Nhật ký Ad Limina 2009 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (6)
Thứ sáu 26.06.2009
Bộ Đời sống Thánh hiến
Đức Hồng y Franc Rodé, Bộ trưởng Bộ Đời sống Thánh hiến và Huynh đoàn Tông đồ, chào đón đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam bằng những lời nồng nhiệt: “Cuộc thăm viếng này đem lại niềm vui lớn cho chúng tôi. Sau nhiều thử thách, Giáo Hội Việt Nam đã cho thấy sức sống đáng ngạc nhiên. Việc có dồi dào ơn gọi linh mục cũng như tu sĩ nam nữ là một ngoại lệ rất đáng mừng của Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay của Hội Thánh. Chắc chắn đó là hồng ân của Thiên Chúa, nhưng cũng là phần thưởng cho đức tin và lòng trung thành của Dân Chúa tại Việt Nam. Phải hết sức duy trì lòng trung thành với Tin Mừng và Hội Thánh. Đừng để cho sự tự do biến Hội Thánh thành hời hợt, thờ ơ hay ham chuộng vật chất. Đừng để cho sự tự do làm mất đi chiều sâu. Nhiều nơi đang hy vọng đón các thừa sai từ Việt Nam đến.”
Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, chủ tịch Ủy ban Tu sĩ trực thuộc Hội đồng Giám mục, trình bày về tình hình đời tu ở Việt Nam hiện nay: 13.382 nữ tu, 1481 nam tu sĩ, 607 linh mục dòng. Sau năm 1954, Việt Nam bị chia đôi, đời tu phát triển mạnh ở miền Nam, trong khi ở miền Bắc hầu như không còn tu sĩ.
Chỉ trong những năm gần đây các cộng đoàn dòng tu mới hoạt động mạnh mẽ hơn ở miền Nam và bắt đầu được khôi phục ở miền Bắc. Các dòng, các tu hội, các tu đoàn đều có nhà tập. Con số tu sĩ gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Hiện có 175 cộng đoàn tu sĩ, trong đó 133 đã hoạt động từ trước năm 1975, và 42 mới có từ sau năm 1975.
Các hoạt động chính của các tu sĩ gồm: (1) mục vụ: dạy giáo lý, phụ trách thánh ca, phụ trách các hội đoàn…; (2) giáo dục: nhà trẻ, mẫu giáo, giúp sinh viên học sinh…; (3) bác ái: chăm sóc người bệnh (đặc biệt bệnh phong, bệnh aids), người già, cô nhi, khuyết tật, những cô gái lầm lỡ…
Ngoài ra, một số Dòng đã gửi các tu sĩ đi truyền giáo ở nước ngoài. Trong khi các tu sĩ nam ít hơn nhưng lại dồi dào nhân sự đào tạo hơn. Các nữ tu đông hơn nhiều, nhưng lại khó khăn hơn về vật chất cũng như về nhân sự.
Nói chung việc đào tạo gặp khó khăn vì thiếu nhân sự, tài liệu và kinh phí. Nhìn về tương lai, giới tu sĩ Việt Nam có rất nhiều triển vọng: sẽ tiếp tục phát triển và sẽ phục vụ Hội Thánh đắc lực hơn. Đức Hồng y Bộ trưởng đánh giá bản tường trình là rất tích cực. Một vài khó khăn thì ở đâu cũng có, phải chấp nhận và cố gắng vượt qua, Bộ sẵn lòng giúp trong những gì có thể làm được.
Sau khi các Đức cha nêu một số câu hỏi và các chuyên viên giải đáp, Đức Hồng y Bộ trưởng kết luận: “Cha Matteo Ricci đã làm tất cả những gì làm được để đức tin công giáo trở nên gần gũi với văn hóa Trung Hoa. May mắn là tâm hồn người Việt Nam gần như đồng khuôn với Tin Mừng, nên viễn tượng Phúc Âm hóa thật là lạc quan. Nhìn vào hiện trạng đời tu ở Việt Nam, có thể nói như triết gia vô thần Nietzsche nói về văn hóa Hy Lạp: “Dân tộc này đã phải hy sinh bao nhiêu mới tạo được bấy nhiêu vẻ đẹp!”
Hội đồng Tòa thánh về Mục vụ Di dân
Để có thể tiếp xúc với tất cả các Bộ và Hội đồng Toà thánh, các giám mục Việt Nam không chỉ làm việc vào buổi sáng mà còn tận dụng cả buổi chiều.
Chiều hôm nay, lúc 16g30, các giám mục có mặt tại Văn phòng của Hội đồng Toà thánh về Mục vụ Di dân.
Đức Hồng y Chủ tịch, Đức cha Tổng thư ký và một số đông các viên chức thuộc Hội đồng này đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc gặp gỡ. Trước hết, các ngài đề nghị phương pháp làm việc cho buổi gặp gỡ: giới thiệu đôi nét về Hội đồng Toà thánh về Di dân, lắng nghe các giám mục Việt Nam trình bày, trao đổi về những điểm cần thiết, sau đó các chuyên viên thuộc Hội đồng sẽ trình bày những khía cạnh khác nhau trong lãnh vực mục vụ này.
