Mùa Hoa nhiệm mầu
WGPSG/NSTM -- Tháng Hoa kính Đức Mẹ lại về. Và ta cũng lại thấy trong nền văn hoá Việt Nam có những câu truyện cổ tích rất thú vị, diễn tả được ý nghĩa thâm thuý của tháng Hoa nhiệm mầu.
Truyện cổ tích dân tộc ta kể rằng, ngày xửa ngày xưa, mỗi năm chỉ có ba mùa thôi, đó là mùa Hạ, mùa Thu, và mùa Đông. Sau mùa Đông giá lạnh là đến ngay mùa Hạ nóng bức. Thời tiết thay đổi đột ngột như thế khiến cho muôn loài hết sức khổ sở. Ai cũng mong ước có những tháng ngày ấm áp dễ chịu được gọi là mùa Xuân.
Cũng vào thời xa xưa ấy, người ta nói với nhau rằng, mùa Xuân sẽ chỉ đến khi có một chiếc cầu vồng nhiều màu sắc xuất hiện cùng với muôn hoa đua nở. Cầu vồng thì đã có vào mùa Hạ rồi, khi mặt trời xuất hiện sau cơn mưa rào. Còn hoa thì lại nở rải rác quanh năm, rải rác khắp nơi trên trái đất, không thể hẹn nhau cùng nở một lúc được. Do đó, chưa thể có mùa Xuân.
Có một chú Thỏ sống trong khu rừng xanh nọ với mẹ. Mỗi lần chuyển mùa, mẹ của Thỏ lại bị ốm. Thương mẹ quá, Thỏ con liền bàn với bác Khỉ già thông thái:
- Bác Khỉ ơi, hay là chúng ta hãy cùng nhau làm một chiếc cầu vồng thật đẹp để đón cô mùa Xuân đến với chúng ta?
- Nhưng làm bằng cách nào? – Bác Khỉ già đắn đo hỏi lại.
- Cháu sẽ rủ các bạn trong rừng góp những chiếc lông đẹp nhất để làm chiếc cầu vồng thật nhiều màu sắc.
Bác Khỉ đồng ý với Thỏ. Tin tức lan truyền đi khắp nơi. Muông thú trong rừng đều muốn gặp mùa Xuân dịu hiền, ấm áp nên vui vẻ góp những màu sắc đẹp nhất. Nào là màu nâu của Gấu, màu vàng tơ của Hươu sao, màu xám của Sóc… Rồi chim Công, Vẹt, Vành Khuyên cũng góp những chiếc lông sặc sỡ của mình. Bầy cá cũng cử cá Chép mang đến một túi đầy vây cá lấp lánh sắc cầu vồng. Chim Sâu khéo tay bắt đầu kết nối những mảng màu với nhau để làm chiếc cầu vồng.
Trong khi đó, Thỏ lên đường đi tìm các loài hoa. Thỏ đi khắp nơi, băng qua hết khu rừng này đến khu rừng khác để gặp từng loại hoa, thuyết phục các loài hoa nở cùng một lúc để đón mùa Xuân về. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Thỏ dành cho mẹ, các loài hoa đều đồng ý tích tụ dưỡng chất để chờ chị Gió báo tin sẽ đồng loạt nở.
Một buổi sáng cuối mùa Đông, chim Sâu đã dệt xong những mảng màu cuối cùng. Chiếc cầu vồng xuất hiện làm muôn loài trên mặt đất xôn xao. Chị Gió nhanh chóng báo tin cho các loài hoa. Như đã hẹn, những nụ hoa lần lượt vươn lên, nở muôn màu rực rỡ. Cả mặt đất lộng lẫy sắc màu. Mùa Xuân xinh đẹp đã đến với trái đất. Từ đó, trên trái đất có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Các loài hoa đều khoe sắc rực rỡ khi những làn gió xuân nhè nhẹ thổi về.
