Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa Nhật II Phục sinh - Năm C
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – NĂM C
CHÚA NHẬT KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT
CỦA THIÊN CHÚA
Cv 5,12-16 – Kh 1,9-11a.12-13.17-19
– Ga 20,19-31
Chủ đề: CHÚA GIÊSU KITÔ,
ĐẤNG PHỤC SINH – ĐẤNG CHỮA LÀNH
“Mọi người đều được chữa lành” (Cv 5,16)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1- Bài đọc I – Cv 5,12-16
Sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần, thì đây là bài tường thuật đầu tiên kể về hoạt động của các tông đồ nói chung. Bản văn ghi rõ: ‘Nhờ bàn tay của các tông đồ, nhiều dấu lạ và điềm thiêng đã được thực hiện cho dân.’ Kiểu trình bày này muốn nhấn mạnh rằng: các tông đồ chỉ là phương tiện để thực hiện, còn đám đông dân chúng là đối tượng được hưởng nhờ, vậy thực chất ai mới là tác giả chính đang kích hoạt các điềm thiêng và dấu lạ này? Với bối cảnh sau phục sinh, người ta chỉ có thể nghĩ đến Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh. Chính Người đang hoạt động một cách hoàn toàn mới mẻ và đầy năng động trong lòng giáo hội sơ khai nơi các tông đồ và với sức mạnh của Thánh Thần.
Hoa trái đến từ sự tất bật trong hoạt động của các tông đồ là một dòng thác người bệnh và bị quỷ ám đến từ cả các thành phụ cận Giêrusalem, được đặt lên giường chõng và nằm la liệt trên đường phố để mong được ‘cái bóng của thánh Phêrô phủ lên.’ Và bản văn xác định rõ: ‘Tất cả đều được chữa lành.’
Như thế, những dấu lạ và điềm thiêng nơi tay các tông đồ đã mang lại sự chữa lành cho mọi người và ngày càng làm gia tăng số người nam nữ tin vào κύριος, danh xưng đặc biệt mà người kitô hữu dành cho Đức Giêsu Phục Sinh.
2. Bài đọc II - Kh 1,9-11a.12-13.17-19
Thị kiến mà Thánh Gioan trải qua được đặt trong bối cảnh của những ngày tháng gian truân vì bị bắt bớ và vì thế đòi một lòng kiên nhẫn trong Đức Kitô, hoàn cảnh khốn khó này của Gioan cũng chính là hoàn cảnh mà bảy giáo đoàn ở Tiểu Á đang phải đương đầu, chính vì thế người nhận thị kiến này, như thánh Gioan mô tả, chính là bảy giáo đoàn ở Tiểu Á. Nội dung của thị kiến như một lời an ủi và khích lệ mạnh mẽ cho những ai đang bị bắt bớ: ‘Đừng sợ... Ta là Đấng hằng sống. Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ.’
Những lời mạc khải mang tính nền tảng: ‘Ta đã chết – nay Ta sống đến muôn đời – Ta là Đấng hằng sống’ đã trở nên như một sức mạnh chữa lành để nâng đỡ, củng cố, khích lệ và tăng sức cho mỗi Kitô hữu chu toàn sứ mạng của mình trên mọi nẻo đường của cuộc sống.
3. Bài Phúc Âm - Ga 20,19-31
Câu chuyện mà đoạn phúc âm thuật lại đã xảy ra vào ngày thứ nhất và ngày thứ tám sau biến cố Chúa phục sinh, nghĩa là cũng vào ngày thứ nhất trong tuần. Hai lần chúc bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh: ‘Bình an cho các con’ dường như muốn xua tan đi trong lòng các môn đệ nỗi sợ hãi được diễn tả qua hình ảnh ‘các cửa đều đóng kín.’ Không những thế, sự bình an còn là yếu tố nền tảng giúp các môn đệ can đảm thực hiện lệnh truyền ‘sai đi để tha tội’ của Chúa Phục Sinh kèm theo sức mạnh của Thánh Thần.
Lòng cứng tin mang dáng vẻ tiêu cực của Giuđa dường như lại trở nên như dấu chỉ của một thái độ thận trọng cần thiết trước tin đồn đang rộ lên ở chỗ này nơi kia rằng: Chúa đã sống lại và đã hiện ra… Cũng như bao tông đồ khác, Tôma đang đợi một chứng cứ trực tiếp mang tính chắc chắn. Dưới một góc cạnh nào đó, ta có thể nói rằng: cám ơn ‘lòng cứng tin’ của Tôma bởi vì cũng nhờ đó mà ta lại có thêm được một lần hiện ra của Đấng Phục Sinh hầu bảo đảm tính chắc chắn của sự kiện. Nhưng còn hơn điều Tôma đợi chờ, việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra còn dẫn ông đi đến một xác tín nền tảng cho mọi xác tín: ‘Lạy κύριός của con, lạy θεός của con.’ Tôma chẳng những xác tín rằng Chúa đã phục sinh, mà ông còn nhận ra nơi Đấng Phục Sinh ấy khuôn mặt của chính Thiên Chúa.
