Mình Máu thánh Chúa Giêsu theo thánh Gioan

Mình Máu thánh Chúa Giêsu theo thánh Gioan

Mình Máu thánh Chúa Giêsu theo thánh Gioan

MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊSU THEO THÁNH GIOAN

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

WHĐ (06.06.2023) – Là người Do Thái, thánh Gioan rất rành rọt về các ngày lễ của tôn giáo mình. Do đó khi viết Tin mừng thứ Tư, Gioan đã rất để ý đến tính chất “hội nhập văn hóa tôn giáo” để giới thiệu Đức Giêsu. Chẳng hạn sứ vụ của Đức Giêsu được Gioan đặt để trong năm ngày lễ rất quan trọng của người Do Thái:

- Tuần Lễ khai mạc,

- Lễ Vượt Qua thứ nhất,

- Lễ Vượt Qua thứ hai về diễn từ Bánh Hằng Sống,

- Lễ Lều

- Và sau cùng là lễ Cung Hiến Đền Thờ.

Liệt kê như thế để cho thấy tầm quan trọng của diễn từ Bánh hằng sống như là trung tâm của sứ vụ loan báo Tin mừng, mà chúng ta đang bàn ở đây.

Thực vậy, Gioan từ từ đưa người đọc vươn đến chính Đức Giêsu như là bánh trường sinh. Cần lui lại một chút về truyền thống Do Thái mừng ngày lễ Vượt qua bên Ai Cập. Đó là đêm dân Chúa ăn bánh không men, giết chiên (cừu) để ăn bữa tối cuối cùng ở Ai Cập. Bên cạnh đó, họ lấy máu chiên bôi lên cửa như là dấu chỉ để thiên thần Chúa giữ gìn. Trong đêm hôm đó, ai cũng ăn trong hối hả để sẵn sàng lên đường trở về quê cha đất tổ. Đó là dấu mốc lịch sử vốn giải phóng dân khỏi ách lưu đày.

Sau khi vượt Biển Đỏ, dân tiếp tục được Thiên Chúa đồng hành trong 40 năm nơi sa mạc. Đức Chúa nuôi dân bằng bánh Manna. Câu hỏi của con cái Israel “Manna-cái gì đây?” đã cho thấy tính cách huyền nhiệm của nó. Trong Tân ước, Đức Giêsu dùng Manna để chỉ “Bánh Bởi Trời, Bánh Trường Sinh” – là chính Người, ban cho các tín hữu trong Bí Tích Thánh Thể (Ga 6,32-35). Họ ăn manna miễn phí và đã đủ sức hồi hương. Khi vào Đất Hứa, hằng năm dân Chúa đều tưởng nhớ đến những biến cố vừa kể trên. Họ tạ ơn và chúc tụng Đức Chúa đã chăm sóc và cho dân được tự do.

Khi mặc lấy tâm tình tự hào với những biến cố này, thánh Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu như là người Do Thái sùng đạo. Hơn nữa, từ văn hóa tôn giáo này, Đức Giêsu đã nhận mình là bánh hằng sống từ trời xuống (Ga 6,54). Có lẽ đây là lần hiếm hoi và đầu tiên Đức Giêsu định nghĩa về chính mình (Tôi là bánh hằng sống - ego eimi). Để hiểu rõ định nghĩa này, chúng ta phân tích sâu hơn ở đây.

1. Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu

Sau khi hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, Đức Giêsu càng nổi tiếng. “Theo ông Giêsu, chúng ta không sợ chết đói.” – dân chúng nghĩ thế. Họ cố tìm gặp lại Đức Giêsu. Là người có mặt trong những phép lạ này, thánh Gioan đã thuật lại chi tiết những gì Đức Giêsu mặc khải về chính mình. Với ngôn ngữ hình tượng và xác thực nhất, Đức Giêsu đã khiến nhiều người “sốc”: Họ cần ăn thịt và uống máu của Đức Giêsu mới được sống muôn đời. Đức Giêsu cho thấy dân chúng ngày xưa ăn bánh từ trời, nhưng họ đã chết. Còn những ai ăn thịt và uống máu Đức Giêsu, Đấng từ trời đến, sẽ được sống muôn đời.  

Thực ra Gioan dùng cụm từ “bánh từ trời” để ám chỉ mình và máu Chúa Giêsu, nhưng dân chúng chưa hiểu lắm. Thậm chí Chúa Giêsu phải nói đến 6 lần về bánh từ trời, nhưng các môn đệ cũng chẳng hiểu[1]. Dân càng ngạc nhiên vì làm sao Đức Giêsu người trần mắt thịt lại đến từ trời cao. Nhanh chóng Đức Giêsu nói rõ cho họ biết ý nghĩa của bánh trường sinh: “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi, để cho thế gian được sống.” (Ga 6, 51). Đây là câu đầu tiên Gioan đề cập đến thịt Đức Giêsu (σάρξ-sarx). Gioan thuật lại: Đức Giêsu là bánh (ἄρτος), vốn từ trời đến. Bánh này cần cho mọi người, nhất là những ai muốn có sự sống muôn đời (αἰῶνα). Đây là bánh không phải do công trạng con người mà chúng ta nhận được, nhưng là quà tặng (δώσω) vô điều kiện của Thiên Chúa. 

