Mùa Chay của tôi
WGPSG -- 1. Với những kinh nghiệm của đời mình, tôi thường sống Mùa Chay với tinh thần sám hối và tin vào Chúa, một cách sống động hơn, nhờ ơn Chúa Thánh Thần.
Cụ thể là tôi sống với bốn xác tín sau đây:
2. Tôi xác tín mình là kẻ tội lỗi rất cần được ơn tha thứ.
Tôi thực sự là kẻ rất yếu đuối tội lỗi. Thánh Phaolô viết về chính mình thế này: “Tôi mang tính xác thịt, bí bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì thì tôi cũng chẳng hiểu. Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,14-15).
Lời thú tội trên đây của thánh Phaolô khích lệ tôi hãy nói lên sự thực về tôi, tôi cũng là như thế, và còn hơn thế rất nhiều.
Khi tôi thú nhận mình tội lỗi, tôi không quá nhấn mạnh đến sự hư đốn của tôi, nhưng tôi nhấn mạnh hơn đến sự tôi được Chúa tha thứ. Tôi thực sự đã cảm nhận những lời Chúa phán xưa về tình yêu Chúa dành cho kẻ tội lỗi, như: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). “Con Người đến, để cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,11). “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để 99 con kia trên núi, mà đi tìm một con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là 99 con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,12-14).
3. Tôi không thể hiểu được, làm sao tôi có thể sống, nếu không được tha thứ. Tôi càng không dám gánh trách nhiệm nào, nếu tôi không tin rằng Chúa sẽ tha thứ cho những yếu đuối tôi.
Tôi được ơn tha thứ. Nên tôi rao giảng về sự tha thứ. Tôi làm chứng đạo Chúa có đặc điểm là tha thứ.
4. Tôi xác tín mình là kẻ có rất nhiều giới hạn trong mọi lãnh vực, rất cần khiêm tốn tìm hiểu, lắng nghe và cộng tác với nhiều người.
Kinh nghiệm cho tôi thấy: không gì hại cho tôi bằng sự tôi nghĩ mình phải làm đủ mọi sự, và có thể làm được mọi sự. Kinh nghiệm cũng cho tôi thấy là: Không gì dại khờ cho tôi bằng sự tôi cho rằng mình phải làm được điều gì đặc biệt, khác với các Giám mục, và linh mục tại Việt Nam hôm nay.
5. Tôi vững tin rằng: Chúa chỉ đòi tôi một điều là: Hãy kết hợp mật thiết với Chúa, rồi ơn Chúa sẽ dẫn đưa tôi làm những gì Chúa muốn, theo khả năng bé nhỏ của tôi. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa quả, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
6. Tôi xác tín mình được gọi tham dự vào thánh giá Chúa, để góp phần vào việc cứu các linh hồn.
Rất nhiều khi, tôi đã nghĩ rằng: Đau khổ tôi chịu là do tội lỗi của tôi, và là con đường giúp tôi nên thánh. Nhưng dần dần, tôi xác tín: Đau khổ là một ơn gọi Chúa dành cho tôi, để tôi được góp phần vào việc cứu các linh hồn.
7. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mc 19,45). “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).
8. Càng ngày, những lời Chúa phán trên đây càng làm cho tôi xác tín về sự tôi chịu đau khổ là để đáp lại ơn gọi Chúa dành cho tôi. Đau khổ gắn liền với mục vụ, đau khổ là một cách cứu độ, đau khổ là để hiệp thông với thánh giá Chúa.
Đau khổ là một ơn gọi, là đau khổ ấy đến từ nhiều phía. Rất có thể đến từ phía cộng đoàn của tôi, do những chống đối, những xa cách, những hiểu lầm, những ghen tương, vv...
Tôi phải sẵn sàng đón nhận. Rất có thể đau khổ đến từ những chuyển biến bất ngờ đòi tôi phải từ bỏ chương trình có sẵn, để bắt đầu lại.
Rất có thể đau khổ đến từ phía những văn hoá mới có vẻ bình thường hoá những tội lỗi và căn cứ vào ý kiến số đông như thước đo đạo đức. Những trường hợp như thế, tôi sẽ rất cô đơn và đau khổ.
Rất có thể đau khổ của tôi lại là những đau khổ của người khác. Khổ cái khổ của đồng bào tôi. Đau cái đau của Hội Thánh tôi.
9. Tôi xác tín là cuộc sống của tôi rất mong manh, tôi ra đi bất cứ lúc nào, tôi phải sẵn sàng ra trước mặt Chúa với niềm phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót Chúa.
Thánh Têrêsa thành Lisieux nói về mình: “Tôi sẽ hiện diện trước Chúa với bàn tay không”. Ngài nhận mình chẳng là gì, chẳng đáng gì, chẳng có gì gọi là công phúc. Ngài chỉ là đứa con bé nhỏ, chỉ tin vào tình yêu Chúa mà thôi.
Tôi sẽ không nói được như thánh nữ. Nhưng tôi sẽ nói với Chúa: Con là kẻ tội lỗi, mang theo nhiều dấu ấn của tội lỗi. Nhưng con tin ở lòng thương xót Chúa. vì Chúa là Chúa của con.
10. Với bốn xác tín trên đây, tôi sống mùa Chay năm nay một cách bình an. Tôi biết sống như thế chính là một sự hoán cải nội tâm, đòi tôi phải rất khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa. Sự vâng phục khiêm nhường đó nhiều khi vượt quá tính cách hợp lý theo cách suy nghĩ của thế gian. Nhưng Chúa Giêsu đã làm. Tôi cũng làm như Chúa Giêsu. Như thế, tôi mới góp phần vào việc cứu nhân loại. Nhân loại hiện nay đang rất cần được cứu. Chỉ Chúa mới cứu được mà thôi.
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024