Sám hối và sửa đổi
WGPSG -- Trong đời sống đức tin của người Kitô hữu, có lẽ mỗi người chúng ta đã không ít lần kinh nghiệm về sự sám hối và sửa đổi. Đặc biệt hơn, mùa Xuân Nhâm Thìn năm nay, Giáo hội trích dẫn sách Samuel quyển thứ hai, với bài đọc 1 của phụng vụ Lời Chúa mỗi Thánh lễ, kể về một gương mặt nổi bật của lịch sử dân Chúa thời cựu ước, đó là vua Đavít. Điều này thật ý nghĩa đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta, bởi vì cuộc đời của vua Đavít không phải lúc nào cũng lừng lẫy với chiến công, không phải lúc nào cũng mạnh mẽ và oai hùng, nhưng đã hơn một lần trong cuộc đời, ông yếu đuối, phạm tội, phản bội tình thương của Thiên Chúa. Thế nhưng, nhờ ân sủng của Thiên Chúa tình yêu, vua Đavít đã nhận ra lầm lỗi, biết sám hối, sửa đổi và làm lại cuộc đời. Vậy thì, chúng ta học được điều gì nơi vua Đavít? Phải chăng đó chính là kinh nghiệm vấp ngã, sai lầm, sám hối và sửa đổi nơi cuộc đời của ông? Quả thật, kinh nghiệm của lòng sám hối, sửa đổi nơi vua Đavít cũng là kinh nghiệm về những lần chúng ta phạm tội, sám hối, xưng tội và quyết tâm sửa đổi để làm lại cuộc đời nơi đời sống đạo của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Trước hết, nếu đọc lại sách Samuel quyển thứ hai, chương 11 từ câu 2 đến câu 26, chúng ta sẽ nhận ra những trọng tội của vua Đavít: vừa cướp vợ, ngoại tình, vừa giết chồng của người khác. Theo lề luật Môsê, có lẽ đây là hai thứ tội nặng nhất đối với bất cứ một cá nhân nào. Điều này cho chúng ta thấy, cuộc đời của vua Đavít đâu phải lúc nào cũng êm đềm trong lụa là gấm vóc, trong thành công và được ca ngợi. Thế nhưng, vì vẫn là con người nên Đavít vẫn còn nhiều yếu đuối và tội lỗi. Dù là vua một đất nước nhưng cuộc đời của Đavít vẫn không tránh khỏi những thiếu sót và sai lầm.
Nói đến đây, có lẽ mỗi người chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra bàn tay yêu thương của Thiên Chúa đã tuyển chọn Đavít, một cậu bé chăn cừu bình thường trong xã hội Israel lúc bấy giờ. Chính bàn tay yêu thương của Thiên Chúa đã chọn gọi, dìu dắt và đồng hành với cuộc đời của vua Đavít. Chính bàn tay yêu thương của Thiên Chúa đã làm Đavít rơi lệ, những dòng nước mắt tuôn ra từ trong sâu thẳm của một cõi lòng biết sám hối về những lầm lỗi do chính mình gây ra: “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài.” Điều này cho chúng ta thấy sức mạnh của Thiên Chúa được ẩn chứa nơi chính sự yếu đuối của con người. Điều này cũng cho chúng ta thấy sức mạnh của con người không phải ở quyền lực, sự giàu sang, tài năng, kiến thức lỗi lạc, nhưng ở trong sự phó thác, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa như lời của một sư huynh Taize Max Thurian đã viết: “Sức mạnh của con người là quay về vinh quang cho con người. Những ai do bản chất mạnh mẽ của họ, thì không chắc họ có ân sủng trước mặt Thiên Chúa. Họ quá để mình dính bén vào hoàn cảnh của gia đình, ý chí, nỗ lực và của tài sản làm cho họ toại nguyện, và đó là điều ngăn cản họ tôn vinh Thiên Chúa, ngăn cản họ tùy thuộc vào một mình Thiên Chúa.”
