Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Phục Sinh - năm A
CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM A
Thánh Lễ Chính Ngày
(Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4 ; Ga 20,1-9)
Chủ đề:
ĐỨC KITÔ PHỤC SINH:
TRỌNG TÂM NIỀM TIN KITÔ GIÁO
“Ông đã thấy và đã tin...
Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết”
(Ga 20,8-9)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Phụng vụ Lời Chúa hôm này tập trung vào biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh và ý nghĩa của biến cố đó với đời sống Kitô hữu. Quả thật Chúa Giêsu Kitô Phục sinh là trọng tâm của đức tin, đức cậy và đức mến của Kitô giáo. Nếu Chúa Giêsu không phục sinh, niềm tin của chúng ta trở nên vô ích. Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô phục sinh là chúng ta đang tuyên xưng niềm tin, niềm trông cậy vào sự sống đời sau và từ đó có lối sống xứng hợp được thể hiện ra bằng đức mến trong đời sống thường ngày.
1. Bài đọc 1: (Cv 10,34a.37-43)
Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh là tâm điểm của niềm tin Kitô giáo. Biến cố này đã củng cố niềm tin của các Tông Đồ và những người theo Chúa, giúp họ nhận ra Chúa Giêsu là ai và khám phá ra sứ vụ của mình; đồng thời, giúp đọc lại và hiểu ra ý nghĩa đích thực của các lời nói và việc làm của Chúa Giêsu trước đó. Vì thế, biến cố Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh cũng là trọng tâm trong các lời giảng dạy của các Tông Đồ.
Bài đọc 1 ghi lại lời rao giảng của Thánh Phêrô tại nhà ông Cônêliô ở Xêdarê. Cũng giống với các lời giảng trước đó, thánh nhân tập trung vào con người và sứ vụ của Chúa Giêsu: kể từ khi Người bắt đầu sứ vụ công khai cho đến lúc phục sinh và thăng thiên. Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa Cha dùng Chúa Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu thánh hiến trong ngày Người Chịu phép rửa, để Người ra đi thi hành sứ vụ Đấng Mêsia-Được Xức Dầu. Đó là công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa và thi ân giáng phúc cho mọi người. Chúa Giêsu đã giải thoát người ta khỏi bị giam cầm của bệnh tật thể lý và khỏi ma quỷ về mặt tinh thần. Thế nhưng Người đã bị người ta kết án tử bằng cách đóng đinh vào cây thập giá và đã chết. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Sau khi đã sống lại, Người đã hiện ra với thánh Phêrô và các Tông Đồ và những người theo Chúa, cùng ăn uống và trò chuyện với họ. Không những chỉ thấy mà các Tông Đồ còn được truyền đi rao giảng về Chúa Giêsu Phục Sinh và Người là thẩm phán sẽ xét xử muôn người.
Như thế, câu chuyện về Chúa Giêsu là một sự kiện lịch sử trong thời gian gây thắc mắc cho bao người, liên quan đến thấy và làm chứng, nhưng lại trở nên một biến cố vượt thời gian đem đến ơn cứu độ cho những người tin. Ai tin vào Người sẽ được sống nhờ được thông phần vào sự phục sinh của Người, ai không tin thì sẽ bị chết. Các tông đồ đã tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô của mình và đã sống niềm tin đó bằng cách trở thành những nhân chứng rao giảng về những điều họ đã thấy và đã tin để cho mọi người, không thiên vị ai, nhờ tin mà được ơn cứu độ.
2. Bài đọc 2: (Cl 3,1-4)
Khi chịu Phép Rửa Tội, người Kitô hữu được trỗi dậy khỏi quyền lực của sự dữ và thế gian để tham dự vào đời sống mới trong Chúa Kitô phục sinh ở thượng giới. Do đó, Thánh Phaolô kêu gọi các Kitô hữu hãy tìm kiếm những sự trên trời, nơi Chúa Kitô, Đấng đã trỗi dậy từ cõi chết, đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Đối với Thánh Phaolô, vì đang sống trong trần thế, người Kitô hữu cần phải chu toàn những bổn phận và trách nhiệm của mình để xây dựng thế giới này tốt đẹp hơn (x. Rm 12-13), nhưng thay vì chú tâm tìm kiếm những thứ tạm thời chóng qua ở đời này thì hãy tìm kiếm những điều có giá trị vĩnh cửu thuộc thượng giới, và điều quan trọng nhất là sự sống đời đời.
Nếu người Kitô hữu đã chết với Chúa Giêsu Kitô, thì nay dù đang ở trong thân xác phải chết nơi đời tạm chóng qua này, nhưng khi Chúa Giêsu phục sinh xuất hiện, Người sẽ ban cho người tin được sự sống vĩnh cửu để cùng Người hưởng phúc vinh quang muôn đời.
