 21,19).
Theo Chúa không phải chỉ là đi trên những con đường cát bụi mà có lần Chúa đã đi qua, nhưng là phải sống chính cuộc sống mà Chúa đã sống.
Câu chuyện truyền kỳ về những ngày chót của cuộc đời ông chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Rôma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bách đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang Thập Giá đang đi hướng về phía thành.
Ông hỏi:"Quo vadis: Người đi đâu đó?"
Người ấy trả lời: "Ta đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa".
Phêrô đã hiểu ngay. Lần này thì Chúa không cần phải cắt nghĩa dài dòng nữa. Phêrô quay đầu trở lại. Ông vào Rôma và tự nộp mình để rồi chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng, ông cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh cùng một cách thức như Thầy, nên ông xin được chết trên Thập Giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.
Với tư thế đó, ông sẽ phải chịu đau đớn nhiều hơn. Nhưng Phêrô đã muốn như thế để nói lên tấm lòng của ông đối với Thầy chí thánh.
Rõ ràng ông thực hiện trọn vẹn lời của Chúa: “Khi về già, ngươi sẽ dang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn" (Ga 21,18-19).
Phêrô nằm trên Thánh Giá. Giống như Chúa Giêsu, như con chiên hiền lành, không một tiếng than, không một lời trách. Ông nằm trên đó như một lễ tế dâng lên Thầy chí thánh với tất cả lòng yêu thương: Yêu thương thì sẵn sàng hy sinh. Yêu thương thì sẵn sàng quên mình.
Phêrô đã chết nhưng cái chết của ông không vô ích. Ông đã chết không như một thất bại nhưng như một anh hùng chiến thắng. Sự can đảm của ông chẳng khác gì một ngọn lửa hồng rực sáng, sáng lên thật nhanh, thật mạnh nơi tâm hồn những tín hữu đầu tiên để họ cùng ông viết lên những trang sử hào hùng cho tòa nhà Giáo Hội, mà chính Phêrô là nền móng.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta cũng được sống can đảm như thế, để chúng ta xứng đáng với sự cứu chuộc của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu,
khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng
chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống
đã âm thầm chịu nát tan
để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.
Có bao điều tốt đẹp
chúng con được hưởng hôm nay
là do sự hy sinh quên mình của người đi trước,
của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng,
của ông bà, cha mẹ, thầy cô,
của những người đã nằm xuống
cho quê hương dân tộc.
Ðã có những con người sống như hạt lúa,
để từ cái chết của họ
vọt lên sự sống cho tha nhân.
Xin cho chúng con
đừng tự khép mình trong lớp vỏ
nhưng dám đi ra
để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Amen.
NGÀY 14 THÁNG 5
Thánh Mathia Tông Đồ
Ga 14, 9 -17
Thánh Mathia Tông Đồ đã được chọn để thế chỗ cho Giuđa. Theo bài đọc I của thánh lễ hôm nay thì Mathia hay Giustô là một trong số 120 môn đệ có mặt tại nhà tiệc ly lúc đó. Mathia cùng với Joseph biệt danh là Bácsaba là hai người được đề cử, nhưng khi cầu nguyện và bắt thăm thì Mathia được trúng và được kể là một trong số 12 Tông Đồ. Và theo lời thánh Phêrô thì Mathia đã cùng sống với Chúa Giêsu.
Bài tin Mừng hôm nay đề cập đến hai vấn đề quan trọng:
- Điều răn mới của Chúa Giêsu
- Và việc Chúa chọn các Tông Đồ.
Hôm nay, trong bầu khí thân mật của nhóm Thầy trò, Chúa Giêsu tâm sự với các Tông Đồ: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy (Ga 15,9).
Có lẽ các Tông Đồ đang rất cảm động trước những lời yêu thương đó và đang lắng nghe với tất cả trái tim rung cảm của mình. Tình yêu nầy đã nâng các Tông đồ lên, từ địa vị Thầy trò đến địa vị bạn bè: Anh em là hạn hữu của Thầy(Ga 15,19). Tình yêu đích thực bao giờ cũng khiêm hạ. Tình yêu là một sức mạnh có thể biến đổi một môn đệ yếu đuối thành một người bạn thân yêu.