Tiếp theo những dòng suy tư trên đây, có lẽ chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học ý nghĩa cho đời sống đức tin của mình. Nơi vua Đavít, chúng ta nhận ra được thân phận yếu đuối và tội lỗi của tất cả mọi người. Quả thật, nếu đã là con người thì ai cũng đã từng mắc sai lầm, phạm tội, phản bội tình thương và lề luật của Thiên Chúa dạy. Bởi vậy, đã có một lời cầu nguyện thấm thía trong sách Thánh vịnh: “Xin cho con sống trọn kiếp người, giữa cuộc đời nổi trôi và yếu đuối.” Kinh nghiệm đời sống đức tin, có lẽ sẽ dễ dàng giúp chúng ta nhận ra những triết lý sâu xa này. Biết bao lần chúng ta phạm tội, đi xưng tội, rồi lại phạm tội. Biết bao lần chúng ta quyết tâm sám hối, sửa đổi nhưng một lúc nào đó mỗi người chúng ta lại vấp phải vết xe đổ của những thiếu sót, sai lầm như trước. Quả thật, sự cố gắng của mỗi người chúng ta không biết đến bao giờ cho đủ bởi lẽ bản chất của con người luôn luôn mắc sai lầm như ngạn ngữ Latinh có câu: “Erare est humanum” (Bản chất con người là lầm lỗi). Điều này cho chúng ta thấy rằng, với sức riêng chúng ta thật khó lòng yêu mến Thiên Chúa với trái tim và tấm lòng chân thành. Chúng ta chỉ thật sự yêu mến Thiên Chúa, chỉ thật sự sám hối và sửa đổi khi Chúa yêu thương ban cho mỗi người chúng ta những khả năng này. Vì thế, cuộc đời mỗi người Kitô hữu chúng ta là một cuộc đời được dệt nên bởi muôn vàn ân sủng và tình thương vô biên, bất tận của Thiên Chúa. Không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, đi tìm Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa luôn có sáng kiến yêu thương và tìm kiếm chúng ta. Vì thế, không có gì để chúng ta tự hào và kiêu hãnh trước mặt Thiên Chúa cả. Ngoài ra, chúng ta chỉ sám hối và sửa đổi triệt để và thật sự khi có ơn Chúa nâng đỡ chúng ta mà thôi.
Hơn thế nữa, những dòng suy tư và cảm nghiệm của sư huynh Taizé Max Thurian còn cho thấy, mỗi người chúng ta thật khó lòng sám hối, sửa đổi, khó lòng yêu mến và trung thành với Thiên Chúa, bởi vì nơi tận đáy lòng mỗi người chúng ta còn dính bén với quá nhiều thứ như tiền bạc, quyền lực, danh vọng, vui thú, sắc đẹp, đam mê, tình dục v.v… Dụ ngôn “Người con hoang đàng” trong Luca chương 15 sẽ cho chúng ta thấy rõ điều này. Người con hoang đàng chỉ thật sự nhớ đến cha mình, quyết tâm trở về với cha, thú tội với cha khi anh không còn dính bén với bất cứ thứ gì mà anh đã có trước đó. Mỗi người chúng ta cũng vậy: ai cũng có những dính bén, những hoàn cảnh, yếu đuối và thập giá riêng cho cuộc đời của mình. Điều quan trọng là chúng ta có đủ tin tưởng, cậy trông vào ân sủng và luôn hướng lòng về Thiên Chúa, nguồn trợ lực duy nhất và là điểm tựa chắc chắn cho mỗi người chúng ta hay không mà thôi.
Cuối cùng, đầu Xuân Nhâm Thìn 2012, Giáo hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về cuộc đời của vua Đavít, để rồi một lần nào đó trong năm mới này, chúng ta biết hồi tâm suy nghĩ, biết sám hối về những lỗi lầm, và biết quyết tâm sửa đổi những lầm lỗi do chính mình gây ra. Bên cạnh đó, mùa Chay 2012 đang đến, là cơ hội để chúng ta hâm nóng những tâm tình sám hối và sửa đổi. Đây là một nét đẹp của Kitô giáo: không ai là không có lầm lỗi nhưng điều quan trọng là biết nhận ra lỗi lầm của chính mình, và biết hối hận, quyết tâm sửa đổi về những thiếu sót, lầm lỗi trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Hơn thế nữa, chúng ta còn có một điểm tựa chắc chắn đó chính là ân sủng của Đức Giêsu Kitô. Nơi Ngài chúng ta sẽ nhận ra rằng: “Chúa vẫn biết chúng con cần đến Chúa, tháng năm ưu tư ngập tràn. Chúa vẫn biết chúng con cần đến Chúa, dẫn đưa về nơi sống bình an.”
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024