Đức Bênêđictô XVI và việc canh tân phụng vụ theo Công đồng chung Vatican II
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI VÀ VIỆC CANH TÂN PHỤNG VỤ THEO CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI
WHĐ (24.3.2023) - Đây là đoạn trích bài nói chuyện của Đức Bênêđictô XVI với giáo sĩ ở Roma, ngày 14.2.2013.
Mục tiêu trước tiên xem ra khá đơn giản, đó là việc canh tân phụng vụ vốn đã bắt đầu với Đức Piô XII, khi ngài cải tổ việc cử hành Tuần Thánh; mục tiêu thứ hai là Giáo Hội học, và thứ ba là Lời Chúa, Mạc Khải; và cuối cùng, việc đại kết. Người Pháp còn quan tâm hơn người Đức nhiều tới việc giải quyết vấn đề về các quan hệ giữa Giáo Hội và thế giới.
Chúng ta hãy bắt đầu với mục tiêu thứ nhất. Sau thế chiến thứ nhất, đặc biệt tại trung và tây Âu, phong trào phụng vụ phát triển, một sự tái khám phá chiều sâu và sự phong phú của phụng vụ, vốn, cho tới lúc này, gần như chỉ đóng khung trong Sách Lễ Roma của linh mục, trong khi bổn đạo thì đọc kinh theo sách kinh dành cho họ; các sách kinh này được soạn theo tâm tình của bổn đạo, người ta tìm cách diễn tả các nội dung cao siêu, ngôn ngữ cao siêu của nền phụng vụ cổ điển với những lời lẽ tình cảm hơn, gần với tâm tình người dân hơn. Nhưng như thề thì chẳng khác gì là có hai nền phụng vụ song song: một là của linh mục với các trẻ giúp lễ cử hành thánh lễ theo sách Lễ, một của giáo dân đọc kinh cầu nguyện với cuốn sách kinh dành cho họ và biết, về cơ bản, điều gì đang diễn ra trên bàn thờ. Nhưng nay, người ta đã tìm thấy lại vẻ đẹp, chiều sâu, sự phong phú mang tính lịch sử, nhân văn và thiêng liêng của sách Lễ và sự cần thiết là làm sao để phụng vụ của bàn thờ và của cộng đoàn phải là một phụng vụ duy nhất, phải có sự tham dự tích cực, và cộng đoàn có thể tới được với sự phong phú của phụng vụ, chứ không phải một thứ phụng vụ của riêng một người đại diện cộng đoàn với một chú giúp lễ thưa “Et cum spiritu tuo”, vân vân, mà thực sự phải là đối thoại giữa linh mục và mọi người tham dự.
Giờ đây nhìn lại, cha thấy quả là rất đúng khí bắt đầu từ phụng vụ bởi vì như vậy vị trí hàng đầu của Thiên Chúa, vị trí hàng đầu của việc thờ phượng được làm nổi bật. “Không có điều gì có thể được đặt trên việc thờ phượng Chúa” (Operi Dei nihil praeponatur): Câu này nằm trong Luật dòng thánh Bênêđictô (cf. 43,3), do đó, phải được xem như luật tối thượng của Công đồng. Một số người đã chỉ trích Công đồng, nói là Công đồng bàn về nhiều chuyện, nhưng về Thiên Chúa thì không. Nhưng Công đồng đã bàn về Thiên Chúa ! Và đó là hành động đầu tiên, căn bản: nói về Chúa và mở lòng tín hữu, toàn thể dân thánh, trước việc tôn thờ Chúa, trong việc cùng nhau cử hành phụng vụ Mình và Máu Đức Kitô.
Trong chiều hướng này, chúng ta có thể nói việc Công đồng bắt đầu với phụng vụ, việc tôn thờ, với Thiên Chúa, quả là do sự quan phòng của Thiên Chúa chứ không phải vì những nhân tố thực dụng thường khuyên không nên bắt đầu ngay với các chủ đề bị tranh cãi. Ở đây, cha không muốn đi vào chi tiết của cuộc tranh luận, nhưng vượt qua các thành quả cụ thể để trở về với chính Công đồng, với chiều sâu và với những ý tưởng thiết yếu của Công đồng luôn là điều đáng làm. Cha có thể nói là có một số, nhất là mầu nhiệm vượt qua, ở trung tâm của sự kiện làm người Kitô hữu, và như vậy, của đời sống Kitô hữu, của năm, của mùa phụng vụ, được biểu lộ trong mùa vượt qua và ngày chúa nhật luôn là ngày Phục sinh. Chúng ta luôn bắt đầu thời gian của chúng ta với sự Phục sinh, với sự gặp gỡ Đấng Phục sinh và từ sự gặp gỡ này với Đấng Phục sinh, chúng ta đi vào trong thế giới. Theo chiều hướng này thì quả là đáng tiếc khi ngày nay người ta đặt ngày chúa nhật ở cuối tuần lễ trong khi đây lại là ngày thứ nhất, ngày đầu tuần. Trong nội tâm, chúng ta phải nhớ điều này: đây là sự khởi đầu của công cuộc Tạo dựng, của công cuộc Tái tạo trong Hội thánh, sự gặp gỡ với Đấng Tạo hoá và với Đức Kitô phục sinh. Hai nội dung này của ngày chúa nhật đều quan trọng: đây là ngày đầu tiên, nghĩa là ngày lễ Tạo dựng, chúng ta đang ở trên nền móng của Tạo dựng, chúng ta tin ở Thiên Chúa Tạo dựng; đây là cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh, Đấng đổi mới Tạo vật; mục tiêu đích thực của Người là tạo dựng một thế giới có thể đáp lại tình yêu thương của Thiên Chúa. Kế đó là một số nguyên tắc: phụng vụ, thay vì bị đóng khung trong một thứ ngôn ngữ xa lạ và không còn được dùng để trao đổi với nhau, phải có thứ ngôn ngữ người ta có thể hiểu được; và sự tham dự tích cực. Nhưng tiếc thay, người ta đã hiểu sai các nguyên tắc này. Tính có thể hiểu được không đồng nghĩa với tính cách tầm thường, bởi vì những bản văn quan trọng của phụng vụ - ngay cả khi được đọc, tạ ơn Chúa, trong tiếng mẹ đẻ - cũng không phải là dễ hiểu; người Kitô hữu cũng còn cần phải được đào tạo thường xuyên để lớn lên và ngày càng đi vào chiều sâu của mầu nhiệm để có thể hiểu được.
Và ngay cả lời Chúa - khi cha nghĩ tới việc đọc Cựu Ước, hay các thư của Thánh Phaolô, các sách Tin Mừng: ai có thể nói rằng mình hiểu ngay tức khắc chỉ vì Thánh Kinh đã được dịch sang tiếng mẹ đẻ? Chỉ khi lòng trí được đào tạo liên tục, người ta mới có thể thực sự hiểu và tham dự, một cách hiểu và tham dự không còn đơn thuần là một cử chỉ hời hợt mà là hành động của con người tôi, của bản thể của tôi đi vào trong sự hiệp thông của Hội thánh và qua đó, vào sự hiệp thông với Đức Kitô.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 81 (tháng 3 & 4 năm 2014)
Đọc bài cùng chủ đề:
Vinh Sơn Tuấn Việt, Quan điểm của Thần học gia Joseph Ratzinger về cải cách phụng vụ sau Công đồng Vatican II