Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa nhật 19 Thường niên năm C

Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa nhật 19 Thường niên năm C

Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa nhật 19 Thường niên năm C

Kn 18,6-9; Hr 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48

ĐỨC GIÊSU HIỆN THỰC HOÁ LỜI HỨA CỦA THIÊN CHÚA

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé,
đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em (Lc 12,32).

Thiên Chúa hứa ban cho ông Ápraham và các tổ phụ một dòng dõi đông đúc và một quê hương vững bền. Ngài đã từng bước hiện thực hoá lời hứa đó qua chương trình cứu độ. Cuộc vượt qua của dân Israel là một trong những biến cố quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Kế hoạch cứu độ đó đạt đến cao điểm nơi Đức Giêsu, Đấng vượt qua cái chết để bước vào cõi sống, mở ra một quê hương Nước Trời vững bền và một dòng dõi đông đúc gồm những người tin vào Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài qua và nhờ Chúa Giêsu.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Đoạn sách Khôn Ngoan nhắc lại biến cố vượt qua của dân Israel, một biến cố trọng đại ảnh hưởng trên toàn bộ lịch sử của dân Israel cho đến mãi sau này.

Trước hết, Thiên Chúa đã báo trước cho dân Israel về biến cố vượt qua, theo đó Ngài sẽ đưa dân ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ để họ được tự do thờ phượng Ngài. Đó là một biến cố lớn lao ảnh hưởng trên toàn bộ lịch sử dân Israel qua muôn thế hệ. Thật vậy, qua mọi thời, các thế hệ cha ông không ngừng nhắc lại cho con cháu về những gì Thiên Chúa đã làm. Để thoát ra khỏi sự kiểm soát của một đế quốc hùng mạnh, thoát khỏi cuộc sống nô lệ, dân Israel phải vượt qua những cám dỗ của một cuộc sống yên ổn trước mắt mà can đảm lên đường, dù phải đối diện với bao bấp bênh và nguy hiểm, để hướng về một sự yên ổn dài lâu. Nhờ tin tưởng, cậy trông vào một Thiên Chúa quyền năng mà họ được thêm can đảm để chấp nhận mọi rủi ro và gian khó của cuộc vượt qua.

Thêm vào đó, khi ra đi cách vội vã và trước sự hùng mạnh của Ai Cập, dân Israel nhận thức được những khó khăn đang đợi họ trước mắt. Tuy vậy, sự hùng mạnh của Ai Cập lại chịu thất bại trước Israel nhỏ bé nhưng biết tin tưởng vào bàn tay quyền năng của Thiên Chúa. Quả vậy, biến cố vượt qua là dấu chứng rõ ràng của việc Thiên Chúa cứu thoát dân khỏi kẻ thù và cho họ được nên rạng rỡ với chiến công lẫy lừng và diệu kỳ. Trong suốt chặng đường vượt qua, dân Israel ý thức sự mỏng manh, yếu đuối của họ nên họ biết đặt sự tin tưởng nơi Thiên Chúa và đến cùng Ngài để được bao bọc, chở che.

Cuối cùng, biến cố vượt qua còn là động lực giúp liên kết dân Israel lại với nhau xung quanh Thiên Chúa là sức mạnh của họ. Nhờ Thiên Chúa là Đấng gắn kết, họ biết chia sẻ với nhau để có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia. Đồng thời, họ còn liên kết với nhau khi cùng nhau ca tụng những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong suốt hành trình vượt qua. Qua muôn thế hệ, dân Israel không ngừng ca tụng mọi điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện để giải thoát dân, như đã được bao thế hệ cha ông truyền lại.

2. Bài đọc 2:

Bài đọc 2 làm nổi bật lòng tin của các tổ phụ mà ông Ápraham là hình mẫu tiêu biểu, qua đó chứng thực câu định nghĩa của tác giả thư Hípri: “đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Hr 11,1).