Lúc Đức Giêsu nói những lời trên, các môn đệ và dân chúng đều hiểu theo nghĩa đen. Hẳn nhiên với thân xác người phàm, Đức Giêsu không lấy thịt và máu mình cho họ ăn được! Đức Giêsu cần một biến cố quan trọng để hoàn thành lời nói trên: Thập giá. Ngài đã chịu chết trên cây thập tự. Lúc này, Đức Giêsu trở nên con chiên bị đem đi làm thịt. Hiểu theo nghĩa này, Đức Giêsu đã trở thành thịt và máu làm của ăn và của uống cho muôn người. Ở đây, chúng ta hiểu theo nghĩa bí tích, nghĩa là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng mà Đức Giêsu lập và ủy thác cho Hội Thánh để trao ban sự sống thần linh cho con người (GLHTCG 1131). Ở đây là bí tích Thánh Thể, là chúng ta cần: “Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu”.

2. Cách thế để trở nên Thiên Chúa”

Thánh Irénée đã nói về Đức Kitô rằng: “Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người”. Hoặc nói rõ hơn như lời thánh Clément (Alexandrie) và Grégoire (Naziance): “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”. Thánh Gioan đã diễn tả góc nhìn thần học của mình khi viết rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,56). Gioan dùng động từ “cư ngụ, ở lại - μένει và trong- ἐν” rất khác so với tin mừng Nhất Lãm. Chẳng hạn có lần Đức Giêsu nói: Anh em ở lại đây (meinate-μείνατε) mà canh thức với Thầy” (Mt 26,38; Mc 14,34). Hẳn nhiên, chúng ta cảm nhận hai chủ thể tách rời. Tuy “ở lại”, nhưng giới từ của Tin mừng Nhất Lãm hẳn nhiên khác với Gioan, vốn “ở trong”. Gioan rất thích dùng giới từ này để cho thấy Thiên Chúa có thể ở trong chúng ta; và ngược lại, chúng ta cũng có thể ở trong Thiên Chúa[2]. Hiểu về chiều kích không gian, chúng ta có thể nói được thông dự vào bản tính thần linh của Thiên Chúa. 

Khi ở trong Chúa, chúng ta cũng có thể nói như thánh Phaolô: “Không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Gioan diễn tả những lời này bằng một dụ ngôn khác: “Cây nho thật”. Chỉ những ai liên kết với thân nho, ở lại với cây nho thì có sự sống và sinh nhiều hoa trái. Riêng đoạn này (Ga 15,1-17) Gioan đã dùng đến 10 lần “ở lại, ở trong” để nói lên tính chất hiệp thông với Thiên Chúa. Sự thông hiệp này được hiểu rõ hơn trong Bí tích Thánh Thể, với Mình và Máu Chúa Giêsu làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Ngoài cách thể hữu hiệu này, dường như chúng ta không còn cách nào tốt hơn để “trở nên giống Thiên Chúa” hoặc “được ở lại trong Thiên Chúa”. Điều này có thể hiểu được với giải thích của thánh Phêrô: “Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). 

Một trong những món quà cao cả nhất đó chính là nghi thức bẻ bánh hoặc sau này chúng ta gọi là Thánh Lễ. Hẳn nhiên, bốn Tin mừng không đề cập nhiều đến Thánh lễ. Trong khi đó cả bốn tác giả đều nói nhiều đến bánh hằng sống, đến Mình Máu thánh Chúa Kitô. Thực ra, lúc đầu Giáo hội cử hành nghi thức bẻ bánh vào “ngày của Chúa”. Chẳng hạn từ thế kỷ thứ 2, Giáo hội tin rằng: “Một lời tạ ơn, một thân xác của Chúa Giêsu Kitô, một chén máu liên kết chúng ta” (Philadelphia, c.4). Trước nhiều tranh luận về tính “hiện tại của thánh lễ hoặc nghi thức bẻ bánh”, thần học Công giáo vẫn xác tín về sự hiện diện thực sự, hy tế, và sự chuyển bản thể trong thánh lễ. Hiểu theo nghĩa này, Gioan đã cho thấy Thiên Chúa vẫn nuôi dân bằng chính thịt và máu của Ngài trong mỗi thánh lễ. Những ai đón rước Mình Máu Thánh Chúa vào tâm hồn, họ càng được ở gần Chúa, được ở trong Thiên Chúa, thậm chí được nên “giống như Chúa”.

3. Rước Mình Máu Thánh Chúa

Không ai nhìn ngắm của ăn lại no lòng thỏa dạ. Khi đói khát, chúng ta phải ăn uống. Từ kinh nghiệm sống còn này, thánh Gioan ghi lại nguyên văn đề nghị của Đức Giêsu: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” (Ga 6,53-55). Sau cái chết của Đức Giêsu, câu nói này không còn mang ý nghĩa ẩn dụ nữa, nhưng là thực tế. Hoặc nói như thần học gia người Úc, Leon Lamb Morris: “Việc rước Mình và Máu thánh Đức Giêsu là hành động tối quan trọng để linh hồn chúng ta được cứu độ. (Ga 3,16, Gioan nhấn mạnh đến việc tin vào Đức Giêsu). Cái chết của Đức Kitô mở đường cho sự sống. Từ đây, con người bước vào con đường đó bằng chính đức tin. Ăn thịt và uống máu Chúa là một cách nói điển hình về hành động của đức tin[3].

Trong câu nói trên, tôi rất thích cách lý giải của Đức Bênêđictô XVI: “Làm thế nào Chúa Giêsu có thể ban Mình và Máu Người? Bằng cách biến đổi bánh thành Thân xác Người và rượu thành Máu Người, và Người ban Mình Máu Người trước khi chịu chết, Người đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.” (bài giảng 21–8–2005).

Trong lịch sử đã luôn có những người hồ nghi về việc bánh rượu hóa nên Mình Máu Chúa. Thậm chí nhiều người lên rước lễ cũng chẳng thể nào tin mình đang ăn thịt và uống máu Đức Giêsu. Thú vị là nhiều phép lạ đã xảy ra ở nhiều nơi quanh bí tích Thánh Thể này. Người ta đã chứng kiến bánh rượu hóa nên thịt và máu thật của một con người. Khoa học y khoa đã vào cuộc để phân tích ngọn ngành. Chẳng hạn phép lạ Thánh Thể tại Ba Lan năm 2008. Bánh lễ với vết giống vết máu được gửi đi khám nghiệm nơi hai chuyên gia độc lập. “Sau khi kiểm tra kỹ càng, kết quả hai cuộc xét nghiệm giống nhau cách hoàn hảo. Đó là: mẩu Bánh được xác định có chứa mảnh cơ tim của một người đang hấp hối. Mảnh của tế bào tim và các mảnh nhỏ bột bánh không men quấn vào nhau cách chặt chẽ, điều mà con người không tài nào làm được!”[4]

Không chỉ từ những chứng thực về y khoa, nhưng về chiều kích thần linh, thánh Gioan đã không ngần ngại viết về mầu nhiệm Thánh Thể này. Đức Giêsu đã mượn bánh và rượu để hóa thân thành Mình Và Máu để nuôi dưỡng từng tâm hồn. Để nói lên tầm quan trọng của Bí tích này, thánh Gioan Vianney nhắn nhủ rằng: “Không rước lễ thì giống như chết khát bên dòng suối”. Điều này cũng tương tự như vài ví dụ sau:

- Nhìn ngắm một mâm cơm hấp dẫn thì không bao giờ thỏa mãn cơn đói của chúng ta.

- Ngồi phân tích thành phần của bữa tiệc thì không thỏa mãn cơn đói của chúng ta.

- Chụp hình, selfie một mâm cao cỗ đầy thì vẫn chưa no thỏa cơn đói của chúng ta.

- Chia sẻ với người khác về thức ăn đồ uống thì không thỏa mãn cơn đói của chúng ta.

- Thậm chí buôn bán đồ ăn thức uống thì không thỏa mãn cơn đói của chúng tôi.

Tóm lại, không có gì thỏa mãn cơn đói và mang lại sự sống cho chúng ta, ngoại trừ chúng ta ăn uống những gì mình thấy. Chỉ có ai ăn uống mới sống khỏe mạnh. Cũng vậy, chỉ có ai ăn thịt và uống máu Đức Giêsu thì mới có sự sống muôn đời. Đây có thể nói là nhãn quan thần học của Gioan về Chúa Giêsu như là Bánh Hằng Sống, như là trung tâm của chương thứ 6 trong Tin mừng Gioan (x. Lumen Gentium 1.) Với Bí tích Thánh Thể, chúng ta được cứu độ ở đây và lúc này.

Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa đã trao ban Mình Máu Ngài cho con nơi Bí Tích Thánh Thể. Ngài đã trở nên của ăn thần linh nuôi sống con trên cuộc đời dương thế. Con mời Chúa vào tâm hồn con lúc này. Nhờ đó, Mình Máu Thánh Chúa thánh hóa cuộc đời con nên nhân chứng giữa đời. Amen.

Top