Trong thế giới loài người cũng vậy. Không phải những lời nói hay, những lý luận sắc bén mà thay đổi được một con người, nhưng là tình yêu. Lịch sử Giáo Hội cho thấy, Giáo Hội được canh tân là nhờ sức mạnh tình yêu của các vị thánh chứ không phải do những lý luận sắc bén của các nhà thần học hay triết gia lỗi lạc.
Vì thế mà Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tình yêu, đến điều răn mới. Trước khi chọn Phêrô đứng đầu Hội thánh, Chúa cũng đòi hỏi ở Phêrô về lòng mến chứ không phải kiến thức, khả năng hay bằng cấp.
Chính Thầy đã chọn anh em... để anh em ra đi, sinh nhiều hoa trái. (Ga 15,16)
Hai vợ chồng nhà báo người Hà lan tên bà Val Der Meer de Walcheren đã cùng xin chịu Bí tích Thánh Tẩy vào năm 1911 để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Sau đó, ông bà đã lần lượt khuyên các con cùng theo đạo, rồi lại cùng lần lượt theo đuổi ơn gọi Tận Hiến của các dòng tu. Người con trai lớn sau này trở thành một linh mục dòng Biển Đức Nam (Bénêdictin), người con gái kế làm nữ tu trong đan viện Biển đức nữ (Bénédictine).
Năm 1933, nhờ lòng khao khát tuyệt đối và ý chí tận hiến cho Chúa, tòa Thánh đã chấp thuận đơn xin của hai ông bà để họ được phép chia tay nhau trong Lòng Mến Đích Thật. Ông xin được vào dòng Biển Đức Nam, nơi người con trai linh mục vừa sớm lìa đời, còn bà thì xin vào dòng Biển Đức Nữ chung với người con gái .
Trong thời kỳ tập tu, Bề Trên cả hai đòng chỉ định cho ông bà phải tiếp tục thường xuyên thư từ cho nhau. Sau hai năm, cả hai ông bà vẫn đầy thiện chí, sẵn sàng hy sinh dâng mình cho Chúa. Thế nhưng, Bề Trên của hai bên đều nhận thấy mối duyên tình của ông bà còn quá khăng khít, nên đã khuyên cả hai trở về với đời sống gia đình. Ông bà vâng lời trở về, tiếp tục sống hạnh phúc bên nhau, chan hòa lòng yêu thương bác ái đối với tha nhân, nhất là với những người nghèo khổ.
Đến năm 1954 thì bà Val Der Meer de Walcheren qua đời. Nối lại ý hướng từ 20 năm về trước, cụ ông 74 tuổi đã xin trở lại tu viện. Và vào ngày 22.12.1956, cụ được thụ phong linh mục tại nhà nguyện tu viện Đức Mẹ nơi người con gái của cụ vẫn đang sống cuộc đời đan tu gương mẫu đã hơn 40 năm qua .
Chúa không chọn các Tông Đồ dựa trên tiêu chuẩn của loài người; và khi đã chọn rồi thì Chúa chỉ đòi hỏi một điều nơi những người được chọn: hãy yêu mến nhau. Và khi đã chọn ai thì Chúa liền ra lệnh: hãy ra đi và sinh nhiều hoa trái.
Hội Thánh luôn phải ra đi, phải truyền giáo, phải sinh nhiều hoa trái. Người kitô hữu, linh mục hay tu sĩ được chọn cũng vậy: phải ra đi và sinh nhiều hoa trái. Điều đó thuộc bản chất của người được Chúa chọn.
Bài Tin Mừng hôm nay đem đến cho ta nhiều suy nghĩ về ơn gọi Kitô hữu của chính mình.
Chúa đã yêu thương tôi, đã chọn tôi làm con cái Chúa vì yêu thương. Tôi có biết hằng ngày cám ơn Chúa về ơn đức tin của mình không?
