Nhà thờ Chánh Tòa Đức Bà Sài Gòn: 50 năm nhận tước hiệu Vương cung Thánh đường

Nhà thờ Chánh Tòa Đức Bà Sài Gòn: 50 năm nhận tước hiệu Vương cung Thánh đường

WHĐ (8.12.2009) – Năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm cung hiến Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn (9-12-2009) diễn ra trong bối cảnh Năm Thánh 2010, WHĐ xin giới thiệu đôi nét về ngôi thánh đường lịch sử này.

Vào những ngày này năm mươi năm về trước, tức vào năm 1959, nhà thờ Chính tòa được Tòa thánh Vatican nâng lên hàng Vương cung Thánh đường và Đức Hồng y Agagianian, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, đã làm phép tượng Nữ Vương Hoà Bình đặt trong công viên trước nhà thờ, nhân dịp ngài tới Sài Gòn.

Vương cung thánh đường là một tước hiệu Giáo hoàng ban cho một số nhà thờ đặc biệt. Có hai loại Vương cung thánh đường: Đại và Tiểu Vương cung thánh đường. Trong Giáo hội Công giáo hiện nay, chỉ có bốn Đại Vương cung thánh đường. Tất cả đều ở tại Roma. Đó là các nhà thờ thánh Gioan Latêranô, nhà thờ thánh Phêrô ở Vatican, nhà thờ thánh Phaolô ngoại thành và nhà thờ Đức Bà Cả. Các Tiểu Vương cung thánh đường thì nhiều và không chỉ có ở Roma mà còn có ở các nơi khác nữa. Riêng tại Roma, có mười một Tiểu Vương cung thánh đường. Tước hiệu này cũng được ban cho một số nhà thờ ngoài Roma. Tại Việt Nam, có hai nhà thờ được nâng lên hàng Vương cung thánh đường nhân dịp thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960. Đó là nhà thờ Đức Bà Sàigòn và nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Ngoài ra, Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Nhai, giáo phận Bùi Chu, cũng đã được nâng lên hàng Vương cung thánh đường hồi tháng 8-2008.

Nhà thờ chính toà của Tổng giáo phận Sài Gòn – Tp. HCM hiện nay nằm tại số 1 Quảng trường Công xã Paris, quận 1.

Sau khi được bổ nhiệm phụ trách giáo phận Sài Gòn, Đức giám mục Colombert đã nghĩ tới việc xây dựng một ngôi nhà thờ mới kiên cố, xứng đáng với vị trí của Sài Gòn lúc bấy giờ, thay thế cho ngôi nhà thờ chính tòa được khởi đầu xây dựng vào cuối tháng 3-1863, một nhà thờ bằng gỗ, lợp ngói và chỉ tồn tại được năm năm sau ngày khánh thành.

Cuối năm 1876, một cuộc thi vẽ kiểu và làm đồ án xây dựng Nhà thờ Chính tòa cho nguy nga xứng hợp với đô thị Tây phương tại Á đông. Kiểu cách và đồ án của kiến trúc sư Bourard, một chuyên gia về các công trình kiến trúc tôn giáo, đã được lựa chọn trong số 18 đồ án xây dựng được đệ trình từ tháng 8-1876. Được biết, đề án xây dựng các công trình quan trọng của thành phố trong thời điểm này thường được tuyển chọn trong một số đề án do các kiến trúc sư khác nhau thiết kế. Đức giám mục Colombert là người đặt viên đá đầu tiên (7-10-1877), và cũng là người cử hành nghi lễ khánh thành (11-4-1880) ngôi nhà thờ mới này. Sau khi qua đời, Đức cha Colombert đã được chôn ngay trong công trình mà ngài đã có công xây dựng nên.

Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn là một công trình kiến trúc theo phong cách roman, kiểu kiến trúc thịnh hành tại châu Âu vào các thế kỷ XI và XII, có chiều dài 91m, rộng 35,5m, vòm mái cao 21m, chiều cao của hai tháp vuông kể từ đất là 36,6m, nều tính cả hai chóp tháp chuông do kiến trúc sư Gardès thêm vào năm 1885, thì chiều cao này sẽ là 57m. Lòng nhà thờ gồm ba gian và một hành lang quanh chính điện. Nhà thờ được trang trí với 56 cửa kính mầu mô tả các nhân vật hay sự kiện trong Thánh Kinh và là một trong những nét độc đáo của công trình kiến trúc này, 31 hình bông hồng tròn và 25 cửa sổ mắt bò, tất cả bằng hình trang trí ghép mảnh. Rất tiếc là tai ương, bom đạn, chiến tranh đã làm vỡ một số lớn kính mầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hình dung được vẻ rực rỡ của buổi ban đầu từ số kính ghép mầu còn lại. Bên trong nhà thờ có một cây đàn đại phong cầm nhưng cây đàn trước hiện nay đã hư hỏng. Thay vào đó, năm 2005, nhân dịp khai mạc năm kỷ niệm 125 năm khánh thành nhà thờ Đức Bà, có người đã dâng cho nhà thờ một cây đàn ống khác.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top