Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXXI Thường niên

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXXI Thường niên

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXXI Thường niên

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN B
(Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34)

ĐẠO YÊU THƯƠNG - MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

“Ðiều răn trọng nhất là: yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi; và yêu người thân cận như chính mình” (x. Mc 12,30-31).

I. CÁC BÀI ĐỌC

Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến điều răn yêu thương như là nền tảng cốt yếu của Kitô giáo. Ngay thời Cựu Ước, Dân Thiên Chúa đã biết rằng “phải yêu mến Thiên Chúa với cả con người mình” được thể hiện qua lời Kinh Shema (x. Đnl 6,4-6) mà họ đọc 2 lần trong ngày; bên cạnh, họ cũng được dạy rằng phải yêu mến đồng loại như chính mình (x. Lv 19,18). Tuy nhiên, đối với họ hai điều răn này như thể tách rời nhau. Trong thời Tân Ước, Đức Giêsu đã gắn liền hai điều răn đó với nhau đến nỗi yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương người ta thì chưa giữ trọn Luật Chúa, và ngược lại.

1. Bài đọc 1 (Đnl 6,2-6):

Bài đọc 1 hôm nay là một bản văn nền tảng cho đời sống tôn giáo của Dân Israen vì chứa đựng Kinh Shema: “Nghe đây, hỡi Israen, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. Trong Kinh này, có một lời tuyên xưng đức tin: “Thiên Chúa Duy Nhất” (hay Độc Nhất). Đó là điểm căn bản trong niềm tin của Do Thái giáo so với những tôn giáo đa thần của các dân lân cận. Hệ luận của lời tuyên xưng này là “Yêu mến Thiên Chúa”. Cách nói “hết lòng hết dạ, hết sức anh em” là một cách diễn tả “toàn bộ con người và cuộc sống”. Như thế, hệ luận này có nghĩa là “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết con người và cuộc sống của anh em”.

Quả thật, Kinh Shema là bản tóm tắt giáo lý, thâu tóm Lề Luật Môsê và lời tuyên xưng đức tin của Do Thái giáo vào một Thiên Chúa Độc Nhất, tựa như Kinh Tin Kính của Công giáo. Đối với Do Thái giáo, lời tuyên xưng đó được cụ thể hóa trong đời sống tôn giáo qua việc tuân giữ Luật Môsê. Các Kinh sư và người Pharisêu đã cụ thể hóa Luật Môsê thành 613 điều khoản trong đó có 365 điều “cấm làm” và 248 điều “buộc làm”. Dù tuyên xưng ngoài miệng Kinh Shema nhiều lần mỗi ngày “là yêu mến Thiên Chúa hết cả con người” nhưng vì có quá nhiều điều khoản chi tiết hóa Luật Môsê nên người ta không còn ý thức được điều răn nào là quan trọng nhất, hay đứng đầu như là nguồn mạch cho mọi điều răn khác. Câu trả lời trọn vẹn được tìm thấy từ Đức Giêsu trong bài Tin Mừng.

2. Bài đọc 2 (Dt 7,23-28):

Bài đọc 2 cho thấy những chiều kích trổi vượt của thời Tân Ước so với thời Cựu Ước nhờ vào vai trò tư tế muôn đời của Đức Giêsu. Nếu trong thời Cựu Ước, Do Thái giáo đã được ban Lề Luật qua Môsê, có nền phụng tự với các tư tế và các lễ tiến để làm nền tảng đời sống tôn giáo, thì trong thời Tân Ước, chính Đức Giêsu đã thiết lập Luật mới và nền phụng tự mới để làm nền tảng cho đời sống của Kitô giáo. Trong thời Cựu Ước, Luật Môsê chưa hoàn hảo và nền phụng tự Do Thái giáo chỉ tạm thời vì các tư tế phải chết nên không giữ chức vụ đó mãi (Dt 7,23). Ngược lại, trong thời Tân Ước, Đức Giêsu đã làm cho Lề Luật được nên hoàn hảo bằng cách nối kết điều răn yêu mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại lại với nhau và không thể tách rời nhau; đồng thời, nền phụng tự do Đức Giêsu thiết lập cũng hoàn hảo hơn và vĩnh cửu vì Người là vị tư tế tồn tại mãi do Người hằng sống (Dt 7,24). Nếu Luật cũ của Môsê và các nghi lễ phụng tự Do Thái giáo giúp con người tiến lại gần Thiên Chúa, thì Luật mới và Hy Lễ của chính Đức Giêsu Kitô sẽ giúp con người tiến lại gần Thiên Chúa hơn và được hưởng ơn cứu độ muôn đời (Dt 7,25).

