Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 15 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 15 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 15 Thường niên năm A

(Is 55, 10-11; Rm 8, 18-23; Mt 13, 1-23)

LỜI SINH HOA KẾT QUẢ

“Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả:
hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”
(Mt 13, 8)

Từ xa xưa qua các trung gian khác nhau, Thiên Chúa nói với dân Người. Rồi qua Ngôi Hai, Thiên Chúa ngỏ lời cách trực tiếp: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Hr 1,1-2a). Thiên Chúa sẽ tiếp tục ngỏ lời với nhân loại và mọi tạo thành qua Thánh Thần. Khi ngỏ lời với dân Chúa, với nhân loại hay toàn thể tạo thành, Thiên Chúa chờ đợi lời của Người sinh hoa kết trái.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Đoạn sách ngôn sứ Isaia dùng hình ảnh biểu tượng trong thiên nhiên để diễn tả sức mạnh và hiệu năng của lời Thiên Chúa, lời mang dáng dấp một ngôi vị.

Lời Thiên Chúa được ngôn sứ ví như mưa với tuyết. Theo vòng tuần hoàn của tự nhiên, mưa với tuyết rơi từ trời xuống đất, rồi lại từ mặt đất bốc hơi để trở về trời. Nhờ vòng tuần hoàn đó mà nước từ trời thấm xuống đất, vừa làm cho đất đai phì nhiêu, cây cối đâm chồi nảy lộc, vừa giúp cho con người có hạt giống để gieo, có hoa màu để làm thực phẩm. Vòng tuần hoàn của nước đem lại nguồn sự sống cho đất đai và con người được tác giả dùng để nói về hiệu năng của lời Thiên Chúa.

Thật vậy, lời phát xuất từ Thiên Chúa sẽ không trở về nếu chưa sinh công hiệu, chưa đạt mục đích. Mục đích mà lời Thiên Chúa nhắm đến là thi hành ý muốn của Thiên Chúa, là thực hiện sứ mạng Ngài giao. Sau này tác giả Tin Mừng thứ tư sẽ trình bày mặc khải cách rõ ràng về lời Thiên Chúa chính là Ngôi Lời phát xuất từ Thiên Chúa, đến trần gian để thi hành sứ mạng Thiên Chúa uỷ thác là mang lại sự sống cho nhân loại (x. Ga 1,4). Và sau khi hoàn tất công trình cứu độ, Ngôi Lời lại trở về ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Ga 16,28; 1 Pr 3,22).

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô trình bày mặc khải mang tính nhị nguyên về con người và muôn vật muôn loài trong thế giới hiện tại và thế giới được Thiên Chúa cứu chuộc trong tương lai.

Trong thế giới hiện tại, con người phải chịu những đau khổ, còn muôn loài thì “lâm vào cảnh hư ảo”, “quằn quại như sắp sinh nở” và “rên siết trong lòng” trong khi chờ đợi Thiên Chúa mặc khải “vinh quang của con cái Người”. Dù được Thiên Chúa sáng tạo cách tốt đẹp nhưng con người và muôn loài muôn vật, vì vẫn là những thụ tạo bất toàn, nên không đạt tới sự viên mãn trong cuộc đời này. Vì thế, cần phải sống niềm trông cậy mà chờ đợi điều lớn lao Thiên Chúa sẽ mặc khải trong thế giới tương lai.

Quả vậy, theo thánh Phaolô, trong thế giới tương lai, con người được “Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con”, còn muôn loài muôn vật thì “sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang”. Như thế, Thiên Chúa sẽ cứu chuộc không chỉ “con cái Người” mà cả “muôn loài thụ tạo”, giải thoát khỏi cảnh hư ảo và ban cho trọn quyền làm con. Tất cả tạo thành đều là con cái Thiên Chúa và đều đáng được cứu chuộc, nên không có ai, không có loài thụ tạo nào nằm ngoài chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Khi mạc khải về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thánh Phaolô hé lộ một chân lý quan trọng: không chỉ cần tôn trọng con người mà còn cần tôn trọng muôn loài muôn vật, nghĩa là tất cả tạo thành đều đáng được tôn trọng vì tất cả đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

3. Bài Tin Mừng:

Dụ ngôn người gieo giống là một cách diễn tả hình tượng về mối tương giao hai chiều để hạt giống có thể nảy mầm và phát triển. Dụ ngôn vừa cho thấy một Thiên Chúa sẵn sàng gieo hạt giống Nước Trời bất kỳ nơi đâu, vừa đòi hỏi có sự cộng tác của người đón nhận để hạt giống sinh hoa kết trái.

Chiều thứ nhất phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đóng vai người gieo giống đi gieo hạt giống Nước Trời vào lòng người ta. Ngài không bỏ sót bất cứ cơ hội nào dù nhỏ nhất, và cũng không hề tiếc bất cứ hạt giống nào dù cơ may mọc lên có mong manh. Dù mảnh đất có chai cứng như vệ đường, có khô cằn như sỏi đá, có rậm rạp như bụi gai thì Thiên Chúa vẫn có chủ ý gieo hạt giống Nước Trời vào đó. Ngài miệt mài tung gieo hạt giống Nước Trời ở bất cứ nơi đâu, ngay cả những nơi hạt giống có thể chết yểu. Không có người gieo giống nào “điên rồ” như Thiên Chúa và cũng chỉ có Ngài mới quảng đại, và lạc quan gieo vãi hạt giống ở mọi nơi.

