Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 19 Thường niên năm B
(1 V 19,4-8; Ep 4,30 - 5,2; Ga 6,41-51)
LƯƠNG THỰC THẦN LINH
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51)
Lương thực là nhu cầu căn bản để mọi loài mọi vật duy trì sự sống. Có đủ lương thực để sống là điều kiện cần nhưng sống không chỉ vì lương thực mới là điều kiện đủ. Thiên Chúa không chỉ quan tâm đến lương thực nuôi sống con người, nhưng còn muốn con người sống cách viên mãn hơn nhờ lương thực thần linh, nghĩa là được chia sẻ sự sống bất diệt của Người, nhờ tin vào Đức Giêsu.
I. CÁC BÀI ĐỌC:
1. Bài đọc 1:
Sau khi thách đố, chiến thắng và hạ sát hết các ngôn sứ Baal, ông Êlia bị bà Ideven truy đuổi nên phải chạy trốn để thoát thân. Trong cuộc chạy trốn đó, ngôn sứ Êlia đã được Chúa ban lương thực và nước uống để có đủ sức lên núi gặp Chúa.
Dù là một ngôn sứ vĩ đại và đầy quyền năng, có thể khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt (x. 2 V 1,10.12), có thể chiến thắng hàng trăm ngôn sứ của thần Baal (x. 1 V 18,20-40), biết trước sẽ có mưa sau thời gian hạn hán (x. 1 V 18,41-46) nhưng khi bị truy đuổi, Êlia trở nên mệt mỏi và yếu đuối, chán nản và muốn buông xuôi đến nỗi xin được chết. Ông chạy trốn trong sự sợ hãi; sức lực ông hao mòn, tinh thần ông suy sụp, khiến ông không còn sức tiếp tục sứ mạng ngôn sứ.
Vì là ngôn sứ trung thành với Thiên Chúa ngay cả trong những lúc khó khăn và thách đố nhất, nên Thiên Chúa không bỏ rơi Êlia trong lúc ông chán nản và mệt mỏi cùng cực. Thiên Chúa đã sai thiên sứ đến với ông, trao cho ông nước uống và lương thực để tiếp sức cho ông trên hành trình lên núi gặp Chúa. Sự quan phòng của Thiên Chúa, lương thực và tình thương của Ngài đã giúp ông thêm niềm tin và nghị lực để tiếp tục con đường mà Thiên Chúa dành cho ông trong vai trò ngôn sứ.
Câu chuyện của ngôn sứ Êlia cho thấy một thực tế rất thật của thân phận con người: Dù hăng hái, nhiệt thành, can đảm đến mấy thì cũng có lúc con người cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối, sợ hãi khi phải đối diện với những khó khăn của sứ mạng được trao phó. Vì là những con người giới hạn, các ngôn sứ của Chúa cần được trợ lực nhờ lương thực Chúa ban là chính ân sủng và sức mạnh của Người. Chỉ với ơn Chúa, các ngôn sứ mới có sức chu toàn sứ mạng của mình.
2. Bài đọc 2:
Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Êphêsô hãy theo gương Đức Kitô, bắt chước Thiên Chúa mà thực hành lối sống phù hợp với ân sủng Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ghi dấu trên mỗi người để chờ ngày được cứu độ.
Khi nhắn nhủ các tín hữu Êphêsô “đừng làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa”, thánh Phaolô muốn các tín hữu tránh xa lối sống trái nghịch với đường lối công chính, hiền hoà và nhân hậu theo ân sủng Thánh Thần mà Thiên Chúa đặt để trong lòng mỗi người, nghĩa là “đừng chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ và phải loại trừ các hành vi gian ác”.
Trái lại, lối sống theo ân sủng Thánh Thần là “đối xử tốt với nhau, có lòng thương cảm và biết tha thứ cho nhau” như đã được Thiên Chúa tha thứ trong Đức Kitô. Quả vậy, Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi trao Đức Kitô như một của lễ vẹn toàn để ban ơn tha thứ cho con người thế nào, thì trong tư cách là những người con được Thiên Chúa yêu thương, các Kitô hữu cũng được mời gọi sống trong tình bác ái với nhau như vậy.
Như vậy, sống yêu thương, nhân ái, tha thứ cho nhau là cách sống bắt chước Thiên Chúa, theo gương Đức Kitô và phù hợp với ân sủng Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ghi dấu ấn trong lòng mỗi người để chờ ngày được cứu độ.
3. Bài Tin Mừng:
Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong diễn từ về Bánh Hằng Sống trong đó Chúa Giêsu mặc khải về căn tính thật sự của Người là Đấng phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng ban sự sống đích thật cho con người.
Trước hết, khi nghe Chúa Giêsu mặc khải về Người như là “bánh từ trời xuống”, người Do Thái không thể hiểu vì họ chỉ nhìn nhận Người là con của vợ chồng bác thợ Giuse mà họ biết rõ gốc gác. Trái lại, để có thể nhận biết Đức Giêsu là Đấng ban sự sống từ trời, người ta cần được ơn Thiên Chúa thôi thúc (x. Ga 6,44) và để cho Người dạy dỗ và hướng dẫn (x. Ga 6,45). Những ai nghe lời ngôn sứ và tìm hiểu giáo huấn của Thiên Chúa trong Cựu Ước thì mới đến với Đức Giêsu. Như vậy, Chúa Giêsu thừa nhận giá trị mặc khải của Cựu Ước về chính Người là Đấng ban sự sống đời đời.
