Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh
Lễ Giáng sinh là cử hành phụng vụ duy nhất có bốn Thánh lễ: Lễ Vọng, Lễ Đêm, Lễ Rạng đông và Lễ Ban ngày. Các bài đọc trong bốn Thánh lễ này giống nhau trong cả ba chu kỳ phụng vụ.
NHỮNG NGÀY LỄ PHỤNG VỤ
Ngày 25 tháng 12
Đại lễ Giáng sinh
Từ khởi đầu, các Kitô hữu đã kỷ niệm những gì Chúa Giêsu đã thực hiện để cứu độ nhân loại. Họ làm điều này vào mỗi Chúa nhật, ngày Chúa sống lại, và như một đại lễ hàng năm vào Chúa nhật sau trăng tròn đầu tiên của xuân phân – Chúa nhật Phục sinh.
Vào đầu thế kỷ IV, lịch phụng vụ bắt đầu phát triển, nhấn mạnh giá trị của Chúa Giêsu “lịch sử.” Thứ Sáu Tuần Thánh được thêm vào để tưởng nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu, cùng với Bữa Tiệc Ly... Trong quá trình đó, lễ Giáng sinh – ngày Chúa Giêsu chào đời – cũng được thêm vào. Bằng chứng đầu tiên về việc cử hành lễ Giáng sinh của Chúa được ghi nhận vào năm 336. Không lâu sau, tại Giáo hội Đông phương, lễ Giáng sinh cũng được bắt đầu và được cử hành vào ngày 6 tháng 1. Ngày lễ Giáng sinh gắn liền với lễ hội của người ngoại giáo mừng sinh nhật thần mặt trời bất khả chiến bại (Natale Solis Invicti), do Hoàng đế Aurelian thiết lập vào năm 274 để tôn kính thần Mặt trời Emesa của Syria, được tổ chức vào ngày 25 tháng 12.
Lễ Giáng sinh là cử hành phụng vụ duy nhất có bốn Thánh lễ: Lễ Vọng, Lễ Đêm, Lễ Rạng đông và Lễ Ban ngày. Các bài đọc trong bốn Thánh lễ này giống nhau trong cả ba chu kỳ phụng vụ. Cách chọn lựa này nhằm diễn tả và làm nổi bật – như thể quay chậm lại – một Biến cố đã thay đổi dòng chảy lịch sử nhân loại: Thiên Chúa làm người.
Vọng: Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Ápraham… Mátthan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô (Mt 1,1-25).
Đêm: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,1-14).
Rạng đông: Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra…” Họ liền hối hả ra đi… Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa (Lc 2,15-20).
Ban ngày: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,1-18).
Hôm nay, Ánh sáng đã đến trong thế gian. Hôm nay, như suốt hơn hai ngàn năm qua, Ánh sáng ấy xua tan bóng tối và chiếu soi chúng ta. Ánh sáng đó có một khuôn mặt và một tên gọi: Chúa Giêsu Kitô, như ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Lễ Đêm, Is 9,1-6). Người là Ánh sáng thế gian chiếu soi bóng tối (Ga 1,9; 3,19; Lễ Ban ngày). Người là Niềm Trông cậy không làm thất vọng (Rm 5,5). Chúa Giêsu, từ gốc rễ và dòng dõi Đavít (x. 2 Sm 7,8tt), ứng nghiệm lời hứa mà Thiên Chúa dành cho Vua Đavít (Chúa nhật IV Mùa Vọng). Chúa Giêsu là Sao mai sáng ngời (Kh 22,16).
Biến cố
Đây là lễ Giáng Sinh: một Thực tại, một Biến cố đã thay đổi dòng lịch sử. Thiên Chúa đã trở thành người để chúng ta trở thành con cái của Ngài (x. Thánh Irênê). Biến cố này quan trọng và mang tính quyết định đến nỗi phụng vụ muốn chúng ta cảm nghiệm từng chút một, bằng cách dành cho chúng ta không chỉ một, mà đến bốn Thánh lễ Giáng sinh khác nhau: Lễ Vọng (khoảng 6 giờ tối), Lễ Đêm (thường từ 9 giờ đến 12 giờ đêm), Lễ Rạng đông (từ 7 giờ đến 9 giờ sáng), và Lễ Ban ngày (từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều). Những Thánh lễ này giúp chúng ta cảm nếm niềm vui trọn vẹn của Biến cố đã làm ngạc nhiên/đảo lộn mọi dự tính nhân loại.
Đây chính là niềm vui Giáng sinh: “Hôm nay… Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em, Ngài là Đức Kitô, là Chúa” (Lc 2,11; Lễ Đêm). Chúa Giêsu đến gần chúng ta để nói rằng chúng ta đừng sợ hãi, để phá vỡ sự thờ ơ giữa chúng ta, vì Thiên Chúa, trong Đức Giêsu, Con Ngài, đã mặc lấy nhân tính của chúng ta, vốn bị tổn thương bởi tội lỗi, để cứu chuộc chúng ta.
Các chi tiết lịch sử
Bản văn của Thánh Luca, mà chúng ta được nghe trong Lễ Đêm, chứa đầy các chi tiết về thời gian và lịch sử: “Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri…” (Lc 2,1-2). Những chi tiết này thoạt nhìn có vẻ không quan trọng vì chúng ta chỉ háo hức đón nhận tin mừng rằng Chúa Giêsu đã giáng sinh. Tuy nhiên, chúng không phải là những chi tiết phụ, vì chúng cho thấy việc Chúa Giêsu giáng sinh không phải là một “câu chuyện cổ tích,” mà là một sự kiện hoàn toàn có thật trong lịch sử.
Gia phả
Theo Tin Mừng được công bố trong Lễ Vọng Giáng sinh, Chúa Giêsu được đặt vào một gia phả không hoàn hảo lắm. Tuy nhiên, Người đã chấp nhận bước vào lịch sử gia đình này, nơi mà không có các vị thánh nổi bật. Danh sách dài bao gồm các tổ phụ và các vua trước thời lưu đày Babylon. Một số vị vua trung thành, nhưng cũng có những vị khác thờ ngẫu tượng, vô đạo đức và sát nhân. Có rất nhiều điều để nói về Vua Đavít, trong đó lòng trung thành với Thiên Chúa đan xen với tội lỗi và tội ác (chúng ta có thể nhớ đến tội lỗi mà ông đã thú nhận trong Thánh Vịnh 50 sau khi sát hại Uria).
Gia phả của Chúa Giêsu đóng vai trò như một lời chứng và xác nhận rằng Người thuộc "dòng dõi Vua Đavít" (x. Mt 1,6tt), và rằng lời hứa Thiên Chúa đã hứa ban cho Đavít, rằng Người sẽ xây dựng cho ông "một ngôi nhà" (x. 2 Sm 7), đã được hoàn tất trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Gia phả cho thấy Chúa Giêsu là một phần của một câu chuyện lớn hơn – điều này áp dụng cho Chúa Giêsu với tư cách là Con Người – và là Đấng khai mở một câu chuyện mới.
Đằng sau mỗi cái tên, dù đôi khi có vẻ bí ẩn, là một câu chuyện về cách Thiên Chúa đã làm cho mọi điều trở nên khả thi. Đó là một trang sử cho thấy đằng sau mỗi khuôn mặt là một người được Thiên Chúa chọn lựa và đã được Người hứa ban. Điều này đã từng đúng trong quá khứ và cũng đúng cho đến ngày nay. Chúng ta cũng được “kêu gọi” bởi ân sủng của Thiên Chúa. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16). Chúng ta không được kêu gọi vì công trạng của mình, mà nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở” (Gr 31,3). Đây là điều chúng ta có thể chắc chắn: “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi” (Is 49,1).
Cũng như trong quá khứ, ngày nay Chúa Giêsu cũng tiếp tục bước vào câu chuyện này và mời gọi chúng ta nhìn xa hơn. Người mời gọi chúng ta đọc lại thời điểm lịch sử và xã hội đặc thù này, không phải như một chuỗi những thất bại đáng than thở, mà với Ánh sáng từ trên cao và soi sáng tất cả.
Suy cho cùng, ngay cả Thánh Giuse và Đức Maria cũng không ở trong một hoàn cảnh dễ dàng…
Máng cỏ
"Bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ" (x. Lc 2,6-7; Lễ Đêm). Thiên Chúa, Cha toàn năng, qua Đức Maria, đã đặt Con Một của Người vào máng cỏ – Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Hài Nhi này khởi đầu (archē trong tiếng Hy Lạp) một Vương quốc mới, một Lịch sử Cứu độ mới: một vương quốc của công lý và hòa bình, của tình yêu và chân lý.
