Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm A
Is 35,1-6a ; Gc 5,7-10 ; Mt 11,2-11
ÁNH HUY HOÀNG VÀ VẺ RỰC RỠ
CỦA THIÊN CHÚA
“Chính Thiên Chúa sắp đến cứu anh em” (Is 35,4)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Lễ phục màu hồng của phụng vụ Chúa nhật hôm nay làm cho mùa Vọng ngập tràn niềm vui. Niềm vui này được diễn tả trong các bài đọc, đó là: chính Thiên Chúa sắp đến cứu anh em. Đấng không chỉ dân Israel mà cả muôn dân cũng đang mong đợi, sắp xuất hiện. Tuy nhiên, để có được niềm vui đó, chúng ta cần có một quyết tâm hoán cải, không chỉ bằng những dấu chỉ bên ngoài nhưng là một cuộc biến đổi nội tâm để thay đổi con người cũ.
1. Bài đọc I: Is 35,1-6a
Đây là một trong những đoạn cuối của sách Isaia đệ nhất (Is 1-39: tiền lưu đày), nhưng tư tưởng được chất chứa trong đó lại rất gần với nội dung của sách Isaia đệ nhị (Is 40-55: Lưu đày), khi diễn tả bối cảnh mà dân Israel đang phải sống trong cảnh lầm than của kiếp lưu đày.
Bối cảnh sống của dân thật ảm đạm và nặng nề được diễn tả qua hình ảnh của những bàn tay rời rã, những đầu gối mỏi mòn, những con người nhát đảm… Thực tế đó chẳng khác gì một hoang địa hay cõi tịch liêu. Trong bối cảnh như thế, ngôn sứ Isaia lại quả quyết một cách mạnh mẽ rằng: hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan và nở bông như khóm huệ… thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng và vẻ rực rỡ của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta.Bởi đâu có niềm hy vọng như vậy ? Ngôn sứ Isaia xác tín rằng: bởi vì Thiên Chúa sắp đến cứu anh em khi làm cho mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai. Những lời ấy thực sự khiến mọi người ngập tràn niềm vui và hy vọng.
2. Bài đọc II: Gc 5,7-10
Hòa với tâm tình của các cộng đoàn Kitô giáo thời sơ khai, cộng đoàn của thánh Giacôbê cũng đang thao thức đợi chờ ngày Chúa trở lại vào một ngày rất gần. Tuy nhiên, sự chờ đợi quá lâu, chờ hoài, chờ mãi mà Chúa vẫn chưa đến khiến gây ra một cơn khủng hoảng chung cho mọi người, sinh ra sờn lòng nản chí. Trong bối cảnh đó, Thánh Giacôbê đã khuyên bảo các tín hữu hãy kiên nhẫn, hãy bền chí và vững tâm vì ngày Chúa quang lâm đã gần đến.
Sự kiên nhẫn chờ đợi Chúa quang lâm không phải là thái độ thụ động; thánh Giacôbê còn khuyên các tín hữu hãy sống sự chờ đợi đó chủ động, được thể hiện qua việc tránh kêu trách lẫn nhau, hãy kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ như các ngôn sứ xưa, bởi vì chính Chúa sẽ đến như quan tòa để xét xử mỗi người, và thưởng công xứng đáng cho những ai vững lòng cho những ai bền tâm vững chí.
3. Bài Tin Mừng: Mt 11,2-11
Trong tình trạng đang phải ngồi tù và sau khi đã nghe thuật lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm, thánh Gioan Tẩy giả dường như đang rơi vào một cơn khủng hoảng về chính Đấng mà ông đã một thời miệt mài loan báo. Do đó, ông đã cho người đi hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng ?” Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp, nhưng mượn lời Isaia đã báo trước về thời đại của Đấng Mêsia để trả lời: ‘người mù được thấy, người què đi được, người chết sống lại, tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khổ…’ Như thế, một cách gián tiếp Chúa Giêsu muốn cho thấy: qua những công việc mà Người đã thực hiện, triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần, và Đấng thực hiện những công việc đó chính là Đấng Mêsia.
