Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm C
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C
Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23
Ga 14,23-29
VAI TRÒ CỦA THÁNH THẦN
“Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần
Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy,
Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều
và sẽ làm cho anh em nhớ lại
mọi điều Thầy đã nói với anh em”
(Ga 14,26)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Lời rao giảng của các môn đệ thời Giáo hội sơ khai đã thu hút được một số lượng lớn những người tin theo, trong đó có cả người Do thái và Dân ngoại. Hai thánh Phaolô và Banaba là những sứ giả nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho Dân ngoại, nhưng hai ngài cũng gặp không ít khó khăn, một trong số đó là câu hỏi liệu Dân ngoại có cần phải cắt bì và giữ luật Môsê để được ơn cứu độ hay không. Đoạn sách Công vụ Tông đồ hôm nay là một lời giải đáp rõ ràng và thỏa đáng.
Trước hết, vấn nạn đặt ra là một tình huống mới mẻ trong thời Giáo hội sơ khai khi mà các tín hữu gốc Do thái vẫn tiếp tục giữ những luật lệ và truyền thống của họ, trong đó có luật cắt bì. Vậy nên mới có những người Do thái đòi buộc các tín hữu gốc Dân ngoại cũng phải giữ giống như họ. Khi vấn nạn đặt ra không thể được giải quyết bằng những tranh luận ở “địa phương”, người ta đã phải cử đại diện đi gặp gỡ và trình bày vấn nạn với cấp “trung ương” tại Giêrusalem. Như thế, dù chưa thật sự có một sự phân cấp rõ ràng, các tín hữu thời đó vẫn xem các Tông đồ và kỳ mục tại Giêrusalem, cách riêng là hai thánh Phêrô (Cv 15,7-11) và Giacôbê (Cv 15,13-21), như là những người có tiếng nói quyết định.
Sau nữa, việc Hội thánh tại Giêrusalem vừa viết thư, vừa cử những người có uy tín trong Hội thánh là Giuđa và Xila đến gặp các tín hữu trong các cộng đoàn địa phương để trả lời cho thắc mắc của họ. Quả vậy, bức thư của “anh em Tông đồ và kỳ mục” vừa thể hiện sự hiệp thông giữa “trung ương” và “địa phương”; vừa coi trọng vai trò quan trọng của hai thánh Phaolô và Banaba, “những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô” (Cv 15,26). Hơn nữa, bức thư còn đề cao vai trò của Thánh Thần, Đấng đóng vai trò không thể thiếu trong quyết định quan trọng của Hội thánh (15,28). Nhờ ơn Thánh Thần mà quyết định của Hội thánh “mẹ” Giêrusalem đem lại nhiều ích lợi cho các Kitô hữu gốc Dân ngoại.
Cuối cùng, câu trả lời chính thức của Hội thánh tại Giêrusalem là lời khẳng định rõ ràng và chắc chắn rằng các tín hữu gốc Dân ngoại không cần phải giữ những khoản luật theo truyền thống Môsê, ngoại trừ một những điều có thể gây cớ vấp phạm. Như thế, cách thức Giáo hội thời sơ khai giải quyết vấn đề vừa cho thấy sự hiệp thông, vừa thể hiện sự uyển chuyển nhưng dứt khoát vì lợi ích của Dân ngoại, theo đó Dân ngoại không cần phải cắt bì như là dấu chỉ của việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu.
2. Bài đọc 2
Thị kiến của tác giả sách Khải Huyền mô tả quang cảnh của Thành Giêrusalem trên trời (21,10), trong đó đoạn 21,12-14 cho thấy cảnh trí bên ngoài, và đoạn 21,22-23 mô tả nét đặc biệt và vẻ xán lạn rực rỡ bên trong của Thành.
