Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 21 Thường niên năm A
Is 22,19-23 ; Rm 11,33-36 ; Mt 16,13-20
CHỦ ĐỀ: ĐỊA VỊ VÀ QUYỀN BÍNH ĐỂ PHỤC VỤ
“Phêrô, nghĩa là Tảng Đá,
trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy” (Mt 16,18)
Đại diện cho các môn đệ, ông Phêrô đã tuyên tín “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và nhờ đó, ông đã được đặt làm nền tảng của Hội Thánh và được trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Tuy nhiên, đây không phải là lời tuyên xưng suông, hay có địa vị và quyền bính không phải là một đặc quyền đặc lợi, mà kèm theo việc phải có thái độ đáp trả đúng đắn: người môn đệ phải theo gương Đức Giêsu là đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Vì thế, trên hành trình theo Đức Giêsu, người môn đệ phải có nhiều hy sinh để phục vụ Chúa và mọi người.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I: Is 22,19-23
Trong đời sống của Dân Thiên Chúa, địa vị và quyền bính được thiết lập là để phục vụ Chúa và Dân. Thế nhưng có những người lại sử dụng quyền bính được Chúa trao để mưu lợi ích riêng mình, với thái độ tự cao tự mãn. Bài đọc I nhắc lại lời sấm của Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia, nhằm chống lại thái độ kiêu căng tự mãn của Sobna, viên quan cai đền thờ Giêrusalem. Đức Chúa quyết định sẽ truất phế Sobna và tuyển chọn Êliaqim để thay vào vị trí đó. Việc thay thế này được diễn tả qua ngôn ngữ với các hành động mang tính biểu tượng: “Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó,...” Đức Chúa còn thực hiện một hành vi đầy tính biểu trưng cho việc trao ban quyền lực: “Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó” và chỉ rõ hiệu năng của quyền được trao ban khi Đức Chúa khẳng định liền sau đó: “nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được.”
“Trao chìa khóa” biểu trưng cho việc trao ban quyền bính. Chính trong biến cố tuyên tín của Phêrô tại Xêdarê Philipphê, Đức Giêsu dùng biểu tượng trao ban chìa khóa này để diễn tả việc trao ban quyền tối thượng cho ông Phêrô, trong tư cách là tảng đá góc mà trên đó Chúa xây dựng Hội Thánh của Người.
2. Bài đọc II: Rm 11,33-36
Bài đọc II ca ngợi Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Trong đoạn trước đó ở Rm 11,22-25, với cái nhìn đức tin, Phaolô nhận thấy dù lúc này, Israel đã không vâng phục nên dân ngoại được thương xót nhờ tin, nhưng sẽ đến lượt vì nhận thấy dân ngoại đã được thương xót, nên Israel cũng sẽ tự vấn mình để thay đổi hầu được xót thương. Phaolô lý luận rằng dân ngoại mà còn được thương xót, huống hồ Israel là Dân đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Dựa vào lời các ngôn sứ (Is 59,20; Gr 31,33-34), Phaolô khẳng định rằng Dân mà Thiên Chúa đã chọn sẽ không bị ruồng bỏ vĩnh viễn nhưng sẽ được cứu độ, vì họ là con cháu các Tổ phụ.
Cách thức mà Thiên Chúa dùng để cứu độ vẫn là một mầu nhiệm: “quyết định của Người ai dò cho thấu, đường lối của Người ai theo dõi được”, nhưng Thánh Phaolô vẫn xác tín rằng “Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người”, vì “muôn vật đều do Người mà có , nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người”. Suy niệm về điều này, vị Tông đồ dân ngoại phải thốt lên: “Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen”.
3. Bài Tin Mừng: Mt 16,13-20
Mt 16,13-20 thuật lại sự kiện ông Phêrô tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu tại Xêdarê Philípphê, và sau đó ông được Đức Giêsu trao quyền cai quản Hội Thánh. Từ đầu Tin Mừng đến biến cố này, những gì thánh Matthêu trình thuật về Đức Giêsu qua lời nói và hành động của Người, cũng như qua các sự kiện liên quan đến Người là nhằm giúp dân chúng và độc giả nhận ra căn tính của Đức Giêsu: “Người là ai?”.
Thời điểm này, sau một thời gian dài các môn đệ được đồng hành với Thầy Giêsu: được nghe những bài giảng, chứng kiến những phép lạ, thấy Chúa trừ quỷ, nhận ra cách rõ nét những tương quan khác nhau giữa Đức Giêsu với đám đông, với vua Hêrôđê, với nhóm Biệt phái hay nhóm Xađốc, và nhất là khi chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng nhất trong sứ vụ của mình, đó là cuộc khổ nạn và chết, Đức Giêsu mới đặt ra câu hỏi “Người ta nói Thầy là ai?”. Đây không phải là một câu hỏi liên quan đến tri thức hiểu biết về Đức Giêsu, nhưng là một câu hỏi phản tỉnh khiến người ta xác định rõ mối tương quan cá vị với Người: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô đã tuyên tín: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Lúc này, lời tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô” rất cần thiết, nhằm chuẩn bị cho các ông đón nhận các biến cố trung tâm trong sứ vụ của Đức Giêsu sẽ xảy ra sau đó: khổ nạn và chịu chết. Đồng thời, qua lời tuyên xưng này, các ông bước vào một giai đoạn mới, với một tương quan cá vị để kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Ơn gọi làm môn đệ và sự đáp trả bằng đời sống của các ông đối với Đức Giêsu từ nay về sau hệ tại vào lời tuyên xưng này.