Hơn nữa, chỉ những ai tin vào Đức Giêsu mới được sự sống đời đời (x. Ga 6,47). Quả vậy, xưa trong sa mạc, dân Chúa đã được nuôi sống bằng bánh manna trong một thời gian giới hạn, nay Đức Giêsu chính là bánh mà Thiên Chúa ban cho con người, bánh mang lại sự sống đời đời. Những ai tin nhận Người, đón nhận giáo huấn của Người thì được hiệp thông sự sống thần linh của Người, được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi cái chết do tội gây nên mà được sự sống đời đời; sự sống này được trao ban qua cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Mình và Máu Chúa Giêsu không giải thoát tín hữu khỏi cái chết thể lý nhưng ban cho họ sự sống thần linh, nghĩa là được thông phần vào sự phục sinh của Người.
Cái chết là nỗi khắc khoải khôn nguôi của con người. Mặc khải của Chúa Giêsu mở ra một chân trời hy vọng bao la cho phận người giới hạn. Đức tin vào Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại không chỉ mang lại cho con người niềm hy vọng vào cuộc sống sau cái chết, mà còn thôi thúc con người sống giây phút hiện tại cách ý thức và tròn đầy ý nghĩa hơn. Đức tin là sức mạnh cho những ai đang phải đối diện với những khó khăn, mệt mỏi, vất vả bởi họ không chỉ sống cho hiện tại mà là sống hướng đến tương lai; không chỉ sống vì sự sống thể lý mà sống hướng đến sự sống thần linh.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Trong lúc mệt mỏi, chán nản và thất vọng nhất, ngôn sứ Êlia được Chúa gởi thiên sứ đến động viên, ban lương thực để có thể tiếp tục hành trình dài đến gặp Chúa và hoàn tất sứ mạng ngôn sứ đầy khó khăn và thách đố. Hành trình làm người, làm con Chúa và làm chứng cho Người có thể cũng đong đầy những thử thách và mệt mỏi. Nhưng những ai trung tín thi hành sứ mạng được Thiên Chúa giao phó, sẽ được Người nâng đỡ, ủi an và ban lương thực trường tồn cho cuộc sống muôn đời.
2/ Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Êphêxô hãy bắt chước Thiên Chúa mà sống yêu thương, thuận hoà và tha thứ cho nhau, như Đức Kitô đã nêu gương khi hiến dâng chính mình như một của lễ hoà giải và tha thứ. Đó là lối sống theo ân sủng Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ghi dấu ấn trong lòng con người để chờ ngày được cứu độ. Mọi Kitô hữu đều đã được ghi dấu ấn Thánh Thần, được làm con cái Thiên Chúa và là anh chị em với Đức Kitô nên cũng được mời gọi để sống nhân ái, yêu thương và tha thứ.
3/ Đức Giêsu là Bánh Hằng Sống mà Thiên Chúa ban cho nhân loại để ai tin và đón nhận Người thì được chia sẻ sự sống thần linh của Người. Mọi sự rồi sẽ qua đi; vạn vật rồi sẽ có lúc kết thúc, chỉ có Thiên Chúa là Đấng trường tồn và những ai được thông phần sự sống của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, thì mới được sống mãi với Người. Chọn Đức Giêsu, chọn sống theo những giá trị Tin Mừng, là chọn sự sống viên mãn, bất diệt và trường tồn. Đó phải là sự chọn lựa, là lẽ sống của mọi tín hữu.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã ban tặng bánh hằng sống bởi trời là chính Con Một yêu dấu của Người cho thế gian, để tất cả mọi người đều được đón nhận sự sống đời đời. Cộng đoàn chúng ta hãy đồng thanh cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu xin.
1. Thánh Thể là Bí tích tình yêu và hiệp nhất. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa khi cử hành Bí tích Thánh Thể, biết nỗ lực trở nên dấu chỉ tình yêu và mối dây hiệp nhất muôn người trên thế giới.
2. Chúa Giêsu là bánh hằng sống bởi trời mà xuống. Chúng ta cùng cầu xin cho các dân tộc và quốc gia trên thế giới biết đón nhận Tin Mừng cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo, luôn liên đới cộng tác nhằm bảo vệ môi trường sống và thăng tiến mọi chiều kích của con người.
3. Chúa Giêsu phán: “Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi kitô hữu, nhất là những ai đang đau yếu hay thất vọng, tìm được nguồn ủi an nâng đỡ nơi Bí tích Thánh Thể, hầu có thêm sức mạnh để tiến bước trên hành trình về quê trời.
4. “Hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta.” Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta khi tham dự cử hành Thánh Thể cũng được thấm nhuần tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu, biết quên mình để chia sẻ và dấn thân phục vụ vì hạnh phúc mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con được tham dự vào sự sống thần linh qua Con Một yêu dấu của Chúa. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn sống xứng đáng với ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A