Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch
Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch
(Ac 3,17-26; Rm 8,31b-39; Mc 4,35-41)
TIN VÀO QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA
“Sao các con nhát sợ thế? Các con chưa có đức tin sao?” (Mc 4,40)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay làm nổi bật tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua việc yêu thương và chăm sóc họ. Nhiều khi người ta cứ loay hoay không tìm được lối ra cho những khổ đau, phiền muộn hay thất bại trong cuộc sống nhân sinh. Lời Chúa hôm nay mở ra một lối thoát: Những khi con người cảm thấy mong manh, yếu đuối nhất, Thiên Chúa vẫn ở bên và ra tay nâng đỡ với quyền năng quan phòng của Ngài. Vấn đề là con người có tin tưởng và phó thác nơi Ngài hay không.
1. Bài đọc 1 (Ac 3,17-26)
Bài ca thứ ba trong sách Aica nói về những đau khổ của vị tiên tri và dân Chúa cùng với lời than khóc của tác giả. Đây không phải lời than khóc trong oán hận hay tuyệt vọng, nhưng chất chứa lòng trông cậy kiên vững vào Thiên Chúa. “Nhưng tôi luôn còn hy vọng, vì điều tôi vẫn ghi nhớ trong tâm hồn: đó là lòng Chúa thương xót không hề chấm dứt, và lòng từ bi Chúa không bao giờ vơi cạn” (3,21-22). Chính niềm hy vọng vững chắc đặt nơi Thiên Chúa không hề bị lay chuyển bởi những tai ương cuộc đời đã làm nên giá trị bất hủ của bản ai ca này. Thật vậy, khó khăn thử thách lại là cơ hội để con người thêm xác tín vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa: “Chúa đối xử tốt lành với những kẻ trông cậy Chúa, với những tâm hồn luôn kiếm tìm Người” (3,25)
2. Bài đọc 2 (Rm 8,31b-39)
Thánh Phaolô kết thúc phần thứ nhất thư gửi tín hữu Rôma bằng bài ca đức tin (8,31-39) dưới dạng như một bài thơ diễn tả tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với con người, cùng với niềm xác tín của người được Chúa yêu thương che chở.
Lời xác tín của thánh Phaolô gồm ba ý chính: Cuộc sống của người theo Chúa không phải được trải ra trên những cánh hoa hồng rực rỡ và ngát hương, nhưng lại được dệt bằng những ‘gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo.’ Những sức mạnh này luôn đe dọa, uy hiếp hầu làm lung lay đời sống đức tin của người theo Chúa và dường như chẳng còn người nào có thể trụ vững được trước sức tấn công mạnh mẽ và liên tục của chúng. Dầu vậy, thánh Phaolô quả quyết: chúng ta sẽ chiến thắng, không phải bởi sức mạnh của chúng ta nhưng nhờ vào Đấng đã yêu mến chúng ta. Hơn thế, thánh Phaolô còn xác tín mạnh mẽ rằng: ‘Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.’
Như thế, trong cuộc chiến mà người tín hữu phải đối diện, dường như quyền năng của Thiên Chúa đã làm tất cả và chỉ có quyền năng ấy chắc chắn sẽ giúp chúng ta chiến thắng mọi thế lực luôn muốn phá đổ đức tin của con người vào Thiên Chúa.
3. Bài Tin Mừng (Mc 4,35-41)
Biển, sóng, nước bình thường là những thực tại quá quen thuộc đối với các môn đệ xuất thân làm nghề chài lưới. Họ sành nghề đi biển và biết cách làm thế nào để ứng phó với những cơn cuồng phong ập đến bất chợt. Sự hoảng sợ của các môn đệ trong cơn giông tố cho thấy các ông đang phải đối diện với thứ sức mạnh vượt trên những hiện tượng tự nhiên của biển, sóng, nước. Thứ sức mạnh ấy bất ngờ xuất hiện trong đêm tối càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi. Sức mạnh trong đêm tối, sức mạnh của bóng đêm là dấu hiệu của sức mạnh sự dữ.
Thứ sức mạnh của bóng đêm mà các tông đồ sợ hãi lại chẳng mảy may tác động đến Chúa Giêsu. Mặc cho các môn đệ cuống cuồng, Người vẫn dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Trong cơn hoảng loạn, các môn đệ mới chạy đến với Người, “chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chắc chắn các môn đệ không chạy đến với Chúa Giêsu để xin Người chỉ cách thoát trận cuồng phong. Các ông kêu cứu Người vì các ông nhận ra rằng các ông đang phải đối diện với thứ sức mạnh của đêm tối, thứ sức mạnh như đang đe doạ tính mạng các ông.
