Niềm vui Chúa đến trong gia đình

Niềm vui Chúa đến trong gia đình

Bước vào Mùa Vọng là bắt đầu một Năm Phụng Vụ mới. Với Giáo Hội Công giáo Việt Nam, năm Phụng Vụ 2014 được ghi dấu bằng hai sự kiện đặc biệt. Một là Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014–2016) với mục tiêu Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo, đồng thời chọn năm 2014 là năm Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình. Hai là cùng với Giáo Hội toàn cầu, chúng ta hân hoan đón nhận tông huấn mới của Đức Thánh Cha Phanxicô: Evangelii Gaudium, Niềm Vui Phúc Âm. “Niềm vui của Phúc Âm tràn ngập tâm hồn và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai đón nhận quà tặng cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, ưu phiền, sự trống rỗng và cô đơn trong tâm hồn. Với Đức Kitô, niềm vui không ngừng được sinh ra”.

Nối kết hai sự kiện trên, Mùa Vọng năm nay trở thành lời mời gọi đặc biệt đến các gia đình Công giáo: Hãy sống niềm vui Chúa đến trong gia đình. Niềm vui Chúa đến sẽ tràn ngập đời sống gia đình khi mỗi thành viên trong gia đình mở lòng ra đón nhận Hài nhi Giêsu, khi mọi người trong nhà cùng nhau xây dựng gia đình thành tổ ấm chan chứa yêu thương, và làm cho niềm vui yêu thương ấy lan tỏa ra chung quanh.

Để đón nhận và sống niềm vui Chúa đến trong gia đình, không có khuôn mẫu nào lý tưởng và đẹp đẽ cho bằng Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.

Cả hai đấng đều đặt thánh ý Chúa lên trên hết: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38); “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón bà Maria về nhà” (Mt 1,24).

Thánh ý Chúa không phải lúc nào cũng rõ ràng tỏ hiện, các ngài phải tìm kiếm trong cầu nguyện và suy nghĩ, nhiều khi trong tăm tối. Trước sự kiện Đức Maria thụ thai, thánh Giuse không hiểu được đâu là nguồn cơn và phải ứng xử thế nào cho phải: “Ông Giuse là người công chính và không muốn tố giác bà (Maria), nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Đức Maria cũng hết sức ngỡ ngàng trước tiếng gọi của Chúa: “Việc ấy làm sao xảy ra được vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Cả hai đấng lấy làm ngỡ ngàng khi nghe trẻ Giêsu trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói” (Lc 2,49-50). Và thánh Luca nhiều lần ghi nhận về Đức Mẹ: “Bà Maria hằng ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19,51).

Một khi đã khám phá ra thánh ý Chúa, các ngài sẵn lòng đón nhận, dù phải hi sinh và chịu nhiều đau khổ như lời cụ Simêon nói với Đức Maria: “Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35).

Tấm gương ấy mời gọi các gia đình Công giáo đặt Chúa làm trung tâm của đời sống chung trong gia đình, thường xuyên tìm kiếm thánh ý Chúa qua cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa, dù khi được bình an hay khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách. Sống theo thánh ý Chúa không hề là chuyện dễ dãi, nhất là trong một thời đại mà những giá trị Phúc Âm bị coi như lỗi thời và phản tiến bộ. Thế nhưng cuộc đời của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse làm chứng rằng đó chính là nẻo đường dẫn đến niềm vui đích thực, thay cho những lời phỉnh gạt của ma quỷ, chỉ dẫn đến những niềm vui giả trá.

Lới nhắc nhở của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Phúc Âm đáng cho chúng ta ghi nhớ và suy nghĩ: “Mối nguy hiểm lớn trong thế giới hôm nay do tác động của chủ nghĩa tiêu thụ là sự thất vọng và chán chường, phát xuất từ con tim tham lam điên cuồng chạy theo những khoái lạc chóng qua, và một lương tâm lu mờ. Bất cứ khi nào đời sống tâm hồn chúng ta bị bó chặt vào những quan tâm và lợi ích riêng của mình thôi, thì tâm hồn không còn chỗ cho tha nhân, cho người nghèo nữa. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được lắng nghe, không còn cảm nhận được niềm vui tĩnh lặng của tình yêu Chúa, và ước muốn làm điều lành cũng nhạt nhòa” (Evangelii Gaudium, số 2).

Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến và xin cho niềm vui của Chúa tràn ngập gia đình chúng con.

(Nguồn: WHĐ)

Top