Như thế, Chúa Giêsu phục sinh vừa chữa lành sự cứng tin của Tôma trước sự kiện phục sinh, vừa dẫn ông đến một mạc khải tối hậu: Đức Giêsu phục sinh cũng chính là Thiên Chúa.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Một đàng, những dấu lạ và điềm thiêng được thực hiện bởi tay các tông đồ là những dấu chỉ hữu hình minh chứng sự hoạt động mạnh mẽ của Đức Giêsu phục sinh. Đàng khác, những ơn chữa lành mà tất cả mọi người nhận được đã trở nên lời tái xác nhận tính đích thực của sự kiện Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng đang sống động trong mọi hoạt động tông đồ của các môn đệ Người. Hôm nay mọi dấu lạ và điềm thiêng của Đấng Phục Sinh vẫn đang diễn ra trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống và mỗi chúng ta cũng đang được chữa lành. Vấn đề là ta có thực sự nhận ra và xác tín vào quyền năng của Chúa Giêsu phục sinh trên cuộc đời của mình không?
2. Đối với Chúa Giêsu, biến cố phục sinh là bước thứ hai mà Người phải thực hiện trong chuỗi ba bước nơi cuộc vượt qua: chết – phục sinh – thăng thiên. Mỗi Kitô hữu, khi chiêm ngắm cuộc vượt qua này, cũng được mời gọi để từng bước thực hiện nơi cuộc đời mình ba bước của cuộc vượt qua ấy như Chúa Giêsu: “Nếu chúng ta đã chết cùng với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.” (Rm 6,8) và rồi cùng với Đức Kitô, chúng ta ‘lên cùng Cha’ của Người cũng là Cha của chúng ta. (x. Ga 20,17).
3. Sự kiện hai lần hiện ra của Đấng phục sinh đều vào ngày thứ nhất trong tuần đã mang lại cho ngày thứ nhất một giá trị đặc biệt. Nếu người Do thái mặc cho ngày Sabát một ý nghĩa thiêng thánh vì đó là ngày Thiên Chúa ‘nghỉ ngơi’ sau một chuỗi ngày sáng tạo, thì ngày thứ nhất trong tuần đối với người Kitô hữu, trở nên ngày chúa (hay chủ) của các ngày khác, vì ngày ấy Đức Giêsu đã phục sinh từ trong cõi chết. Như thế, ngày thứ nhất trong tuần hay ngày chúa nhật theo kiểu nói hiện nay, trở nên điểm quy chiếu cho mọi hoạt động của đời sống người Kitô hữu. Biến cố phục sinh mà họ cử hành mỗi chúa nhật giúp họ trở nên ‘con người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng của Đấng Phục Sinh.’
4. “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Kiểu lý luận của Tôma: ‘không thấy…không tin’ hay ‘có thấy…mới tin’ là kiểu lý luận mới dừng lại ở một niềm tin hay một lòng tin, vì nó phải thỏa mãn những suy luận logic của lý trí. Đang khi Thánh Gioan tông đồ chỉ cần nhìn thấy ngôi mộ trống và tấm khăn liệm xếp gọn gàng thì ông đã tin. Nói cách khác, mặc dù chưa trực tiếp nhìn thấy Chúa Giêsu sống lại, nghĩa là lý trí của ông vẫn chưa được thỏa mãn, nhưng dầu vậy Gioan vẫn tin. Và đây mới thực sự là một ĐỨC TIN đúng nghĩa như Chúa đã nói: ‘Phúc cho ai đã không thấy mà tin.’ Hôm nay Chúa cũng đang cần nơi mỗi chúng ta một đức tin đúng nghĩa giống như thế.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Kitô phục sinh đã hiện ra với các môn đệ để củng cố niềm tin và ban quyền lực Thánh Thần cho các ông. Người vẫn luôn hiện diện và nâng đỡ sứ vụ của Giáo Hội qua mọi thời đại. Trong Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay, chúng ta cùng hân hoan ca tụng Chúa và dâng lời cầu nguyện:
1. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Chúng ta cùng cầu xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và hàng Linh mục được tràn đầy sức mạnh và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để các ngài chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ và làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh trong thế giới hôm nay.
2. Chúa nói với ông Tôma: “chớ cứng lòng, nhưng hãy tin.” Chúng ta cùng cầu xin cho con người thời đại hôm nay đang bị lôi kéo bởi chủ nghĩa hưởng thụ duy vật chất mà chối bỏ Thiên Chúa, được lòng thương xót Chúa chinh phục và biến đổi, luôn kiếm tìm và tin nhận Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực của cuộc đời.
3. “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu, cách riêng cho những ai đang gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống, luôn vững tin vào lòng thương xót Chúa, được tràn đầy bình an và sức sống của Chúa Kitô phục sinh, hầu can đảm sống đức tin giữa những nghịch cảnh của cuộc đời.
4. Các tông đồ đã hăng hái làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh và trở nên dấu chỉ của lòng thương xót. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta cũng biết nỗ lực làm chứng cho Chúa bằng đời sống bác ái và gương lành, hầu cho nhiều người ngày hôm nay nhận biết lòng thương xót Chúa.
Chủ tế: Lạy Đức Kitô phục sinh là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và làm cho hiệu quả của mầu nhiệm Phục Sinh chúng con đang cử hành sinh hoa trái dồi dào trong cuộc sống chứng tá của chúng con. Chúa hằng sống và hằng trị muôn đời. - Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm B - Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A