Chúa Giêsu chứng tỏ uy quyền của Người chỉ bằng cách ra lệnh: “Im đi! Câm đi!” Sự khuất phục của sóng, của biển chính là sự khuất phục của quyền lực bóng đêm trước uy quyền của Chúa Giêsu. Giờ đây, các môn đệ không còn sợ hãi vì sức mạnh của trận cuồng phong, mà kinh sợ trước uy quyền của Đấng mà cả gió và biển đều tuân lệnh. Theo cách trình bày của Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu vẫn tiếp tục là một dấu hỏi lớn trong lòng các môn đệ rằng: “Người là ai vậy?”
Dù đã được nghe những lời giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giêsu (Mc 1,21-22), được chứng kiến những việc Người làm (Mc 1,29-45; 3,1-5), đến nỗi thần ô uế phải kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” (x. Mc 1,23-27; 3,7-11), nhưng các môn đệ vẫn còn mù mờ về căn tính của Chúa Giêsu. Dù được ở với Người trên cùng một chiếc thuyền nhưng các ông vẫn chưa tin Người, chưa thật sự biết Người là ai. Câu hỏi trách khéo của Chúa Giêsu vẫn mang tính thời sự: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Dù tin hay không, Chúa Giêsu vẫn hiện diện ở đó, ngay bên các môn đệ.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ “Vinh dự và hy vọng của tôi ở nơi Chúa đã tiêu tan không còn nữa.” Biết bao lần trong cuộc đời chúng ta nghi ngờ về những điều mà Thiên Chúa đã làm nơi ta. Biết bao lần chúng ta chưa dám vững tin vào tình yêu và lòng thương xót vô cùng tận của Chúa. Cơn đại dịch Covid-19 ập tới lại một lần nữa chất vấn tôi về tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Tôi có kêu trách Chúa hay càng thêm xác tín rằng kế hoạch của Thiên Chúa lớn lao hơn những gì tôi thấy, tôi biết?
2/ Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại mà cho đi tất cả đến nỗi trao ban chính người Con Một của Ngài. Được Thiên Chúa yêu thương và bảo vệ, con người không còn phải lo sợ điều gì. Những ai tín thác vào tình thương của Thiên Chúa và luôn liên kết với Đức Giêsu Kitô qua những gian truân sóng gió cuộc đời, sẽ tìm được sự an bình đích thực.
3/ Trong cơn giông tố, các môn đệ hốt hoảng, lo sợ, dù các ông vẫn có Chúa Giêsu ở cùng trên một con thuyền. Dù các ông chưa thật sự tin Người, Người vẫn âm thầm hiện diện và đồng hành cùng các ông trên mọi nẻo đường. Qua những khó khăn cùng với sóng gió trong đời, đặc biệt giữa cơn đại dịch Covid-19 đang khiến cả thế giới phải lao đao, tôi có tin Chúa vẫn ở bên tôi? Có những hoàn cảnh dường như Chúa chỉ yên lặng dựa đầu vào gối mà ngủ, tôi có tin Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với tôi? Tôi có tin Thiên Chúa quyền năng vẫn hằng quan phòng trên cuộc đời tôi, dù lắm khi tôi phải đi trong bóng tối của đêm đen?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa vẫn hiện diện và đưa tay nâng đỡ chúng ta giữa những gian nan thử thách của cuộc đời. Tin tưởng và trông cậy vào quyền năng quan phòng của Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lên Người tâm tình cảm tạ và cầu xin.
1. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị mục tử trong Hội thánh. Xin cho các Giám mục và Linh mục luôn khôn ngoan và nhiệt thành trong sứ mạng chăm sóc và lãnh đạo cộng đoàn dân Chúa vượt qua sóng gió trần gian để đạt tới bờ bến thiên đàng.
2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các bác sĩ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên. Xin cho bao cống hiến âm thầm của họ không chỉ góp phần đẩy lui dịch bệnh, giành lại sự sống cho các bệnh nhân, mà mãi là bài học sống động về sự quên mình phục vụ.
3. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang gặp khó khăn. Xin cho các bệnh nhân Covid-19, và tất cả những ai phải gánh chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh, luôn tin tưởng và cậy trông nơi lòng thương xót của Thiên Chúa để được chữa lành và nâng đỡ.
4. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn. Xin cho anh chị em trong cộng đoàn chúng ta luôn giữ vững niềm tin vào quyền năng quan phòng của Thiên Chúa, biết làm cho những ân huệ Chúa ban sinh nhiều hoa kết trái trong đời sống hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn hy vọng và sức mạnh cho con người. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện để khi đã đặt trọn niềm tin tưởng và cậy trông nơi Chúa, chúng con luôn bình an tiến bước trên hành trình về quê trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A