Chúa đã chọn tôi và sai tôi đi để sinh nhiều hoa trái, nhưng tôi có ý thức trách nhiệm Phúc âm hóa của tôi không? Đời tôi đã đem lại những hoa trái nào cho Chúa?
Thánh Phaolô đã kêu lên: Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng! Cho đến bây giờ đời sống Kitô Hữu của tôi đã sinh ra hoa trái nào cho nước Chúa trong gia đình tôi, trong xóm giềng, những môi trường mà tôi đang sống? Hiểu được ơn gọi và những đòi hỏi của ơn gọi, lời Chúa hôm nay như đang hối thúc tôi ra đi và mang lại hoa trái cho nước Chúa.
Lạy Chúa Giêsu yêu quý,
xin hãy giúp chúng con loan truyền sự ngọt ngào của Chúa ở bất cứ đâu chúng con đến.
Xin tràn ngập linh hồn chúng con sự sống và thần linh của Ngài.
Xin chiếm ngự và làm chủ toàn thể con người con, thật trọn vẹn, thật dứt khoát, để đời sống chúng con chỉ là sức sáng của Ngài chiếu tỏa qua chúng con, và ở trong chúng con,
Ðể bất cứ linh hồn nào chúng con gặp gỡ đều cảm được sự hiện diện của Ngài.
Và họ sẽ chỉ nhìn thấy, không phải là chúng con nhưng là Chúa Giêsu!
Xin hãy ở với chúng con, để chúng con sẽ bắt đầu tỏa sáng như Chúa tỏa sáng: Tỏa sáng để soi dẫn tha nhân.
Lạy Chúa là Nguồn Tình yêu, là Đấng Phục Sinh trong bí tích Thánh Thể, nhờ sức mạnh của Chúa nânng đỡ, chúng con sẽ biết cách sống yêu thương tha nhân như Ngài đã yêu chúng con. Amen.
THỨ BẢY TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 21,20-25
"Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.
Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.”
(Ga 21,24)
Tin Mừng hôm nay đề cập đến ơn gọi của Gioan.
1. Khi Chúa nói với Phêrô “Phần ngươi hãy cứ theo ta” (Ga 21,22)…. rõ ràng Chúa đã muốn cho Phêrô có một ơn gọi riêng. Ơn gọi của Phêrô không giống những người khác. Mỗi người đều được Chúa dành cho một ơn gọi. Nhìn lại Lịch sử ơn cứu độ, chúng ta thường thấy Chúa làm như vậy. Ơn gọi của các Tổ phụ khác với ơn gọi của các tông đồ.
Với Abraham, Chúa gọi ông vào lúc tuổi đời ông đã già nua. Ông đã từ bỏ quê cha đất tổ, để theo Chúa (Stk 12,1-4). Abraham đã hoàn thành ơn gọi của mình.
Còn đối với Môisen, Chúa lại có cách hành xử khác. Chúa đã gọi ông từ giữa lòng sông Nil, rồi sau khi đã tôi luyện ông thành gang thép, Chúa đã trao cho ông một trọng trách phải thực hiện và Môisen đã hoàn thành sứ mạng đó.
Bây giờ, đến trường hợp của Phêrô. Phêrô đang sống yên hàn trong nghề chài lưới ở Capharnaum (Ga 1,44). Và Chúa gọi ông. Ông đã từ bỏ tất cả nghề nghiệp, gia đình chỉ vì tiếng gọi: “Hãy theo Ta” (Ga 11,35). Và Phêrô đã hoàn tất sứ mạng đó trên đỉnh đồi Vaticanô bằng một cái chết cũng đau đớn không kém gì Thầy mình. Và chính vì thế mà ông đã trở thành cột trụ của Giáo Hội.
