Nét chính yếu của Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 44

Nét chính yếu của Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 44

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 44:

TỰ DO TÔN GIÁO, ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HÒA BÌNH

Đã thành truyền thống, cứ vào ngày đầu năm dương lịch, các vị giáo hoàng lại gửi Sứ Điệp Hòa Bình đến toàn thế giới. Sứ Điệp Hòa Bình 2011 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề cập đến đề tài quan trọng: Tự do tôn giáo, đường dẫn đến hòa bình. Đã hẳn, đây là một sứ điệp sâu sắc và súc tích nhưng khá dài. Chỉ sợ rằng vì khá dài nên nhiều người bỏ lỡ. Bài viết này mong ghi lại những nét chính yếu để người đọc có thể dễ tiếp cận hơn với sứ điệp quan trọng của Đức Thánh Cha.

Khởi đi từ nhận định khá bi quan nhưng rất sát thực tế, Đức Thánh Cha cho thấy, bước sang thế kỷ 21, tự do tôn giáo vẫn bị vi phạm trầm trọng tại nhiều nơi trên thế giới. Một nhận định có thể gây ngỡ ngàng: chính các Kitô hữu là nhóm tín hữu phải chịu bách hại nhiều nhất vì niềm tin tôn giáo của mình (số 1). Tình trạng bách hại tôn giáo có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Có thể là bạo lực đổ máu như ở Iraq vào tháng 10 năm 2010, nhưng cũng có thể dưới những hình thức tinh tế và tinh vi hơn ngay tại các quốc gia tự hào là tự do và tiến bộ. Cùng với những bách hại là sự xáo trộn trong đời sống xã hội. Chính thực tế đó thúc đẩy vị cha chung của Hội Thánh Công giáo lên tiếng kêu gọi.

Có thể tập trung vào hai câu hỏi: (1) Tại sao tự do tôn giáo lại là đường dẫn đến hòa bình? và (2) Đâu là lộ trình thực hiện lý tưởng trên?

1. Tại sao tự do tôn giáo lại là đường dẫn đến hòa bình?

Trước hết, tự do tôn giáo là đòi hỏi gắn liền với phẩm giá con người. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, linh ư vạn vật, con người ở tự bản tính mở ra với chân trời siêu việt và tìm được ở đó ý nghĩa và mục đích đời sống của mình (số 2). Tôn trọng tự do tôn giáo là tôn trọng quyền căn bản của con người và phẩm giá đích thực của họ. Chối từ quyền tự do này sẽ dẫn đến sự vi phạm công lý và tạo nên bất ổn xã hội thay vì củng cố hòa bình.

Đồng thời, tôn giáo giúp con người vượt lên trên thế giới vật chất để kiếm tìm chân lý và sự thiện phổ quát vốn là nền tảng cho đạo đức xã hội (số 3). Niềm tin tôn giáo vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội vì con người tôn giáo cũng là con người sống trong xã hội, và niềm tin tôn giáo định hình những tương quan của họ trong đời sống xã hội (số 6). Cách cụ thể, trong lịch sử nhân loại và cả ngày nay, các tôn giáo đóng góp rất nhiều vào đời sống xã hội không những qua các việc bác ái, từ thiện, nhưng còn trong việc giáo dục đạo đức làm người, góp phần tích cực vào công trình xây nền văn minh tình thương, liên đới, phát triển con người toàn diện. Vì thế, tôn trọng tự do tôn giáo là củng cố nền móng đạo đức của xã hội và phục vụ công lý hòa bình.

Tự do đích thực luôn hàm nghĩa tôn trọng. Không thể nói tự do mà lại đàn áp, không tôn trọng niềm tin của người khác. Cũng không thể nhân danh chủ nghĩa tương đối về đạo đức mà loại trừ niềm tin tôn giáo của tha nhân vì tự do tôn giáo là quyền căn bản trong các quyền con người (số 5).