Trước hết, quang cảnh bên ngoài của Thành cho thấy chiều cao, và chiều rộng, như muốn ám chỉ sức chứa rất lớn của Thành. Nhờ đó, Thành không chỉ được dành cho mười hai chi tộc Israen (21,12b), nhưng còn dành cho cả các Dân ngoại nữa, những người nhờ ánh sáng của Thành soi dẫn mà qui tụ về (x. 21,24.26). Thành mở ra bốn hướng đông tây nam bắc, mỗi hướng có ba cửa (chỉ sự hoàn hảo) như là dấu chỉ về tính phổ quát của Thành Giêrusalem mới; Thành này không đặt nền tảng trên mười hai chi tộc Israen nữa mà trên nền tảng mười hai Tông Đồ. Đây chính là hình ảnh của Hội Thánh, được xây dựng trên nền tảng đức tin của mười hai Tông Đồ là những người đã đi theo Đức Kitô, nghe giáo huấn của Người, được chứng kiến cái chết và sống lại của Người (x. Cv 1,21-22). Hội Thánh mở ra và đón nhận tất cả mọi người, kể cả Dân ngoại, nếu họ tin vào Đức Giêsu nhờ chứng tá của các Tông Đồ.
Sau nữa, khung cảnh bên trong cho thấy hai điểm đặc biệt của Thành. Một là, Thành mới không hề có Đền Thờ vì “Đức Chúa và Con Chiên là Đền Thờ của Thành” (21,22). Quả vậy, Đền Thờ trong thành Giêrusalem dưới đất là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài để họ tôn thờ, nhưng Thành Giêrusalem mới vào thời cánh chung không cần Đền Thờ nữa vì con người được trực tiếp chiêm ngưỡng và hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Thiên Chúa và Con Chiên là Đức Kitô chính là Đền Thờ cho họ tôn thờ. Hai là, Thành mới không cần ánh sáng của mặt trời, mặt trăng vì vinh quang của Thiên Chúa và Con Chiên là đèn chiếu soi (21,23). Thật vậy, chính vinh quang Thiên Chúa và Đức Giêsu làm cho Thành rực lên ánh sáng: ánh sáng chiếu soi cho Dân ngoại tìm đến, ánh sáng loại bỏ đêm tối, để những ai được chiếu sáng sẽ được hiển trị đến muôn đời muôn thuở (x. 21,24-25; 22,5).
Tóm lại, nhờ ánh sáng của Thiên Chúa và Con Chiên là Đức Giêsu, Thành Giêrusalem mới không chỉ chiếu soi cho mười hai chi tộc Israen mà còn cho cả Dân ngoại, để bất kỳ ai tin vào Thiên Chúa và Đức Giêsu Phục Sinh, nhờ lời chứng của các Tông Đồ, đều được hiển trị trong ánh sáng vinh quang của Thành Giêsusalem trên trời.
3. Bài Tin Mừng
Bối cảnh của đoạn Tin Mừng là những lời tâm tình của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc thương khó. Những lời trăn trối của Chúa Giêsu mạc khải về một số điểm thần học quan trọng.
Điểm thứ nhất là lời mạc khải về tương quan tình yêu và hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, ai yêu mến Người và giữ lời của Người, tức lời Chúa Cha ban cho Người, thì không chỉ được Chúa Cha yêu mến, mà còn được chính Chúa Cha và Chúa Giêsu “ở lại”. Như vậy, việc yêu mến và giữ lời của Chúa Giêsu vừa tạo nên tương quan tình yêu hai chiều, vừa đem lại sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Tương quan tình yêu và tình trạng hiệp thông trọn vẹn này chỉ xảy ra vào thời cánh chung khi Chúa Giêsu hiện thực hóa lời hứa “đi dọn chỗ cho anh em”, và sẽ “lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (x. Ga 14,2-3).
Điểm thứ hai là lời hứa của Chúa Giêsu về vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần. Quả vậy, Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng không chỉ đến ở với các môn đệ luôn mãi để che chở, bảo vệ các ông khỏi cảnh mồ côi (14,16.18) mà còn giúp các ông nhớ lại và hiểu cách trọn vẹn những gì Chúa Giêsu đã dạy các ông (14,26). Chúa Giêsu đã từng khẳng định với thánh Phêrô, và qua thánh nhân với các môn đệ khác rằng, “việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (13,7). Nếu các môn đệ “sau này” có thể nhớ lại và hiểu cách đầy đủ những gì Chúa Giêsu đã dạy không phải vì tự thân các ông sáng suốt hơn, khôn ngoan hơn, mà là do ơn của Chúa Thánh Thần.