Trong phần giới thiệu về Hội đồng, Đức Hồng y Chủ tịch cũng như Đức cha Tổng thư ký đã nhấn mạnh đến chiều kích mục vụ, và trong ý hướng đó, các ngài nói đến ba hoạt động chính là: khơi dậy ý thức về lãnh vực mục vụ quan trọng này, thúc đẩy những sáng kiến nhằm đáp trả nhu cầu được đặt ra, và phối hợp các Giáo Hội địa phương cũng như các tổ chức quốc tế trong nỗ lực giải quyết các vấn đề mục vụ.
Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã trình bày cho Hội đồng Toà thánh biết về tình hình di dân tại Việt Nam, di dân trong nước từ nơi này sang nơi khác cũng như di dân Việt Nam ở nước ngoài.
Từ đó, ngài cho thấy nhu cầu đào tạo những nhân sự có khả năng giúp anh chị em di dân vừa hội nhập tích cực vào môi trường mới, lại vừa giữ được căn tính của mình và gắn bó với môi trường gốc của mình. Công việc đào tạo đó đòi hỏi những phương tiện tối thiểu, đồng thời mục vụ di dân đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nơi từ đó anh chị em di dân ra đi và nơi họ tới để sinh sống và làm việc.
Đức Hồng y cũng đề nghị Hội đồng Toà thánh, trong khả năng có thể, giúp đỡ cho Giáo Hội Việt Nam trong lãnh vực này. Tiếp theo phần trình bày chính thức của Đức Hồng y, một vài giám mục cũng đề cập đến những khía cạnh khác mà các ngài đặc biệt quan tâm.
Sau khi lắng nghe các giám mục Việt Nam, Đức cha Tổng thư ký của Hội đồng Toà thánh đã có những góp ý cụ thể, rồi ngài mời các chuyên viên từng người trình bày vắn tắt về một số lãnh vực liên quan đến mục vụ di dân. Phần trình bày này cho thấy Hội đồng Toà thánh không chỉ quan tâm đến những anh chị em di dân mà còn có những lãnh vực khác, ví dụ những người đi biển, khách du lịch và hành hương, mục vụ giao thông trên đường phố… Tất cả được gọi chung là “những người đang di chuyển” (people on the move). Đây là vấn đề mục vụ rất lớn trong một thế giới không ngừng chuyển động như thế giới ngày nay.
Dù còn nhiều điều muốn trao đổi nhưng các giám mục Việt Nam phải chào tạm biệt Hội đồng Tòa thánh về Di dân để đến thăm Hội đồng Toà thánh về Công lý và Hoà bình.
Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình
Đây là Hội đồng Toà thánh mà Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận từng làm Chủ tịch; vì thế, khi tiếp đoàn giám mục Việt Nam, Đức Hồng y Martino là vị chủ tịch hiện nay đã lập tức nhắc đến Đức Cố Hồng y với tất cả lòng kính phục và yêu mến.
Ngài cho biết Hội đồng rất tha thiết với việc thúc đẩy tiến trình xin phong chân phước cho Đức Cố Hồng y. Đồng thời ngài cũng chân thành cảm ơn Giáo Hội Việt Nam đã cống hiến cho Giáo Hội toàn cầu một tấm gương thánh thiện như Đức Cố Hồng y Phanxicô, và ngài ca ngợi các giám mục Việt Nam đã can đảm và khôn ngoan hướng dẫn Dân Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn.
Thay lời cho Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã trình bày những hoạt động của Ủy ban Bác ái Xã hội thuộc HĐGMVN.
Bài trình bày cho thấy nhiều vấn đề mà xã hội Việt Nam đã và đang phải đối diện: tình trạng đói nghèo, tham nhũng, nền giáo dục thiếu sót, nạn bạo hành trong gia đình, nạn phá thai tràn lan, nạn mãi dâm, ma túy…
Trước tình trạng trên, một đàng, HĐGMVN dựa vào giáo huấn của Giáo Hội để hướng dẫn anh chị em tín hữu; đàng khác, thông qua Ủy ban Bác ái Xã hội, HĐGMVN cố gắng có những đóng góp cụ thể. Điều đáng lưu ý là Ủy ban Bác ái Xã hội không chỉ quan tâm đến việc cứu trợ cấp thời nhưng nhấn mạnh đến đào tạo con người. Vì thế, Ủy ban đang biên soạn những tài liệu nhằm cổ vũ các giá trị tích cực và giới thiệu các kỹ năng sống để giúp cho người dân sống đúng với phẩm giá con người hơn.
Đức Hồng y Martinô rất vui khi được biết cuốn “Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội” đã được dịch sang tiếng Việt, vì đây là tài liệu căn bản để các tín hữu quy chiếu vào và góp phần xây dựng xã hội như Giáo Hội mong ước. Ngài cũng mời các giám mục Việt Nam nêu lên những vấn đề các ngài quan tâm và ngài chia sẻ lại suy nghĩ của ngài cách cởi mở, chân tình.
Buổi làm việc kết thúc lúc 19g00, chỉ còn đủ giờ cho đoàn giám mục Việt Nam trở về nhà nghỉ ngơi một chút trước bữa tối.
bài liên quan mới nhất
- Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể lúc 08G00 Ngày 20/12/2024
-
Hành trình cuộc đời và con đường sứ mạng của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa -
Hội đồng Giám mục Việt Nam dựng bia ghi ơn Hội Thừa sai Paris -
Thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ Công Viện Ngày 28/11/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện ngày 28/11/2024 -
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Kỳ họp Thường niên Ủy ban Công lý - Hòa bình 2024: Trái đất và môi sinh -
Khai mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XX -
Khẩu hiệu và huy hiệu Đức Giám mục Phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô