Ngôi mộ trống
“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào.
Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).
Vào thuở bình minh của nhân loại, trước khi Thiên Chúa tạo dựng đất trời và muôn loài muôn vật, thế giới là một mớ hỗn mang, bóng tối bao trùm vực thẳm (x. St 1,2).
Vào lúc Thiên Chúa chuẩn bị thực hiện một cuộc sáng tạo mới, các môn đệ đứng trước một ngôi mộ trống ảm đạm, trong tâm trạng bi quan và hoảng loạn (x. Ga, 20,19).
Trong công trình sáng tạo thuở ban đầu, Thiên Chúa đã dùng Lời của Ngài làm cho muôn vật muôn loài từ hư vô trở thành hiện hữu (x. St 1,1-25).
Trong công trình sáng tạo mới, Thiên Chúa đã qua Ngôi Lời nhập thể để quy tụ muôn loài muôn vật trong ánh sáng của sự phục sinh (x. Ep 1,10).
Khởi từ giấc ngủ của Ađam thứ nhất, Thiên Chúa đã tạo dựng người phụ nữ có tên là Evà, là mẹ của chúng sinh (x St 2,21).
Khởi từ sự chết của Đức Giêsu, vị Ađam cuối cùng, Thiên Chúa làm phát sinh cộng đoàn tín hữu có tên là Giáo Hội, xinh đẹp, không tỳ ố không vết nhăn (x. Ep 5,27).
Ngôi mộ trống của ngày thứ nhất trong tuần là khởi nguồn của biết bao suy tư.
– Ngôi mộ trống nói với chúng ta về quyền năng của Thiên Chúa
Nếu ngôi mộ trống là lý do để một số kỳ lão Do Thái phao tin đồn các môn đệ đã lấy cắp xác người đã được an táng trong mộ, thì đối với các tín hữu, ngôi mộ trống lại là bằng chứng của quyền năng Thiên Chúa. Nếu vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, khi các phụ nữ ra viếng mộ mà họ vẫn còn thấy ngôi mộ đóng kín, thì đó là chuyện rất đỗi bình thường, vì cái chết của Đức Giêsu cũng chỉ giống như cái chêt của biết bao người khác trong cõi nhân sinh này. Người đã chết vẫn nằm trong ngôi mộ, có gì đặc biệt mà phải ầm ĩ? Nhưng không, các phụ nữ ngạc nhiên và lo sợ vì họ “không thấy thi hài Đức Giêsu đâu cả” (Lc 24,3). Cả bốn tác giả Tin Mừng đều thuật lại hiện tượng này. Mặc dù cách thức diễn tả có khác nhau, nhưng cả bốn vị đều nhằm khẳng định: ngôi mộ trống!
Chính từ ngôi mộ trống này mà quyền năng Thiên Chúa thể hiện. Bởi lẽ nếu ngôi mộ trống, tức là thân xác Đức Giêsu không còn ở đó nữa. Người đã sống lại. Các thiên sứ loan báo Đức Giêsu sống lại qua câu hỏi dành cho những phụ nữ: “Sao các bà lại tìm người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24,5). Trước đó, các bà đã từng chứng kiến cơn hấp hối đau thương của Đức Giêsu trên thập giá (x. Lc 23,49). Giờ đây, tin Chúa sống lại quá đột ngột đối với các bà, khiến các bà vừa sợ hãi vừa vui mừng.
Vâng, Thiên Chúa là Đấng quyền năng trên sự sống và sự chết. Đức Giêsu đã nhiều lần loan báo cái chết của Người, nhưng sứ mạng của Người không dừng lại ở nấm mồ, cuộc đời của Người không kết thúc ở cái chết. Người đã trỗi dậy giữa những kẻ chết nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Sinh thời, Đức Giêsu đã làm cho ông Ladarô chết bốn ngày được sống lại. Giờ đây, chính Người bước ra từ nấm mồ, vì Người là Thiên Chúa quyền năng. Người là chủ sự sống. Người có quyền trên sự chết. Người đã chiến thắng sự chết và qua đó, Người giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi do sự chết ám ảnh.
– Ngôi mộ trống nói về Thiên Chúa,
Đấng vừa hiện diện vừa vắng mặt giữa chúng ta
Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời này. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự hiện hữu của Ngài:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa
Không trung loan báo việc tay Ngài làm” (Tv 19,2).
Thiên Chúa hiện hữu mọi nơi. Ngài là Đấng quyền năng, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian:
“Con có lên trời, Chúa đang ngự đó
Nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài” (Tv 139,8)
Tuy vậy, chúng ta lại không thể cảm nhận Thiên Chúa bằng giác quan, như chúng ta thường gặp gỡ tiếp xúc những người xung quanh. Vì vậy, có tác giả đã gọi sự hiện diện của Thiên Chúa là “sự-hiện-diện-vắng-mặt”. Ngài ở đây, nhưng ta lại không nhìn thấy. Ngài vẫn có quanh ta, nhưng lại không giáp mặt Ngài. Người ta không thể làm thế nào để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa như chứng minh một định đề toán học hay một sự vật trong thế giới thực nghiệm, nhưng người ta cũng không thể phủ nhận được sự hiện hữu của Ngài trong kiếp nhân sinh.
Ngôi mộ trống muốn nói với chúng ta: mặc dù chúng ta không thể chạm tới Thiên Chúa bằng những tiếp xúc thể lý, nhưng Ngài vẫn hiện diện trong cuộc đời này. Nếu chúng ta không thể gặp gỡ Ngài “mặt giáp mặt”, thì chúng ta lại có thể gặp gỡ Ngài qua cái nhìn của đức tin và tình mến. Chính vào lúc chứng kiến cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, viên đại đội trưởng đã tuyên bố: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Ông nhận ra sứ mạng thiên sai của Đức Giêsu không phải vào một thời điểm vinh quang huy hoàng, nhưng lại vào giây phút khổ đau đến tột cùng của con người bị treo trên cây gỗ.
Hiệu quả của công cuộc cứu độ do Đức Giêsu thực hiện cũng là một thực tại vừa “đã rồi” vừa “chưa xong”. Quả vậy, Nước Trời Đức Giêsu loan báo đã khởi đầu trong cuộc sống hôm nay, nhưng đang từng bước tiến triển và chưa hoàn thành. Giáo Hội là cộng đoàn tín hữu do chính Đức Kitô thiết lập. Cộng đoàn này là một dân lữ hành đang trên đường tiến về đời sau. Vì là một dân lữ hành nên còn nhiều khiếm khuyết, cần được thanh tẩy và tinh luyện mỗi ngày, cho tới khi đạt được hạnh phúc trọn hảo đời sau.
– Ngôi mộ trống nói với chúng ta về cuộc sống con người
Vừa mang tính hiện tại vừa hướng về tương lai
Mỗi ngày, có biết bao khách hành hương tuôn về Giêrusalem để viếng nhà thờ Mộ thánh, nơi còn ngôi mộ đã an táng Đức Giêsu. Họ đến đây để cùng suy tư về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu cách đây 2000 năm. Ngôi mộ trống ở Giêrusalem hôm nay vừa nhắc chúng ta về cuộc khổ nạn của thời quá khứ, vừa hướng chúng ta về với tương lai. Mỗi khi dừng lại bên nấm mộ của người thân, mỗi chúng ta đều trải nghiệm về sự mỏng giòn chóng qua của kiếp con người. Ngôi mộ trống vẫn mở ra từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần cách đây 2000 năm là một lời tuyên xưng vào sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Đức Giêsu. Vâng, sau một cuộc đời được đan xen giữa những vui mừng và đau khổ, thất bại và thành công, thật là một điều phi lý nếu con người bị chôn vùi mãi mãi trong lòng đất. Đức tin Công giáo tuyên xưng “xác loài người ngày sau sống lại”. Tuy vậy, dù được sống lại, số phận của mỗi người lại không giống nhau: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đn 12,2).
Giáo lý Công giáo dạy: Nơi Đức Giêsu phục sinh, các Kitô hữu được nếm “những sức mạnh của thế giới tương lai và đời sống của họ được Đức Kitô lôi cuốn vào trong lòng đời sống thần linh, “để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 655).
Ngôi mộ trống nói với chúng ta: con người không chỉ có phần xác mà còn là phần linh hồn; không chỉ có hôm nay mà còn có ngày mai. Thật lạ lùng, từ 20 thế kỷ nay, ngôi mộ trống bình thường là thế mà lại thu hút biết bao khách hành hương tiến về Giêrusalem. Khá nhiều người đến cầu nguyện nơi đây đã được thay đổi cuộc đời. Họ đã nhận ra Thiên Chúa từ một ngôi mộ trống. Họ nhìn thấy tương lai từ một tấm huyệt mở. Họ đã gặp gỡ chính bản thân mình qua không gian đơn sơ mà linh thiêng này.
Dù chúng ta không thể hành hương đến Giêrusalem, ngôi mộ trống vẫn đang hiện diện giữa chúng ta. Lễ Phục sinh chuyển tải đến chúng ta một thông điệp: người tín hữu được sống lại cùng Đức Kitô, hãy cùng nắm tay nhau để giới thiệu một Thiên Chúa đang hiện diện, để cùng xây dựng tương lai từ ngày hôm nay.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh
-
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024