Mừng lễ Mẹ Thiên Chúa và bế mạc Năm Thánh 2010

Mừng lễ Mẹ Thiên Chúa và bế mạc Năm Thánh 2010

Bài giảng Thánh lễ ngày đầu Năm 2011 của Đức Giám mục giáo phận Phú Cường

Anh chị em thân mến,

Hôm nay ngày đầu Năm dương lịch chúng ta mừng lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, cầu nguyện cho hòa bình thế giới và bế mạc Năm Thánh 2010.

Nội dung lễ hôm nay rất phong phú: Trước hết đây là ngày cuối tuần bát nhật Giáng Sinh, và theo tập tục Do Thái, hôm nay người ta làm nghi thức cắt bì và đặt tên cho Chúa Giêsu. Vì thế, Phụng Vụ trước Công đồng Vaticanô II gọi lễ này là lễ Cắt bì hay lễ Đặt tên.

Hôm nay cũng là ngày đầu Năm dương lịch, ngày chúng ta thường hướng về Thiên Chúa xin Ngài ban phúc lành và bình an cho Năm mới. Từ năm 1968, Đức Phaolô VI và các vị Giáo Hoàng kế tiếp đã dành ngày này để cầu nguyện cho hoà bình thế giới.

Phụng vụ canh tân, lấy lại truyền thống xa xưa, dành ngày mồng một tháng giêng để tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Vì theo thói quen của nhiều dân tộc, các bà mẹ thường được những người thân đến thăm hỏi, chúc mừng sau khi sinh con. Đức Mẹ thật đáng được Hội Thánh chúc mừng vì đã sinh ra Chúa Giêsu, Đấng được kết hợp với Ngôi Hai Thiên Chúa trong một ngôi vị. Bởi vậy, dù chỉ sinh ra Chúa Giêsu về nhân tính, Đức Mẹ cũng thực sự là Mẹ Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Đối với giáo phận chúng ta, hôm nay cũng là ngày bế mạc Năm Thánh 2010. Nếu chúng ta đã nhờ Đức Mẹ và cùng với Đức Mẹ cử hành Năm Thánh, và qua những sinh họat Năm Thánh, chúng ta đã hiểu được thế nào là Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, thì giờ đây, khi kết thúc Năm Thánh, chúng ta cũng muốn cùng với Đức Mẹ dâng lên Thiên Chúa những lời tạ ơn và quyết tâm thi hành sứ vụ Chúa trao cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta.

Theo đoạn thư gởi tín hữu Galata trích đọc trong lễ hôm nay, chúng ta được biết: Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, sinh ra bởi một người nữ, sinh dưới chế độ lề luật. Sự việc đó đã xảy ra để thực hiện đúng các lời sấm được tuyên phán trước về Đấng Cứu Thế. Vì muốn hoàn toàn nên giống chúng ta, Người đã sinh ra bởi một người mẹ, sống trong một gia đình, lớn lên dưới sự chăm sóc của mẹ cha. Người sinh ra bởi một người nữ, để người nữ đó được làm Mẹ Thiên Chúa, và chúng ta được trở thành con Thiên Chúa, và cũng được nhận người nữ đó làm mẹ chúng ta. Người sinh ra dưới chế độ lề luật để được liên kết với dân riêng của Thiên Chúa, dân có Abraham là Tổ phụ. Người tuân giữ lề luật để kiện toàn lề luật và giải thoát chúng ta khỏi nô lệ những tập tục do con người thêm thắt bày đặt ra.

Cũng chính vì muốn tuân giữ lề luật, nên sau khi sinh được 8 ngày, hôm nay Người đã chịu cắt bì. Những giọt máu đầu tiên đã đổ ra làm hy lễ đầu mùa dâng lên Chúa Cha, báo truớc cuộc khổ nạn và cái chết thập giá của Người sau này. Cắt bì cũng là nghi thức Thiên Chúa truyền cho Abraham thực hiện cho mọi nam nhi thuộc dòng dõi ông như dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa, về dân của Giao Ước. Vì thế, chịu cắt bì, Chúa Giêsu cũng muốn chứng tỏ mình thuộc về dân Thiên Chúa, về dòng tộc của Tổ phụ Abraham.

Nghi thức cắt bì được gắn liền với nghi thức đặt tên ngay từ thời Tổ phụ Abraham. Chính Tổ phụ cũng được đổi tên từ Abram thành Abraham trong khi tự cắt bì cho mình và con cháu theo lệnh truyền của Thiên Chúa (x. St 17, 5-14. 23-27).

Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng gợi lên cho chúng ta vai trò của Đức Mẹ trong cuộc đời Chúa Kitô. Chính nhờ Đức Mẹ và thánh Giuse, các mục đồng đã nhận ra được Hài Nhi là Đấng Cứu Thế, vì đó là dấu hiệu thiên thần đã chỉ cho các mục đồng để nhận ra Chúa Giêsu. Cũng chính Đức Mẹ là người tiếp nhận các mục đồng và lắng nghe các mục đồng thuật lại những điều thiên thần đã loan báo cho họ về con trẻ, và những sự việc khác mà họ đã chứng kiến, như nghe các thiên thần ca hát trên trời. Sở dĩ Đức Mẹ có vai trò như vậy vì Người đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Thiên Chúa.

Đây là một địa vị cao cả và nền tảng khiến Đức Mẹ được muôn vàn đặc ân khác như ơn vô nhiễm nguyên tội, ơn hồn xác lên trời, và được trao cho những nhiệm vụ quan trọng, như hiệp công cứu chuộc loài người, trung gian các ơn, Mẹ Giáo Hội và Mẹ các tín hữu. Tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã được thánh Luca kín đáo nhắc nhở khi thuật lại cảnh Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave. Thánh sử viết: “Bà Isave được đầy Thánh Thần liền kêu lớn tiếng rằng: Bà được chúc phúc hơn các người phụ nữ và người con trong lòng bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa của tôi đến viếng thăm tôi?”.

Như vậy, bà Isave khi được đầy Thánh Thần đã chúc tụng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Chân lý mạc khải này đã được Giáo Hội tuyên xưng từ thuở ban đầu. Vì thế vào đầu thế kỷ IV, khi Nestôriô phủ nhận tước hiệu này của Đức Mẹ, Giáo Hội đã họp công đồng chung tại Êphêsô năm 431 và đã long trọng tuyên bố Đức Mẹ đúng là Mẹ Thiên Chúa, và lên án những kẻ không tin.

Trong kinh Kính Mừng, các tín hữu mỗi ngày vẫn lặp đi lặp lại rằng: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.

Tín điều này không hề làm tổn thương tới danh dự của Thiên Chúa, nhưng còn mạnh mẽ tuyên xưng tình yêu vô cùng lân tuất của Ngài. Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa không từ chối hạ mình sinh ra bởi một người phụ nữ, lại còn tôn người phụ nữ ấy lên làm Mẹ mình. Thật chỉ có tình yêu mới có thể hiểu nổi những việc làm của tình yêu!

Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ cũng là mẹ của mỗi tín hữu, vì nếu sinh ra Chúa Kitô là đầu của thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh, thì Mẹ cũng sinh ra các phần thân thể khác của Hội Thánh là các tín hữu. Chính khi đứng dưới chân thánh giá, dâng Con Mẹ làm hy lễ cứu chuộc nhân loại, Mẹ đã hiệp công với Con mình để sinh ra mỗi người chúng ta. Bởi vậy, trước khi trút hơi thở, Chúa Giêsu đã ân cần nhìn Gioan và nói với Đức Mẹ: “Đây là con bà”, rồi lại nhìn Đức Mẹ và nói với Gioan: “Đây là Mẹ con”. Thật là an ủi cho chúng ta khi biết Đức Mẹ là Mẹ chúng ta, vì với trái tim từ mẫu, Đức Mẹ chắc chắn sẽ ân cần chăm sóc cho chúng ta, mỗi khi chúng ta tin tưởng cầu khẩn Mẹ.

Mừng lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta vào ngày đầu Năm, chúng ta cảm thấy tin tưởng hướng nhìn lên Mẹ, xin Mẹ bầu cử cùng Chúa cho chúng ta được một Năm Mới bình an, khỏe mạnh và mọi sự tốt đẹp. Vì thế không lạ gì, Giáo Hội đã dành ngày này để cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

