Phỏng vấn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn 24.6.2009
Đức cha Phêrô NGUYỄN VĂN NHƠN, Giám mục Đà Lạt, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trả lời phỏng vấn Báo L’Osservatore Romano, ngày 24-6-2009
Lời giới thiệu
Một Giáo Hội sinh ra từ gần 5 thế kỷ nay, in đậm dấu ấn về lòng can đảm của biết bao chứng nhân đã cam chịu các cuộc bắt đạo và bạo lực, nhưng vẫn loan báo Tin Mừng. Một Giáo Hội mang nét vẻ đặc biệt vì nhiều hạt giống tràn đầy nhựa sống, cũng như rõ nét về sự tham dự năng động của người giáo dân vào sứ mệnh của Giáo Hội và có sự tăng trưởng rất đáng kể về con số ơn gọi linh mục và tu trì. Một Giáo Hội còn mang vết tích của chia rẽ đã tác động vào vận mệnh của Đất Nước trong những thập niên gần đây, nhưng qua những bước đi nhỏ nhẹ, Giáo Hội này đã tiến triển trong việc đối thoại với các cơ chế của Nhà Nước, như đã nhiều lần được xác nhận trong các cuộc viếng thăm định kỳ của các Phái đoàn Tòa Thánh, cuộc viếng thăm cuối cùng thực hiện vào năm 2009. Đó là thực tại của cộng đoàn Giáo Hội tại Việt Nam được nhận ra qua bài trả lời Phỏng vấn dành cho bản Báo của chúng tôi do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Đà Lạt và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, hiện có mặt tại Vatican trong những ngày này để viếng thăm Tòa Thánh theo luật định ad limina. Sau đây là nguyên văn bài Phỏng vấn.
Ký giả Nichola Gori: Tầm quan trọng của cuộc thăm viếng do Phái đoàn Tòa Thánh thực hiện tại Việt Nam vào năm 2007 đã đóng góp để cải tiến mối liên hệ giữa Nhà Nước và Giáo Hội, có phải vậy không, thưa Đức cha?
ĐC Nhơn: Phúc âm của Chúa Kitô đã được loan báo trên thửa đất Việt Nam từ năm 1533. Hàng Giáo phẩm được thành lập vào năm 1960, trong một thời điểm mà Việt Nam bị chia đôi xét về phương diện chính trị. Chỉ vào năm 1980 sau khi thống nhất hai Miền Nam Bắc vào năm 1975, thì Hội đồng Giám mục mới sinh ra cho cả Nước Việt Nam. Biến cố này, chúng tôi sẽ cử hành vào năm 2010, dịp năm mươi năm [1], và được đánh dấu đặc biệt với lá thư mục vụ đầu tiên mang tính cách giám mục đoàn, ngày 1-5-1980 [2] , để mời gọi tất cả Dân Chúa hãy để cho mình được Phúc Âm hướng dẫn trong đời sống thường ngày và trong việc dấn thân phục vụ công ích.
Sau đó cuộc viếng thăm vào năm 1989 của Phái đoàn Tòa Thánh do Đức Hồng y Roger Etchegaray cầm đầu, đã đánh dấu một khúc quanh lịch sử cho Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam. Sau thời điểm này Tòa Thánh đã có thể cử sang Việt Nam hầu như mỗi năm một phái đoàn để đối thoại với Chính Phủ và để thăm viếng các Giáo phận của chúng tôi. Những cuộc viếng thăm mục vụ này, nhất là cuộc viếng thăm của Phái đoàn Tòa Thánh từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 3 năm 2007, do Đức Ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, đặc trách các Liên hệ với các Quốc gia – sau cuộc gặp gỡ lịch sử vào ngày 25 tháng giêng năm 2007 giữa Thủ tướng Việt Nam và Đức Giáo Hoàng Bênêđicto XVI tại Vatican – đã đem lại cho chúng tôi luồng ánh sáng và các lý do hy vọng, là những yếu tố làm củng cố đức tin của cộng đoàn Kitô hữu. Quả thế cuộc viếng thăm năm 2007 đã đóng góp vào việc cải tiến các mối bang giao giữa Nhà Nước và Giáo Hội Công Giáo: người ta nói đó là con đường tích cực dẫn tới việc thiết lập ngoại giao giữa hai bên. Chúng tôi mong rằng trong một tương lai gần đây các mối bang giao này sẽ trở nên hiện thực. Chúng tôi cũng rất mong mỏi có sự hiện diện thường xuyên của Tòa Thánh, qua một vị Đại diện của Đức Thánh Cha tại Việt Nam. Với chúng tôi đó là dấu hiệu hữu hình của Đức Thánh Cha và của Giáo Hội hoàn vũ ở giữa Đất Nước chúng tôi. Đàng khác, sự hiện diện thường xuyên của Tòa Thánh sẽ làm cho dễ dàng những cuộc gặp gỡ và các cuộc đối thoại với Nhà cầm quyền, nhằm mục đích thể hiện chứng tá của đức ái, của Tin Mừng của Chúa Kitô trong Đất Nước chúng tôi.