3. Bài Phúc Âm: (Ga 20,1-9)
Các bài trình thuật Phúc Âm trong Tam Nhật Thánh cho thấy các môn đệ đã chứng kiến việc Chúa Giêsu đã chịu chết và được mai táng. Thi hài được chôn trong ngôi mộ là vật chứng cuối cùng của Chúa Giêsu trần thế. Tất cả những gì tác giả Phúc Âm Gioan quy chiếu trong bài Phúc Âm hôm nay, đều bắt đầu từ ngôi mộ này và liên hệ đến thi hài của Chúa Giêsu.
Cho đến trước ngày Phục Sinh, đối với các môn đệ và những người theo Chúa, chặng cuối cùng của Chúa Giêsu là ngôi mộ. Chính vì thế, bà Maria Mácđala đã hỏi: “Người ta đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2). Họ chưa hiểu những lời Chúa Giêsu đã loan báo, cũng chẳng hiểu những gì đã được tiên báo trong Thánh Kinh. Nhưng sau đó, niềm tin của các môn đệ đã khởi đi từ sự kiện Chúa Giêsu chết đến tuyên xưng niềm tin Người đã sống lại. Hành trình đức tin của người môn đệ tiến triển từ từ, và không phải tất cả các môn đệ đều đạt tới mục tiêu cùng một lúc.
Phúc Âm thuật lại: Lúc tảng sáng, Maria Mácđala đã đi ra mộ Chúa Giêsu. Ở đây tác giả làm nổi bật chủ đề ánh sáng đã nói đến trong Lời Tựa ở Ga 1,9; nhất là khi Chúa Giêsu tuyên bố Người là “ánh sáng cho trần gian”, ngược lại với khi Giuđa bỏ Người để đi vào bóng tối trong Ga 13,30. Trong bài Phúc Âm hôm nay, vì Chúa Giêsu đã chết, nên ánh sáng đã tắt. Tuy nhiên, trời đã tảng sáng như là một dấu chỉ cho biết ánh sáng Chúa Giêsu Phục Sinh đã chiếu sáng. Dầu vậy, đối với bà Maria Mácđala lúc này vẫn là “lúc trời còn tối”; tối ở đây là “tối” của đức tin, vì vẫn chưa nhận ra Chúa Giêsu đã sống lại.
Phúc Âm Gioan dùng bốn động từ để diễn tả hành động “thấy” từ cái nhìn hoàn toàn thể lý bên ngoài đến cái nhìn chiêm ngưỡng sâu sắc nhất ở bên trong, đó là: βλέπω, θεωρέω, θεάομαι, ὁράω. Ở đây, khi đến mộ, bà Maria Mácđala “thấy/ βλέπω” (quan sát) ngôi mộ trống và đối với bà, xác Chúa Giêsu đã bị người ta đem đi, nên bà về báo tin cho Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến. Điều này khiến các ông hốt hoảng, và hai ông chạy ra mộ. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu thương đến mộ trước. Ông không chỉ nhìn từ bên ngoài, mà còn nghiêng mình nhìn vào bên trong và “thấy/ βλέπω” (quan sát) những băng vải. Phêrô đi vào trong mộ, ông cũng “thấy/ θεωρέω” (thấy để tin) các băng vải và khăn liệm gấp lại để riêng ra một góc. Nếu ngôi mộ là nơi của sự chết và băng vải tượng trưng cho xiềng xích trói buộc của tử thần, thì ngôi mộ trống và các băng vải cuộn để riêng là những dấu chỉ cho biết rằng Chúa Giêsu đã rời bỏ cõi chết và đã chiến thắng tử thần: Người đã loại bỏ xiềng xích Tử thần và đi vào Phục sinh vĩnh cửu.
Mặc dù Phúc Âm nói ông Phêrô đã “thấy/ θεωρέω” (thấy để tin), nhưng không minh nhiên nói ông đã tin hay không. Còn người môn đệ kia đã có được một bước tiến triển trong hành trình đức tin: đã thấy (εἶδεν// ὁράω) và đã tin (ἐπίστευσεν// πιστεύω). Hai môn đệ đã đi ra mộ; nay chỉ người môn đệ Chúa thương mến rời mộ như là người đã tin. Như thế, tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh khởi đầu bằng một kinh nghiệm cá vị. Tuy nhiên, kinh nghiệm cá vị này của các môn đệ sẽ được bổ túc bằng những lần Đấng Phục Sinh hiện ra sau đó. Các ông đã kiểm chứng sự kiện Chúa Giêsu phục sinh bằng các dấu chỉ và làm chứng bằng niềm tin.