2. Bây giờ đến lượt Gioan. Gioan cũng được gọi nhưng Chúa muốn Gioan sống ơn gọi của mình bằng con đường khác.
Trong nhóm 12, Gioan là một trong những người gần gũi Chúa nhất. Gioan đã đi theo Chúa trên tất cả mọi nẻo đường Ngài đi. Gioan là người đã nghiêng đầu mình vào ngực Chúa trong bữa ăn tối cuối cùng, điều đó chứng tỏ Gioan chẳng những là người trung thành đi theo, mà còn là người hiểu biết Chúa nhiều nhất và sâu xa nhất.
Khi Chúa nói "Nếu Thầy muốn, anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến…” (Ga 21,22) thì không có nghĩa Gioan sẽ sống mãi, nhưng Chúa muốn nói về cuộc sống của Gioan sau đó. Chúa muốn giữ Gioan ở lại lâu hơn các tông đồ khác để Gioan làm chứng. Đó là ơn gọi của Gioan. Gioan đã làm chứng không những bằng cuộc sống của mình mà còn bằng cả ngòi bút của mình nữa. Tin Mừng của Gioan đã giúp người ta hiểu về Chúa rõ hơn. Khi Gioan viết “Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các điều được viết ra” (Ga 21,25), điều đó không có nghĩa là cả thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn sẽ viết ra, nhưng là không đủ chỗ cho những cảm nghiệm và những suy gẫm sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy.
3. Phần chúng ta, chúng ta hãy noi gương Gioan trung thành “đi theo” Chúa, biết “nghiêng mình vào ngực Chúa”, biết “hỏi” Chúa, có thật nhiều cảm nghiệm về Chúa, để rồi có thể “làm chứng” về Chúa như Gioan đã làm thuở xưa.
Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln có một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc bàn giấy xem ra không thích hợp với anh. Anh chỉ mơ ước được trở ra mặt trận và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm công việc đơn điệu, nhàm chán nơi bàn giấy. Một ngày kia, sau khi nghe anh than phiền, tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh và nói: "Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh luôn muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc".
Tử đạo theo nguyên ngữ là "làm chứng cho đức tin". Có người dùng cái chết để làm chứng, có người dùng cả cuộc sống. Chết đau thương nhục nhã hay chết âm thầm từng ngày, cả hai đều có giá trị như nhau. Các Tông đồ đều được phúc tử đạo, ngay cả Gioan - vị Tông đồ sống lâu nhất, tuy không trực tiếp chết như vị tử đạo, nhưng cũng đã bị cho vào vạc dầu sôi. Tất cả những cái chết ấy đều là lời chứng hùng hồn cho đức tin.
Lịch sử Giáo Hội sau thời các Tông đồ là những cuốn sách về những chứng từ như thế. Mỗi người một cách, người viết bằng máu, người bằng cuộc sống từ bỏ quên mình, người bằng những nghĩa cử hy sinh phục vụ, người bằng cuộc sống âm thầm trong đau khổ. Nói tóm lại, có hàng trăm nghìn những ngôn ngữ, trăm nghìn những thứ bút mực, đã được dùng để viết nên những chứng từ, nhiều đến nỗi, như lời tiên đoán của Gioan: “Tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách được viết ra” (Ga 21,25).
Còn hôm nay thì sao? Chúa Giêsu cũng vẫn cần những chứng nhân khác. Ngài cần đôi tay, bàn chân, môi miệng, trái tim chúng ta để tiếp tục hiện diện và hành động. Dòng thác Nirgara dù đổ xuống từng khối nếu không được ngăn lại sẽ không bao giờ biến thành nguồn thủy điện. Cả khối dầu hỏa Trung đông cũng không quay nổi một động cơ nếu không được con người khai thác sử dụng. Chúa Giêsu đang cần một chút đóng góp của chúng ta để sức nóng và ánh sáng Ngài được đạt tới mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu Kitô Vua Vũ trụ (+video)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên (+video) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B (+video) - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 32 Thường niên (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (+video)
-
Thứ Bảy tuần 5 Phục sinh (+video) -
Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật Truyền giáo (+video) -
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (+video) -
Thứ Bảy tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Sáu tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 5 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 7 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Hai tuần 6 Phục sinh (+video)