Người dân tộc được rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh đông kỷ lục

Người dân tộc được rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh đông kỷ lục

Hàng trăm anh em dân tộc ở Tây Nguyên đã chịu phép Thánh Tẩy bởi các tu sĩ Phanxicô trong các lễ Vọng Phục sinh tại các nhà nguyện chưa được chính quyền chính thức công nhận.

“Có 416 anh chị em dân tộc từ 51 làng đã được rửa tội trong thánh lễ Vọng Phục sinh tại bốn nhà nguyện” – thầy Phêrô Nguyễn Trung Phát, đang sống giữa người dân tộc, cho biết.

Thầy Phát nói thêm: “Đây là con số người theo đạo kỷ lục kể từ khi chúng tôi bắt đầu công tác truyền giáo cho anh em dân tộc vào năm 2007. Lúc đó, số người được rửa tội là 30, sau đó tăng dần lên 50 và 80”.

Các ngôi làng này thuộc huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai.

Theo thầy Phát, chính quyền địa phương vẫn chưa chính thức công nhận các ngôi nhà nguyện này cũng như sự hiện diện và công tác mục vụ của anh em Phanxicô tại các giáo điểm xa xôi. “Chúng tôi phải trung tín với sứ mạng truyền giáo mặc dù chính quyền địa phương đã từng đề nghị Dòng không vào tiếp cận các khu vực được kể như là vùng trắng về mặt tôn giáo” – thầy khẳng định.

Theo vị tu sĩ này, có khoảng 100 giáo lý viên người dân tộc cộng tác vào việc dạy chương trình giáo lý một năm cho các dự tòng trong làng. “Họ làm việc âm thầm nhưng rất hiệu quả vì họ biết rõ ngôn ngữ lẫn phong tục địa phương” – thầy nhận xét.

Hàng tuần chị giáo lý viên Maria Rơchâm H’Đe phải dong duỗi trên những con đường đất đỏ trong đường kính 30 km để dạy giáo lý cho đồng bào của mình. Người phụ nữ 29 tuổi thuộc dân tộc Jarai nói rằng: “Đây là công tác nguy hiểm bởi vì chúng tôi là phụ nữ mà lại phải đi xe máy ngang qua các khu rừng vào ban đêm”.

Nữ tân tòng Puih Klơn nói rằng chị mù chữ nên phải “học thuộc lòng tất cả mọi bài giáo lý, nghi thức thánh lễ, công thức xưng tội, kinh nguyện hằng ngày và thậm chí cả Kinh Thánh nữa.” Cùng với hai con nhỏ và chồng, chị được rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh tại ngôi nhà nguyện không có ghế. Khoảng 400 giáo dân ngồi trên nền nhà của ngôi nhà nguyện được dựng tạm bằng các lá tôn rỉ sét và 600 người khác phải đứng dự lễ ngoài sân dưới trời mưa.

Anh Puih Boch bộc bạch: “Mình rất hối hận vì đã thường xuyên đánh vợ con sau khi say xỉn. Vì thế, mình xin rửa tội để Chúa Giêsu tha thứ và ban bình an”.

Anh nói anh đã phải vượt qua sự cấm đoán của già làng bởi “ông ta kết tội tôi là bỏ thần nước, thần rừng, thần nhà để đi theo Đức Giêsu. Ngày xưa, già làng đã từng trục xuất người tân tòng đầu tiên ra khỏi làng nhưng ngày nay thì không thể làm thế vì quá nhiều người theo Đạo”.

Hiện có 12 anh em Phanxicô phục vụ anh em Bana, Jarai, Sêđăng qua các hình thức chăm sóc sức khỏe, cứu đói, giáo dục mầm non, cung cấp nước sạch hoặc gia súc. Họ còn huấn luyện người trẻ một số kỹ năng nghề nghiệp như may vá, dệt thổ cẩm hoặc sư phạm mầm non. Hiện nay là 4.600 người dân tộc và 1.400 người Kinh đang được anh em coi sóc.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top