3. Bài Tin Mừng (Mc 12,28b-34):

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự hoàn hảo của Luật do Đức Giêsu kiện toàn. Câu trả lời đến từ Đức Giêsu qua bối cảnh một kinh sư đến hỏi Đức Giêsu xem trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu (trọng nhất). Câu hỏi này không dễ tìm ra lời giải đáp vì trong 613 điều khoản chi tiết hóa Luật Môsê, không đề cập đến điều răn nào đứng đầu. Đức Giêsu đã đưa ra câu trả lời bằng cách nối kết hai điều khoản căn bản xem ra tách rời trong Đnl và Lv lại với nhau: “phải yêu mến Thiên Chúa với cả con người mình” (x. Đnl 6,4-6) và “phải yêu người thân cận như chính mình” (x. Lv 19,18), qua đó khẳng định “chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó” (Mc 12,31).

Như thế, khi dùng hạn từ “các điều răn” (số nhiều: Mc 12,31), Đức Giêsu dạy rằng điều răn thứ hai “yêu người” không được đồng hóa hay thay thế cho điều răn thứ nhất “yêu mến Thiên Chúa” được, nhưng việc đặt hai điều răn này ở bên nhau là có mục đích giúp lượng giá nhau, như Thánh Gioan tông đồ, vì thấm nhuần đạo lý này của Đức Giêsu, đã viết “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Như thế, Đức Giêsu đã nối kết việc yêu mến Thiên Chúa với yêu thương anh em, tuy là hai điều răn nhưng lại làm thành một hành động duy nhất qua hạn từ “điều quý hơn” (số ít: Mc 12,33). Hành động này quan trọng hơn nền phụng tự với mọi lễ tiến dâng lên Thiên Chúa: yêu mến Thiên Chúa với cả con người và yêu thương người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ (Mc 12,33).

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Ðiều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Israen, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Tình cảm tôn giáo hay sự kết hiệp với Thiên Chúa không phải chỉ là một tương quan hời hợt mà đòi hỏi một tương quan tình yêu trọn cả con người với hết khả năng và toàn bộ cuộc sống. Yêu mến Thiên Chúa với cả con người như thế đòi hỏi một tiến trình tiệm tiến và là mục tiêu tối hậu của cuộc đời Kitô hữu. Điều này bao hàm việc tuân giữ các điều răn khác, hoặc nói cách khác là việc tuân giữ các điều răn khác đều quy về điều răn đứng đầu này. Trong đời sống đạo, tương quan giữa Thiên Chúa với chúng ta là thứ tương quan nào? Có phải Người là một quan tòa làm chúng ta sợ hãi? Người chỉ là một lương y để chúng ta tìm đến khi đau ốm; là một người quản lý giàu có để chúng ta chạy đến xin giúp khi túng thiếu? Có phải chúng ta chỉ chạy đến với Thiên Chúa khi cần mà thôi hay không? Nếu như thế, đời sống đạo của chúng ta sẽ không có ý nghĩa vì đời sống của Kitô hữu đòi hỏi phải được thiết lập trên tương quan tình yêu với Thiên Chúa.

