Một Giáo hoàng, một Trưởng lão Hồi giáo và một Rabbi Do Thái
WHĐ (07.05.2014) – Trong chuyến hành hương của Đức giáo hoàng Phanxicô đến Thánh Địa sắp tới, có hai nhân vật đặc biệt cùng đi với ngài: Rabbi Abraham Skorka (Do thái giáo) và Sheik Omar Abboud (Hồi giáo). Đó là hai người bạn ở Argentina mà Đức giáo hoàng từng làm việc chung trong công cuộc đối thoại liên tôn khi ngài còn là Tổng giám mục Buenos Aires.
Họ đã quen biết nhau hơn 20 năm nay. Rabbi Abraham Skorka, gần đây được gọi cách thân thương là “Rabbi của Giáo hoàng”, là Giám đốc Chủng viện đào tạo các Rabbi ở Buenos Aires. Tình bạn của ông với vị Giáo hoàng tương lai, khi đó là Tổng Giám mục Buenos Aires, đã nảy sinh sự hợp tác lâu dài và tốt đẹp về đối thoại liên tôn. Theo dòng thời gian, họ đã cùng nhau bàn đến nhiều vấn đề được thế giới hiện đại đặt ra cho người Do Thái và Kitô hữu, chẳng hạn như chủ nghĩa tôn giáo quá khích, chủ nghĩa vô thần, sự chết, nạn diệt chủng Do Thái, vấn đề đồng tính và chủ nghĩa tư bản. Các cuộc trao đổi của họ được phổ biến rộng rãi vào lúc ấy qua chương trình truyền hình địa phương “Kinh Thánh, cuộc đối thoại ngày nay” và sau đó được in thành sách nhan đề “Về Trời và Đất” (Sobre el Cielo y la Tierra).
Cả Đức giáo hoàng và Rabbi chia sẻ một giấc mơ chung: “cùng nhau cầu nguyện” và “chứng tỏ cho thế giới thấy rằng điều ấy khả thi”. Ngày 17-01-2014 trong một bữa ăn trưa ở Nhà khách Santa Marta, giấc mơ này bắt đầu trở thành hiện thực khi họ quyết định cùng nhau thực hiện chuyến hành hương lịch sử đến Amman, Bethlehem và Jerusalem. Cùng nhau đến cầu nguyện tại Bức tường Than khóc, nơi thánh thiêng nhất của Do Thái giáo sau Núi Đền Thánh (Har haBáyit), và đến Bethlehem, nơi Chúa Kitô sinh ra, một trong những địa điểm linh thánh nhất của Kitô giáo.
Tuy nhiên, vị Rabbi cũng ý thức rằng chuyến viếng thăm này sẽ là một “thách đố thực sự”: quả thực người Israel và người Palestine, người Do Thái, Kitô hữu và người Hồi giáo đang chờ đợi rất nhiều nơi Đức giáo hoàng Phanxicô. Hồi tháng Giêng, Rabbi Skorka đã phát biểu tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana về chuyến đi này: “Điều tôi mong đợi, điều tôi cầu xin Thiên Chúa, và điều tôi hết lòng hy vọng, trong sự thận trọng và hiểu biết – bởi vì các cư dân của miền đất này… có quá nhiều khổ đau – là Đức giáo hoàng sẽ đem đến một thông điệp hòa bình và truyền cảm hứng hoà bình cho mọi người (...) Rõ ràng là điều này chẳng dễ dàng”. Và Rabbi nói thêm: “Không thể giải quyết hết mọi vấn đề, điều đó không thể được. Nhưng tôi hy vọng ngài sẽ để lại một dấu chỉ hòa bình cho các dân tộc”.
Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ xuất hiện trước cử toạ gồm người Do Thái, Kitô hữu và người Hồi giáo, cùng với hai người bạn cũ của ngài thuộc Viện Đối thoại Buenos Aires. Vị Trưởng lão Hồi giáo Omar Abboud giải thích: “Sáng kiến này, theo hướng bản sắc dân tộc chúng tôi, là kết quả do nhiều nhà chức trách và lãnh đạo tôn giáo cẩn thận vun trồng, nhờ sự thúc đẩy của Đức hồng y Bergoglio vào thời bấy giờ, đã kiến tạo nên không gian cho nền văn hóa gặp gỡ được nảy sinh”. Tuy nhiên Omar Abboud cũng thận trọng nhấn mạnh: “Dĩ nhiên, Buenos Aires nằm ở bên kia trái đất, cách xa với những căng thẳng ở Trung Đông hàng ngàn kilômét”. Nhưng có nhiều điều người ta mong đợi nơi cuộc đối thoại này: “Đối thoại giữa các tôn giáo không phải đơn thuần là một “buổi trình diễn trước ống kính”. Trái lại, đó là một sự dấn thân đích thực và có nền tảng vững chắc, một cuộc dấn thân đang được xây dựng, bởi vì chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể tiến bước nếu không có cuộc đối thoại này”.
Đối thoại và cầu nguyện: đó là hai cột trụ thiết yếu đối với Đức Tổng giám mục Bergoglio cũng như với Đức giáo hoàng Phanxicô. Omar Abboud cho biết Đức Tổng giám mục Bergoglio đã ý thức được tính chất “phòng ngừa” của việc đối thoại như thế nào. Chẳng hạn hồi tháng 11/2012, khi có sự căng thẳng bạo lực giữa Israel và Palestine, vị Giáo hoàng tương lai đã mời người Do Thái, người Hồi giáo, Tin Lành và Chính Thống Hy Lạp đến Nhà thờ chính toà Buenos Aires để cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình.
(Nguồn: http://fr.lpj.org)
Minh Đức
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô