Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô (+video)

Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô (+video)

Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô (+video)

Ga 1, 19-28

Ông nói: “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi,
như ngôn sứ Isaia đã nói.” (Ga 1, 23)

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến Gioan Tẩy Giả.

Qua cuộc đối thoại giữa Gioan Tẩy Giả và những người hỏi ông, chúng ta học được ở nơi Gioan những đức tính gì?

1. Trước hết ta thấy ông là một người rất thành thật.

Người thành thật là người có thì nhận, không thì nhất định không nhận. Có nói có, không nói không. Đức tính thành thật là một trong những đức tính căn bản làm nên tư cách của con người. Đức tính này ngày nay cũng rất cần cho cuộc sống của chúng ta.

Một vị vua Ba-Tư mong ước có một người cố vấn trung thực, luôn biết nói cho mình nghe sự thật. Nghe nói trong vùng có một ông lão tên là Elaim viết sách rất trung thực, không hề bao giờ xuyên tạc bóp méo sự thật, vua liền cho mời ông đến, đồng thời cũng cho gọi 9 vị cận thần cùng vào chầu. Nhà vua phán:

- Các khanh hãy trả lời thành thật, các khanh nghĩ thế nào về vinh quang của ta?

Mọi người còn đang bỡ ngỡ thì vua sai đem ra 10 chiếc nhẫn quý và hứa sẽ ban thưởng cho ai nói đúng sự thật. Thế là cả 9 vị cận thần tranh nhau ca ngợi nhà vua nào là đạo đức, nhân ái, nào là hùng mạnh và giàu có nhất thiên hạ. Vua có vẻ hài lòng, ban cho mỗi người 1 chiếc nhẫn. Riêng cụ già Elaim vẫn lặng thinh. Nhà vua mới ngạc nhiên hỏi. Cụ từ tốn trả lời:

- Người ta có thể mua được những lời nịnh hót, nhưng không thể nào mua được sự thật. Sự thật không thể đem rao bán, và cũng chẳng có ai đem bán sự thật!

Nhà vua liền gặng hỏi về mình, Elaim trầm ngâm rồi nói: “Đây chính là suy nghĩ thật của tôi. Bệ hạ là chủ và là vua của tôi, tuy vậy, bệ hạ cũng chỉ là một tạo vật do Thượng Đế dựng nên nhằm gây dựng hạnh phúc ấm no cho thần dân trong nước của bệ hạ mà thôi!”. Nghe những lời ấy, nhà vua hớn hở vui mừng, không trao chiếc nhẫn làm quà, mà lại ngỏ lời muốn chọn ông lão làm cố vấn bên cạnh mình hằng ngày để có thể luôn được nghe những lời khuyên trung thực.

Hôm sau, vua lại cho gọi 9 vị cận thần vào hỏi:

- Các ngươi có thích những chiếc nhẫn ta đã ban cho hôm qua không?

Cả 9 người đều cùng xum xoe thưa bẩm:

- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần còn quý những chiếc nhẫn ấy hơn cả mạng sống của mình nữa, bởi vì đó là báu vật bệ hạ đã ban tặng. Thế nhưng, hạ thần cũng xin vô phép mà bẩm rằng: có lẽ bệ hạ đã bị tên bán nhẫn nào đó nó lừa gạt, vì hạ thần đã kiểm lại thì hóa ra cả 9 chiếc nhẫn đều là đồ giả ạ!

Đến đây nhà vua mới bật cười:

- Ha ha ha, các ngươi lại ngỡ rằng, ta không biết điều đó hay sao? Các ngươi đã nói với ta những lời tung hô giả dối thì ta cũng chỉ ban cho các ngươi những chiếc nhẫn giả, thế là công bằng rồi còn gì?

Từ đó, những lời nịnh hót giả dối biến mất hẳn khỏi triều đình nhà vua. Trăm họ được hưởng một thời thái bình thịnh trị dưới quyền lãnh đạo đầy nhân ái và công minh của nhà vua, bên cạnh luôn có một cụ già cố vấn chỉ biết nói sự thật mà thôi.

2. Thứ đến ông là người rất khiêm nhường.

Khiêm nhường là một trong những đức tính quí hiếm trong xã hội hôm nay. Xã hội hôm nay, con người thích phô trương.

Đức cố Giáo Hoàng Gioan 23 kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau: “Lúc tôi mới được bầu làm Giáo hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: “Kìa Gioan, đừng tự xem mình là quan trọng!”

Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo hoàng.

Vâng! mọi bất ổn trong cuộc sống của chúng ta thường phát xuất từ nguyên nhân đó: Vì luôn coi mình là quan trọng, nên chúng ta mới tranh giành địa vị thứ bậc, chúng ta mới khó chấp nhận những người khác, chúng ta mới khó cộng tác với người khác v.v

Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại. Tính tự cao, tự đại có thể so sánh với những ngọn núi, ngọn đồi, còn đức khiêm nhường được ví như những chỗ trũng, chỗ sâu, luôn đón nhận được những dòng nước từ trên cao đổ xuống. Hồng Ân của Thiên Chúa cũng như vậy. Nó đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi, nhưng chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân.

Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Lc 4.6).

Top