Những người được sinh ra từ cạnh sườn Chúa
Tôi muốn viết về các nữ tu, những người đã dành trọn vẹn tuổi thanh xuân để sống một cuộc sống từ bỏ, để chọn đời hiến dâng. Họ cũng là những người phụ nữ bình thường như bao phận nữ nhi khác, cũng được sinh ra và hiện hữu giữa dòng đời, chịu nếm trải sự đẩy đưa của dòng đời nghiệt ngã, cũng có những nhu cầu thể lý và tinh thần, cũng mang trong tim những khát khao về tình yêu cháy bỏng. Thân phận mỏng manh chân yếu tay mềm nhưng khi chọn đời tu, họ đã cho cả thế giới thấy: họ mạnh mẽ hơn bất kỳ ai, vì họ đã dám chọn một lối sống đi ngược dòng đời, lấy lý tưởng dấn thân và phục vụ làm hành trang cho lộ trình thập giá.
Chúa dựng nên người nam và người nữ với những đặc tính và sứ mạng khác nhau. Mỗi người tuỳ theo khả năng và tố chất Chúa ban mà sống và phục vụ thế giới. Có những người được mời gọi để xây dựng hạnh phúc nơi một tổ ấm riêng tư. Và cũng có những người được chọn riêng để đi con đường chẳng mấy ai đi, để làm những điều không ai muốn. Cũng là sống sự hiến dâng, nhưng cuộc đời trớ trêu đã dành cho các nữ tu một chỗ đứng thật mỏng manh thấp hèn nhỏ bé, những thách đố mà các sơ phải đối diện cam go và khó khăn hơn nhiều.
Hệt như bao người nữ khác, các sơ phải làm những bổn phận không tên, những việc chẳng mấy người để tâm đến và cũng chẳng thu hút sự chú ý của ai. Một bài giảng hay của vị linh mục sẽ được người ta trầm trồ, chứ mấy ai quan tâm đến những vất vả của các nữ tu để trang trí bàn thờ, chuẩn bị phòng thánh, tập hát cho ca đoàn. Trong những dịp lễ lớn, người ta dùng những lời lẽ hoa mĩ để cảm ơn các đấng vị vọng đã “hy sinh thời gian quý báu”, chứ mấy ai biết được những hy sinh của các sơ suốt thời gian dài đằng đẵng dạy giáo lý cho các em nhỏ để các em được lớn lên lành mạnh và trưởng thành như hôm nay.
Phụ nữ nào chẳng mong ước một cuộc sống yên bình, có người ở bên chở che bảo vệ giữa giống tố. Nhưng các sơ đã chẳng ngại xông pha đến những vùng truyền giáo xa xôi, sống giữa những người xa lạ, ân cần chăm sóc bệnh nhân, chia sẻ Lời Chúa… mà chẳng biết mình có được an toàn không. Các sơ phải tự kiếm cơm để đảm bảo cuộc sống, phải làm công việc của đàn ông trong nhà, phải tự mình đối diện với những phong ba bão táp. Phận liễu yếu đào tơ, nhưng các sơ buộc phải trở nên thật mạnh mẽ. Các sơ phải che giấu đi cái làm nên nét đẹp của người nữ: phải che đi mái tóc của mình, phải khoác lên mình chiếc áo dòng, phải bỏ hết những vòng vàng trang sức. Nhìn các nữ tu, người ta tự hỏi: sức mạnh nào đã giúp họ trở nên phi thường đến thế ?
Kinh Thánh dùng hình ảnh ví von về sự hiện hữu của người nữ: họ được dựng nên từ xương sườn của người đàn ông. Họ được “lấy ra” từ người đàn ông, để “trở về” với phái nam, làm nên “một xương một thịt” với người ấy. Các nữ tu chắc cũng được dựng nên từ “sườn” của một người nào đó, người mà họ được quyến rũ để thuộc về; vì người đó, họ chấp nhận đánh đổi tất cả, hy sinh tất cả mà vẫn chan chứa một niềm hạnh phúc vô bờ. Người đó có tên là Giêsu.
