Những cái lắc tay dễ thương – Cảm nhận sau khi tham dự buổi Cử hành Năm Đức Tin của anh chị em khiếm thị và khiếm thính
Dù tham dự buổi cử hành Năm đức tin cho các anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận như một người dự thính, tôi vẫn nhận được nhiều “cái lắc tay” đáng yêu.
Sáng thứ Bảy 5.10.2013, Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đón tiếp đông đảo anh chị em khiếm thính, khiếm thị… Những chiếc áo, nón đồng phục trắng, đỏ của các anh chị em tạo nên một cảm giác thật dễ chịu. Từng cá nhân, đơn vị, mái ấm như đan hòa vào nhau thành một khối hiệp nhất.
Được biết, đây là lần đầu tiên Ban giáo lý Giáo phận tổ chức cuộc tụ họp các thành phần này, nên anh chị em tham dự rất hân hoan và mong ước có nhiều buổi như vậy nữa…
Trong phần chia sẻ, các anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt đã bày tỏ niềm vui và ấm áp trước sự quan tâm của Ban giáo lý cũng như sự hiện diện của Đức Hồng Y - dù Ngài đang trong thời gian dưỡng bệnh.
Và nhiều cái lắc tay của các em khiếm thính lần lượt, liên tiếp giơ cao để biểu lộ tiếng vỗ tay. Có lúc nhiều cái lắc tay dồn dập, tăng tốc, vì các em quá phấn khích. Niềm vui ấy lan sang tôi, khiến tôi không vỗ tay theo thói quen nữa - như các anh chị em khiếm thị - và chỉ muốn lắc tay lia lịa để được cùng hòa hợp với các bạn khiếm thính…
Rồi khi tham gia băng reo mang tên bạn bè, tôi cũng học được cách nói của người khiếm thính đối với các cụm từ đức ái:
- “Là bạn bè thì: che chở nhau”. Che chở theo cách nói của người khiếm thính là hai cánh tay, vòng ra trước ngực, ôm vào nhau. Bàn tay phải vuốt nhẹ cánh tay trái.
- “Là bạn bè thì: tha thứ cho nhau”. Tha thứ theo ngô ngữ người khiếm thính là bàn tay trái giơ lên trước ngực, mở ngữa ra hướng về phía trước. Rồi bàn tay phải đặt lên bàn tay trái vuốt nhẹ, (như phủi một cái gì)
- “Là bạn bè thì: thương yêu nhau”. Tôi yêu bạn theo cử điệu của người khiếm thính là lấy bàn tay mặt, xếp 3 ngón trỏ, giữa, áp út vào trong (còn ngón tay cái và út xòe ra). Rồi đặt bàn tay mặt đó lên tim của mình.
Chủ đề của buổi gặp gỡ hôm nay là “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Gn 15,14) đã được ban tổ chức diễn tả và thiết kế thật khít khao. Nội dung vở kịch được các chủng sinh năm dự bị ĐCV diễn thật hay, đơn sơ nhưng súc tích và phù hợp với mọi thành phần, lứa tuổi.
* * *
Vở kịch diễn ra trong một sân khấu đơn giản, vài chậu cây được để đây đó. Có một con sâu đang ở gần một gốc cây…
“Con sâu tự thấy mình xấu xí và đang buồn tủi bên gốc cây. Đã vậy chú heo, chú ếch, chú khỉ lại chê bai con sâu, làm chú tự ti thêm. Suốt ngày con sâu cứ chui rúc, lủi thủi một mình ở các gốc cây, không có bạn chơi. Bỗng một hôm kia có chú bướm xinh đẹp kia đến chỗ con sâu ở. Thấy con sâu một mình, nó muốn chơi với con sâu. Ban đầu con sâu không tin vào mắt mình, và luôn miệng hỏi, tại sao con bướm xinh đẹp như vậy lại chịu chơi với mình. Tại sao? Tại sao?
Nhưng trước tâm tình chân thành muốn kết bạn của con bướm, con sâu từ từ vượt qua sự tự ti của mình và vui vẻ, chịu chơi với con bướm. Các con heo, ếch, khỉ thấy vậy thật ngạc nhiên.
