Sự kiện một số phụ nữ hiếm muộn đi cầu nguyện để có thai: Một nhận định dưới cái nhìn khoa học và đức tin Công Giáo

Sự kiện một số phụ nữ hiếm muộn đi cầu nguyện để có thai: Một nhận định dưới cái nhìn khoa học và đức tin Công Giáo

Sự kiện một số phụ nữ hiếm muộn đi cầu nguyện để có thai: Một nhận định dưới cái nhìn khoa học và đức tin Công Giáo

WHĐ - Tác giả bài viết vừa là bác sĩ vừa là một tu sĩ đã tốt nghiệp tiến sĩ thần học luân lý. Dựa trên sự hiểu biết cũng như kinh nghiệm thực tế của một bác sĩ, tác giả muốn đóng góp suy nghĩ và nhận định của mình về một sự kiện từ ít lâu nay gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Xin giới thiệu với bạn đọc những suy nghĩ này nhằm soi sáng cho nhau trong đời sống đức tin.

***

Khi được hỏi về vài biến cố đặc biệt có tính cách thời sự và được quan tâm, lo lắng nhiều, trong đó có sự kiện một số phụ nữ hiếm muộn đi cầu nguyện để có thai, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, ngày 10/1/2010, đã cho một câu trả lời tổng quát.1

