Niềm hy vọng Kitô giáo
Nguồn gốc của niềm hy vọng Kitô giáo là gì?
Trong thời đại khi con người thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lý do để hy vọng, những ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa trong Kinh Thánh lại càng phải “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em" (1 Pr 3,15). Họ cần hiểu rõ điều gì làm nên nét đặc trưng của niềm hy vọng phát xuất từ đức tin, để có thể đặt nền tảng đời sống mình trên đó.
Dù theo định nghĩa, hy vọng hướng đến tương lai, nhưng trong Kinh Thánh, nó được bén rễ ngay trong hiện tại, trong "ngày hôm nay" của Thiên Chúa. Trong Lá thư năm 2003, Thầy Roger nhắc nhớ rằng: "[Nguồn cội của hy vọng] nằm ở nơi Thiên Chúa, một Thiên Chúa chỉ biết yêu thương chúng ta và không thể làm gì khác, một Thiên Chúa không bao giờ ngừng tìm kiếm chúng ta."
Trong Kinh Thánh Do Thái, Đấng là Nguồn Sống nhiệm mầu mà chúng ta gọi là Thiên Chúa đã tỏ mình ra bằng cách kêu gọi con người bước vào mối tương quan với Ngài: Ngài thiết lập giao ước với họ. Kinh Thánh dùng hai từ tiếng Do Thái để mô tả đặc tính của Thiên Chúa trong giao ước này: hesed và emeth (x. Xh 34,6; Tv 25,10; 40,10-11; 85,10). Thông thường, hai từ này được dịch là "tình yêu trung tín" và "lòng thành tín." Điều này trước hết cho thấy Thiên Chúa là Đấng tràn đầy nhân hậu và từ ái, Đấng muốn chăm sóc dân Ngài; thứ đến, điều này khẳng định rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ từ bỏ những ai Ngài đã kêu gọi bước vào sự hiệp thông với Ngài.
Đó chính là nguồn gốc của hy vọng trong Kinh Thánh. Nếu Thiên Chúa là Đấng nhân lành và không bao giờ thay đổi thái độ hay lìa bỏ chúng ta, thì dù thế giới này có bất công, thiếu vắng hòa bình, tình liên đới và lòng trắc ẩn, thì với người tín hữu, đó không phải là thực tại sau cùng. Từ niềm tin vào Thiên Chúa, họ kín múc niềm mong đợi về một thế giới theo ý muốn Thiên Chúa, hay nói cách khác, theo tình yêu của Thiên Chúa.
Trong Kinh Thánh, niềm hy vọng này thường được diễn tả qua khái niệm "lời hứa." Khi Thiên Chúa thiết lập tương quan với con người, điều đó thường đi kèm với một lời hứa về sự sống viên mãn hơn. Chúng ta đã thấy điều này trong câu chuyện của tổ phụ Ápraham: "Ta sẽ chúc phúc cho ngươi," Thiên Chúa phán với ông, "và nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc" (St 12,2-3).
Lời hứa là một thực tại sinh động, mở ra những khả thể mới cho đời sống con người. Nó hướng đến tương lai, nhưng đồng thời được bén rễ trong mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng đang nói với tôi ngay trong hiện tại, Đấng kêu gọi tôi đưa ra những chọn lựa cụ thể trong đời sống. Hạt giống của tương lai đã được gieo trong mối tương quan hiện tại với Thiên Chúa.
Sự bén rễ này nơi hiện tại càng được củng cố hơn với sự xuất hiện của Đức Kitô Giêsu. Thánh Phaolô nói rằng, nơi Ngài, tất cả những lời hứa của Thiên Chúa đã trở thành hiện thực (2 Cr 1,20). Điều này không chỉ ám chỉ đến một nhân vật đã sống tại Palestine cách đây 2000 năm, nhưng đối với Kitô hữu, Chúa Giêsu là Đấng Phục sinh, Đấng đang hiện diện với chúng ta hôm nay. "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).
Một bản văn khác của Thánh Phaolô còn rõ ràng hơn: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5,5). Niềm hy vọng Kitô giáo không chỉ đơn thuần là một ước muốn cho tương lai mà không có gì bảo đảm, nhưng chính là sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa trong chính con người, qua Chúa Thánh Thần, một dòng chảy sự sống đưa chúng ta vào đại dương hiệp thông viên mãn.