Các nữ tu chính là những giọt nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu. Họ được nhỏ xuống cõi trần, thấm sâu vào lòng đất, làm nảy sinh những mầm sống yêu thương. Sự hiện diện của các nữ tu hệt như dòng nước mát, chảy đến đâu là trao ban sự sống, giúp xoa dịu cái nóng rát của hận thù, của khô cằn chết chóc. Ở đâu có nữ tu, ở đó có niềm vui, một niềm vui đến từ sự phục vụ âm thầm lặng lẽ, chẳng đòi ai biết đến hay trả công. Các nữ tu dịu hiền như nước, trong sáng và thanh khiết đến lạ kỳ. Từ giọng nói đến nụ cười và cung cách hành xử, tất cả như để chuyển trao một nét tinh khôi thiêng liêng nào đấy.
Các nữ tu chính là những giọt máu đổ ra từ cạnh sườn Chúa. Giọt máu ấy là dấu chứng cho tình yêu Chúa ban cho nhân loại. Giọt máu hồng nhắc nhở người ta, thức tỉnh người ta khỏi giấc ngủ u mê tăm tối. Các nữ tu đã trở nên dấu chứng cho một lối sống quên mình vì người khác, khiêm nhu và ẩn kín trong các bổn phận thường ngày, sốt sắng và bình dị trong những tiếng hát câu kinh, yên vui và hạnh phúc trong một cuộc đời nghèo khó. Đó là những giá trị cao đẹp mà người đời đã quên, nay được khơi dậy bằng bóng hình của các nữ tu nơi khuôn viên bốn bức tường quạnh vắng.
Vâng, họ là những người được sinh ra từ cạnh sườn của Chúa, họ là những người thuộc về Chúa. Họ vốn dĩ xuất thân từ trái tim Chúa, nơi đong đầy tình yêu thương dành cho toàn thể nhân loại. Giữa bao khó nhọc của dòng đời, họ chỉ có một nơi để nương ẩn, là nơi họ tìm đến, nép mình vào mà yên nghỉ và kín múc nguồn sức mạnh vô song. “Người yêu” của họ là chính Chúa Giêsu, họ nên “một xương một thịt” với Giêsu, nên họ chẳng tha thiết điều gì trên trái đất này, chỉ một lòng tìm về bên nguồn hạnh phúc duy nhất và chắc chắn của đời họ là chính Giêsu.
Ngày hôm nay, cành hoa họ nhận được là một sự đụng chạm đến tình yêu Giêsu. Nơi đó, một hương thơm tuyệt mỹ của nhân đức được toả rạng, làm ngây ngất lòng người. Họ không cần một kiểu tình yêu lãng mạn của cảm xúc, không thích thú mấy những món quà vật chất chóng tàn của ai kia. Họ bị mê say bởi khuôn mặt đầy vết tích, bởi vòng gai đang đính chặt vào Giêsu; họ bị lôi cuốn bởi một tình yêu mang tên thập tự, một lối sống lấy hy sinh làm lý tưởng, lấy thiệt thòi làm tiêu chuẩn, mang lấy thương đau của nhân thế vào mình. Điều quyến rũ họ chính là trái tim của Chúa, vì đó là nơi họ được sinh ra, được nuôi dưỡng, được khuôn đúc. Món quà duy nhất mà họ khao khát nhận được chính là ngày càng chìm sâu vào trái tim ấy.
Kính chúc quý sơ luôn giữ mãi trong lòng nét trinh trắng tinh khôi của đời dâng hiến, mỗi ngày nên giống Chúa Giêsu hơn, Đấng đích thực là tình quân của mình. Mong các sơ có thể trở thành những thiên sứ được sinh ra từ cạnh sườn Chúa, thấm vào lòng đất làm nảy sinh một công trình tạo dựng mới, để rồi chính Đức Giêsu trở thành phần thưởng lớn lao dành cho các sơ. Ước chi các sơ mỗi ngày trở nên “một xương một thịt” với Giêsu hơn qua đời sống hy sinh tận hiến, dấn thân phục vụ của mình.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: dongten.net
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024