2. “Ðiều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Trước hết, thông thường chúng ta có khuynh hướng quy ngã, yêu bản thân mình nên thường lấy bản thân để đánh giá người khác về nhiều thứ ngoại trừ tình yêu. Do đó, Đức Giêsu nhắc cho chúng ta biết rằng tình yêu mà chúng ta dành cho chính mình phải được đặt làm tiêu chuẩn để đánh giá tình yêu của mình cần có đối với người khác. Điều này được Đức Giêsu nhắc lại trong “khuôn vàng thước ngọc” (Mt 7,12; x. Lc 6,31). Kế đến, dù điều răn thứ hai cũng quan trọng như điều răn thứ nhất “yêu mến Thiên Chúa” (hai điều răn này đều cần thiết như nhau và không thể tách rời nhau), nhưng không được đồng hóa hay thay thế cho nhau để rồi chỉ cần giữ một trong hai. Một số người Kitô hữu có khuynh hướng đồng nhất hai điều răn này thành một, nên chỉ cần giữ một vế hoặc “yêu mến Thiên Chúa” hoặc “yêu thương anh em” là đủ. Không phải như thế. Có thể ví hai điều răn này như đôi cánh của một chiếc máy bay, chỉ cần một bên lệch là máy bay mất thăng bằng không thể cất cánh để đi tới đích. Khi quan sát, người ta chỉ cần nhìn một cánh thôi cũng đủ biết chiếc máy bay có bị lệch hay không. Có khi nào chúng ta thể hiện việc “yêu mến Thiên Chúa” bằng cách siêng năng đi nhà thờ đọc kinh xem lễ, làm các việc đạo đức như lần chuỗi, đi đàng thánh giá… nhưng quên đi phần “thực thi bác ái với anh em” hay không? Ngược lại, chúng ta có khi nào nghĩ rằng việc thăm viếng người đau khổ, an ủi kẻ bất hạnh và sẵn sàng bỏ tiền của để làm việc bác ái sẽ thay thế được đời sống đạo khô khan nguội lạnh: bỏ xưng tội rước lễ, đánh mất tương quan với Thiên Chúa hay không?

3. Yêu mến Thiên Chúa cả con người và yêu người thân cận như chính mình là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ. Ý tưởng này đã được Cựu Ước đề cập tới (Hs 6,6 và 1 Sm 15,22; x. Is 1,11) và nay được Đức Giêsu, vị thượng tế muôn đời, làm nổi bật. Quả thật đời sống tôn giáo gắn liền với việc phụng tự, nhưng điều này chỉ có ý nghĩa khi được xây dựng trên nền tảng “mến Chúa yêu người”. Việc xây dựng cơ sở tôn giáo và tổ chức các nghi lễ là cần thiết cho đời sống của Giáo hội, vì Giáo Hội là một thực tại hữu hình và là một cộng đoàn chuyên lo việc tế tự, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa khi mỗi thành viên của Giáo Hội củng cố và đào sâu đời sống đức tin và thi hành đức ái. Có khi nào chúng ta quá chú trọng đến việc xây dựng các cơ sở thờ phượng, chỉ quan tâm đến các nghi lễ phụng tự bên ngoài mà lơ là việc đào sâu đời sống đức tin bên trong, quên củng cố tương quan tình yêu với Thiên Chúa và bác ái với tha nhân hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức, và yêu thương mọi người như chính mình là hai mặt của điều răn quan trọng nhất. Với quyết tâm thực thi lề luật Chúa, chúng ta cùng sốt sắng dâng lời cầu xin:

1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo và thực thi điều răn yêu thương. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng: hết lòng thờ kính Thiên Chúa và tận tình chăm sóc đoàn chiên.

2. Hận thù, chia rẽ và bạo lực là mầm mống gây biết bao đau thương cho con người. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các dân tộc luôn đoàn kết thuận hòa, cho mọi người biết yêu thương tha thứ, hầu góp phần xây dựng một thế giới hòa bình thịnh vượng.

3. Nhiều nơi trên thế giới và ngay tại Việt Nam vừa trải qua giông bão. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những ai đang gặp khó khăn nhận được sự quan tâm trợ giúp kịp thời, để họ thêm xác tín rằng mọi người luôn hiệp thông trong sự sống và tình yêu của Thiên Chúa.

4. “Mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật hy sinh.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết liên kết hy tế bàn thờ với nỗ lực sống điều luật yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng, Con Chúa là Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng con phải kính mến Chúa và yêu thương nhau. Xin nhận lời chúng con cầu xin và ban sức mạnh Thánh Thần giúp chúng con thực hành lời Người dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Top