Còn riêng chú Thỏ đáng yêu thì đã được mùa Xuân tặng một chiếc áo trắng tinh, mềm mại vì tấm lòng hiếu thảo và vì đã biết đoàn kết các bạn muông thú cùng các loài hoa để cùng nhau đón mùa Xuân về. (Truyện Cổ tích Việt Nam)
Tháng Năm đã được người Công giáo chọn gọi là tháng Hoa kính Đức Mẹ vì lúc này, những cánh hoa muôn sắc cuối Xuân vẫn tươi nở trên những cánh đồng. Với niềm yêu mến Mẹ Maria và từ những suy niệm Thánh Kinh, các Kitô hữu đã nhìn thấy vẻ đẹp của những đoá hoa muôn màu trong tháng Năm tỏ hiện rực rỡ nơi các nhân đức tuyệt vời đua nở trong tâm hồn trinh nữ Maria, khiến cõi lòng trinh trắng diễm lệ ấy xứng đáng đón nhận Chúa Xuân nhập thể làm người. Sau khi chào đời từ cung lòng tuyệt đẹp của Mẹ Maria, Chúa Xuân là Đức Giêsu đã sống dưới mái ấm hạnh phúc thánh thiện của Mẹ ở Nadaret, để rồi sau khi đi rao giảng, chết và phục sinh, Chúa Xuân đã đến và ở lại trong tâm hồn của những người tuân giữ Lời Chúa (CN 6 PS C), biến họ trở thành những chứng nhân của mùa Xuân vĩnh cửu (Lễ Thăng Thiên), với sức mạnh của Gió Xuân thần thiêng (Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) đang dần dần biến tâm hồn họ thành cõi thiên đàng của muôn Xuân, có Chúa Ba Ngôi ngự trị (Lễ Chúa Ba Ngôi).
Óc quan sát thực tế và trí tưởng tượng phong phú sâu sắc của tổ tiên ta đã tạo ra câu truyện cổ tích đầy ý nghĩa, đặc biệt nhấn mạnh đến những nỗ lực liên kết tràn đầy tình thương của muôn loài đã tạo điều kiện cho mùa Xuân xuất hiện: “Muông thú trong rừng đều muốn gặp mùa Xuân dịu hiền, ấm áp nên vui vẻ góp những màu sắc đẹp nhất…” Truyện cổ tích sau đó mô tả thật sống động về mùa Xuân mà muôn loài hằng khao khát: “Những nụ hoa lần lượt vươn lên, nở muôn màu rực rỡ; cả mặt đất lộng lẫy sắc màu: mùa Xuân xinh đẹp đã đến với trái đất…”. Và cũng thật vui thay khi các Kitô hữu đã thấy được hình ảnh sống động của mùa Xuân rực rỡ này nơi Mẹ Maria dấu yêu. Cách đây hơn hai ngàn năm, Trinh nữ Maria đã kết tụ được cả một thảm hoa nhân đức muôn sắc màu trong tâm hồn mình, để từng ngày cho đến hôm nay, Mẹ cũng vẫn hằng chăm lo cho vẻ đẹp tâm hồn của từng đứa con yêu dấu của Mẹ ở trần gian, hầu Chúa Xuân có thể đến ngự trị nơi con cái của Mẹ như đã từng ở lại mãi mãi với Mẹ. Mẹ cũng giúp con cái Mẹ liên kết với nhau trong tình thương để gìn giữ bảo vệ mùa Xuân cho nhau.
Tháng Năm, chúng con muốn dâng muôn hoa tươi xinh lên Mẹ. Ngắm muôn sắc hoa và thưởng thức hương thơm của mùa hoa nhiệm mầu nơi Mẹ, cũng như nơi tâm hồn chúng con, chúng con rất hân hoan cảm ơn Mẹ. Cảm ơn Mẹ rất diễm lệ của chúng con…
Tuy nhiên, Mẹ ơi, nhiều nơi trên đất nước chúng con hiện nay rất khó có những cánh đồng nở hoa muôn sắc vì hạn hán và ngập mặn đang kéo dài. Xin Mẹ thương cứu giúp chúng con…
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024