Sứ điệp của Đức Phanxicô được ký bởi ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, gửi các Chủng Sinh Pháp
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐƯỢC KÝ BỞI ĐỨC HỒNG Y PIETRO PAROLIN, QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH, GỬI CÁC CHỦNG SINH PHÁP
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đức Hồng Y Pietro Parolin đã truyền đạt sứ điệp của Đức Phanxicô tới hơn 700 chủng sinh và các nhà đào tạo của các chủng viện ở Pháp, tụ tập lần đầu tiên tại Paris kể từ gần mười năm qua, từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 12, để chia sẻ niềm vui được kêu gọi trở thành linh mục nhằm phục vụ Giáo hội. Đức Thánh Cha kêu gọi họ áp dụng “một phong cách mục vụ mới” để đối mặt với bối cảnh văn hóa của đất nước, nơi hình ảnh linh mục đã mất đi uy tín và quyền bính. Đức Thánh Cha cũng củng cố họ trong đời sống độc thân, một “đòi hỏi thần bí”. Và “để sống sự hoàn thiện linh mục đầy đòi hỏi và đôi khi khắc khe này, và để đối mặt với những thách thức và cám dỗ mà các con sẽ gặp trên con đường của mình, chỉ có một giải pháp duy nhất: nuôi dưỡng một mối quan hệ cá nhân, mạnh mẽ, sống động và đích thực với Chúa Giêsu”.
Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha, được phổ biến ngày 1/12/2023:
Các chủng sinh Pháp thân mến, cha vui mừng vì có thể nói chuyện với các con nhân dịp gặp gỡ của các con và truyền đạt cho các con những tư tưởng nồng nhiệt mà Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho mỗi người trong các con trong lời cầu nguyện. Ngài tạ ơn vì lời kêu gọi đặc biệt mà Chúa đã ngỏ lời với các con, khi chọn các con giữa rất nhiều người khác, được yêu thương với một tình yêu đặc biệt và được dành riêng; và ngài cũng tạ ơn vì lời đáp trả can đảm mà các con mong muốn đưa ra cho lời kêu gọi này. Đó thực sự là một lý do để tạ ơn, hy vọng và vui mừng khi thấy rằng nhiều người trẻ – và cả những người ít trẻ hơn – vẫn dám dấn thân theo Chúa trong việc phục vụ Người và phục vụ anh chị em mình, với lòng quảng đại và sự táo bạo của đức tin, và bất chấp những thời điểm khó khăn mà Giáo hội và các xã hội tục hóa phương Tây của chúng ta đang trải qua.
Đây là lý do tại sao cha nói với con: cảm ơn các con! Cảm ơn các con đã mang lại niềm vui và hy vọng cho Giáo hội Pháp, vốn đang chờ đợi các con và cần đến các con. Và Giáo hội Pháp cần các con để các con trở thành những gì người linh mục phải là, những gì người linh mục đã luôn luôn là và những gì người linh mục sẽ luôn luôn là theo ý muốn của Thiên Chúa: “Tham dự vào quyền bính qua đó Chúa Kitô xây dựng, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người” (Presbyterorum ordinis, số 2); và điều này qua việc đồng hình đồng dạng khôn tả với Chúa Kitô, là Đầu của Giáo hội Người, Đấng đặt người linh mục đối diện với Dân Thiên Chúa – mặc dù linh mục luôn là một phần của Dân Thiên Chúa – để giảng dạy Dân Thiên Chúa với thẩm quyền, hướng dẫn Dân một cách an toàn và thông truyền một cách hiệu quả cho Dân ân sủng qua việc cử hành các bí tích (x. Ibid. Số 4,5,6). Ở điểm cao nhất, nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Giáo hội và đời sống cá nhân của mình, linh mục cử hành Thánh lễ, trong đó, khi hiện tại hóa hy tế của Chúa Kitô, linh mục hiến dâng chính mình trong sự kết hợp với Người trên bàn thờ và đặt lên đó lễ vật của toàn thể Dân Chúa và của mỗi tín hữu.
Các chủng sinh thân mến, cha mời gọi các con hãy khắc sâu trong tâm hồn mình những chân lý nền tảng này, những chân lý vốn sẽ là nền tảng cho cuộc sống và chính căn tính của các con. Và trọng tâm của căn tính này, được đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, là đời sống độc thân. Linh mục là sống độc thân – và linh mục muốn sống độc thân – bởi vì đơn giản Chúa Giêsu là thế. Đòi hỏi độc thân trước tiên không phải là thần học, nhưng là thần bí: ai hiểu được thì hiểu! (Mt 19,12). Ngày nay, chúng ta nghe nhiều điều về linh mục, hình ảnh linh mục rất thường bị bóp méo trong một số môi trường, bị tương đối hóa, đôi khi bị coi là hạ cấp. Đừng quá sợ hãi: không ai có quyền thay đổi bản chất của chức linh mục và không ai có thể thay đổi nó, ngay cả khi các phương thức thi hành chức linh mục nhất thiết phải tính đến những tiến triển trong xã hội hiện tại và tình trạng khủng hoảng ơn gọi nghiêm trọng mà chúng ta biết đến.