N. Gori: Sự phát triển kinh tế và việc mở cửa trong phạm vi thương mại của Đất Nước có mang lại những lợi ích và thay đổi ý nghĩa cho điều kiện sinh sống của người dân không, thưa Đức cha ?
ĐC Nhơn: Sự phát triển kinh tế và thương mại của Đất Nước đã mang lại những tiện ích và đóng góp vào vào việc thay đổi các điều kiện sinh sống của người dân, nhất là tại những thành phố. Nhưng phần lớn dân chúng Việt Nam sống tại nông thôn và một phần cũng đáng kể thuộc các sắc tộc thiểu số khác nhau sống rải rác trên các vùng núi miền Bắc, miền Trung cũng như tại Đồng Bằng sông Cửu Long. Ở các vùng này người dân vẫn còn là những người nghèo nhất trong xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế và sự cởi mở về thương mại đã có những biến đổi tích cực cho dân chúng, nhưng vẫn còn những lỗ hổng trong nhiều phạm vi khác nhau liên hệ tới gia đình, luân lý và xã hội. Khoảng cách giữa người giầu và người nghèo càng ngày càng xa cách hơn.
N. Gori: Trong một đất nước mà phần đông là Phật Giáo, việc đối thoại liên tôn đã thể hiện ở cấp bậc nào và đâu là những bước tiến đang được thực hiện, thưa Đức cha?
ĐC Nhơn: Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam giữ được mối liên hệ tốt với các tôn giáo bạn và các cộng đoàn tôn giáo khác, nhất là với Phật Giáo. Không có những căng thẳng giữa các tôn giáo và giữa những người tuyên xưng một niềm tin khác. Vẫn có được một hình thức nào đó để “đồng cảm” giữa các người Việt Nam tuyên xưng những tôn giáo khác nhau – là Phật tử, là Công giáo, là Tin lành hay là tín đồ của bất cứ tôn giáo địa phương nào khác – bởi vì tất cả đều chia sẻ những khó khăn giống như nhau và có những thao thức hy vọng như nhau.
Còn về vấn đề đối thoại liên tôn, đang có những nỗ lực, nhưng điều này thực hiện tùy theo từng vùng. Nói chung có những cuộc viếng thăm các chùa chiền Phật giáo trong dịp lễ Vesak và chúng tôi cũng tiếp đón các cuộc viếng thăm vào các dịp đầu năm dương lịch, ngày Tết của người Việt Nam. Có sự tôn trọng hỗ tương trong phạm vi các nguyên tắc của niềm tin và các việc thực hành tôn giáo, nhưng vẫn còn thiếu những mối liên hệ ở cấp bậc tu đức và trí thức.
N. Gori: Có những khác biệt giữa Miền Bắc và Miền Nam trong công việc rao giảng Tin Mừng và việc phân bổ các linh mục không, thưa Đức cha?