Lời khen Chúa Giêsu dành cho Gioan Tẩy giả sau đó cho thấy: vai trò tiền hô của ông không phải chỉ là chuẩn bị cho Chúa đến bằng những bài giảng hùng hồn và có sức thuyết phục mọi người đi đến hoán cải, nhưng chính những khủng hoảng, những nghi nan và chính cái chết để bảo vệ cho lẽ phải của thánh Gioan mới thực sự đóng vai trò tiền hô cho những khủng hoảng, những nghi nan và cái chết của Chúa Giêsu sau này.
Do vậy, cả lời giảng lẫn những kinh nghiệm sống đầy thăng trầm của thánh Gioan đã thể hiện đúng sứ mạng Tiền Hô của mình, và là mẫu cho bất kỳ ai khao khát thi hành sứ vụ dọn đường cho Chúa. Vì thế, ông xứng đáng được Chúa khen tặng là người cao trọng hơn trong các con cái người nữ sinh ra.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Hãy làm cho mạnh mẽ những bàn tay rời rã và hãy làm tăng sức những đầu gối mỏi mòn.’ Lệnh truyền này gởi đến cho mỗi người như một công việc cần thực hiện cho chính mình cũng như cho người khác, nghĩa là hãy củng cố chính mình cũng như thúc đẩy anh chị em xung quanh của mình trở nên mạnh mẽ, trở nên kiên cường. Chính nỗ lực này của mỗi người sẽ trở nên như dấu chỉ hữu hình báo hiệu Chúa đang đến để cứu độ muôn dân.
2. ‘Đừng kêu trách lẫn nhau…hãy kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ.’ Mùa vọng không phải chỉ là thời gian chuẩn bị để mừng lễ Giáng Sinh, nhưng chính là lúc mỗi người phải sống tâm tình đợi chờ ngày Chúa trở lại bằng những hành động mang tính hiện sinh. Đó chính là một cuộc sống đặt nền tảng trên đức ái, để làm cho mối tương quan với mọi người luôn được tốt đẹp để cùng giúp nhau vượt qua mọi gian nan thử thách thường ngày.
3. ‘Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta.’ Đây là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nhắn gởi tới thánh Gioan Tẩy giả cũng như tới mỗi người chúng ta. Khủng hoảng về mặt đức tin, khó khăn về mặt đời sống xã hội là điều không thể tránh khỏi trên hành trình theo Chúa của người môn đệ. Tuy nhiên, khủng hoảng cũng chính là cơ hội để giúp người môn đệ trưởng thành hơn trong đức tin.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Việc trông đợi Chúa đến thắp lên nơi chúng ta niềm vui thánh thiện. Phụng vụ hôm nay vang lên lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui lên trong Chúa”. Với tâm tình hân hoan phấn khởi, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1. “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe”. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn gắn bó mật thiết với Chúa Kitô, biết dùng lời nói cùng việc làm cụ thể để giới thiệu quyền năng và lòng Chúa thương xót cho thế giới hôm nay.
2. “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con”. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới trở nên công cụ hữu hiệu loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa, qua những hoạt động bảo vệ nhân quyền và gìn giữ hòa bình.
3. “Anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến”. Chúng ta cùng cầu xin cho những Kitô hữu đang bị khủng hoảng trong đức tin, mất hướng trong cuộc sống, luôn cảm nhận được sự hiện diện và đồng hành của Chúa, hầu mau chóng tìm lại niềm tin và hy vọng.
4. “Người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn Gioan”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết nỗ lực để xứng đáng chung hưởng niềm vui nước trời bằng một đời sống chứng tá, luôn quảng đại chia sẻ và hiệp thông với mọi người.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một Chúa đến thắp sáng cuộc đời chúng con. Xin thương nhận lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con trở nên những người loan báo niềm vui cứu độ cho thế giới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm B - Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A