Làm thế nào để chúng ta đặt nền tảng đời sống mình trên niềm hy vọng Kitô giáo?
Niềm hy vọng trong Kinh Thánh và Kitô giáo không có nghĩa là sống trên mây, mơ mộng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nó không đơn thuần là sự phóng chiếu những điều chúng ta mong muốn trở thành hoặc đạt được. Đúng hơn, hy vọng dẫn chúng ta khám phá những mầm sống của một thế giới mới đã hiện diện ngay hôm nay, bởi vì Thiên Chúa của chúng ta là Đấng nào, bởi vì sự sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Hơn nữa, niềm hy vọng này còn là nguồn năng lượng thúc đẩy chúng ta sống khác đi, không theo các giá trị của một xã hội bị chi phối bởi lòng tham sở hữu và cạnh tranh.
Trong Kinh Thánh, lời hứa của Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta ngồi yên và thụ động chờ đợi điều đó xảy ra như thể bởi phép màu. Trước khi phán với Ápraham về sự sống viên mãn Ngài hứa ban, Thiên Chúa nói: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi để đi đến miền đất Ta sẽ chỉ cho ngươi" (St 12,1). Để bước vào lời hứa của Thiên Chúa, Ápraham được kêu gọi biến đời mình thành một cuộc hành trình, sẵn sàng dấn thân vào một khởi đầu mới.
Tương tự như thế, Tin Mừng về sự Phục sinh không phải là một cách làm chúng ta sao lãng những trách nhiệm trong đời sống hiện tại, nhưng là một lời mời gọi lên đường. "Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? … Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo… Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,11; Mc 16,15; Cv 1,8).
Được Thánh Thần của Đức Kitô thúc đẩy, các tín hữu sống trong sự liên đới sâu xa với nhân loại, vốn đang bị cắt lìa khỏi nguồn cội là Thiên Chúa. Khi viết cho các tín hữu Rôma, Thánh Phaolô diễn tả nỗi mong chờ của tạo thành và ví nỗi đau này như cơn quặn thắt của người mẹ sắp sinh con. Ngài tiếp tục: "Chính chúng ta, dù đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, cũng rên siết trong lòng" (Rm 8,18-23). Đức tin của chúng ta không phải là một đặc quyền đưa chúng ta ra khỏi thế giới; chúng ta cùng "rên siết" với thế giới, chia sẻ nỗi đau của nó, nhưng chúng ta sống thực tại này trong niềm hy vọng, biết rằng nơi Đức Kitô, "bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật đã tỏ rạng" (1 Ga 2,8).
Như vậy, hy vọng trước hết có nghĩa là khám phá trong chiều sâu của hiện tại một Sự Sống đang vươn tới và không gì có thể ngăn cản. Nó cũng có nghĩa là đón nhận Sự Sống này bằng một lời "xin vâng" xuất phát từ toàn thể con người chúng ta. Khi bước đi trong Sự Sống này, chúng ta được mời gọi tạo ra những dấu chỉ của một tương lai khác ngay tại đây và lúc này, giữa những thách đố của thế giới, như những hạt giống canh tân sẽ trổ sinh hoa trái vào thời điểm thích hợp.
Đối với các Kitô hữu tiên khởi, dấu chỉ rõ ràng nhất của thế giới mới sẽ đến chính là sự tồn tại của các cộng đoàn gồm những người thuộc nhiều nguồn gốc và ngôn ngữ khác nhau. Nhờ Đức Kitô, những cộng đoàn bé nhỏ này đã xuất hiện khắp vùng Địa Trung Hải. Vượt qua những chia rẽ đủ loại khiến con người xa cách nhau, những anh chị em này đã sống với nhau như một gia đình của Thiên Chúa, cùng cầu nguyện và chia sẻ của cải tùy theo nhu cầu của mỗi người (x. Cv 2,42-47). Họ cố gắng có "cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau" (Pl 2,2). Nhờ đó, họ chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời giữa thế gian (x. Pl 2,15). Ngay từ thuở ban đầu, niềm hy vọng Kitô giáo đã thắp lên một ngọn lửa trên mặt đất.
___________________
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: taizé.fr