Và một trong những sự tiến triển xã hội này, tương đối mới ở Pháp, là thể chế Giáo hội, cùng với đó là hình ảnh linh mục, không còn được công nhận nữa; trong mắt nhiều người, nó đã mất hết uy tín, hết quyền bính tự nhiên, và thật không may thậm chí còn thấy mình bị vấy bẩn. Do đó, không còn phải dựa vào những điều trên đây để tìm được sự quan tâm nơi những người chúng ta gặp. Đây là lý do tại sao cách khả thi duy nhất để tiến hành công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu, để mọi người có được cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô (x. Evangelii gaudium, phần dẫn nhập, III), là áp dụng một phong cách mục vụ gần gũi, trắc ẩn, khiêm tốn, nhưng không, kiên nhẫn, dịu dàng, hiến thân triệt để cho người khác, đơn sơ và khó nghèo. Một linh mục biết “mùi chiên của mình” (Thánh lễ làm phép Dầu, ngày 28 tháng 3 năm 2013) và là người bước đi với chúng, theo nhịp sống của chúng. Chính bằng cách này mà linh mục sẽ chạm đến trái tim các tín hữu của mình, sẽ chiếm được lòng tin tưởng của họ và sẽ làm cho họ gặp được Chúa Kitô. Tất nhiên, điều này không mới; vô số linh mục thánh thiện đã áp dụng phong cách này trong quá khứ, nhưng ngày nay nó đã trở thành một điều cần thiết, nếu không sẽ không đáng tin cậy hoặc không được lắng nghe.
Các chủng sinh thân mến, để sống sự hoàn thiện linh mục đầy đòi hỏi và đôi khi khắc khe này, và để đối mặt với những thách thức và cám dỗ mà các con sẽ gặp trên con đường của mình, chỉ có một giải pháp duy nhất: nuôi dưỡng một mối quan hệ cá nhân, mạnh mẽ, sống động và đích thực với Chúa Giêsu. Hãy yêu mến Chúa Giêsu hơn bất cứ điều gì, ước gì tình yêu của Người là đủ cho các con, và các con sẽ chiến thắng thoát khỏi mọi khủng hoảng, mọi khó khăn. Bởi vì nếu Chúa Giêsu là đủ đối với tôi, thì tôi không cần những niềm an ủi lớn lao trong thừa tác vụ, cũng không cần những thành công mục vụ lớn lao, cũng không cần cảm thấy mình là trung tâm của những mạng lưới quan hệ rộng lớn; nếu Chúa Giêsu là đủ đối với tôi, thì tôi không cần những tình cảm bừa bãi, cũng không cần danh tiếng, cũng không cần có những trách nhiệm lớn lao, cũng không cần có sự nghiệp, cũng không cần tỏa sáng trước mắt thế gian, cũng không cần phải giỏi hơn người khác; nếu Chúa Giêsu là đủ cho tôi, thì tôi không cần nhiều của cải vật chất, cũng không cần hưởng những cám dỗ của thế gian, cũng không cần an toàn cho tương lai của mình. Ngược lại, nếu tôi khuất phục trước một trong những cám dỗ hoặc điểm yếu này, đó là vì Chúa Giêsu không đủ đối với tôi và tôi thiếu tình yêu.
Vì thế, các chủng sinh thân mến, “Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người đã kêu gọi anh em sống hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 1, 3-9). Hãy luôn có mối quan tâm đầu tiên của các con là đáp lại lời mời gọi này và củng cố sự kết hợp của các con với Đấng đoái thương biến các con thành bạn hữu của Người (x. Ga 15,15). Người là Đấng trung tín và sẽ mang lại mọi niềm vui cho các con. Và cha chỉ có thể giới thiệu với các con, như là bậc thầy đời sống thiêng liêng, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan, vào dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ngài, vị Tiến sĩ khoa học tình yêu mà các con có đặc ân là có thể đọc được học thuyết đáng ngưỡng mộ của ngài bằng ngôn ngữ gốc của ngài. Ngài là người không ngừng “hít thở” Danh Chúa Giêsu, “tình yêu duy nhất” của ngài (x. Tông huấn C’est la confiance, số 8), ngài sẽ hướng dẫn các con trên con đường tín thác, vốn sẽ nâng đỡ các con mỗi ngày và giúp các con đứng vững dưới cái nhìn của Chúa khi Người kêu gọi các con đến với Người (x. Ibid, số 3).
Đức Thánh Cha Phanxicô phó thác các con cho sự chuyển cầu của ngài và cho sự che chở của Đức Mẹ Lên Trời, Bổn Mạng của nước Pháp, cũng như tất cả các thành viên trong các cộng đoàn chủng viện của các con. Ngài hết lòng ban Phép Lành Tòa Thánh cho các con.
Hồng y Pietro Paroloin
Quốc Vụ Khanh của Đức Thánh Cha
Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo vatican.va (01.12.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (01.12.2023)
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân dịp mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 07/12/2024
-
Hội thảo Sứ điệp Truyền giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2024 -
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2024 - Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc -
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi giới trẻ nhân kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus Vivit -
Sứ điệp gửi người Muslim nhân Tháng Ramadan và Đại lễ ‘Id al-Fitr năm 1445 H. / 2024 A.D -
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi tới tham dự viên Hội thảo nhân kỷ niệm 750 ngày mất của Thánh Tôma Aquino -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ I, năm 2024: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5) -
Đức Thánh Cha: Giáo dục là một quyền, không ai bị loại trừ -
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Phiên họp thứ 47 của Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp năm 2024 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ I, năm 2024: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5)
-
Hội thảo Sứ điệp Truyền giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2024 -
Toàn văn Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28 -
Toàn văn Sứ Điệp của ĐGH nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2019 -
Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Mùa Chay 2024 -
Sứ điệp Mùa Chay 2019 của ĐTC Phanxicô -
Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 (năm 2019) -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 27 -
Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Cầu nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 56 -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội