Sự kiện, thông tin và những góc nhìn

Sự kiện, thông tin và những góc nhìn

Toà Thánh Vatican vừa chính thức công bố việc bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, giám mục Đà Lạt, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Hà Nội. Thực ra, từ ít ngày nay, đã có khá nhiều lời đồn đãi về việc bổ nhiệm này, chủ yếu dựa vào những thông tin của trang tin điện tử có tên nuvuongcongly.net. Điều đáng nói là những thông tin này chỉ cung cấp một nửa sự thật (mà chỉ nói một nửa sự thật thôi chính là cách nói dối tinh vi và tệ hại nhất), kèm theo những suy diễn và phê phán sai lạc về việc bổ nhiệm này. Vì thế không thể không nghĩ đến giá trị của thông tin và góc nhìn của người cung cấp thông tin.

Chắc chắn trong những ngày này, một vài trang tin điện tử sẽ tự hào rằng chúng tôi đã biết và cung cấp thông tin về việc bổ nhiệm này từ rất sớm. Hơn thế nữa, họ còn có thể trách cứ rằng: “Khi Nữ Vương Công Lý đưa tin, có người vẫn cho rằng đó là những thông tin đồn đoán không có cơ sở, đây là những người tuy không có thông tin nhưng vẫn muốn phát biểu theo cảm tính của mình”. Đúng là người ta đã cung cấp thông tin từ sớm nhưng thông tin đó chỉ cung cấp một nửa sự thật và tệ hơn nữa, còn bóp méo sự thật cho phù hợp với lập trường và chủ đích sẵn có của mình, chẳng hạn như khẳng định rằng: “Cuộc hoán đổi ngôi vị này sẽ bằng một con ‘đường vòng’ để xoa dịu dư luận nhân dân”, rồi “cuộc họp HĐGMVN đã không ‘thảo luận’ được vấn đề nhân sự khi TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt bất ngờ trở về”, và “việc họp bàn tại HĐGMVN cũng chỉ là mang tính hình thức phô diễn kiểu như ‘Đại hội Đảng’ mà thôi”. Đúng là giầu trí tưởng tượng, đọc bài mà cứ như đang xem phim! HĐGMVN có họp bàn vấn đề nhân sự đâu mà bảo là “không thảo luận được” với lại “chỉ là hình thức phô diễn”! Bất cứ giám mục nào hiện diện trong hội nghị vừa qua đều có thể làm chứng về sự thật tỏ tường đó.

Chính Đức Tổng giám mục Hà Nội mới là người cung cấp thông tin đầy đủ với tất cả sự thật. Ngài khẳng định: “Những thông tin đó tỏ ra không am hiểu cơ chế hoạt động trong Giáo hội, hoặc cố tình lái dư luận vào chiều hướng khác. Phải nói ngay rằng bổ nhiệm giám mục là quyền của Đức Thánh Cha chứ không thuộc thẩm quyền của Hội Đồng Giám Mục”. Và ngài cắt nghĩa rất rõ ràng từng bước trong tiến trình bổ nhiệm giám mục (x. Bài phỏng vấn). Đồng thời ngài đưa ra một nhận xét rất đáng quan tâm: “Toà Hà Nội trong giai đoạn hiện nay được sự quan tâm của nhiều người. Sự quan tâm vấp phải tiến trình bổ nhiệm giám mục luôn thực hiện trong âm thầm kín đáo, nên càng thu hút sự tò mò. Vì tò mò nên thường hay suy đoán. Mới chỉ suy đoán mà đã cho là sự thật thì đã vượt qua một khoảng cách thiếu an toàn. Nhất là dùng suy đoán đó để đi đến những kết luận mang tính kết án thì thật là tai hại”. Nhận xét này cũng là lời cảnh giác cho tất cả mọi người, cách riêng là các tín hữu công giáo, trong bối cảnh thông tin nhiễu nhương như ngày nay.

Cùng với những thông tin chỉ cung cấp một nửa sự thật, mối nguy lớn hơn nữa là cách nhìn và giải thích của những người cung cấp thông tin. Khi nhìn một sự vật hay một vấn đề, bao giờ người ta cũng nhìn từ một điểm nào đó. Vấn đề là làm sao để chọn một góc nhìn đúng đắn, có khả năng cung cấp tầm nhìn tương đối toàn diện, nhờ đó có những nhận định chuẩn xác và thái độ thích hợp.

Liên quan đến việc bổ nhiệm vị Tổng giám mục phó Hà Nội, rõ ràng là một số nguồn thông tin phản ánh góc nhìn của những toan tính thuần tuý trần tục. Từ góc nhìn đó, người ta cho rằng “ngai toà Hà Nội có sức thu hút khá mãnh liệt, vì với vai trò Tổng giám mục Hà Nội thì chiếc mũ Hồng Y đầy quyền lực và vinh quang sẽ là điều không xa”. Rồi từ đó, người ta thêu dệt những chuyện hoang đường, mô tả “Gm Nguyễn Văn Nhơn đã thăm dò ý kiến để tiến thẳng ra Hà Nội… nhưng đã không được ủng hộ… nên sẽ không đi thẳng như dự định nhằm tránh ‘tắc đường’”. Hơn thế nữa, người ta còn dám nói đến chuyện HĐGMVN “mặc cả gay gắt” với Nhà Nước! Giả như người đưa ra những suy luận này là người ngoài Giáo Hội thì còn hiểu được, nhưng nếu lại là con cái trong Giáo Hội thì thật đáng buồn và đáng trách.

Đang khi đó, Đức Tổng giám mục Hà Nội lại nhìn sự việc từ một góc độ hoàn toàn khác. Ngài khẳng định: “Bản thân tôi không bị áp lực nào hết. Toà Thánh và HĐGM luôn ở bên cạnh tôi và bênh vực tôi khi tôi bị công kích. Các ngài không bao giờ bảo tôi, dù là gợi ý xa xôi nhẹ nhàng, phải từ chức. Tôi chỉ bị áp lực của lương tâm trách nhiệm”. Đồng thời, nói về vị Tổng giám mục phó Hà Nội, ngài nhấn mạnh: “Đức Cha đương kim Chủ tịch HĐGMVN là bậc đáng kính hoàn toàn xứng đáng nhiệm vụ Tổng giám mục. Không ai biết được sự thật như thế nào. Vì đó là việc của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên chúng ta biết quá trình bổ nhiệm một giám mục khá phức tạp phải thông qua nhiều bước… Với cơ chế làm việc như thế, Toà Thánh không thể trong một ngày mà thay đổi ý kiến được. Một điều khá dễ hiểu, Toà Thánh không thể nào làm một việc vô lý là bổ nhiệm Tổng giám mục khi Tổng giám mục đương nhiệm vẫn còn đó”. Mọi sự đã rõ. Lấy đâu ra “đường vòng” với “đường cong”! Cong hay vòng là ở lòng người, ở góc nhìn mà mỗi người chọn để quan sát và suy nghĩ về cuộc đời.

Như thế, sự kiện chỉ là một nhưng lại được nhìn từ nhiều góc độ, tạo nên những phản ứng khác nhau và hiệu quả cũng khác nhau. Lần giở lại những trang Sách Thánh, xem ra đây là chuyện thường ngày trong cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu. Góc nhìn của Người rất khác với góc nhìn của người đời, từ các môn đệ cho đến đám đông quần chúng và cả những người lãnh đạo.

Dù theo Thầy đã lâu, các môn đệ Chúa Giêsu vẫn chưa có được góc nhìn của Người. Thế nên khi Thầy loan báo cuộc thương khó sắp tới, các ông vẫn mải mê tranh luận xem ai sẽ là người lớn nhất, còn thánh Phêrô thì tìm cách can gián Thầy đừng đi lên Giêrusalem đến độ bị Thầy mắng là Satan! Với các môn đệ mà còn như thế, huống gì với người ngoài. Cụ thể như trong câu chuyện nổi tiếng về người phụ nữ ngoại tình, đang khi người ta ồn ào hò la đòi ném đá, Chúa Giêsu lại bình thản im lặng rồi nhẹ nhàng nhắc nhở: “Ai trong các ông không có tội thì ném đá trước đi”. Chính câu nói đó đã giải thoát không những người phụ nữ lỡ lầm khỏi cái chết đau đớn, mà còn giải thoát cả những người đòi ném đá chị vì giúp họ nhìn lại chính mình và sống đúng với sự thật về mình.

Vậy đâu là góc nhìn của Chúa Giêsu? Góc nhìn của Chúa là góc nhìn nội tâm, nhìn vào chiều sâu của tâm hồn. “Các ngươi chỉ nhìn vào diện mạo bên ngoài, còn Thiên Chúa nhìn vào chiều sâu tâm hồn”, Thánh Kinh nhiều lần nhắc nhớ chân lý ấy. Góc nhìn nội tâm ấy tra vấn mỗi người –đặc biệt là những ai làm công tác truyền thông– về động lực thúc đẩy những suy nghĩ và hành động của mình. Phải chăng tôi được thúc đẩy bởi ước muốn kiến tạo và xây dựng hiệp thông và hiệp nhất, hay chỉ nhằm kích động oán thù và gây chia rẽ? Góc nhìn của Chúa là góc nhìn yêu thương, đến độ nhìn cả những người làm khổ mình bằng ánh mắt thứ tha và thông cảm. Góc nhìn của Chúa còn là góc nhìn cứu độ, mở ra cho con người cánh cửa đi về phía tương lai của ơn cứu độ, như Người đã nói với người phụ nữ trót lỡ lầm: “Chị về đi và đừng phạm tội nữa”. Góc nhìn yêu thương và cứu độ ấy tra vấn ta về mục đích của những công việc ta làm. Phải chăng để phục vụ lợi ích chung hay chỉ nhằm thoả mãn những toan tính cá nhân và phe nhóm?

Ở đây, Đức Tổng giám mục Hà Nội lại chẳng phải là tấm gương đáng quý đó sao? Đang khi người ta suy đoán đủ điều về ngài thì ngài lại khẳng định: “Bản thân tôi không bị áp lực nào hết… Tôi chỉ bị áp lực của lương tâm trách nhiệm”. Thật thanh thản, nhẹ nhàng. Và góc nhìn cứu độ: “Tôi đã trình bày với Toà Thánh để xin nghỉ vì lợi ích của Giáo Hội, riêng của Tổng giáo phận Hà Nội”. Nghĩa là bản thân tôi không quan trọng mà là ích lợi của Hội Thánh, của Dân Chúa mới quan trọng. Chả trách được giáo dân Hà Nội yêu mến ngài. Giáo dân yêu mến ngài không vì điều gì khác, nhưng trước hết và trên hết, ngài là người môn đệ đích thực của Chúa, mang trong lòng tâm tư của Chúa và nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Chúa. Và chắc chắn vị Tổng giám mục phó Hà Nội cũng thế. Bởi lẽ cả hai vị đều chung một Thầy, vị Thầy có tên gọi GIÊSU.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top