Chiều thứ hai là sự đón nhận của mảnh đất lòng con người. Dù người gieo giống có kiên trì, rộng lượng mà không tiếc hạt giống, thì vẫn có nhiều mảnh đất tâm hồn lại đón nhận hạt giống lời với sự hờ hững, không sẵn sàng cộng tác để hạt giống lời phát triển; vẫn có những người khéo léo từ chối hạt giống lời vì bận rộn và lo lắng nhiều sự khác; vẫn có những tâm hồn sợ bị lời Thiên Chúa lôi kéo đến sự hoán cải và tha thứ nên ra sức chối từ. Phúc hay hoạ không còn nằm ở phía người gieo mà nằm ở sự đón nhận của mảnh đất tâm hồn. Kết quả ba mươi, sáu mươi, hay một trăm đều là thành quả mà Thiên Chúa vui lòng đón nhận.

Ai có tai thì hãy lắng nghe mặc khải về một Thiên Chúa quảng đại, kiên nhẫn gieo hạt giống Nước Trời cho đến khi tìm được mảnh đất tốt đơm hoa kết trái. Phúc cho ai hiểu, đón nhận và để cho hạt giống Nước Trời sinh hoa kết trái trong đời sống của mình.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Cũng như mưa tuyết rơi xuống từ trời làm đất đai trổ sinh hoa trái sự sống, lời phát xuất từ Thiên Chúa được sai phái đến để thi hành sứ mạng Ngài giao là đem lại sự sống cho nhân loại. Đồng thời, lời Thiên Chúa còn là lời sức mạnh và hữu hiệu trong việc chất vấn lương tâm con người, như lời tác giả thư Hípri:Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Hr 4, 12-13). Lời Chúa nói với chúng ta điều gì trong hoàn cảnh và môi trường sống ở đây, lúc này?

2/ Thánh Phaolô trình bày mặc khải về chương trình cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dành cho con người mà còn dành cho muôn vật muôn loài. Như thế, người ta không chỉ cần tôn trọng con người mà còn cần tôn trọng muôn loài muôn vật, nghĩa là tất cả tạo thành đều đáng được tôn trọng vì tất cả đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mỗi loại thụ tạo đều có một phẩm giá cao quý và độc đáo cần được bảo tồn trong sự đa dạng. Qua thông điệp Laudato Sì, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong muốn các Kitô hữu và mọi người thành tâm thiện chí chung tay bảo vệ công trình sáng tạo tốt đẹp của Thiên Chúa.

3/ Dụ ngôn người gieo giống cho thấy hình ảnh một Thiên Chúa quảng đại và kiên trì gieo giống ở mọi nơi cho đến khi gặp được mảnh đất tốt mà sinh hoa kết trái. Thiên Chúa đã đi bước trước trong chương trình xây dựng Nước Trời, và sự cộng tác của con người trở nên quan trọng và thiết yếu. Trước sự rộng lượng của Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu được thôi thúc chuẩn bị và chăm sóc mảnh đất tâm hồn để hạt giống Nước Trời có thể mọc lên và sinh hoa trái qua cách sống của mình. Mọi hoa trái mọc lên từ hạt giống Nước Trời, dù năng suất cao hay thấp, đều có giá trị trước mặt Thiên Chúa.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn trung tín và muốn cho lời của Người được khắc ghi trong tâm khảm, cùng sinh nhiều hoa trái nơi cuộc đời mỗi người chúng ta. Cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa và tha thiết cầu xin:

1. Đức Giêsu vừa là người đi gieo hạt vừa là hạt giống Nước Trời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn gắn bó mật thiết với Đức Giêsu và thấm nhuần tinh thần của Người, để biết chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

2. Còn nhiều người chưa đón nhận và để cho lời Chúa nảy mầm bén rễ trong đời sống. Chúng ta cùng cầu nguyện cho con người trong thế giới tục hóa hôm nay, biết mở lòng đón nhận chân lý, và sẵn sàng để cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn và cuộc đời.

3. Lời Chúa là ngọn đèn soi dẫn đời sống người tín hữu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu được thêm lòng yêu mến và say mê học hỏi Kinh thánh, luôn lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động trong đời sống gia đình, cộng đoàn và xã hội.

4. “Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho từng người trong cộng đoàn chúng ta trở nên những mảnh đất mầu mỡ, biết đón nhận và nỗ lực làm cho các giá trị Tin Mừng phát triển cùng sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống hằng ngày.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã sai Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời của Chúa như hạt giống Nước Trời đến trong trần gian. Xin thương nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết hân hoan đón nhận Lời Hằng Sống và hăng hái đem gieo Tin mừng đến mọi nơi và cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top