Sự kiện Chúa Giêsu phục sinh xảy ra vào “lúc tảng sáng” (Ga 20,1) nhưng các môn đệ còn đang ở trong tình trạng “trời còn tối”, tối của đức tin. Cảnh tượng này là những dấu chỉ tiên báo và chờ đợi nhưng cũng xen lẫn hoài nghi. Chỉ khi họ gặp Đấng Phục Sinh, mọi điều mới được sáng tỏ. Đêm đen và bóng tối, cái chết và nỗi đau, sự yếu đuối và hoài nghi đều được ánh sáng vinh quang của Đấng Phục Sinh chiếu soi. Đó là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi vào thời hậu Phục Sinh và cũng là kinh nghiệm của chúng ta hôm nay.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng ai tin vào Người thì sẽ nhờ Danh Người mà được ơn tha tội.” Chúng ta có thể học thuộc nhiều Kinh, hiểu biết sâu sắc về Giáo Lý và Thánh Kinh, nhưng tất cả những thứ đó đều quy về tình yêu cứu độ được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta có ý thức lễ Phục Sinh là đỉnh cao của năm phụng vụ, đó là dịp để chúng ta xét mình có tin nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa của chúng ta, có hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu ở đời sau hay không?
2. “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.” Vì đã chịu Phép Rửa Tội, chúng ta được trỗi dậy khỏi quyền lực của sự dữ và thế gian để tham dự vào đời sống mới trong Đức Kitô phục sinh. Biết rằng bao lâu còn đang sống trong trần thế, chúng ta có bổn phận xây dựng xã hội này ngày càng tốt đẹp, nhưng lời mời gọi của thánh Phaolô nhắc nhở rằng chúng ta đã thuộc về Đức Kitô Phục Sinh đang ở trên trời, nên chúng ta phải canh tân đời sống để xứng đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Người trên thiên đàng. Chúng ta có ý thức được các điều đó để có lối sống xứng hợp hay không?
3. “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta thiếu đức tin, không thấy sự hiện diện của Chúa, và tâm hồn của chúng ta giống như một “ngôi mộ trống”. Điều đó làm cho chúng ta chán nản, buông xuôi, thất vọng,… Chúng ta có biết rằng ngay cả những lúc như thế, chúng ta cần chạy về với các anh chị em đồng đạo của mình để thông tin, để chia sẻ, để cùng nhau tìm ra chân lý. Nhờ đó, chúng ta lại tiếp tục hành trình để tìm kiếm, để thấy những dấu chỉ mới như “băng vải còn ở đó” hay “khăn che đầu được xếp riêng ra” ngay ở trong “ngôi mộ trống”, từ đó tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại và sự sống vĩnh cửu của người sẽ lấp đầy niềm hy vọng của chúng ta hay không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã cho Chúa Giêsu Kitô sống lại hiển vinh bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần; nơi Đấng Phục Sinh, chúng ta được đón nhận sức sống mới và bảo chứng cho sự sống đời đời. Trong niềm hân hoan của ngày đại lễ hôm nay, chúng ta cùng dâng lời chúc tụng và cầu xin.
1. Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh là tâm điểm của niềm tin Kitô giáo. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho mọi thành phần Hội Thánh luôn vững tin vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, và hăng say loan báo niềm hy vọng phục sinh cho con người hôm nay bằng lời rao giảng cùng với chứng tá sống động trong đời sống hằng ngày.
2. “Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội.” Chúng ta hiệp ý cầu xin cho mọi dân tộc và mọi quốc gia trên thế giới biết mở lòng đón nhận Tin Mừng Phục Sinh và tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ trần gian, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.
3. Đức Kitô phục sinh đã chiến thắng đau khổ, tội lỗi và sự chết. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho những người đang đau khổ hồn xác, các gia đình đang gặp khó khăn mọi mặt được tham dự vào niềm vui phục sinh hôm nay, để thêm can đảm đón nhận và vác thập giá hàng ngày mà bước theo Chúa.
4. “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa.” Chúng ta hiệp ý cầu xin cho mọi người tham dự phụng vụ hôm nay được lãnh nhận dồi dào ân sủng của Chúa phục sinh, luôn hướng về trời cao bằng một đời sống đạo nhiệt thành, trở nên men muối và ánh sáng cho người chung quanh.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa hằng sống, Con Chúa đã chịu chết và sống lại để cứu độ chúng con. Xin nhậm lời chúng con tha thiết cầu xin, và cho niềm vui phục sinh hôm nay biến đổi chúng con trở nên những con người mới, hăng say loan báo niềm vui ấy cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A