Trong lúc thế giới đang lo lắng về nạn khủng bố hoành hành khắp nơi, và hầu như thất vọng vì thấy khó có thể tìm ra một nền hòa bình khả dĩ, thì các Đức Giáo Hoàng trong những sứ điệp hòa bình công bố dịp đầu Năm dương lịch luôn nhắn nhủ mọi người hãy cùng nhau nỗ lực và kiên trì xây dựng hòa bình. Đức Gioan Phaolô II bắt đầu sứ điệp hòa bình năm 2004 của ngài bằng những lời sau đây: “Hoà bình vẫn là điều có thể. Và nếu hoà bình là có thể, thì đó cũng là một bổn phận”. Ngài đã nhắc nhớ cho mọi người biết rằng: “Nhân loại hơn bao giờ hết cần tái khám phá con đường thương thảo đang bị chà đạp bởi ích kỷ và hận thù, bởi khát khao quyền lực và mong ước trả thù”. Một lần nữa, Ngài nhắc lại điều ngài đã nói trong sứ điệp hòa bình đầu tiên của ngài vào năm 1979: “Để có hoà bình hãy giáo dục hòa bình”. Phải cấp thiết hướng dẫn cá nhân và các dân tộc tôn trọng trật tự thế giới và tuân giữ những cam kết đã được các chính quyền đại diện hợp pháp của các dân tộc đề ra. Hãy tôn trọng công pháp quốc tế. Cần tôn trọng sức mạnh của luật chứ không phải luật của sức mạnh. Đức Bênêđictô XVI trong sứ điệp hòa bình năm nay đã nhấn mạnh là muốn có hòa bình phải tôn trọng những quyền căn bản của con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo. Vì con người đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, để được hưởng Thiên Chúa. Ngăn chặn con người không cho họ liên hệ với Thiên Chúa, không cho họ tự do hành đạo là làm cho con người mất hẳn nguồn gốc của mình. Và như thánh Augustinô đã khẳng định: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, tâm hồn con sẽ bất an cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Hội Thánh luôn cố gắng đóng góp công sức để kiến tạo hòa bình thế giới, vì Hội Thánh luôn xác tín vào lời Chúa dạy: “Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Hội Thánh cũng luôn ý thức rằng: “Công lý phải đuợc bổ túc bằng bác ái”, vì thế, “cần thiết phải tha thứ. Không có hòa bình nếu không chịu tha thứ”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, hãy quyết tâm xây dựng hòa bình: Hoà bình với Thiên chúa và tha nhân, hoà bình trong gia đình, ngoài thôn xóm, hoà bình tại mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Sức của chúng ta yếu, vì thế hãy gia tăng lời cầu xin. Tha thiết cầu xin đi đôi với việc làm thiết thực để xây dựng hòa bình, chắc chắn, nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, Chúa sẽ đoái thương cho chúng ta được sống những ngày bình an.

Bế mạc Năm Thánh cũng là lúc chúng ta phải dấn thân thi hành những điều, nhờ ơn Chúa, chúng ta đã hiểu biết về sứ vụ của Hội Thánh, đồng thời cũng là sứ vụ của mỗi người chúng ta, vì Hội Thánh là tất cả chúng ta, những người công dân của Nước Trời, những chi thể thuộc Thân Thể Chúa Kitô, là Đền thờ của Chúa Thánh Thân. Là Dân của Thiên Chúa, chúng ta phải tuân giữ các giới răn của Chúa, phải tìm hiểu và thực thi thánh ý của Thiên Chúa, chứ không phải sáng kiến của chúng ta. Là chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta phải gắn bó với Người và liên kết với nhau, làm cho cộng đoàn, gíao xứ, giáo phận và Giáo Hội Việt Nam của chúng ta thực sự là một Hội Thánh thực sự hiệp thông, trong đó mỗi người đều tích cực tham gia vào sứ vụ chung, mỗi người đều phải nhận ra là phải liên đới chịu trách nhiệm về sứ vụ chung của Giáo Hội. Là Đền thờ Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy năng chạy đến với Ngài, xin Ngài hướng dẫn mọi lời nói, việc làm và cả cuộc sống của chúng ta sao cho hợp với ý muốn và chương trình của Thiên Chúa. Nói tóm, chúng ta hãy cùng nhau lên đường tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô, ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người để đưa mọi người về với Chúa. Có như vậy, việc cử hành Năm Thánh mới đưa lại kết quả thực sự và lâu bền.

Chúc anh chị em Năm Mới bình an, khỏe mạnh và dồi dào ơn thánh.

 

+ Phêrô Trần Đình Tứ
Giám mục giáo phận Phú Cường


Gm Phêrô Trần Đình Tứ

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top