Thứ nhất, đó là niềm tin vào một miền đất Thiên Chúa hứa. Đoạn thư nhắc lại việc ông Ápraham rời bỏ quê hương theo lời mời gọi của Thiên Chúa để tìm một quê hương mới (x. St 12,1-4). Ông tin vào lời hứa của Thiên Chúa, lên đường mà không biết quê hương mà Thiên Chúa hứa sẽ ra sao. Ông ra đi đến một miền đất xa lạ chỉ với một lòng tin sắt son vào lời hứa của Thiên Chúa. Dù cả đời ông Ápraham, cũng như các tổ phụ, sống trong những túp lều tại nơi đất khách (x. St 23,4; 26,3; Hr 11,9), nhưng họ vẫn hằng tin tưởng và chờ đợi “một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (Hr 11,10.16). Vậy mà cho đến khi thế hệ các tổ phụ qua đi, các ngài vẫn chỉ là những khách lữ hành hằng tìm kiếm miền đất mà Thiên Chúa hứa với tất cả lòng tin. Tuy vậy, tác giả thư Hípri cho chúng ta hiểu rằng miền đất quê hương mà các tổ phụ mong mỏi kiếm tìm chính là “một quê hương tốt đẹp hơn”, là “quê hương trên trời”, được hiện thực hoá nơi Đức Giêsu qua đời sống, cái chết và phục sinh của Người.

Thứ hai, đó là niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa về một dòng dõi. Thật vậy, các tổ phụ tin vào lời hứa của Thiên Chúa về một dòng dõi đông đúc. Thế nhưng, cho đến khi các tổ phụ lần lượt nằm xuống thì lời hứa của Thiên Chúa về “một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được” vẫn chưa được hoàn trọn: “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa đã hứa” (Hr 11,13a). Tuy nhiên, trong đức tin, các tổ phụ đã hướng đến các thực tại sẽ được hiện thực hoá sau này: “từ xa các ngài đã thấy và đã đón chào các điều ấy” (Hr 11,13). Thật vậy, tác giả thư Hípri cho chúng ta hiểu rằng khi hiến tế Isaác, “ông Ápraham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy”. Nhờ tin như vậy mà “ông đã nhận lại người con ấy như một biểu tượng” (x. Hr 11,19). Người con biểu tượng ấy hướng đến Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã hoàn trọn lời hứa đối với ông Ápraham khi ban cho nhân loại một dòng dõi vững bền, phát xuất từ chính Con Một Thiên Chúa là Đức Giêsu, Đấng được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết.

Lời hứa của Thiên Chúa cho ông Ápraham về một quê hương làm gia nghiệp và một dòng dõi đông đúc, được hiện thực hoá nơi Đức Giêsu. Những ai tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng đã chết và sống lại để mang ơn cứu độ cho nhân loại, đều thuộc về dòng dõi con cái Thiên Chúa và được hưởng gia nghiệp Nước Trời.

3. Bài Tin Mừng:

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đặt trọn niềm tin vào Ngài và đừng lo lắng vì “Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”. Vậy những ai được xem là xứng đáng được Thiên Chúa ban Nước Trời?

Trước hết, Nước Thiên Chúa không phải là những giá trị có được nhờ sở hữu của cải vật chất. Trái lại, Nước Trời dành cho những ai biết dùng tài sản vật chất để trao ban và giúp đỡ người khác như là một cách đầu tư dài hạn cho những giá trị vững bền. Thật vậy, cho đi mới là cách thức để chuẩn bị cho mình một kho tàng không hề cũ rách, không bao giờ hao hụt, không bị kẻ trộm lấy đi hay bị mối mọt đục phá. Khi người môn đệ biết sống tinh thần trao ban thì họ được Thiên Chúa hứa ban cho Nước của Người.

Sau nữa, Nước Thiên Chúa dành cho những ai không mải mê trong những vướng bận của cuộc đời này mà quên sống tinh thần tỉnh thức để chờ đợi Thiên Chúa là chủ của đời mình. Thật vậy, người đầy tớ yêu mến chủ sẽ có đủ sự kiên nhẫn và tỉnh thức sẵn sàng để chờ đợi ông chủ trở về bất cứ giờ nào. Cũng vậy, người đầy tớ khôn ngoan và trung tín đối với chủ sẽ biết làm thế nào để chu toàn công việc được giao với tinh thần trách nhiệm, để dù ông chủ về lúc nào, đều gặp thấy đầy tớ của mình đang tận tâm với những công việc được giao phó. Chỉ những đầy tớ biết đợi chủ về với lòng yêu mến, và hoàn thành công việc được giao phó với sự trung tín thì mới xứng đáng được chủ chúc phúc và ân thưởng trong Nước của Người.