2. Lộ trình thực hiện

Để thực hiện lý tưởng trên, cần có những nỗ lực từ nhiều phía. Trước hết là sự đối thoại lành mạnh giữa tôn giáo và chính quyền dân sự. Sự thật hiển nhiên là Nhà nước không tạo nên tôn giáo (số 8). Tôn giáo đã có mặt từ rất lâu trước khi các hình thái tổ chức nhà nước xuất hiện. Đã thế, Nhà nước không có quyền và cũng không thể biến tôn giáo thành công cụ của mình, nhưng phải nhìn nhận và tôn trọng các tôn giáo với những nét đặc thù của họ. Chỉ có cuộc đối thoại lành mạnh giữa tôn giáo và chính quyền mới là điều kiện cho sự phát triển tòan diện. Chính quyền nên trân trọng gia sản đạo đức và tinh thần nơi các tôn giáo để nhận ra những sự thật, nguyên lý và giá trị phổ quát gắn liền với phẩm giá con người (số 12). Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945 đã theo hướng đi này để nêu ra những giá trị phổ quát và nguyên tắc đạo đức làm điểm quy chiếu cho các thể chế và luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm đời sống chung hòa bình.

Đồng thời, cần có cuộc đối thoại giữa các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau (số 11). Trong thế giới toàn cầu hóa với đặc tính đa văn hóa và đa tôn giáo, đối thoại là phương thế quan trọng để hướng đến ích chung. Hơn ai hết, các tôn giáo ý thức rằng tự do tôn giáo là điều kiện để theo đuổi chân lý, mà “chân lý không thể đạt đến bằng bạo lực nhưng bằng sức mạnh của chính chân lý”. Cần nêu cao những yếu tố thúc đẩy đời sống chung và loại trừ tất cả những gì đi ngược với phẩm giá đích thực của con người.

Ngoài ra, các tôn giáo phải quan tâm đến giáo dục tôn giáo cho các tín hữu của mình để họ biết tôn trọng nhau và hòa hợp với nhau trong đời sống chung (số 10). Ở đây, vai trò của các gia đình được đề cao cách đặc biệt (số 4). Gia đình chính là ngôi trường đầu tiên và là nền móng cho những tương quan sống của con người sau này ở mọi bình diện. Cha mẹ phải có quyền tự do thông truyền cho con cái di sản văn hóa và tôn giáo của họ. Các tôn giáo cũng cần cảnh giác để tôn giáo không bị biến thành công cụ cho những mục đích khác về chính trị hay kinh tế của các phe nhóm (số 7).

Với các Kitô hữu, dù phải đối diện với những khó khăn, người môn đệ Chúa Kitô không nản lòng vì biết rằng làm chứng cho Tin Mừng luôn luôn là trở thành dấu chỉ chống đối. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, phải ý thức rằng bạo lực không thể vượt qua bằng bạo lực, nhưng chỉ có thể vượt qua bằng tình yêu và tha thứ (số 14). Vì thế, ngay trong tiếng kêu than vì khổ đau và bắt bớ, vẫn ánh lên niềm tin và hi vọng, vẫn vững tâm trong chứng tá tình yêu của Tin Mừng.

Kết luận

Hòa bình vừa là hồng ân của Thiên Chúa vừa là trách nhiệm của con người. Hòa bình đích thực không chỉ đơn thuần là vắng bóng chiến tranh nhưng là kết quả của tiến trình thanh tẩy và nâng cao về văn hóa, đạo đức, tinh thần, một tiến trình trong đó phẩm giá con người được tôn trọng trọn vẹn. Nói theo ngôn ngữ của Đức Phaolô VI, vị giáo hoàng có sáng kiến thiết lập Ngày Hòa Bình thế giới: “Điều tiên quyết là phải xây dựng hòa bình bằng những thứ vũ khí khác – không phải thứ vũ khí giết chết và hủy diệt nhân loại. Vũ khí cần thiết cho hòa bình là vũ khí đạo đức…” Tự do tôn giáo chính là vũ khí đích thực của hòa bình.

GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Văn phòng thư ký HĐGMVN

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top