Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật 19 Mùa Thường Niên B

Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật 19 Mùa Thường Niên B

Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật 19 Thường Niên của Cha Thomas Rosica, CSB

Thức ăn đầy quyền năng của Ê-li-a, và của chúng ta

Toronto, ngày 30/7/2009 (Zenit.org).- Tôi luôn thích đọc chuyện kể về Ê-li-a trong Sách Các Vua. Sách Các Vua I, chương 18, đã vẽ nên chân dung của Ê-li-a như một vị ngôn sứ bất khả chiến bại, người có thể đứng lên chống lại đức vua và các ngôn sứ khác mà không hề sợ hãi, nhưng trong suốt quá trình, trong ông vẫn luôn tồn tại một tính người sâu sắc! Bài đọc 1 hôm nay (IV19) cho chúng ta thấy một vị ngôn sứ vĩ đại nhưng lại dễ bị tổn thương, dễ nản lòng và sợ hãi.

Hãy đặt mình vào câu chuyện hôm nay. Trong Sách Các Vua I chương 19, chúng ta đã có kết quả chiến thắng rực rỡ của Ê-li-a trong cuộc đối đầu với hoàng hậu Jezebel và những tư tế thần Baal trên đỉnh núi Carmel. Ngay khi vừa có thể hoan hỉ vì chiến thắng, Ê-li-a lại nhận được ý định của hoàng hậu Jezebel muốn giết ông, và ông đã “lo sợ”. Ê-li-a bị bách hại bởi lòng trung thành và sự đòi hỏi phải tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa duy nhất, vì sự trung thành như thế sẽ đe dọa những thứ quyền lực: quyền lực của những người ra lệnh cho dân chúng phải thờ Đấng này hay thờ Cái nọ!

Vị ngôn sứ nhiệt thành của Israel lập tức vội vã rời bỏ miền Nam chạy trốn vào vùng hoang vu của Sa mạc Negev. Ông cảm thấy thất bại và cô độc. Sau tất cả những gì ông đã làm cho Thiên Chúa của Israel, chiến thắng của ông bây giờ dường như đã bị hư mất. Ông không còn nhận được sự bảo vệ thần thiêng như đã được hứa, và ông chỉ muốn chết: “Như vậy là đủ rồi; bây giờ, Chúa ơi, hãy để cho con chết đi, vì con cũng chẳng tốt hơn gì tổ tiên của con”. Và kìa, nơi vùng sa mạc cằn cỗi, Ê-li-a nằm dưới “một cây kim tước đơn độc” và xin Chúa lấy đi mạng sống của mình, tự cho là mình không tốt hơn cha ông mình. Ê-li-a than khóc chán nản vì không thành công trong việc khuyến khích người Do Thái trung thành với Chúa.

Năng lượng từ trên cao

Đột nhiên, một sứ giả (thiên thần) của Chúa đánh thức ông và bảo ông hãy ăn và uống đi. Trong khi hoàng hậu Jezebel độc ác gửi sứ giả sự chết đến cho Ê-li-a, thì Thiên Chúa của Israel đã gửi đến cho ông sứ giả của sự sống, cung cấp cho ông thức ăn và nước uống, hai thứ thiết yếu cần có để sống sót ở nơi hoang vu khắc nghiệt.

Ê-li-a ăn, uống, nhưng rồi lại chìm vào giấc ngủ một lần nữa, điều đó cho thấy ông vẫn chưa phục hồi khỏi trạng thái hôn mê và chán nản. Sứ giả đánh thức Ê-li-a một lần nữa, thúc giục ông ăn uống, và nói lý do phải ăn uống là vì: “hành trình sắp tới sẽ quá dài đối với sức lực của ông” (19:7)

Chúng ta có thể học được gì từ chuyện Ê-li-a trong hoang địa? Đây là một người đàn ông dành cả cuộc đời để hoàn toàn trung thành với Chúa của Israel. Ông hoàn toàn “nhiệt tâm với Chúa”. Tiếng khóc tuyệt vọng của ông “Con không tốt hơn tổ tiên của con” làm lộ ra một người đàn ông không còn tin tưởng vào chính mình. Ông đã từng tin bản thân mình là một đầy tớ đặc biệt mẫu mực của Chúa. Không ai có thể vuợt hơn ông ở sự nhiệt tâm. Nhưng bây giờ ông tin rằng tất cả đều là hão huyền!

