Ngày 01 tháng 01: Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Ngày 01 tháng 01: Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Ngày 01 tháng 01: Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

NHỮNG NGÀY LỄ PHỤNG VỤ

Ngày 01 tháng 01

Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Tuần Bát nhật Giáng sinh kết thúc vào ngày đầu năm mới. Trong khi người ngoại giáo từng mừng ngày này với những hành động phóng túng và mê tín, Hội Thánh sơ khai đã giúp các tín hữu khởi đầu năm mới với một “tinh thần mới” qua việc thực hành các ngày ăn chay và sám hối. Năm 431, trong Công đồng Êphêxô kết thúc ngày 22 tháng 6, tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa” đã được tuyên tín. Do đó, vào năm 1931, nhân kỷ niệm 1500 năm của Công đồng này, Đức Giáo hoàng Piô XI đã thiết lập lễ phụng vụ mà chúng ta đã thấy được cử hành từ thế kỷ 7. Đây là một ngày đầy ý nghĩa và mang nhiều thông điệp quan trọng: Ngày thứ tám trong Tuần Bát nhật Giáng sinh nhắc nhớ ngày Chúa Giêsu được làm lễ cắt bì và được đặt tên; Ngày này cũng là ngày Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cũng là ngày cử hành Ngày Thế giới Hòa bình (được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập năm 1968).

Quả thật, có nhiều thông điệp sâu sắc trong ngày đầu năm mới này. Chúng ta được mời gọi học nơi Đức Trinh Nữ Maria để biết “ghi nhớ” Lời Chúa trong trái tim mình, và tự hỏi Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta qua từng ngày sống trôi đi, đó là luôn ý thức rằng phúc lành của Thiên Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta, như Bài đọc thứ nhất trích sách Dân Số nhắc nhở chúng ta.

Mấy người chăn chiên liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ. (Lc 2,16-21)

Sự chào đời của Hài Nhi tại Bêlem

Bản văn của Thánh Luca không kể lại bất cứ điều gì nổi bật. Sự kiện độc đáo nhất và trọng tâm mà thánh sử có thể thuật lại đã diễn ra rồi – sự chào đời của Hài Nhi mà các thiên thần loan báo là Đấng Cứu Thế, Đức Kitô, và là Thiên Chúa (Lc 2,11). Chúng ta đã nghe bài Tin Mừng này trong Lễ Rạng đông vào ngày Giáng sinh.

Những mục đồng và các vùng ngoại biên của thế giới

Những người đầu tiên mà các thiên thần loan báo tin vui chính là các mục đồng. Họ là những người đầu tiên “hối hả ra đi” (Lc 2,16), chạy đến máng cỏ để “xem sự việc đã xảy ra” (Lc 2,15). Như chúng ta đã thấy vào Lễ Giáng sinh, Chúa Giêsu không sinh ra tại Giêrusalem. Chúng ta đừng quên rằng Gioan Tẩy Giả sau này sẽ rao giảng trong hoang địa, và dân chúng tìm đến ông, chứ không đến Đền Thờ ở Giêrusalem (Tin Mừng Chúa nhật II Mùa Vọng). Việc các mục đồng là những người đầu tiên đến thăm Hài Nhi có thể giúp chúng ta nhận ra họ như những đại diện cho các nhóm người bị gạt ra bên lề: những người tội lỗi, những người bị buộc phải giữ khoảng cách. Đây chính là những người mà Chúa Giêsu dành sự quan tâm đặc biệt, đến mức Ngài từng tuyên bố: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (x. Mt 9,13; nhất quán với đoạn 1 Sm 16,1-13 khi Chúa chọn vua Đavít, người đang chăn giữ đàn chiên). Các mục đồng đã đến máng cỏ, nhìn thấy Hài Nhi và “kể lại điều đã được nói với họ” (Lc 2,17).

Một cuộc chạy đua và một niềm vui mừng

Khi suy ngẫm về việc các mục đồng hối hả đến máng cỏ, chúng ta nhớ đến sự “vội vã” (Lc 1,39) của Đức Maria khi đi gặp bà Êlisabét sau biến cố truyền tin, và bài ca ngợi khen hân hoan của Mẹ, Magnificat. Các mục đồng cũng đã “ngạc nhiên” và “ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe” (Lc 2,20). Chúng ta có thể nói rằng, các mục đồng đã trở thành những thiên thần, mang tin vui mà họ đã nhận đến với người khác, bởi họ không thể giữ niềm vui đó cho riêng mình. Thánh Gioan Tông đồ sau này đã viết: “Điều chúng tôi đã nghe … đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng … chúng tôi loan báo cho anh em” (x. 1 Ga 1,1-3). Những lời này vang vọng và tiếp nối Thánh vịnh 19: “Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa …” (x. Tv 19).

Ngày nay, tin vui mừng này cũng đã đến với chúng ta, qua biết bao thế hệ “thiên thần” đã truyền lại từ đời này sang đời khác. Bất cứ ai gặp ánh mắt của Chúa Giêsu (x. Mt 4,12-23) và bị thu hút bởi Tình yêu của Ngài thì không thể không dẫn người khác đến với Ngài. Người mang tin mừng luôn chia sẻ không chỉ qua lời nói mà còn qua chính đời sống của mình. Thánh Phanxicô Assisi từng nói: “Hãy luôn rao giảng Tin Mừng, và nếu cần, hãy dùng đến lời nói” (Franciscan Sources, 43), nhấn mạnh rằng lời nói chỉ là phương tiện phụ. Điều quan trọng là đời sống của chúng ta phải cất tiếng.

Đức Maria, Đấng Theotokos

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và Người thật. Vì thế, hơn bất kỳ ai, Mẹ có thể dẫn dắt chúng ta đến với Con của Mẹ, bởi không ai khác hiểu rõ Chúa Giêsu và biết cách sống mối tương quan với Ngài như Mẹ. Đức Maria là Người Mẹ, khi nghe những lời của các mục đồng, lập tức hiểu ngay rằng Hài Nhi không chỉ là “Con của Mẹ”. Chúa Giêsu đã từng nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,19-21). Mẹ, Đấng đã cưu mang Ngài suốt chín tháng trong cung lòng mình, biết lắng nghe tất cả những ai mà Chúa cho gặp gỡ: các mục đồng, các nhà đạo sĩ, ông Simêon và bà Anna… vì mỗi người trong họ đều “mặc khải” điều gì đó về căn tính và sứ mạng của Chúa Giêsu.

Lời nguyện

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời,
xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện,
trong cơn gian nan thiếu thốn,
Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng
hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ.

(Kinh Trông Cậy, lời kinh cổ kính hướng về Đức Mẹ Maria)

Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News
(Nguồn: hdgmvietnam.com)

Top