Nhờ lời tuyên xưng này, ông đã được Đức Giêsu tuyển chọn như tảng đá mà trên đó Đức Giêsu sẽ xây Hội thánh của Người. Đồng thời, Người trao cho ông “chìa khóa Nước Trời” như là một biểu tượng trao ban quyền bính cai quản Hội Thánh ở trần gian. Quyền bính này không phải để làm lợi bản thân mình, nhưng để dấn thân phục vụ đến mức đi trên con đường khổ nạn và chịu chết như Thầy là Đức Giêsu đã đi. Như vậy, các môn đệ khi đã hiểu được bản chất và sứ vụ của Thầy Giêsu để đưa ra một lời tuyên xưng xác tín, thì cũng sẽ hiểu được bản chất và sứ vụ môn đệ của mình, rồi thi hành sứ vụ đó cách đúng đắn.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Hình ảnh “trao chìa khóa” trong bài đọc thứ nhất cũng như bài Tin Mừng là biểu tượng của địa vị và quyền bính kèm theo địa vị ấy. Theo cách của người đời, địa vị và quyền bính là để thống trị. Theo cách của Thiên Chúa, địa vị là một sự tuyển chọn và quyền bính là một ân huệ kèm theo. Hai thứ này trở nên phương thế hỗ trợ để giúp chu toàn sứ vụ của mình. Vì là phương thế để thi hành sứ vụ, nên địa vị và quyền bính chỉ nhằm để phục vụ mà thôi. Tôi đang hành xử địa vị và quyền bính của mình theo cách nào?
2. “Phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được”. Cách thức mà Thiên Chúa dùng để cứu độ vẫn là một mầu nhiệm. Tôi có biết cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa vì ân huệ được làm con Chúa và được ban các phương thế để đón nhận ơn cứu độ của Chúa? Tôi có ý thức mọi sự tôi có được là hồng ân Chúa vì “mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người”?
3. “Phần các con, các con bảo Thầy là ai??” Là Kitô hữu, chúng ta không thể theo Đức Giêsu cách hời hợt nửa vời. Chúng ta cần “biết” Đức Giêsu là ai. “Biết” không phải chỉ trên phương diện tri thức, thuộc các bài giáo lý, nắm các tư tưởng thần học, nhưng là một sự kết hợp để bước vào trong tương quan cá vị với Người. Đối với tôi, giờ này “Đức Giêsu là ai?” vẫn là câu hỏi mở ra cho mỗi người chúng ta. Một câu trả lời đúng đắn sẽ dẫn tới một tương quan liên vị đích thực, và câu trả lời đó sẽ quyết định lối sống thích hợp của từng người. Nếu tôi tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì tôi có sẵn sàng tín thác đời mình cho Người, đi theo con đường Người đã đi, có lối sống đáp trả phù hợp qua việc tiếp tục sứ vụ của Người, và dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã qui tụ những người tin vào Con của Người là Đức Giêsu Kitô trong một Hội Thánh, và đặt dưới quyền dẫn dắt của Thánh Phêrô cùng các đấng kế vị. Ý thức ơn gọi và sứ mạng của mình trong Hội Thánh, chúng ta cùng thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:
1. “Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh được dồi dào ơn thiêng, luôn mạnh khỏe xác hồn để tích cực góp sức xây dựng và phát triển Hội Thánh của Chúa trên nền tảng đức tin tông truyền.
2. Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?” Chúng ta cùng cầu xin cho những ai thành tâm thiện chí luôn khao khát tìm kiếm chân lý, biết nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà tin nhận Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu thế.
3. Thánh Phêrô thưa với Chúa: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi kitô hữu giữa thế giới hôm nay, luôn mạnh dạn tuyên xưng và làm chứng cho niềm tin của mình qua lời nói, việc làm và bằng đời sống yêu thương phục vụ.
4. Chúa Giêsu đã trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho Phêrô và Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tôn trọng quyền bính của Hội Thánh, hết lòng yêu mến và tích cực cộng tác với các chủ chăn để phát triển cộng đoàn.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã qui tụ tất cả chúng con thành một đàn chiên duy nhất để đón nhận hồng ân cứu độ. Xin thương nghe lời chúng con cầu nguyện và đổ xuống muôn ơn lành, giúp chúng con luôn trung thành và sống xứng đáng với ơn gọi cao quý của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm B - Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A