Đêm tối của tâm hồn

Nhưng Thiên Chúa của Israel không từ bỏ Ê-li-a. Giờ giáo huấn của Chúa bắt đầu khi năng lực tràn trề nổi tiếng của Ê-li-a cạn kiệt. Đã cần đến những thiên thần của Chúa để cho Ê-li-a ăn uống khi ông yếu đuối. Rồi Chúa dẫn ông vào khoảng thời gian suy niệm trong hoang địa.

Hành trình qua hoang địa Negev của ông kéo dài trong một khoảng thời gian đầy ý nghĩa: bốn mươi ngày và bốn mươi đêm. Cũng như người Do Thái xưa đã lang thang trong hoang địa để tìm kiếm Chúa, vị ngôn sứ này, cũng là đầy tớ nhiệt tâm nhất của Chúa, được dẫn đi trong một hành trình tương tự. Cuối cùng, Ê-li-a cũng đến được ngọn núi thiêng Horeb, nơi ông qua đêm trong một hang tối. Hang tối và đêm tối là sự phản chiếu “đêm tối tâm hồn” của ông.

Núi Horeb trong Cựu ước theo truyền thống chính là tên của núi Sinai, ngọn núi gắn liền với sự hiện ra của Chúa. Bốn mươi ngày đêm cùng với núi Sinai làm gợi nhớ lại việc ông Môsê ở lại núi Sinai trong bốn mươi ngày đêm ( Exodus 24:18, 34:28)

Trọng tâm của câu chuyện cảm động này không phải chỉ là việc Ê-li-a có một chuyến đi bằng thể lực đến đỉnh Horeb hay đỉnh Sinai, nhưng còn là một điều khác có ý nghĩa hơn rất nhiều. Trong một hành vi hoàn toàn là ân sủng, Chúa can thiệp, cung cấp cho vị ngôn sứ thức ăn nước uống đem lại sự sống, và đề nghị một cuộc hành hương đến ngọn núi là nơi gắn liền mãi mãi với nguồn gốc và bản chất niềm tin của Israel.

Chuyện kể về Ê-li-a đã mạnh mẽ nói với những người đang kiệt sức, sợ hãi, hay đang cần sự tái canh tân, tái dấn thân với ơn gọi ban đầu. Câu chuyện gợi lên một con đường trước mắt – ăn và uống nguồn nuôi dưỡng đem lại sự sống của Chúa, trở về với cốt lõi của niềm tin, lắng nghe tiếng nói nhỏ nhẹ tĩnh lặng của Chúa. Đó có thể là cách để tìm thấy nguồn năng lượng mới, một tầm nhìn mới và một cảm nhận mục tiêu mới. Ê-li-a phải học được rằng không thể gặp gỡ Chúa trong sự ồn ào hay trong sự cuồng nhiệt của những biến cố ầm ĩ, ngoạn mục. Chúa sẽ không hiện lên chỉ vì những hoạt động huyên náo hay đầy nhiệt huyết của nhà ngôn sứ, mà giờ đây đang đứng lặng yên, cõi lòng tan nát, trên đỉnh núi của Chúa.

Ê-li-a phát hiện ra rằng sẽ gặp được Chúa khi hoạt động chấm dứt và lời nói ngưng lại, khi con tim đau buồn và dạ dày réo đói từng cơn. Khi tâm trí và con tim của Ê-li-a cuối cùng trống rỗng, không còn những tham vọng và kiêu hãnh nữa, thì đó là lúc ông nghe được Chúa ở đỉnh cao nhất.

Bánh Sự Sống

Đối với Ê-li-a, đối với Chúa Giêsu cũng như đối với chúng ta, bánh là cơ bản của sự sống. Bánh đứng ở trung tâm cuộc sống. Bánh là sự sống. Và trong Tin Mừng hôm nay (Jn 6:41-51) ta nghe rằng Chúa Giêsu là bánh hằng sống. Chúa là sự sống: Ngài là bánh hằng sống. Ăn và uống Mình Máu Chúa có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ tin vào Người. Hình ảnh về Chúa Giêsu như là “bánh hằng sống” là cốt lõi của sự tái sinh trong mầu nhiệm Chúa Kitô.