Ngày 25/12, xuất hiện một bài báo làm cho nhiều người băn khoăn. Bài báo mang tựa đề “Vào viện đi đẻ nhưng không hề có con” thuật lại câu chuyện một phụ nữ 37 tuổi ở Vĩnh Tân, Vĩnh Linh, Quảng Trị, bụng to như mang thai 8-9 tháng đến Bệnh viện tỉnh để sinh, nhưng các bác sĩ không thấy thai trong bụng cô. Cô ấy khai rằng vợ chồng cô hiếm muộn đã lâu, sau khi đi cầu nguyện, về thấy bụng to nên nghĩ là mình có thai.2 Trước đó không lâu, một bài báo khác thuật lại các trường hợp tương tự với tựa đề khá châm biếm “Tôi đi cầu… có bầu”! 3
Là bác sĩ làm việc tại khoa siêu âm Trung Tâm Y Khoa Medic và Phòng khám đa khoa Tân Định, trong vòng sáu tháng qua, tôi đã khám siêu âm cho khoảng trên dưới hai mươi phụ nữ ở vào trường hợp tương tự như được mô tả trong bài báo trên. Vài đồng nghiệp của tôi tại Trung Tâm Medic cũng gặp một số ca như vậy. Biết tôi là người Công Giáo, và vì có vài phụ nữ lớn tiếng chống đối bác sĩ khi được thông tin rằng họ không có thai, nên các bạn tôi sau này khi được y tá báo “có ca bà bầu do cầu nguyện,” thì đề nghị chuyển cho tôi khám để tránh “rắc rối” với bệnh nhân. Tôi xin ghi lại vài quan sát y khoa và sau đó sẽ đưa ra một nhận định cá nhân về sự kiện này trên phương diện khoa học và đức tin Công Giáo.
1. Sự kiện: Các phụ nữ, tự khai là có thai, một số là Công giáo, nhưng cũng có nhiều người ngoài Công giáo, đến khám siêu âm với tôi có những đặc điểm sau:
– Hiếm muộn, phần lớn lập gia đình trên 5-10 năm nhưng chưa có con, vợ chồng đã đi khám và chữa vô sinh ở các bệnh viện chuyên khoa sản nhưng không thành công.
– Nghe bạn bè, người chung quanh mách bảo, đến đan viện tại Thủ Đức để cầu nguyện khấn xin có thai, về nhà thấy bụng to dần.
– Một số người có cảm thấy “thai gò”, ngực căng.
– Một số người “có thai” kéo dài trên 10, 12 tháng.
– Khám lâm sàng: dáng vẻ mập; bụng to, khi nằm thì bụng bè ra hai bên, sờ có cảm giác mềm (kiểu bụng mỡ), hơn là to gọn lên cao và sờ có cảm giác căng cứng (kiểu bụng có thai); điều đáng chú ý là các phụ nữ này đều còn có kinh nguyệt hàng tháng đều đặn trong thời gian “mang thai” này.
– Khám siêu âm: lớp mỡ thành bụng dày, tử cung kích thước bình thường (đường kính trước sau của thân tử cung từ 30-45mm), không có thai trong tử cung hay trong ổ bụng.
Kết luận y khoa cho các phụ nữ trên: không có thai.
Tôi chưa hề gặp một ca nào có thai trong số các phụ nữ trên đến với tôi.
2. Nhận định
- Về mặt y - khoa:
Sự thay đổi hình dáng bên ngoài như lên cân, bụng to, có thể hiểu được khi các phụ nữ này, do tin tưởng mình có thai, và để bảo đảm cho thai được phát triển tốt, tránh “động thai”, đã hạn chế hoạt động (nên tiêu hao năng lượng ít), cùng lúc lại bồi dưỡng cơ thể, tăng uống sữa, cả loại sữa dành cho phụ nữ mang thai. Năng lượng dư thừa nhiều quá biến thành lớp mỡ dày ở bụng.
Một vài triệu chứng như ngực căng (giống người có thai) là do yếu tố tâm lý tác động ảnh hưởng đến quá trình bài tiết nội tiết tố nữ estrogen và progesterone. Quá trình bài tiết estrogen và progesterone và chu kỳ kinh nguyệt của người nữ là một quá trình phức tạp với cơ chế feedback (phản hồi) giữa hai cơ quan trong não là hạ đồi (hypothalamus) và thùy trước tuyến yên (anterior pituitary) với cơ quan trong ổ bụng là hai buồng trứng, mà ở đây trong giới hạn bài này, tôi sẽ không đi vào chi tiết. Do hiệu quả tâm lý trên sự bài tiết nội tiết tố này, một số phụ nữ khi quá ao ước có thai còn có thể có triệu chứng tiết sữa non ở hai vú.
Một vài người khai có “thấy” hay “cảm giác” là “ thai gò”: thực ra đây chỉ là co thắt các quai ruột, có thể thấy ở người bình thường.
Một điều lưu ý là các phụ nữ trên đều còn có kinh nguyệt đều đặn hàng tháng: đây là dấu hiệu lâm sàng chắc chắn về mặt y khoa của sự không có thai.
Khám siêu âm cho chẩn đoán chắc chắn là không có thai.
Thực tế, một số trường hợp hiếm muộn không có nguyên nhân rõ ràng, sau khi thay đổi điều kiện, môi trường sống thì có thai. Hoặc có người nuôi con nuôi và sau đó có thai. Điều này có thể giải thích rằng khi một số yếu tố căng thẳng tâm lý được giải tỏa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc rụng trứng và thụ thai. 
- Về mặt đức tin Công giáo
Không có gì ngăn trở đức tin nếu một vài trường hợp hiếm muộn, cầu nguyện và có thai thực sự. Đó là cơ hội để chúc tụng, tạ ơn Chúa ban.
Điều đáng nói ở đây là các trường hợp nêu ra đây đều được chứng thực y khoa là không có thai, và gây dư luận không tốt cho “giới Công Giáo” nói chung, cả về phía chính quyền và giới y khoa, theo như tôi kinh nghiệm và vài bài báo đã đề cập. Một mặt, ngay cả Chúa Giêsu, mà trường hợp thụ thai của Người là một “phép lạ” do quyền năng Chúa Thánh Thần, phép lạ này chỉ là xảy ra lúc khởi điểm thụ thai, sau đó thai nhi Giêsu vẫn phải trải qua giai đoạn phát triển bình thường trong bụng Mẹ Maria trước khi được sinh ra đời. Niềm tin Kitô giáo “Chúa Giêsu là con người thật, giống con người mọi phương diện, chỉ trừ tội lỗi” cho thấy Chúa Giêsu cũng trải qua thời thai nhi, sinh ra, thơ ấu, lớn lên, trưởng thành và chết của con người. Nên các lời đồn đại như là “có phụ nữ cầu nguyện, bụng to mang thai, siêu âm không thấy thai nhưng sau đó sinh ra con thật” chỉ là lời đồn hoàn toàn vô căn cứ, không những về mặt y khoa mà cả về mặt đức tin Công Giáo.
Mặt khác, “phép lạ” Thiên Chúa ban là để cho vinh quang Ngài tỏ hiện và củng cố hay tạo niềm tin của con người vào Thiên Chúa. Nếu căn cứ trên thực tế, sự kiện “phụ nữ hiếm muộn, cầu nguyện, mang thai” là không có thật, thì liệu sự kiện đó có phục vụ vinh quang Thiên Chúa không, hay ngược lại, có thể gây tai tiếng cho Đạo Chúa và cho Gíáo Hội của Ngài? Thiết nghĩ người Công giáo chúng ta nên sáng suốt phân định về vấn đề này.
Kết luận
Tôi chỉ xin kết bằng lời khuyên cho các phụ nữ hiếm muộn, đi cầu nguyện và thấy bụng to, rằng nếu các cô, các chị thấy mình vẫn có kinh nguyệt đều đặn: chắc chắn các chị, các cô không có thai. Nếu không thấy có kinh nguyệt hay còn phân vân, quý chị em hãy đi khám siêu âm, vừa nhẹ nhàng, không gây hại và ít tốn kém. Khoa học sẽ cung cấp cho các chị, các cô câu trả lời chính xác có thai hay không, tránh cho quý chị em nỗi lo lắng chờ đợi kéo dài và thất vọng sau đó. Và thêm một điều tốt lành mà chị em có thể làm, và đúng giáo huấn Giáo Hội, là hãy nuôi con nuôi, vừa thỏa ước mong có con của các vợ chồng hiếm muộn, vừa giúp cho các trẻ mồ côi thiếu thốn vật chất tinh thần có được mái ấm yêu thương và cơ hội thăng tiến. Đó cũng là sống tình liên đới trong xã hội. 

Bác sĩ Trần Như Ý-Lan
Trung Tâm Y Khoa Medic

-------------------------------
1. Xem “ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn trả lời những câu hỏi về việc đi cầu nguyện để được mang thai, biến cố Tam Toà, Bầu Sen, Loan Lý, Đồng Chiêm…” (10/1/2010) <http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100111/3681>
2. Nam Phương, “Vào viện đi đẻ nhưng không hề có con,” (25/12/2009) <http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2009/12/3BA17129/>
3. Nguyễn Lê Nguyên, “Tôi đi cầu…có bầu,” (2/4/2009) <http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200914/20090402004255.aspx>

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top