"Bà đặt con nằm trong máng cỏ". Động từ Hy Lạp ám chỉ tư thế mà người ta thường ngồi khi ăn vào thời đó. Nhưng Hài Nhi Giêsu lại nằm trong máng ăn của súc vật, một nơi thu hút côn trùng và bụi bẩn từ động vật. Khởi đầu ấy gợi ý về toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu: các thiên thần hát ca trên trời nhưng dưới đất, vua Hêrôđê tìm cách sát hại Người; hôm nay Người được dân chúng tung hô, ngày mai bị chính đám đông ấy kết án Người. Có ngày người ta muốn tôn Người làm vua, nhưng cũng có ngày Người bị đóng đinh trên thập giá như một tội nhân. Sự tương phản giữa vinh quang và sự khước từ là dấu hiệu xuyên suốt đời sống của Hài Nhi này.
Tuy nhiên, còn một chi tiết khác thường thấy trong các bức icon. Hài Nhi này được đặt ở nơi mà các con vật tìm thức ăn. Hài Nhi này, Đấng cần được nuôi dưỡng để lớn lên, ngay từ ban đầu đã được ca ngợi là “bánh” nuôi dưỡng mọi người: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Qua những chi tiết này, Hài Nhi tỏ lộ cho chúng ta biết Người là ai, đồng thời chỉ ra con đường để cuộc đời chúng ta trở nên tươi đẹp. Trong một thời đại mà con người trở thành nô lệ cho những ham muốn hời hợt của mình, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy một cuộc sống mới, có thể sắp xếp lại những đam mê hỗn loạn vốn không thỏa mãn điều gì ngoại trừ mong muốn tự lừa dối chính mình rằng “chúng ta giống như Thiên Chúa”, rằng chúng ta có thể tự khẳng định và giải thoát khỏi Thiên Chúa, hậu quả của tội nguyên tổ: “Người đàn bà thấy trái cây đó: ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý. Vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở với mình; ông cũng ăn” (St 3,6). Từ máng cỏ, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết nuôi dưỡng bản thân bằng những điều quan trọng, để từ chỗ là những kẻ ăn uống vô độ, chúng ta trở nên “bánh tự trao ban”. Chỉ cần nhớ rằng cơn cám dỗ đầu tiên của Chúa Giêsu trong sa mạc đã liên quan đến chính khái niệm “thức ăn”: “Truyền cho những hòn đá này hóa thành bánh đi… Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,3-4), qua đó cho thấy phong cách mà chúng ta cần noi theo.
Tấm tã bọc
Đức Maria đã “lấy tã bọc” Hài Nhi. Dù đang ở trong hoàn cảnh bấp bênh, Mẹ vẫn sắp xếp chu đáo. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng cần biết học cách “sắp xếp chu đáo”, để Hài Nhi, Đấng muốn được sinh ra trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta, có thể được chào đón, chăm sóc và bảo vệ. Nói cách khác, ký ức về ngày Chúa chúng ta giáng sinh soi sáng cho những “cuộc sinh hạ hàng ngày” của đức tin – tức là tình bạn của chúng ta với Hài Nhi Giêsu – đòi hỏi chúng ta phải đón nhận và gìn giữ trong “tấm tã” của sự quan tâm và chăm sóc, để đức tin ấy không bị lu mờ. Trong hình ảnh Hài Nhi “được bọc trong tã và đặt nằm trong máng cỏ”, chúng ta được mời gọi khám phá logic thiêng liêng mà Thiên Chúa sử dụng khi Ngài hành động “giống như Chúa”. Chúng ta được mời gọi đảo ngược logic của mình, chiến lược của mình: Chúa mời gọi chúng ta thay đổi tư duy và góc nhìn. Điều quan trọng không phải là những điều lớn lao, mà là những điều nhỏ bé, tưởng chừng như không đáng kể. Thay đổi góc nhìn từ lớn sang nhỏ, từ sức mạnh sang yếu đuối, từ quyền lực sang trao ban, bởi vì đây chính là cách mà Thiên Chúa hành động!
Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi trở thành những “dấu chỉ” khiêm tốn của quyền năng tình yêu Thiên Chúa, những khí cụ đơn sơ của Vương quốc Chúa, với niềm xác tín rằng: “Cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (x. 1 Cr 1,25). Thuật ngữ “dấu chỉ” không nên được hiểu là yếu đuối hay buông xuôi, bởi nếu “muối mà nhạt đi... thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (x. Mt 5,13). Là Kitô hữu, chúng ta nên trở thành những lời nhắc nhở sống động và đáng tin cậy về hạt lúa mì sinh hoa trái, một “dấu chỉ” ngay tại đây và lúc này của Hài Nhi Bêlem, Chúa Giêsu. Cuộc sống và cách chúng ta hành động phải làm nổi bật niềm vui “Giáng sinh” – niềm vui của một Sự sống được ban tặng từ Trời cao, có thể “bẻ ra” vì yêu thương để trao ban cho người khác.
Những mục đồng
Thiên Chúa bước vào lịch sử nhân loại qua những "cánh cửa sau" và những cách thức không theo lối thông thường. Thay vì loan báo sự ra đời của Chúa Giêsu cho các tư tế trong đền thờ, các thiên thần lại báo tin ấy cho các mục đồng – những người nghèo được thuê để canh giữ đàn chiên. Họ bị loại trừ khỏi cộng đồng vì lối sống du mục, thường xuyên tiếp xúc với những người ngoại bang. Điều này khiến họ bị coi là ô uế theo luật. Các thiên thần mang tin vui đến cho họ đầu tiên, và như thế, họ trở thành những người đầu tiên đến thờ lạy và vội vã loan báo tin mừng:“ ‘Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết’. Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ… Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa...” (x. Lc 2,15-20; Lễ Rạng đông).
Giống như Chúa Giêsu, Đấng không có chỗ tựa đầu (x. Mt 8,20), nơi lối sống vô định của những mục đồng này, chúng ta có thể nhận ra những người du mục của tâm hồn mình – nơi bên trong chúng ta bồn chồn khôn nguôi để canh chừng, tìm kiếm và chờ đợi Một Đấng nào đó, nhưng nó thường lại nuôi dưỡng chính mình bằng những điều sai lạc, không làm thỏa mãn cơn đói khát thật sự của nó. Suy cho cùng, mỗi người trong chúng ta cũng giống như những mục đồng ấy, lang thang tìm kiếm những điều kém giá trị, và do đó, khi tìm thấy điều mình đang tìm kiếm, thì lại nhận ra đó không phải điều mình thật sự tìm kiếm, và cuộc tìm kiếm lại tiếp tục.
Sự ra đời
Sự ra đời của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa hiện diện trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta nghĩ Ngài vắng mặt hoặc nơi mà chúng ta cho rằng Ngài không thể nào có mặt. Đức tin này thúc đẩy chúng ta nhìn nhận thời điểm này với lòng thanh thản và hy vọng lớn lao hơn. Thiên Chúa ở đây. Ngài hiện diện đến nỗi có lẽ, hoặc đúng hơn là, Ngài chắc chắn đang mời gọi chúng ta suy nghĩ lại cách sống của mình. Ngài mời gọi chúng ta nhớ rằng, như Ngài đến để cứu độ chúng ta, thì chúng ta cũng chỉ có thể được cứu nếu chúng ta bước đi cùng Ngài, nếu chúng ta học cách chăm sóc nhau. Chúng ta được mời gọi trở thành những “máng cỏ” để những người khác có thể nuôi dưỡng bản thân bằng bánh của tình bạn, tình yêu, lòng thương xót và hy vọng. Chúa tự hiến mình cho chúng ta để chúng ta có thể mang lấy Ngài qua chứng tá cuộc sống của mình. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi tràn đầy hy vọng cho nhân loại này, một nhân loại đang mất phương hướng và cô lập, để trở thành những người lính canh cho một bình minh mới… để Ánh sáng đến từ Chúa Giêsu, chính là Chúa Giêsu, phá tan bóng tối của thời đại này.
Chúa Giêsu, thực tại quyết định
Ngài là thực tại quyết định của sự tồn tại của chúng ta. Trong Chúa Giêsu, Đấng đã đến gần chúng ta, chúng ta học được cách trở thành anh chị em với nhau, cùng chia sẻ sự gần gũi và tình liên đới nội tâm quý giá nhất, giúp chúng ta ca ngợi Thiên Chúa cùng với các thiên thần và nói rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News
(Nguồn: hdgmvietnam.com)
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024