Khi Chúa Giêsu nói rằng Ngài là “bánh hằng sống”, Ngài không nhấn mạnh ở bánh, nhưng ở chính bản thân Ngài khi ngài xưng “Tôi” để khẳng định. Chúa Giêsu muốn nói rằng cái mà chúng ta mong được ăn để khỏi đói, được tìm thấy trong Ngài; cái “Tôi” của Ngài đã đồng nhất sự sống của Ngài với bánh Ngài ban (cf. in 6:51). Chúa Giêsu còn hơn là bánh cho ta chỉ khỏi đói về thể xác. Ngài là Lời thoả mãn cơn đói chân lý. Ngài đích thực là bánh hằng sống; thoả mãn hoàn toàn mọi cơn đói của loài người.

Với tất cả những tín đồ đã được rửa tội, Bí tích Thánh Thể là phương cách đầu tiên được dùng để cử hành và giữ vững mối liên hệ với Chúa Phục sinh. Chúng ta hãy suy gẫm một chút những hành vi biểu tượng cao cả của Chúa Giêsu khi Ngài ban cho chúng ta bánh hằng sống từ trời. Chúa Giêsu cầm lấy bánh. Ngài đã cầm chiếc bánh đời ta và liên kết với chiếc bánh đời Ngài. Chúa Giêsu chúc phúc cho chiếc bánh. Ngài đã ban phúc cho chúng ta với sự sống của Ngài. Bí tích Rửa Tội chính là thời khắc đầu tiên của phúc lành đó. Mỗi một thời khắc liên kết với Chúa Giêsu đều giúp ta đi sâu hơn vào phúc lành này của Chúa

Chúa Giêsu bẻ bánh. Giống như Ngài, có những giây phút trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy đau đớn, cõi lòng tan nát, lạc lõng, chán nản, vỡ mộng, trống rỗng, bị khước từ, không còn chút sức lực và hi vọng nào. Chúng ta giống Ê-li-a dưới cây kim tước, chờ cái chết đến. Nhưng ngay cả trong những lúc đổ vỡ ấy, Chúa Giêsu hiện diện rất thực với chúng ta.

Chúa Giêsu đã ban bánh cho chúng ta. Ngài cho chúng ta thời gian và sự tiếp xúc của ngài. Ngài cho chúng ta sự động viên, nhưng cũng cho ta cả sự thách đố. Ngài cho cả lời nói và bánh để cho ta ăn và nuôi dưỡng ta. Ngài cho đi trọn vẹn nhất khi cho ta chính bản thân Ngài. Ngài cho đi cho đến khi không còn gì để có thể cho đi được nữa, rồi tuyên bố cuộc sống và công việc của Ngài đã hoàn tất khi nói “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19:30). Rồi gục đầu xuống, ngài phó thác thần khí của Ngài, thần khí mà Ngài ban cho chúng ta khi Ngài trỗi dậy từ cõi chết (cf. in 20:23)

Trong cuộc sống, cái chết và sự phục sinh, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một mẫu gương sâu sắc, và thách đố chúng ta làm như Ngài. “Hãy đi và làm như vậy” vừa là thách đố và vừa là sứ vụ. Đó là sứ vụ phải sống mầu nhiệm của bánh được chúc phúc và bẻ ra cho tha nhân. Khi cuộc sống dường như tan vỡ, chúng ta không nên quên bài học về chiếc bánh được bẻ ra cho chúng ta. Nó không thể bẻ ra được khi không được giữ chặt bằng cả hai tay. Khi đến lúc phải bẻ bánh, hay bẻ vỡ chính cuộc đời của chúng ta, cả hai đều là thách đố của mầu nhiệm đức tin.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho việc chia sẻ bánh và rượu trong bí tích Thánh Thể có thể biến đổi chúng ta thành chính những gì chúng ta ăn và uống, chúng ta có thể thực sự trở thành bánh hằng sống, được bẻ ra và chia sẻ cho mọi người.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top