Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm A

(Is 5,1-7; Pl 4,6-9; Mt 21,33-43)

SINH HOA TRÁI TỐT

“Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa,
Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa,
mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”
.
(Mt 21,43)

I. CÁC BÀI ĐỌC:

1. Bài đọc 1:

Ngôn sứ Isaia dùng hình ảnh một người trồng nho tốn bao công sức để vun trồng, chăm bón cẩn thận và mong mỏi vườn nho sinh trái tốt, nhưng chỉ thu được toàn nho dại. Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc, bảo vệ dân Chúa nhưng họ lại không sống theo đường lối của Người.

Người trồng nho đã chọn một mảnh đất trên “sườn đồi màu mỡ”, lại còn “cuốc đất nhặt đá”, rồi mới trồng “giống nho quý”; ông còn “xây một vọng gác” để bảo vệ vườn nho, và chuẩn bị sẵn “bồn đạp nho” để chờ ngày thu hoạch. Tất cả những gì tốt nhất có thể thì người trồng nho đã làm hầu mong thu được “nho tốt”, nhưng vườn nho chỉ sinh “nho dại”. Thất vọng vì bao công sức bỏ ra không đem lại kết quả tốt, người trồng nho “phá bỏ hàng giậu” để vườn nho bị “tan hoang”, phá bờ tường để giàn nho bị giày xéo, biến vườn nho thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ nên vườn nho mọc đầy gai góc và vì không được tưới nên vườn nho khô cằn. 

Người trồng nho chính là Thiên Chúa và vườn nho là dân Israel. Thiên Chúa đã mang dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập mà đem trồng vào miền đất hứa, miền đất rộng lớn, tươi tốt và tràn trề sữa và mật (x. Xh 3,8.17). Thiên Chúa yêu thương dân Israel cách đặc biệt (Is 5,7; x. Xh 15,13; Ml 1,2) và luôn ra tay bênh đỡ và bảo vệ dân Ngài (x. Is 31,5; Tv 144,2; Hc 51,1-2). Ngài hằng mong mỏi dân Ngài sinh hoa trái bằng đời sống công bình và chính trực, nhưng Ngài chỉ thấy đổ máu và tiếng khóc than (Is 5,7). Thất vọng vì cách sống của dân, Thiên Chúa đã bỏ mặc họ, để cho họ bị kẻ thù xâm lăng và giày xéo, thậm chí bắt họ đi lưu đày như vườn nho bị tan hoang, cỏ mọc gai góc và cằn khô. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn chờ đợi họ nhận ra lỗi lầm mà hối cải để Ngài lại giải thoát họ.

2. Bài đọc 2:

Trước viễn cảnh Chúa gần quang lâm, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philípphê đừng lo lắng nhưng hãy sống phó thác, tìm kiếm bình an nơi Chúa và theo đuổi những đức tính tốt.

Trước hết, thánh nhân khuyên các tín hữu Philípphê rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh hay công việc nào, đừng lo lắng nhưng cầu khẩn, van xin và tạ ơn; hãy phó thác mọi sự cho Chúa. Như thế, không lo lắng không có nghĩa là buông xuôi mà là trao phó những khó khăn, lo lắng cho Thiên Chúa, và không để những lo lắng bên ngoài cản trở niềm vui thiêng liêng nội tâm. Không lo lắng không phải vì không có những điều phải lo, nhưng là biết tin tưởng trao gởi mọi lắng lo cho Thiên Chúa là Đấng lo liệu mọi sự.

Hơn nữa, thánh Tông Đồ còn khuyên các tín hữu hãy tìm kiếm thứ bình an đích thực từ Thiên Chúa là thứ bình an vượt lên trên những toan tính, suy nghĩ của con người (x. Ep 3,20); Đó là thứ bình an mà người ta không thể dùng những khả năng hay trí tuệ của con người để đạt được nhưng là nhờ kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, Thiên Chúa là nguồn bình an đích thực (x. Rm 15,33; 16,20) đã trao ban bình an của Ngài cho các Kitô hữu thông qua Đức Kitô (x. Gl 1,3), nên một khi lòng trí được kết hợp mật thiết với Đức Kitô, các tín hữu có được bình an đích thực và trọn vẹn.

Sau cùng, các tín hữu Philípphê được khích lệ hãy sống theo những đức tính tốt đẹp mà họ đã học hỏi, và lãnh nhận vì đã nghe thấy từ truyền thống của Giáo hội qua thánh Phaolô, đó là “những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen”. Nếu họ thực hành những điều này thì sẽ được Thiên Chúa là nguồn bình an ở cùng.

3. Bài Tin Mừng

Có thể nói dụ ngôn trong đoạn Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện rút gọn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không còn dành riêng cho dân Ngài nữa mà mở ra cho toàn thể nhân loại, những ai tin nhận và sống theo đường lối của Thiên Chúa.

Trước hết, chương trình cứu độ của Thiên Chúa được ví như gia chủ kia trồng một vườn nho. Ngài đã ưu tiên chọn một dân riêng (trao vườn nho cho các tá điền canh tác), trang bị cho họ đầy đủ những gì cần thiết để bảo vệ họ như Lề luật và Giao ước (rào giậu, xây tháp canh, khoét bồn đạp nho). Thiên Chúa cho họ có thời gian canh tác (trẩy đi xa) để sinh hoa lợi, nghĩa là sống theo những chỉ thị và huấn lệnh của Thiên Chúa.