Các môn đệ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu, đồng thời, luôn tận tâm và trung tín với sứ vụ được giao phó nên được Thầy Giêsu hứa ban Nước Trời.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Sách Khôn Ngoan nhắc lại biến cố vượt qua của dân Israel, qua đó làm nổi bật lòng tin của dân vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và liên kết họ thành một dân biết tôn thờ và ca tụng Thiên Chúa qua muôn thế hệ; đồng thời, biết liên đới với nhau trong tình tương thân tương ái. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hành động trong dòng lịch sử nhân loại, liên kết những ai đặt niềm tin nơi Ngài thành một cộng đoàn tín hữu, giải thoát họ khỏi ách nô lệ của tội lỗi và nối kết họ trong tinh thần bác ái của những người cùng tôn thờ một Thiên Chúa. Đồng thời, mỗi tín hữu tiếp tục được mời gọi sống tinh thần vượt qua: vượt qua mọi hoàn cảnh nô lệ của thể xác và tinh thần để được tự do thờ phượng Thiên Chúa; vượt qua những gì chóng qua để đến với những giá trị vững bền; vượt qua thế giới này để hướng về quê hương thật nơi Thiên Chúa.

2/ Ông Ápraham và các tổ phụ đã luôn hết lòng tin cậy nơi Thiên Chúa trên hành trình tìm kiếm một quê hương đích thật và một dòng dõi vững bền. Dù không được tận mắt chứng kiến nhưng các ngài chưa bao giờ đánh mất hy vọng vì đức tin của các ngài là bảo đảm cho những điều các ngài hy vọng và là bằng chứng cho những điều các ngài không thấy (x. Hr 11,1). Sống trong thế giới với nhiều bấp bênh, lắm khi con người đánh mất phương hướng và không tìm được điểm tựa vững chắc cho cuộc đời. Tác giả thư Hípri mời gọi các Kitô hữu đặt niềm tin vào Đức Kitô, Đấng là bảo đảm cho niềm hy vọng về một quê hương đích thực trên trời và một dòng dõi vững bền của những người con cái Thiên Chúa.

3/ Chúa Giêsu nói đến hai điều kiện của người môn đệ để được Chúa Cha ban thưởng Nước Trời. Một là tìm cách tích trữ kho tàng vĩnh cửu trên trời bằng cách dùng của cải mà chia sẻ cho những người túng thiếu. Chỉ khi biết sắm sửa cho mình kho tàng trên trời theo cách đó, lòng người môn đệ mới thanh thản mà hướng về trời. Hai là sống tinh thần tỉnh thức của người đầy tớ chờ đợi chủ trở về bằng cách chu toàn nhiệm vụ được trao phó với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương dành cho những người được uỷ thác cho mình. Để trở thành những công dân của Nước Trời, mỗi Kitô hữu hôm nay cũng được mời gọi sống tinh thần chia sẻ của cải cho người túng thiếu và chu toàn bổn phận được giao phó cách trách nhiệm như người đầy tớ trung tín và tỉnh thức đợi chờ Chúa.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Luôn trung tín trong bổn phận chính là thái độ khôn ngoan của con cái nước trời. Với quyết tâm luôn tỉnh thức chờ đợi, cùng niềm cậy trông vào Thiên Chúa quan phòng, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm dâng lời cầu nguyện:

1. Chúa Kitô đã ủy thác kho tàng đức tin và ân sủng cho Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn nhiệt thành trong sứ vụ người quản lý trung tín, hăng say phục vụ dân Chúa và tận tình phân phát ơn thánh cho mọi người.

2. Chủ nghĩa hưởng thụ đang mê hoặc xã hội hiện tại. Chúng ta cùng cầu xin cho con người thời đại biết hướng đến cùng đích cuộc đời là chính Thiên Chúa, luôn cảnh giác trước sự lôi cuốn của thế gian và chăm lo tìm kiếm kho tàng vĩnh cửu trên trời.

3. “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng.” Chúng ta cùng cầu xin cho các bạn trẻ được thêm niềm xác tín vào sức mạnh của Lời Chúa, dám dấn thân trong công cuộc loan báo tin mừng và trở nên ngọn đèn cháy sáng cho môi trường xã hội xung quanh.

4. Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn sống tinh thần tỉnh thức bằng việc siêng năng lãnh nhận các bí tích và tích cực thực thi công bình bác ái trong cuộc sống.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn trung tín chu toàn bổn phận Chúa trao, và thêm vững bước trên hành trình về bên Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Top