Điểm thứ ba là lời Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ. Trước lúc rời xa các môn đệ, Chúa Giêsu hiểu rõ tâm trạng xao xuyến và sợ hãi của các ông. Bình an mà Người ban cho các ông “không theo kiểu thế gian”, nghĩa là, không phải tình trạng hòa bình vì không có chiến tranh, hay tâm trạng không còn lo lắng, sợ hãi, bất an, hoặc sung sướng, thoải mái về mặt tâm lý, nhưng là tình trạng của người sống trong ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ ân sủng cứu độ này, ân sủng được ban do lòng yêu mến, các môn đệ vẫn có thể sống trong bình an và vui mừng ngay cả khi Đức Giêsu về với Thiên Chúa, Đấng cao trọng hơn Người, Đấng sẽ ban ơn cứu độ chung cuộc cho các ông vì đã đặt trọn niềm tin vào Người (14,27-29). Một khi tin tưởng chắc chắn như thế, các môn đệ không có gì phải xao xuyến hay sợ hãi, nhưng sống trong bình an thật sự.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Vấn nạn mà các Kitô hữu gốc Dân ngoại gặp phải đã được giải quyết cách tốt đẹp nhờ quyết định khôn ngoan và biểu lộ sự hiệp thông của những người lãnh đạo Giáo hội “mẹ” tại Giêrusalem với cộng đoàn địa phương. Đằng sau quyết định này là vai trò của Thánh Thần, Đấng làm nên sự hiệp thông giữa các Kitô hữu, dù có những khác biệt. Tôi có sẵn sàng gác qua một bên những khác biệt để xây dựng sự hiệp thông trong Giáo hội? Tôi có để cho Thánh Thần hướng dẫn để sống khoan dung mà cởi mở đón những người khác với tôi?
2/ Thị kiến của tác giả sách Khải Huyền cho thấy viễn cảnh của Thành Giêrusalem, nơi qui tụ tất cả mọi người từ khắp bốn phương trời, nhờ ánh vinh quang của Thiên Chúa và của Con Chiên, tức là Đức Giêsu Phục Sinh. Đó là hình ảnh của Hội thánh phổ quát dành cho tất cả những ai tin vào Thiên Chúa và Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Cuộc sống của tôi có là ánh sáng dẫn mọi người đến với Hội thánh?
3/ Trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ vào trong mối tương quan hiệp thông với Thiên Chúa. Người cũng ban Thánh Thần để giúp các ông ghi nhớ và hiểu biết cách sâu xa hơn những gì Người đã chỉ dạy. Người còn để lại cho các ông bình an là ân sủng cứu độ, để giúp các ông kiên vững trong những lúc gian nan, thử thách. Tôi có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi sống hiệp thông với Thiên Chúa nhờ yêu mến và giữ lời Ngài? Tôi có mở lòng ra cho ơn huệ Thánh Thần để mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn? Ơn bình an của Chúa Giêsu có làm cho tôi thêm kiên vững trong đức tin, nhất là những khi gặp khó khăn, thử thách?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha đã ban tặng bình an và Thánh Thần cho các môn đệ cùng mọi người chúng ta. Trong tâm tình cảm mến tri ân, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin.
1. Đức Kitô đã thiết lập Hội thánh trên nền tảng các tông đồ. Xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và các Đức Giám Mục luôn xứng đáng là những người kế vị đầy nhiệt tâm của các tông đồ, biết quyết định và hành động trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để nên dấu chỉ sự hiệp nhất mọi người trong Chúa.
2. “Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Xin cho các dân tộc và mọi gia đình trên thế giới được sống trong bình an đích thực mà Đức Kitô ban tặng cho nhân loại; cách riêng cho những ai đang phải đương đầu với thử thách gian nan luôn vững lòng tin tưởng vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
3. “Chính Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều.” Xin cho mọi Kitô hữu và cách riêng những người Công Giáo Việt Nam luôn biết lắng nghe và tích cực tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong khi dấn thân vào các hoạt động xã hội cũng như chung sức xây dựng sự hiệp thông trong Hội thánh.
4. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy.” Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta ngày càng thêm lòng yêu mến Chúa, luôn say mê học hỏi Lời Chúa và trung thành tuân giữ luật Chúa; để trong mọi hoàn cảnh chúng ta luôn là khí cụ hữu hiệu đem yêu thương, an bình và hạnh phúc đến cho mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và tuôn đổ Thánh Thần xuống trên chúng con, giúp chúng con biết vâng nghe và thực thi những giáo huấn của Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm B - Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A