ĐC Nhơn: Với Hiệp định Genève năm 1954, Đất Nước chúng tôi bị chia làm hai miền: Việt Nam miền Bắc và Việt Nam miền Nam. Một số khá đông các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân công giáo thuộc Miền Bắc di tản xuống miền Nam, để lại cho Giáo Hội tại miền Bắc vấn đề khan hiếm nhân sự và mọi khó khăn khác: Giáo Hội tại miền Bắc không thể tham dự Công Đồng Chung Vatican II. Sau khi thống nhất Đất Nước vào năm 1975 – và nhất là sau khi thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam vào năm 1980 – đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi, hội thảo, những hình thức chia sẻ trong nhiều phương diện giữa Giáo Hội tại miền Bắc và Giáo Hội tại miền Nam. Các cuộc thuyên chuyển và các vụ bổ nhiệm giám mục từ phía Tòa Thánh đã giúp cổ võ những cố gắng hướng tới sự trao đổi nhân sự giữa miền Nam và miền Bắc. Với việc mở các Chủng viện Hà Nội, Vinh (cho miền Bắc), Sàigòn, Huế, Nha Trang, Xuân Lộc (cho miền Nam), cũng như các Học viện cho các Dòng tu, và cùng với sự trao đổi các giáo sư giữa miền Bắc và miền Nam, đời sống của Giáo Hội tại Việt Nam đã trở nên đồng nhất hơn trong những vấn đề liên hệ hơn với việc rao giảng Tin Mừng và sự hiện diện của các linh mục.
N. Gori: Đâu là những đóng góp của các tu sĩ nam nữ trong công tác xã hội, giáo dục và mục vụ của Giáo Hội, thưa Đức cha?
ĐC Nhơn: Đây là điểm mạnh của Giáo Hội tại Việt Nam. Chúng tôi có một đội ngũ khá đáng kể các nam nữ tu sĩ, mà, nói chung ra, họ rất có khả năng và được huấn luyện thỏa đáng thích hợp cho việc giáo dục, mục vụ, và công tác bác ái. Sự đóng góp của họ và sự phục vụ của họ thật quý báu cho Giáo Hội, nhưng vẫn còn chưa được công nhận cho đủ từ phía Nhà Nước.
N. Gori: Đâu là những ưu tiên của Giáo Hội tại Việt Nam trong lãnh vực thực hành công tác cổ võ cho sự công bình xã hội, thưa Đức cha?
ĐC Nhơn: Trước năm 1975, Giáo Hội tại miền Nam đã suy tư và đưa ra những dấn thân rõ ràng cho công bình xã hội. Hầu như trong mỗi giáo phận đều có những cuộc hội thảo làm việc theo các đề tài về công lý và hòa bình. Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, lúc đó là Giám mục giáo phận Nha Trang, là Chủ tịch Ủy ban Iustitia et Pax - rồi ngài là Hồng y và là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình (Iustitia et Pax) – đã tổ chức những buổi học tập và hội thảo khác nhau cho hàng giáo sĩ, cho tu sĩ và giáo dân. Hiện thời chúng tôi cố gắng để đem ra thực hành giáo huấn xã hội của Giáo Hội, trong những giới hạn có thể, bắt đầu với việc trợ giúp các người nghèo và túng thiếu nhất: các người bị mắc chứng bệnh Hansen và HIV, các dân thuộc sắc tộc thiểu số, các hạng người sống tại các khu nhà ổ chuột và những công tác giống như thế.
N. Gori: Thưa Đức cha, Giáo Hội có được tự do để thi hành sứ vụ của mình trong Đất Nước của Đức Cha không?
ĐC Nhơn: Mỗi ngày chúng tôi cảm thấy có sự cởi mở hơn cho các sinh hoạt tôn giáo, nhưng tất cả đều tùy thuộc tình hình cụ thể của từng vùng. Dầu sao trong mọi trường hợp, Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội trong các sinh hoạt của Giáo Hội và làm cho Giáo Hội của Chúa Kitô luôn tự do trong việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc. Chúng tôi xác tín điều này.
L’Osservatore Romano, ngày 24-6-2009, tr. 8.
Người dịch: Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
Roma, ngày 25-6-2009
bài liên quan mới nhất
- Giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn và cầu nguyện cho Đức cha tân cử Giu-se Vũ Công Viện
-
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám Mục Tân Cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh - ngày 08/10/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Trực tiếp Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 08/10/2024 -
Caritas Việt Nam: Hội Nghị Thường Niên 2024 - Ngày I -
Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên thăm và sẻ chia cùng người dân vùng lũ -
Giáo phận Phan Thiết kỷ niệm 50 năm thành lập -
Các Nữ tu Hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa chia sẻ với bà con vùng lũ tại Lào Cai
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
ĐTC Phanxicô: Nếu tôi không viếng thăm (Việt Nam) thì Đức Gioan XXIV chắc chắn sẽ đi