Tiếp đến, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân Chúa để cảnh báo và nhắc nhở họ sống theo các đòi hỏi của Ngài (sinh hoa lợi), nhưng họ đã đối xử tàn tệ với các sứ giả của Thiên Chúa, kẻ thì bị đánh đập, người thì bị giết chết. Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ và mong họ thay đổi nên đã sai thêm nhiều ngôn sứ khác, thậm chí với số lượng còn đông hơn, đến để hướng dẫn họ đi theo đường lối của Ngài. Nhưng dân Chúa đã phớt lờ lời cảnh báo của các ngôn sứ, đối xử tệ với các ngài, và vẫn cố chấp trong những điều sai trái của họ (không nộp hoa lợi cho gia chủ).

Sau cùng, Thiên Chúa đã sai con của Ngài là Chúa Giêsu đến với dân Ngài. Dù biết bao sứ giả đã bị đối xử tàn tệ, Thiên Chúa như một gia chủ ngây thơ vẫn nuôi hy vọng mong manh là dân Ngài sẽ “nể con ta”. Sự ngây thơ đến vô lý của gia chủ cho thấy tình thương và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá bên ngoài Giêrusalem (quăng ra ngoài vườn nho) là cao điểm của chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Việc dân Chúa từ chối chính Con Thiên Chúa mở ra cơ hội đón nhận ơn cứu độ cho tất cả những ai tin và sống theo đường lối của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa sẽ lấy đi Nước Thiên Chúa… mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43).

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Câu chuyện người trồng nho chọn lựa giống tốt, trồng trên đất màu mỡ, cẩn thận chăm sóc và bảo vệ, nhưng vườn nho chỉ sinh toàn nho dại, vừa cho thấy tấm lòng yêu thương chân thành của Thiên Chúa đối với dân Ngài, vừa cho thấy sự bất trung và bội nghĩa vong ân của dân đối với Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa bỏ rơi dân Chúa, không còn bảo vệ che chở họ nữa, để cho kẻ thù giày xéo và ức hiếp là để họ nhận ra lỗi lầm và quay về sống theo đường lối của Ngài. Thiên Chúa chờ đợi vườn nho sinh trái tốt; Ngài cũng mong mỏi mỗi người sống công bình và chính trực. Thiên Chúa trao cho mọi người những ơn lành cần thiết là “để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta” (Lc 1,75).

2/ Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philípphê đừng lo lắng nhưng hãy sống phó thác, tìm kiếm bình an nơi Chúa và theo đuổi những đức tính tốt. Mỗi Kitô hữu cũng được thúc đẩy sống phó thác vào Chúa đừng để vì lo lắng mà đánh mất niềm vui nội tâm. Sự an bình đích thực phát xuất từ Thiên Chúa. Ngài đã ban cho mỗi người thứ bình an đó qua Đức Giêsu Kitô. Khi người Kitô hữu ưu tiên tìm kiếm “những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen” thì họ ở trong bình an của Đức Kitô.

3/ Thiên Chúa đã yêu thương tuyển chọn dân Ngài và ban cho họ Lề luật và Giao ước để họ sống đẹp lòng Ngài. Tuy vậy, khi dân không đi theo đường lối của Thiên Chúa, Ngài đã nhiều lần sai các ngôn sứ đến để cảnh tỉnh họ, nhưng họ không những không nghe theo mà còn bách hại các ngôn sứ. Sau hết, Thiên Chúa sai chính Con của Ngài đến nhưng rồi cũng bị giết chết. Việc dân Chúa từ chối chính Con Thiên Chúa mở ra cơ hội được làm con cái Thiên Chúa cho những ai sinh hoa lợi, nghĩa là tin và sống theo đường lối của Thiên Chúa. Chỉ mang danh là Kitô hữu vẫn chưa đủ mà cần phải sinh hoa trái bằng đời sống đức tin hằng ngày.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi chăm sóc cho vườn nho của Người tươi tốt và sinh nhiều hoa trái. Trong tâm tình cảm tạ Chúa, cộng đoàn chúng ta hãy tin tưởng dâng lời nguyện xin:

1. “Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần dân Chúa luôn tích cực trong sứ vụ truyền giáo, để vườn nho của Chúa là Hội Thánh không ngừng phát triển như lòng Chúa mong ước.

2. “Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.” Chúng ta cùng cầu xin cho các nạn nhân của bạo lực và chiến tranh ở khắp nơi trên thế giới, cảm nhận được bình an mà Thiên Chúa ban tặng qua sự cảm thông, đồng hành của những người thiện chí và quảng đại.

3. “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc.” Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang có thành kiến với tôn giáo, cách riêng là Kitô giáo, được ơn hoán cải, biết khám phá và tin nhận Đức Kitô chính là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống cho nhân loại.

4. “Đến mùa, chủ sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức chu toàn tốt nhất phận vụ của mình, hầu đem lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng xã hội.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng và nhân hậu, xin lắng nghe và chúc lành cho những ước nguyện của cộng đoàn chúng con, giúp chúng con luôn trung thành sống theo ơn của mình trong Hội Thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Top