Con bướm, con sâu chơi đùa bên nhau, đi tới đi lui, bay qua bay lại, trước cái nhìn ngạc nhiên đó. Đã vậy con bướm còn chỉ vẻ cho con sâu cách hút mật hoa, rồi lại rủ con sâu đến chơi chung với heo, ếch, khỉ nữa.
Đến một ngày kia, con sâu hóa thành chú bướm rực rỡ làm ngỡ ngàng mọi người. Từ đó đôi bạn còn gắn bó với nhau hơn nữa”
Đặc biệt buổi cử hành đức tin hôm nay còn có sự hiện diện của Đức Hồng y TGM. Những lời xin Đức Hồng y cầu nguyện cho gia đình mình hay chính bản thân luôn cầu nguyện cho Đức hồng Y được bày tỏ, khiến bầu khí gia đình của buổi họp mặt thêm sinh động. Bên cạnh người cha chung của Giáo phận, là những đứa con út, cháu chắt,…. Một ấn tượng khó quên là khi một em khiếm thính lên nói chuyện, tặng giỏ hoa cho Đức Hồng y Gioan Baotixita, khiến mọi người thêm xúc động. Em cố gắng phát âm lời mình muốn nói với Đức Hồng y, mà nếu để ý lắng tai nghe, ta sẽ hiểu đôi điều em bộc bạch (dù không có người thông dịch).
Từ buổi gặp gỡ trở về nhà, lòng tôi không khỏi suy nghĩ vấn vương. Có thể nói cuộc cử hành đức tin hôm nay thành đạt, khi chủ điểm được các em xác tín: “Làm sao mỗi em khám phá ra và KẾT BẠN VỚI CHÚA. Vì chính Chúa là người bạn thân, bạn tốt nhất của mỗi người (như lời chia sẻ của một em khiếm thị).
Sau khi tham dự cuộc họp mặt trong Đức tin với các em khiếm thị và khiếm thính trên, tôi bỗng khám phá ra rằng Chúa không chỉ trao cho mình 5 nén vàng để sinh lợi, mà còn nhiều nén lắm. Tuy nhiên, tôi không hề thấy nặng nề, vì tôi chỉ việc cố gắng sống hết mình và yêu mến anh chị em hết tình mà thôi.
Bạn có biết tại sao tôi vẫn cảm thấy nhẹ nhàng trong hiện tại hoặc trước hoàn cảnh đặc biệt của các em không? Vì tôi tin Chúa hằng yêu thương và sẽ lo liệu tất cả cho con cái của Người.
Này em,
Xin cho tôi mang những cái lắc tay xinh đẹp của em vào đời.
Xin cho tôi mang những nụ cười trong sáng, thơ ngây của em vào giấc ngủ.
Để đức tin của tôi gia tăng cùng với niềm niềm hy vọng
Để từng bước chân đi chầm chậm, dò dẫm của chị khiếm thị nở hoa
Sáng nay, Chúa có nghe gì không, thưa Chúa?
Đàn chim nhỏ ríu rít hót ca
Chúng con chung tiếng hát chúc tụng, ngợi khen lòng Chúa thương xót
Cảm tạ Chúa đã dựng nên chúng con
Cám ơn Mẹ Hội Thánh không ngừng yêu thương và chăm sóc chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Tại sao người Công giáo cúi đầu mỗi khi nghe Danh thánh Chúa Giêsu
-
Những ngày cuối cùng của Năm Đức Tin -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 48. Trân trọng sự sống -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 47. Hôm nay và mãi mãi -
Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 46. Bí tích Hôn phối -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 45. Thừa tác vụ linh mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 44. Thừa tác vụ giám mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 43. Bí tích Truyền chức thánh -
Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 42. Bí tích Xức dầu bệnh nhân -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 41. Những hình thức thống hối khác
bài liên quan đọc nhiều
- Tại sao người Công giáo cúi đầu mỗi khi nghe Danh thánh Chúa Giêsu
-
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 25. Thiên Chúa thật và người thật -
Giáo lý Thánh Kinh: Bài 7 - Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 31. Thánh lễ là hy tế -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 27. Ân sủng của bí tích Thêm sức -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 28. Bí tích của các bí tích -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 40. Ăn năn tội và xưng tội -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 45. Thừa tác vụ linh mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 17. Xác và Hồn -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 24. Ân sủng của bí tích Rửa tội